Các thời kỳ phát triển của triết học Immanuel Kant

Một phần của tài liệu Triết học đạo đức của immanuel kant và ảnh hưởng của nó đối với triết học đức thế kỷ XIX (Trang 38 - 55)

Chương 1: KHÁI QUÁT QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC

1.2. Các thời kỳ phát triển của triết học Immanuel Kant

Triết học Kant phát triển qua hai thời kỳ chính là thời kỳ “tiền phê phán” (1746 - 1769) và thời kỳ “phê phán” (1770 - 1804). Thời kỳ “tiền phê phán”, Kant nghiên cứu chủ yếu các vấn đề toán học, khoa học tự nhiên và ông đã có nhiều phát minh nổi tiếng về các lĩnh vực này. Thời kỳ

“phê phán” là thời kỳ ông có nhiều đóng góp to lớn cho kho tàng triết học cổ điển Đức nói riêng và triết học thế giới nói chung.

Thời kỳ “tiền phê phán” (“Vorkritiksche Periode”), tư tưởng triết học của Kant chịu ảnh hưởng nhiều bởi quan niệm duy tâm và thần học của Gottfried Wilhelm Leibniz (1646 - 1716) và Christian Wolff (1679 - 1754). Về sau các quan niệm duy vật máy móc của Newton và Descartes có ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của ông hơn. Từ năm 1755, với sự ra đời của tác phẩm “Lịch sử tự nhiên đại cương và thuyết bầu trời, hay là thử trình bày kết cấu và nguồn gốc cơ học của toàn bộ vũ trụ theo những nguyeân taéc cuûa Newton” (“Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels, oder Versuch von der Verfassung und dem mechanischen Ursprunge des ganzen Weltgebaeudes nach Newtonischen Grundsaetze

abgehandelt”), Kant đã xây dựng được một thế giới quan độc lập của riêng mình.

Leibniz và Wolff là những đại biểu thuộc thế hệ thứ hai của những nhà triết học khai sáng Đức. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về phương pháp nghiên cứu và nội dung cụ thể trong vấn đề nhận thức luận và vũ trụ luận, nhưng trong lĩnh vực siêu hình học, cả hai ông đều công nhận sự tồn tại của Thượng đế và cho rằng giữa lý trí và niềm tin không có sự mâu thuẫn. Theo Leibniz và Wolff, Thượng đế là một thực thể tất yếu, là nguyên tắc của sự hài hòa. Thượng đế có linh hồn bất tử.

Trong thời kỳ “tiền phê phán”, những quan điểm trên của Leibniz và Wolff đã gợi mở cho Kant nhiều vấn đề trong việc tìm kiếm bằng chứng chứng minh cho sự tồn tại của Thượng đế. Kế thừa tinh thần của Leibniz và Wolff, trong bài viết năm 1763 về “Cơ sở chứng minh duy nhất có thể có cho việc chứng minh sự hiện hữu của Thượng đế” (“Der einzig moegliche Beweisgrund zu einer Demonstration des Dasein Gottes”), Kant cho rằng thực thể tất yếu là cái tinh thần (Geist). Trí năng (Verstand) và ý chí (Wille) của cái tinh thần là cơ sở của sự trật tự, của cái đẹp và là sự hoàn hảo của thế giới. Mọi sự sống cũng như mọi quyền lực thiếu sự điều khiển của trí năng và ý chí của một thực thể tất yếu là điều khó có thể tưởng tượng [90, 45].

Thực thể tất yếu đó chính là Thượng đế. Thượng đế là một thực thể tất yếu vô điều kiện (ein schlechterdings notwendiges Wesen). Thượng đế là sự thống nhất trong bản chất của nó (einig in seinem Wesen), là một thực thể đơn giản (einfache Substanz), là cái tinh thần (ein Geist). Thượng

đế tồn tại vĩnh cửu trong thời gian (ewig in seiner Dauer), bất biến trong đặc tính của nó (unveraenderlich in seiner Beschaffenheit), phổ biến trong mọi khả năng và hiện thực (allgenugsam in Ansehung alles Moeglichen und Wirklichen) [90, 46].

Trong tác phẩm này, Kant đặc biệt quan tâm tới quan điểm của nhà triết học Wolff về bằng chứng chứng minh cho sự tồn tại của Thượng đế.

Kant cho rằng luận điểm đầu tiên của Wolff: nếu có gì đó tồn tại, thì cũng tồn tại cái gì đó không phụ thuộc vào cái khác, có thể chấp nhận được, nhưng lập luận tiếp theo của Wolff: cái không phụ thuộc này là thực thể tất yếu vô điều kiện, là không đáng tin cậy [90, 173 - 174].

Kant đồng ý với phương pháp của Wolff là dùng nguyên tắc nhân quả để chứng minh cho sự tồn tại tiên thiên hoàn hảo của Thượng đế, theo đó mọi sự tồn tại và phát triển của vạn vật trong vũ trụ đều có nguyên nhân của nó. Nhưng nguyên nhân đó không phải do suy luận của những khái niệm trí năng (như quan điểm của Wolff), mà nằm trong tính mục đích của tự nhiên. Theo Kant, sự tồn tại có trật tự hài hòa, thống nhất tuân theo những qui luật nhất định của tự nhiên, chứng tỏ rằng phải có một hữu thể tất yếu, vô điều kiện điều hành, đó là Thượng đế [90, 180 -181].

Dựa trên những thành tựu của khoa học tự nhiên, đặc biệt là của thiên văn học thế kỷ XVI – XVII và định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, Kant đã nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của trái đất cũng như mối quan hệ giữa mặt trăng và sự tự quay của trái đất. Kant kết luận rằng trái đất quay tự do xung quay trục của nó, nhưng do sức hút của mặt trăng đối với thể lỏng trên bề mặt trái đất nên sự tự quay của trái

đất bị chậm lại. Sức hút này tác động theo tỷ lệ thuận với khối lượng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa mặt trăng và trái đất.

Tuy nhiên, khác với quan điểm của Newton cho rằng quán tính là thuộc tính cơ bản của mọi vật thể, vì vậy mọi vật thể sẽ duy trì trạng thái đứng im hay chuyển động thẳng đều cho tới khi nó thoát ra khỏi trạng thái đó do tác động của một lực bên ngoài, Kant khẳng định rằng vận động bắt đầu do có sự hiện diện của lực đẩy và lực hút vốn có ở bản thân vật chất.

Với nhận định này, Kant đã không cần đến “cú hích đầu tiên” của Thượng đế để lý giải nguyên nhân của vận động. Đánh giá về ý nghĩa tác phẩm “Lịch sử tự nhiên đại cương và thuyết bầu trời” của Kant, Engels viết: “Can -tơ đã mở đầu sự nghiệp khoa học của ông bằng việc biến thái dương hệ vĩnh viễn và bất biến của Newton, - sau khi đã có cái hích đầu tiên nổi tiếng kia, - thành một quá trình lịch sử: đó là quá trình xuất hiện mặt trời và tất cả mọi hành tinh từ khối vân tinh đang xoay chuyển. Từ đó, ông đã rút ra được cái kết luận là sự nảy sinh của thái dương hệ cũng giả định sự tiêu vong tất yếu của nó trong tương lai” [39, 39].

Kant đã đưa ra quan điểm biện chứng về tự nhiên khi khẳng định rằng, cần phải hiểu toàn bộ giới tự nhiên trong toàn bộ tính vô cùng tận của nó như một hệ thống duy nhất. Thế giới hiện nay là kết quả của quá trình lịch sử phát triển lâu dài theo hướng ngày càng hoàn thiện của tự nhiên. Theo qui luật của tự nhiên mọi sự vật trong thế giới chúng ta và toàn bộ vũ trụ nói chung đều nằm trong quá trình phát sinh, phát triển và dieọt vong.

Theo Kant, tất cả các hành tinh, vũ trụ không phải ngay từ đầu đã có được trạng thái tồn tại như ngày nay. Từ thời xa xưa nhất, cả thế giới đều nằm trong trạng thái hỗn hợp. Nhờ lực vạn vật hấp dẫn, các hạt vật chất khuyếch tán khắp không gian đã dần tụ lại thành những đám mây lớn.

Thông qua lực hút và lực đẩy, trong lòng các đám mây đó xuất hiện các luồng gió xoáy làm cho các hạt kết lại theo hình cầu. Do ma sát khi va chạm nên chúng bị nóng. Vì lực hút chiếm ưu thế hơn nên các hạt vật chất kết lại với nhau tạo thành mặt trời và các hành tinh có độ nóng khác nhau tuỳ thuộc mức độ ma sát. Nhưng vì khoảng không vũ trụ quá lớn và do ảnh hưởng của lực đẩy, nên lực hấp dẫn không đủ sức hút tất cả lượng vật chất thành một khối, mà tồn tại nhiều hành tinh độc lập với nhau. Do lực hấp dẫn tỉ lệ thuận với khối lượng, cho nên những hành tinh ở gần mặt trời thì nặng hơn so với các lớp vỏ của chúng. Vũ trụ là một chỉnh thể thống nhất, cho nên, nó sẽ tạo ra những thế giới mới để bù đắp những tổn thất mà nó gánh chịu ở một nơi nào đó [63, 380].

Với những lập luận trên, Kant đã giải thích sự hình thành thế giới theo quan điểm của một nhà duy vật. Thế giới luôn vận động và biến đổi không ngừng. Mọi sự vật đều liên hệ tương tác lẫn nhau thông qua lực hút và lực đẩy. Đánh giá về vấn đề này, Engels đã viết: “Học thuyết của Can- tơ cho rằng tất cả các thiên thể hiện tại đều sinh ra từ những khối vân tinh đang xoay tròn là một thành tựu lớn nhất của khoa thiên văn từ thời Cô- péc-ních đến nay. Lần đầu tiên, cái quan niệm cho rằng giới tự nhiên không có lịch sử trong thời gian, đã bị lung lay” [41, 85].

Nhìn chung, quan điểm của triết học Kant thời kỳ “tiền phê phán”

còn bị ảnh hưởng nhiều bởi những tư tưởng của chủ nghĩa duy lý Tây Âu nói chung và tư tưởng duy tâm thần học của Leibniz và Wolff nói riêng trong việc lý giải vấn đề tồn tại của Thượng đế.

Trong thời kỳ “tiền phê phán” khái niệm nhân quả của Hume chưa được Kant biết đến, vì vậy một nền siêu hình học được xây dựng trên nền tảng lý tính vẫn được ông cho là đúng đắn. Mặc dù cho rằng ngoài luận cứ của mình thì không thể có một luận cứ nào có thể chứng minh được sự tồn tại của Thượng đế một cách thuyết phục hơn, nhưng Kant cũng cho rằng sự chứng minh này bằng con đường khoa học là không cần thiết [90, 83].

Tuy nhiên, trong những vấn đề về khoa học tự nhiên, Kant đã có những bước tiến bộ so với các bậc tiền bối. Với những quan điểm biện chứng về tự nhiên, Kant đã trở thành người đầu tiên phá vỡ những quan niệm siêu hình và phương pháp tư duy siêu hình khi đề cập đến thế giới vật chất cả vô cơ lẫn hữu cơ và “ông đã phá vỡ một cách hết sức khoa học đến mức là hiện nay phần lớn lý lẽ của ông đã dùng để chứng minh vẫn còn có giá trị“ [41, 86].

Thời kỳ “phê phán” (“Kritiksche Periode”), triết học Kant chịu ảnh hưởng mạnh bởi những quan điểm triết học chính thống thời bấy giờ là chủ nghĩa duy nghiệm Anh và chủ nghĩa duy lý châu Âu. Cùng với sự tác động của thực tiễn xã hội Đức và những tư tưởng nhân văn của các nhà Khai sáng Pháp, triết học Kant thời kỳ này đã để lại cho nhân loại nhiều tư tưởng giá trị với sự ra đời của các tác phẩm: “Phê phán lý tính thuần túy”

(1781), “Phê phán lý tính thực tiễn” (1788), “Phê phán năng lực phán đoán” (1790).

Sự thành công của khoa học thực nghiệm đã đem đến nhận thức rằng mọi thực tại đều tuân theo nguyên tắc nhân quả, kể cả bản chất của con người. Phương pháp thực nghiệm nhấn mạnh tối đa vào việc giới hạn tri thức trong lĩnh vực kinh nghiệm và những kết luận tổng quát có thể rút ra bằng qui nạp từ những kinh nghiệm này. Tuy nhiên, với phương pháp qui nạp, khoa học không thể giải thích được các vấn đề siêu hình của cuộc sống con người như sự tự do, sự bất tử của linh hồn và sự tồn tại của Thượng đế.

Theo Hume, mọi nhận thức của con người đều đến từ kinh nghiệm.

Con người không có nhận thức nào về “nhân quả” hay các quan hệ tất yếu vì không thể kinh nghiệm được tính nhân quả, vì vậy con người không thể suy ra hay dự đoán bất cứ sự kiện tương lai nào từ kinh nghiệm. Hume cho rằng, cái mà chúng ta gọi là nhân quả chỉ đơn giản là thói quen liên kết hai sự kiện khi chúng đi cùng với nhau, nhưng điều này không chứng minh cho kết luận rằng các sự kiện này có quan hệ tất yếu với nhau. Từ đó Hume bác bỏ những suy luận qui nạp. Thế nhưng chính khoa học lại được xây dựng dựa trên khái niệm nhân quả và suy luận qui nạp, vì nó giả định rằng nhận thức của chúng ta về các sự kiện riêng biệt trong hiện tại cung cấp cho chúng ta nhận thức chắc chắn về một số vô hạn các sự kiện trong tương lai. Hệ quả lôgíc của thuyết duy nghiệm Hume là không thể có tri thức khoa học, và điều này dẫn tới chủ nghĩa hoài nghi triết học.

Trái ngược với quan điểm trên, chủ nghĩa duy lý - tiêu biểu là Descartes, Leibniz, Wolff - tuy có khác nhau ít nhiều khi đánh giá về vai trò của nhận thức cảm tính - nhưng đều cho rằng tri thức khoa học bắt nguồn từ lý tính. Mặc dù đồng ý với quan điểm của Descartes về “chân lý tất nhiên” của lý tính, nhưng Leibniz vẫn thừa nhận những “chân lý sự thật” bắt nguồn từ kinh nghiệm. Theo Leibniz, kinh nghiệm giác quan đưa lại những hình ảnh của các sự vật, hiện tượng cụ thể. Các sự vật, hiện tượng này không phải là ngẫu nhiên thuần túy mà giữa chúng có mối liên hệ nhân quả xác định. Để có được tri thức khoa học thì ngoài việc tự tìm kiếm trong bản thân những chân lý thuần túy lôgíc, lý trí cần nghiên cứu những “căn cứ” của sự vật.

Khác với Leibniz, Descartes lại cho rằng bằng phương pháp suy diễn toán học có thể có được tri thức khoa học mà không cần tới sự kiểm chứng thực tại. Theo Descartes tri thức khoa học là những tri thức trừu tượng, khái quát, tất yếu và không thể nghi ngờ của “tôi” về bản chất của đối tượng.

Tri thức này không phụ thuộc vào việc đối tượng có thực sự tồn tại ở ngoài

“tôi” hay không, mà chỉ phụ thuộc vào tính tất yếu lôgic trong tư tưởng của

“tôi” khi suy nghĩ về đối tượng.

Với phương pháp tư duy của mình, chủ nghĩa duy nghiệm hoài nghi năng lực nhận thức của con người, công nhận sự thất bại của siêu hình học trong việc lý giải sự tồn tại của một thực thể tối cao và cho rằng về mặt lý thuyết không thể chứng minh được sự tồn tại của thực thể tối cao đó (Thượng đế). Ngược lại, bằng phương pháp tư duy giáo điều chủ nghĩa duy lý lại cho rằng có thể chứng minh được sự tồn tại của Thượng đế và Ngài

là đấng hoàn thiện, toàn năng. Thượng đế chính là nguyên nhân của những tri thức hiển nhiên ở con người, và trước hết là nguyên nhân của chính ý tưởng về Thượng đế trong “tôi” (Descartes).

Để giải quyết bế tắc của những vấn đề trên, triết học phê phán của Kant đã ra đời. Nhiệm vụ của nó là tìm lời giải đáp cho những vấn đề mà cả chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm thời kỳ này đều quan tâm:

thế nào là tri thức khoa học, và có hay không một siêu hình học thực sự khoa học ?

Đánh giá cao quan điểm của các nhà duy nghiệm, đặc biệt là Hume, nhưng Kant cũng khẳng định rằng con người có thể có nhận thức mang tính phổ quát và tất yếu - tức những tri thức khoa học - mà không cần tới kinh nghiệm. Đồng ý với Hume rằng nhận thức của con người bắt đầu với kinh nghiệm, nhưng theo Kant, điều đó không có nghĩa là mọi nhận thức đều bắt nguồn từ kinh nghiệm. Kant cho rằng, Hume đã có lý khi cho rằng chúng ta không kinh nghiệm hay cảm giác được tính nhân quả, nhưng Kant bác bỏ giải thích của Hume rằng nhân quả chỉ là một tập quán tâm lý nối kết hai sự kiện mà chúng ta gọi là nguyên nhân và hậu quả.

Kant tin rằng con người có nhận thức về nhân quả nhờ năng lực phán đoán của trí năng. Kinh nghiệm không thể cho con người thấy mọi thay đổi phải có một nguyên nhân, vì chúng ta chưa có kinh nghiệm về mọi thay đổi. Kinh nghiệm cũng không thể cho con người thấy tương quan giữa các sự kiện là tất yếu, vì cùng lắm kinh nghiệm chỉ có thể cho con người biết một vật là thế này hay thế kia nhưng không thể cho con người biết rằng nó không thể là thế khác. Do đó, kinh nghiệm không thể cho con người nhận

thức về các quan hệ tất yếu hay về tính phổ quát của các mệnh đề. Nhưng trong thực tế con người có nhận thức mang tính phổ quát và tất yếu, nghĩa là những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, cụ thể là trong toán học thuần túy (reine Mathematik) và vật lý học (Physik). Vậy những phán đó được hình thành như thế nào, hay làm thế nào để có thể có được những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm ? (Wie sind synthetische Urteile a priori moeglich ?) [91, 75].

Phân tích các mệnh đề của toán học thuần túy, Kant đi đến kết luận rằng tất cả các tri thức toán học phải thể hiện khái niệm của nó trong trực giác thuần túy (reine Anschauung). Toán học có thể kiến tạo những khái niệm của nó chứ không lệ thuộc vào những đối tượng có sẵn trong thiên nhiên. Lập luận cho nhận định trên, Kant đưa ra ví dụ rằng khi chúng ta nói: “khoảng cách ngắn nhất giữa hai vật thể là một đường thẳng”, thì đấy không phải là kết quả của kinh nghiệm thông qua việc tính toán đo đạc giữa hai vật thể (bởi có những vật thể không thể đo đạc được), mà đấy là nhờ năng lực tưởng tượng của trí năng thông qua trực giác thuần túy là không gian (Raum) và thời gian (Zeit) mà chúng ta có được phán đoán tổng hợp này.

Từ những lập luận trên, Kant đi đến nhận định: tri thức khoa học mà toán học có được phụ thuộc vào năng lực của trí năng (Verstandesvermoegen) chứ không phụ thuộc vào đối tượng, điều đó cũng có nghĩa là tri thức tiên nghiệm về sự vật mà chúng ta có được không phải vì nhận thức của chúng ta phải phù hợp với các đối tượng, mà ngược lại, các đối tượng phải phù hợp với trí năng của chúng ta.

Một phần của tài liệu Triết học đạo đức của immanuel kant và ảnh hưởng của nó đối với triết học đức thế kỷ XIX (Trang 38 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(180 trang)