Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC ĐẠO ĐỨC IMMANUEL KANT
3.1. Sự ảnh hưởng của triết học đạo đức Immanuel Kant đối với triết học Johann Gottlieb Fichte
Là người kế tục tinh thần duy tâm Đức, triết học Johann Gottlieb Fichte (1762 - 1814), nhìn chung, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ triết học Kant, nhất là triết học đạo đức của ông.
Sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường ở Rammenau, Fichte bắt đầu theo học khoa thần học tại trường đại học Jena năm 1780. Cũng như Kant, sau khi tốt nghiệp, Fichte đã làm gia sư cho nhiều gia đình ở Leipzig.
Triết học Kant đã khơi dậy trong ông một phong cách tư duy mới. Ngưỡng mộ Kant, ông đã tìm gặp, và chỉ trong năm tuần tại Koenigsberg ông đã viết xong tiểu luận: “Thử tìm kiếm một sự phê phán của tất cả sự phát lộ”
(Versuch einer Kritik aller Offenbarung). Với sự giúp đỡ của Kant, tiểu luận trên được in tại Koenigsberg năm 1792. Năm 1794 Fichte được phong giáo sư triết học và giảng dạy tại đại học Jena. Với sự có mặt của Fichte, Goethe và Schelling, Jena trở thành trung tâm văn hóa, chính trị, triết học nổi tiếng
thời bấy giờ. Tại đây nhiều tác phẩm quan trọng của Fichte đã ra đời như
“Cơ sở học thuyết khoa học chung” (“Grundlage der gesamten Wissenschaftslehre”) (1794), “Hệ thống của học thuyết luân lý theo những nguyên tắc của học thuyết khoa học” (“Das System der Sittenlehre nach Prinzipien der Wissenschaftslehre”) (1798)…
Là người yêu nước, những năm 1807 – 1808, Fichte tham gia phong trào đấu tranh của dân tộc Đức chống lại sự chiếm đóng của quân đội Napoleon và viết “Diễn văn gửi dân tộc Đức” lập luận về sự cần thiết của một nền giáo dục mới nhằm khơi dậy tình yêu và niềm tự hào dân tộc đứng lên chiến đấu vì tự do. Năm 1809 ông giữ chức vụ trưởng khoa triết học trường đại học Berlin, và từ năm 1811 đến 1813 ông là hiệu trưởng của trường. Ông mất năm 1814.
Tư tưởng triết học Fichte chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ triết học Kant.
Hầu như các vấn đề của triết học Fichte đều lấy triết học Kant làm điểm xuất phát, thậm chí một số vấn đề mà Fichte đề cập tới trong thời kỳ đầu (1792 – 1799) về tôn giáo, pháp quyền, rất giống với tư tưởng của Kant.
Đặc biệt, khi đề cập đến triết học đạo đức, cái tên chung “Kant – Fichte”, thường xuyên được các nhà triết học Đức nhắc đến như là một lẽ đương nhieân.
Ngay trong tác phẩm “Cơ sở học thuyết khoa học chung”, Fichte đã đưa ra nhận định rằng chỉ triết học tiên nghiệm của Kant mới là một khoa học theo nghĩa chính xác của từ này, và vấn đề cơ bản của triết học là vấn đề con người, vấn đề tự do, quyền và phẩm giá làm người.
Vấn đề con người là trọng tâm nghiên cứu của triết học Kant nói chung và triết học đạo đức của ông nói riêng. Trong phần dẫn luận về lôgíc, khi định nghĩa về triết học, Kant đã viết: “Triết học là khoa học về mục đích cuối cùng của lý tính con người… Trong ý nghĩa đó triết học được qui về những câu hỏi sau:
1. Tôi có thể biết được cái gì ? (Was kann ich wissen ?) 2. Tôi cần phải làm gì ? (Was soll ich tun ?)
3. Tôi có thể hy vọng gì ? (Was darf ich hoffen ?) 4. Con người là gì ? (Was ist der Mensch ?)
Siêu hình học (Metaphysik) trả lời câu hỏi thứ nhất, đạo đức học (Moral) trả lời câu thứ hai, tôn giáo học (Religion) trả lời câu thứ ba, và nhân học (Anthropologie) trả lời câu thứ tư. Nhưng về cơ bản người ta có thể qui tất cả về nhân học, bởi cả ba câu đầu đều qui về câu hỏi thứ tư “ [98, 447 - 448].
Như vậy, vấn đề cơ bản nhất của triết học Kant là vấn đề con người, hay chính xác hơn là tìm lời giải đáp cho câu hỏi: con người là gì. Tuy nhiên con người mà triết học Kant đề cập tới là con người hoạt động trong các mối quan hệ với tự nhiên và xã hội, chứ không phải là con người trong những trạng thái tâm sinh lý cụ thể – đối tượng nghiên cứu của nhân học sinh lyù (physiologische Anthropologie).
Kant cho rằng với tư cách là một hiện tượng của thế giới tự nhiên (Mensch als Erscheinung), con người là một mắt xích trong chuỗi những mối quan hệ nhân quả. Vì vậy cũng như tất cả mọi sự vật khác, con người
tồn tại trong không gian, thời gian và bị qui định bởi những nguyên lý nhân quả.
Là “hiện tượng” của một chuỗi những mối quan hệ tiếp diễn về thời gian, ý chí con người phải tuân theo tính tất yếu của tự nhiên. Tuy nhiên lý tính - cái qui định ý chí của con người - không phải là hiện tượng và vì vậy nó không chịu sự qui định của nguyên lý nhân quả (Kausalprinzip). Ông vieát:
Bản thân con người cũng là hiện tượng. Ý chí con người có một tính năng thường nghiệm làm nguyên nhân (thường nghhiệm) cho tất cả mọi hành vi của con người. Không có một điều kiện nào qui định con người phù hợp với tính năng này mà không được chứa đựng trong chuỗi những kết quả tự nhiên và không tuân theo qui luật của chúng, theo tính năng này, không thể bắt gặp một tính nhân quả vô điều kiện thường nghiệm nào của cái gì diễn ra trong thời gian. Vì thế, không có một hành vi được mang lại nào (vì nó chỉ có thể được tri giác như là hiện tượng) mà lại tự mình bắt đầu mọt cách tuyệt đối. Thế nhưng, người ta lại không thể nói về lý tính rằng: trước trạng thái mà lý tính qui định ý chí thì đã có một trạng thái khác đi trước, trong đó bản thân trạng thái sau này bị qui định. Bởi bản thân lý tính không phải là hiện tượng và không phục tùng điều kiện nào của cảm năng, nên ở bên trong nó - kể cả về mặt tính nhân quả - không có một chuỗi tiếp diễn về thời gian nào và do đó, định luật năng
động của tự nhiên qui định chuỗi tiếp diễn theo những qui luật không thể áp dụng vào cho lý tính được [91, 619].
Với năng lực nhận thức của lý tính, con người có thể thâu tóm, tổng hợp những tính chất chung nhất của tự nhiên, tìm ra mối quan hệ nhân quả, những qui luật vận hành của chúng phục vụ cho mục đích của chính mình.
Trong ý nghĩa đó, con người là chủ thể, là “người thống trị tự nhiên”
(“Herrscher der Natur”). Lập luận về vấn đề này, Kant viết: “Là thực thể duy nhất trên mặt đất có trí khôn, do đó, có năng lực để tùy tiện xác định các mục đích cho chính mình, con người đáng được mệnh danh là chủ nhân của tự nhiên (betitelter Herr der Natur); và nếu ta nhìn tự nhiên như một hệ thống mục đích luận, thì, xét về sự qui định hay vận mệnh của con người, con người quả là mục đích tối hậu của tự nhiên (der letzte Zweck der Natur)” [97, 323].
Bằng lý tính, con người có thể “cưỡng bức tự nhiên phục vụ cho những câu hỏi của mình nhằm qua đó tìm ra qui luật tất yếu, chứ không để cho một mình tự nhiên bảo lý tính phải làm gì” [91, 21]. Bằng lý tính, con người có thể “sử dụng tự nhiên như là phương tiện, phù hợp với các châm ngôn của các mục đích tự do nói chung của chính mình” [97, 323].
Bởi con người là thực thể duy nhất trên mặt đất có lý tính và có thể sử dụng năng lực lý tính đó buộc tự nhiên phải phục vụ cho mục đích của chính mình, vì vậy con người là mục đích cuối cùng của mọi mục đích (Endzweck aller Zwecke). Ông viết: “Con người là mục đích cuối cùng của sự sáng tạo trên mặt đất này (der letzte Zweck der Schoepfung hier auf Erden), vì con người là hữu thể duy nhất có thể hình thành một khái
niệm về các mục đích, và, nhờ có lý tính, có thể biến một sự hỗn độn của những sự vật được tạo ra một cách hợp mục đích thành một hệ thống của những mục đích (System der Zwecken)” [97, 317].
Lý tính là nền tảng tuyệt đối và duy nhất xác định bản chất tư duy của con người, nhờ đó con người mới có thể có ý thức về giá trị của bản thân mình. “Mỗi một sự vật trong tự nhiên chịu ảnh hưởng bởi những qui luật. Chỉ một mình thực thể lý tính có năng lực hành động theo những biểu tượng về những qui luật, có nghĩa là theo những nguyên tắc hay một ý chí.
Bởi lý tính đòi hỏi những hành vi theo những qui luật, nên lý tính không phải là cái gì khác là lý tính thực tiễn” [93, 226]. Điều đó có nghĩa là con người vừa chịu sự qui định của những qui luật tự nhiên - vì con người sống trong thế giới tự nhiên - nhưng đồng thời con người lại có năng lực hành động theo qui luật của chính mình, vì vậy là tự do.
Kế thừa những tư tưởng trên của Kant về vấn đề con người, Fichte đã xem con người là trung tâm của mọi vấn đề triết học. Ông cho rằng, nhiệm vụ của triết học là đưa lại cho con người một cách nhìn mới về chính bản thân mình, làm cho con người sống với chính mình, trở thành con người đúng nghĩa.
Tuy nhiên, trong khi Kant nghiên cứu con người như một chủ thể nhận thức và chủ thể hoạt động, nhằm xác định cho con người vị trí của mình trong thế giới, hướng con người sống và hành động xứng đáng với phẩm giá làm người, thì Fichte lại cố “vượt xa” Kant, bằng cách tuyệt đối hóa tính chủ thể của con người, cho rằng con người là tất cả, và tồn tại người (Menschsein) là nguồn gốc của tồn tại thế giới (Weltsein) nói chung.
Trong khi Kant cho rằng sự tồn tại của thế giới khách quan là cần thiết cho quá trình nhận thức (bởi tất cả tri thức bắt đầu bằng kinh nghiệm), chỉ các hình thức tiên nghiệm (không gian, thời gian và các phạm trù) là được rút ra từ năng lực nhận thức của con người, thì Fichte lại cho rằng cả hai yếu tố của tri thức (nội dung và hình thức) phải được rút ra từ một bản nguyên thống nhất, loại bỏ tính nhị nguyên trong triết học lý luận cuûa Kant.
Luận điểm của Kant, không phải lý tính con người hướng tới đối tượng khách quan mà đối tượng cần phải hướng tới con người, đã được Fichte kế thừa và phát triển. Tuy nhiên, Fichte cho rằng cần hoàn thiện hơn quan điểm này của Kant, nghĩa là không phải đối tượng tồn tại khách quan mà do lý tính con người - “cái Tôi” (“das Ich”) - sáng tạo ra. Không có cái gì tồn tại mà không phụ thuộc vào chủ thể.
Kế thừa Kant, Fichte cho rằng con người vừa là một “thực thể cảm tính” với những bản năng tự nhiên (Naturtrieben), vừa là một “thực thể lý tính” với bản năng tinh thần (Geisttrieb). Là “thực thể cảm tính”, con người chịu sự chi phối của luật tự nhiên, vì vậy không hoàn toàn tự do.
Nhưng là “thực thể lý tính” con người là tự quyết, tự qui định mình (Selbstbetaetigung).
Bản năng tự nhiên là những đòi hỏi nhằm thỏa mãn những nhu cầu cá nhân, và khi hướng tới sự thỏa mãn đó, cái Tôi hoàn toàn phụ thuộc vào khách thể của mình. Với tư cách là một “thực thể cảm tính”, bản năng tự nhiên là trung gian giữa tự do và tất yếu. Tôi là một sản phẩm của tự nhiên
và trong chừng mực đó là một mắt xích của tất yếu tự nhiên. Nhưng bản năng gắn liền với Tôi vì vậy trong ý thức, nó chịu sự ảnh hưởng của Tôi.
Bản năng (Trieb) - với tính cách là bản chất tự nhiên - và ý muốn (Wollen) của Tôi - với tính cách tinh thần thuần túy - chỉ là hai mặt của một bản năng nguyên thủy (Urtrieb), làm nên bản chất của Tôi. Khác với bản năng tự nhiên, bản năng tinh thần luôn hướng tới sự tự chủ, nghĩa là sự tự do. Tự do là năng lực đặc biệt của con người với tư cách là một thực thể lyù tính.
Bản năng tự nhiên thể hiện ra ngoài là sự khao khát (Sehnen) và bản năng tinh thần là sự đòi hỏi tuyệt đối (absolute Forderung). Bản năng tinh thần chính là sự tự trọng và nhân phẩm con người, bởi không có ý thức tự do thì không thể là thực thể lý tính. Với ý thức về tự do, con người tự qui định mình và là mục đích của chính mình.
Kế thừa và phát triển những tư tưởng của Kant trong cách lập luận về vấn đề tự do, quyền và phẩm giá con người, trong tác phẩm “Hệ thống của học thuyết luân lý theo những nguyên tắc của học thuyết khoa học”
(“Das System der Sittenlehre nach Prinzipien der Wissenschaftslehre”) xuất bản năm 1798, Fichte cho rằng lý tính thực tiễn là nguồn gốc của mọi vấn đề. Ông viết: “Chúng ta hành động, không phải vì chúng ta nhận thức, mà chúng ta nhận thức, bởi chúng ta sẽ hành động: lý tính thực tiễn là nguồn gốc của mọi lý tính” (“Wir handeln nicht, weil wir erkennen, sondern wir erkennen, weil wir zu handeln bestimmt sind: Die praktische Vernunft ist die Wurzel aller Vernunft” [85, 369].
Nếu Kant cho rằng hành vi đạo đức là hành vi xuất phát từ “một ý chí tốt”, nghĩa là một ý chí vô điều kiện, một ý chí tốt tự nó, thì Fichte cũng lập luận rằng ý chí đạo đức là ý chí lý tính thuần túy (reiner Vernunftwille), tức ý chí lý tưởng của toàn nhân loại nói chung (der Idealwille der Menschheit ueberhaupt). Ý chí này tồn tại dưới dạng chuẩn mực thuần túy của mọi ý muốn (reine Norm alles Wollens). Vì vậy nó mang tính phổ quát, có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Nó là mệnh lệnh tuyệt đối và được thể hiện dưới dạng hình thức: “Hãy luôn luôn hành động theo suy nghĩ tốt nhất vì bổn phận của anh!” (“Handle stets nach bester Ueberzeugung von deiner Pflicht!” [85, 367].
Cũng như Kant, Fichte cho rằng chỉ những hành vi xuất phát từ bổn phận tồn tại trong lương tâm mỗi người mới là hành vi đạo đức. Và cũng chính vì thế mà mệnh lệnh tuyệt đối được ông diễn giải một cách ngắn gọn như sau: “Hãy hành động theo lương tâm của anh!” (“Handle nach deinem Gewissen!”) [85, 368]. Bổn phận hành động theo lương tâm là cơ sở cuối cùng và duy nhất của nhận thức con người. Kế thừa Kant, mọi hành vi xuất phát từ ý chí hạ đẳng (ham muốn thỏa mãn nhu cầu bản năng), cũng như các nguyên tắc đạo đức mang tính vật chất, đều bị Fichte bác bỏ.
Cũng như Kant, Fichte cho rằng cái thiện tối cao là hành động hợp với lý tính, chỉ có đức hạnh là xứng đáng với hạnh phúc mà thôi, nghĩa là sống đức hạnh để có thể có được hạnh phúc. Ông viết: “Không có đạo đức thì không thể nào có thể có hạnh phúc” (“ohne Sittlichkeit ist keine Glueckseligkeit moeglich”) [85,370 ].
Theo Fichte,tự do là sự tự hiện thực hóa của mỗi cá nhân thông qua hành vi cụ thể. Nhưng mỗi cá nhân tự do chỉ có thể tồn tại trong một môi trường tự do. Vì vậy khái niệm tự do được ông nghiên cứu gắn liền với các mối quan hệ xã hội, cụ thể là quan hệ pháp quyền.
Khác với Kant, Fichte cho rằng tự do cá nhân gắn liền với thể xác (Leib). Thể xác là công cụ của tự do ý chí và là phần nhạy cảm nhất có thể tác động một cách tự do đến thế giới cảm tính, vì vậy sự tồn tại của thể xác cũng là điều kiện của những quan hệ pháp quyền. Ông viết: “Mỗi cá thể có hình dạng người (menschliche Gestalt), là cái bản chất (cái bên trong: innerlich) cần thiết, để có thể công nhận những thực thể khác có cùng hình dạng như thế là một thực thể lý tính, và như vậy cũng có nghĩa là một chủ thể pháp quyền” [78, 90 - 91]. Từ đấy ông kết luận rằng không có thể xác sẽ không có bất kỳ mối quan hệ pháp quyền nào. Vì vậy bất khả xâm phạm thân thể (Unantastbarkeit des Leibes) là một trong những quyền nguyên thủy của con người [78, 119].
Thuộc vào quyền nguyên thủy còn có quyền duy trì sự tác động tự do của con người đối với toàn bộ thế giới cảm tính (Recht auf Fortdauer des freien Einflusses in die gesamte Sinnenwelt). Quyền này được Fichte cụ thể hóa thành quyền duy trì và tự bảo vệ thân thể, quyền sống và làm việc xứng đáng với phẩm giá của một con người [78, 119].
Fichte lập luận rằng quyền tự do, quyền bất khả xâm phạm thân thể, quyền duy trì sự sống là những quyền cá nhân và cũng đồng thời là quyền tự do hành động một cách tuyệt đối, không có giới hạn. Tuy nhiên, trong một xã hội những quyền này bị hạn chế bởi những quan hệ pháp quyền