Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại cổ phần á châu chi nhánh hoàng cầu giai đoạn 2018 – 2020 (Trang 60 - 66)

CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Á CHÂU CHI NHÁNH HOÀNG CẦU

2.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Á CHÂU - CHI NHÁNH HOÀNG CẦU

2.3.2. Những hạn chế và nguyên nhân

Trong thời gian vừa qua, hoạt động tín dụng doanh nghiệp của chi nhánh Hoàng Cầu đã được thực hiện khá tốt và mang lại những kết quả đáng nổi bật trong hệ thống ngân hàng ACB. Bên cạnh đó, chi nhánh vẫn còn tồn tại những hạn chế trong hoạt động tín dụng doanh nghiệp tại chi nhánh chưa được xử lý triệt để. Chính vì vậy, ACB chi nhánh Hoàng Cầu cần có những biện pháp nhằm duy trì các chỉ tiêu đồng thời xử lý những chỉ tiêu hạn chế để nâng cao hơn nữa chất lượng tín dụng doanh nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể:

- Về đối tượng cho vay: ACB chi nhánh Hoàng Cầu vẫn đang tập trung vào lượng khách hàng chiến lược là các công ty cổ phần, TNHH, công ty hợp danh nhưng chưa tập trung đều cả vào các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác. Những khách hàng đó có thể vẫn còn nhỏ lẻ hoặc có những nghi vấn về ngân hàng mình nên chưa giao dịch và quan hệ với ngân hàng mình.

- Về tỷ lệ nợ xấu và nợ quá hạn đối với tín dụng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự đạt được kết quả tốt, giai đoạn 2018 – 2019 có xu hướng giảm khá tốt, tuy nhiên đến cuối năm 2019 và năm 2020 tình hình kinh tế bị ảnh hưởng với dịch Covid – 19 dẫn đến 2 tỷ lệ này tại chi nhánh đang có xu hướng tăng.

- Về cơ cấu dư nợ theo thời hạn, dư nợ cho vay trung dài hạn của ngân hàng dành cho KHDN khá thấp, trong khi đó các doanh nghiệp đang rất cần nguồn vốn này để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài, đầu tư mua sắm tài sản cố định, mở rộng quy mô hoạt động hay đầu tư sản xuất,...

- Về cơ cấu dư nợ tín dụng theo ngành nghề kinh tế của chi nhánh đang thực hiện phân bổ dư nợ giữa các ngành trong nền kinh tế vẫn chưa đồng đều, đang chỉ tập trung vào 3 ngành mũi nhọn là: thương mại – dịch vụ; sản xuất, gia công chế biến, chế tạo công nghiệp; thi công xây lắp. Các ngành còn lại đang chiếm tỷ trọng khá nhỏ và có những ngành đang có xu hướng giảm dần dư nợ theo từng năm.

- Về hạn mức cấp tín dụng của chi nhánh còn khá thấp so với các ngân hàng khác.

Do chi nhánh khi thẩm định chỉ định giá 90% giá trị của TSBĐ và chỉ cấp một hạn mức bằng 90% giá trị chi nhánh đã định giá. Việc cấp hạn mức này hiện tại đang thấp hơn các ngân hàng khác và các tổ chức tín dụng trên khu vực địa bàn.

- Thu nhập từ hoạt động tín dụng qua các năng theo giai đoạn 2018 - 2020 đều tăng qua các năm nhưng tốc độ tăng chưa lớn thể hiện chi nhánh vẫn còn những hạn chế về các mặt và vẫn chưa khai thác được hiệu quả các doanh nghiệp trên khu vực địa bàn.

- Về thời gian xử lý hồ sơ, thời gian xử lý một bộ hồ sơ tín dụng doanh nghiệp của chi nhánh tốn khá nhiều thời gian, bất tiện cho khách hàng. Quy trình tín dụng chặt chẽ vừa là ưu điểm của chi nhánh nhưng cũng đang là nhược điểm của chi nhánh.

- Chi nhánh Hoàng Cầu chưa thực sự đẩy mạnh về các chính sách ưu đãi dành cho khách hàng. Cụ thể đối với đối tượng KHDN, các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng tại chi nhánh phải đáp ứng được các yêu cầu khá cao của chi nhánh (yêu cầu về thời gian hoạt động, doanh thu, lợi nhuận, dòng tiền, tài sản đảm bảo ). Điều kiện để được cấp tín dụng của chi nhánh là rất cao đối với các doanh nghiệp mới thành lập. Đối tượng doanh nghiệp mới thành lập có thể cho là đối tượng khách hàng vô cùng tiềm năng đối với chi nhánh nhưng chưa được đẩy mạnh khai thác triệt để.

b. Nguyên nhân Nguyên nhân chủ quan:

- Chính sách tín dụng đối với KHDN chưa phù hợp với các doanh nghiệp theo từng thời điểm. Chính sách bao gồm các quy trình, thủ tục cho vay của chi nhánh chưa thực sự linh hoạt. Có thể về thời gian định giá, thẩm định lâu làm mất đi các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Hoạt động marketing của chi nhánh mới chỉ dừng lại ở quảng cáo các sản phẩm đến khách hàng chứ chưa thực sự thực hiện xuất phát từ nghiên cứu nắm bắt nhu cầu của khách hàng.

- Chính sách thẩm định của chi nhánh vẫn chưa thực sự hiệu quả thể hiện ở việc vẫn còn doanh nghiệp kê sai thông tin, sử dụng vốn vay sai mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng. Điều này chứng tỏ chính sách thẩm định trong các bước của doanh nghiệp vẫn còn nhiều lỗ hổng.

- Cơ chế đảm bảo tiền vay chưa được linh hoạt thông qua TSBĐ của doanh nghiệp.

Có thể là do khẩu vị của ACB là rủi ro an toàn nên ngân hàng đang định hướng hạn chế cho vay tín chấp, 100% thế chấp. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu hoặc không có tài sản thế chấp. Các quy trình, từng bước chuẩn bị hồ sơ cho vay còn nhiều phức tạp và tốn thời gian. Điều đó có thể dẫn đến việc chi nhánh có thể đã bỏ qua cơ hội kinh doanh hiệu quả với nhiều nguồn khách hàng tiềm năng.

- Cơ cấu tín dụng doanh nghiệp theo thời hạn chưa hợp lý: Việc tập trung vào tín dụng ngắn hạn có sự an toàn cao để giảm thiểu được rủi ro tuy nhiên việc này khiến cho chi nhánh bị hạn chế nguồn thu nhập từ tín dụng dài hạn, bỏ lỡ nhiều dự án có khả năng sinh lời cao. Một phần do khẩu vị của ngân hàng chỉ đang chú trọng vào tín dụng ngắn hạn nên đang bị ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh của chi nhánh.

- Việc kiểm tra, rà soát các khoản tín dụng tuân thủ các chính sách, chiến lược còn chưa được siết chặt, nhiều sai sót chưa được giải quyết kịp thời, do khối lượng khách hàng đông, khối lượng công việc nhiều dẫn đến kiểm tra các khoản tín dụng đôi khi còn mang tính hình thức và chưa thực sự hiệu quả đối với chi nhánh.

- Thiếu thông tin tín dụng của doanh nghiệp: Để đảm bảo được cho khoản tín dụng cấp cho KH nhanh hơn, chi nhánh cần phải có quá trình thu thập và phân tích các thông

tin cần thiết của khách hàng một cách cụ thể và khách quan nhất thông qua cơ quan thuế của Nhà nước, CIC ( tổ chức tín dụng),… Mặt hạn chế tồn tại ở việc tìm kiếm thông tin sơ sài, rời rạc, chưa chính xác mang tính chủ quan gây khó khăn cho việc thẩm định và đưa ra quyết định cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

- Năng lực, trình độ của một số nhân viên tín dụng của chi nhánh vẫn còn nhiều hạn chế về các khía cạnh: Năng lực dự báo, trình độ đánh giá, phân tích và xử lý các tình huống hoạt động còn yếu, đôi khi mang tính chủ quan, lơ là, yếu kém. Một số nhân viên tín dụng còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn trong việc thẩm định khách hàng, nắm bắt tâm lý khách hàng gây ra khó khăn trong việc mở rộng tín dụng doanh nghiệp tại chi nhánh.

- Nhân viên tín dụng chưa thực sự chú trọng khai thác triệt để công tác tư vấn cho khách hàng để hoàn thiện phương án vay vốn, sản xuất kinh doanh có hiệu quả mà các nhân viên tín dụng thường chỉ đơn thuần thúc giục, nhắc nhở khách hàng doanh nghiệp cung cấp các giấy tờ cần thiết, tuân thủ các thủ tục, làm việc máy móc.

- Một bộ hồ sơ tín dụng doanh nghiệp của khách hàng phải đi qua quá nhiều bộ phần xử lý và thời gian thẩm định rất lâu nên đã gây ra không ít rắc rối hoặc mất đi cơ hội cho khách. Doanh nghiệp cần được giải ngân gấp để thực hiện thanh toán hợp đồng hoặc đầu tư nhưng lại vướng vào các thủ tục của ngân hàng rất lằng nhằng mà ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận cũng như uy tín của doanh nghiệp.

Nguyên nhân khách quan:

- Đối tượng KHDN có nhu cầu vẫn còn có quy mô vốn tự có nhỏ, năng lực tài chính còn yếu kém, chưa đủ khả năng để đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo tiền vay của chi nhánh. Hầu hết các doanh nghiệp được thành lập mới do vốn tự có của chủ doanh nghiệp hoặc nhân thân của họ chính vì vậy quy mô vốn tự có của doanh nghiệp thường khá nhỏ, khả năng tài chính chưa tốt, phụ thuộc và dễ bị ảnh hưởng nên nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn vay do không đáp ứng được yêu cầu về TSBĐ hay thời gian hoạt động kinh doanh trên thị trường.

- Nhân sự của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về kỹ năng quản lý, chưa trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, thực hiện các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa chuyên nghiệp.

- Một vài khách hàng doanh nghiệp vẫn còn hiện tượng cố ý sử dụng sai mục đích vay vốn, lợi dụng việc thực hiện giám sát chưa chặt chẽ của chi nhánh, lợi dụng lòng tin, sự lơ là của nhân viên tín dụng đầu tư vào những dự án bất hợp pháp, không theo cam kết với chi nhánh.

- Hệ thống quy phạm pháp luật chưa được đồng bộ, vẫn còn mâu thuẫn: Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần thay đổi và thực hiện điều chỉnh độc lập theo từng vấn đề riêng.

Tuy nhiên, hệ thống pháp lý vẫn còn những điểm chưa đồng bộ các yêu cầu giữa các hoạt động ngân hàng liên quan tới nhau và quy phạm chưa hoàn toàn phù hợp với môi trường cạnh tranh giữa các NHTM hiện nay.

- Môi trường kinh doanh và tình hình kinh doanh chưa thực sự ổn định: Trong nền kinh tế cạnh tranh gay gắt hiện nay, các doanh nghiệp phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức hơn. Bên cạnh đó, giai đoạn 2019 -2020 nước ta bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19 khiến cho các doanh nghiệp bị đình trệ sản xuất kinh doanh, ngân hàng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vấn đề này.

- ACB – chi nhánh Hoàng Cầu phải đối mặt, cạnh tranh với nhiều ngân hàng nhà nước, ngân hàng TMCP khác trên cùng địa bàn. Mỗi ngân hàng sẽ có những lợi thế riêng cho mình mà các ngân hàng khác đều có các chính sách thu hút hấp dẫn về lãi suất cạnh tranh với nhau, điều này sẽ dần đến nguy cơ nguồn khách hàng của chi nhánh bị thu hẹp lại.

- Hoạt động marketing của chi nhánh vẫn đang gặp nhiều khó khăn và mang tính chất bị động. Chi nhánh hiện tại vẫn đang tập trung nhiều vào lượng khách hàng hiện hữu, chưa chăm sóc lượng khách hàng này hiệu quả. Các công tác tiếp thị sản phẩm, cho vay đến các doanh nghiệp vẫn mang tính chủ quan và bị động chưa tận dụng được các trang web hay mạng xã hội, chỉ thông qua phương án “khách hàng giới thiệu khách hàng”

nhưng chưa được thực sự hiệu quả. Đối với những khách hàng mới, các hoạt động tư vấn, telesales vẫn chưa đc đẩy mạnh bối cảnh cạnh tranh hiện nay.

TÓM TẮT CHƯƠNG 2

Qua những phân tích, thu thập, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh nêu trên của Ngân hàng TMCP Á Châu chi nhánh Hoàng Cầu nói chung và tình hình, về dư nợ tín dụng doanh nghiệp của chi nhánh trong giai đoạn 2018 – 2020 vẫn đang có xu hướng tăng, tuy nhiên chất lượng tín dụng doanh nghiệp của ACB chi nhánh Hoàng Cầu nói riêng trong giai đoạn 2018 – 2020 có xu hướng không được tốt về tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của chi nhánh đang có xu hướng tăng do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh toàn cầu và do chính sách tín dụng chưa được phù hợp. Chương 2 đã chỉ ra những mặt hạn chế còn tồn tại, các nguyên nhân của những mặt còn tồn tại, bất cập trong hoạt động TDNH, để có thể đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng TDNH tại chi nhánh Hoàng Cầu trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại cổ phần á châu chi nhánh hoàng cầu giai đoạn 2018 – 2020 (Trang 60 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)