Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC ĐẠO ĐỨC IMMANUEL KANT
2.2. Mệnh lệnh tuyệt đối và những đặc trưng cơ bản của nó
Mệnh lệnh tuyệt đối được Kant đề cập đến trong các tác phẩm “Đặt nền móng cho siêu hình học của đạo đức” (“Grundlegung einer Metaphysik der Sitten”) (1785) và “Phê phán lý tính thực tiễn” (“Kritik der praktischen Vernunft”) (1788).
Mệnh lệnh tuyệt đối, tức qui luật đạo đức (Sittengesetz), là nội dung cơ bản của của triết học đạo đức Kant. Nó mang tính phổ quát và tất yếu, vì vậy, có giá trị cho mọi thực thể lý tính và ở mọi thời đại.
Vậy, mệnh lệnh tuyệt đối là gì, và đâu là sự khác biệt giữa mệnh lệnh tuyệt đối và mệnh lệnh giả thiết (hypothetischer Imperativ) ?
Mệnh lệnh giả thiết là mệnh lệnh - một yêu cầu (Soll) - có điều kiện (bedingt). Mệnh lệnh giả thiết đặt điều kiện là đã tồn tại một ý muốn ban đầu, trên cơ sở đó đòi hỏi một ý muốn tiếp theo, mà ý muốn này là cần thiết để thỏa mãn ý muốn ban đầu. Kant viết: “Mệnh lệnh giả thiết diễn tả sự tất yếu thực tiễn của một hành vi như là phương tiện nhằm đạt một điều gì khác được mong muốn (hay chí ít là có thể mong muốn)” [93, 228].
Mệnh lệnh giả thiết được diễn đạt dưới dạng “nếu..., thì....”. Hành vi được yêu cầu chỉ nhất thiết dưới điều kiện của một chủ định hành vi, ví dụ:
“nếu anh muốn khỏe, thì anh phải ăn uống và tập thể dục điều độ”. Kant viết: “Nếu hành vi chỉ là tốt như phương tiện để đạt điều gì khác, thì đấy là mệnh lệnh giả thiết” (“Wenn nun die Handlung bloss wozu anderes als Mittel gut sein wuerde, so ist der Imperativ hypothetisch” [93, 229].
Đối với mệnh lệnh giả thiết Kant còn nêu ra một phân biệt nữa, đấy là sự phân biệt giữa mệnh lệnh có vấn đề (problematisch) và mệnh lệnh khaỳng ủũnh (assertorisch). Khi chuỷ ủũnh theồ hieọn trong phaàn caõu neỏu chổ được cân nhắc đến (nếu anh muốn sống khoẻ, thì...) mà không chứa đựng chủ ý rõ ràng về việc thực hiện trực tiếp, thì đấy là một mệnh lệnh giả thiết có vấn đề. Trái lại, khi chủ định thể hiện rõ trong yêu cầu cho một mục đích thực sự thì đấy là mệnh lệnh giả thiết khẳng định [93, 229 - 230].
Mệnh lệnh giả thiết thường thể hiện trong những qui tắc của sự khôn khéo (Regeln der Geschicklichkeit), hay những lời khuyên của sự thông minh (Ratschlaege der Klugheit) [93, 229 - 230]. Những qui tắc của sự khôn khéo là những mệnh lệnh mang tính kỹ thuật (technisch), có thể có giá trị đối với nhiều người khác nhau. Những qui tắc này có thể đem lại hạnh phúc cho người thực hiện nó [93, 231]. Còn những lời khuyên khôn ngoan là những mệnh lệnh mang tính thực dụng (pragmatisch), có thể giúp con người thỏa mãn những mục đích và mong muốn tự nhiên trong từng hoàn cảnh cụ thể [93, 231 - 232].
Nhìn chung, với những mệnh lệnh giả thiết con người có thể đạt được mục tiêu rõ ràng, cụ thể và trực tiếp. Tuy nhiên mệnh lệnh giả thiết
là mệnh lệnh tương đối, có điều kiện. Nguyên tắc của nó luôn là: “nếu ai muốn đạt được một mục đích nào đó, thì cũng muốn có những phương tiện cần thiết để đạt được mục đích đó” (“wer den Zweck will, will auch die einzigen Mittel, die dazu in seiner Gewalt sind”) [93, 232]. Vì vậy mệnh lệnh giả thiết - tuy chứa đựng những nguyên tắc của ý chí - nhưng không thể trở thành qui luật thực tiễn có giá trị chung cho tất cả mọi người và mọi thực thể lý tính [93, 232].
Khác với những mệnh lệnh giả thiết, mệnh lệnh tuyệt đối tự nó là một qui luật thực tiễn (ein praktisches Gesetz). “Mệnh lệnh tuyệt đối là mệnh lệnh diễn tả một hành vi tự nó là cần thiết mà không cần đến mối quan hệ với một mục đích khác, là một hành vi tất yếu - khách quan”
(“Der kategorische Imperativ wuerde der sein, welcher eine Handlung als fuer sich selbst, ohne Beziehung auf einen andern Zweck, als objektiv – notwendig vorstellte”) [93, 228].
Mệnh lệnh tuyệt đối là mệnh lệnh vô điều kiện, nghĩa là nó không chịu ảnh hưởng của sự tự ái (Selbstliebe), của những thiện cảm (Zuneigungen) cũng như tác động của bất kỳ yếu tố nào. Lập luận về vấn đề này, Kant viết:
Nếu tôi nghĩ tới một mệnh lệnh giả thiết nói chung, tôi không biết trước rằng, nó sẽ hàm chứa điều gì cho tới khi những điều kiện được đưa ra cho tôi. Nhưng khi tôi nghĩ tới một mệnh lệnh tuyệt đối, tôi biết ngay rằng, nó hàm chứa điều gì. Vì ngoài luật ra, mệnh lệnh tuyệt đối chỉ chứa sự cần thiết của những nguyên tắc phù hợp với luật này, nhưng luật không chứa đựng những
điều kiện nào giới hạn nó, nên không còn gì hơn là sự phổ quát của một qui luật nói chung, và những nguyên tắc của hành vi phải phù hợp với nó, và thực chất chỉ có sự phù hợp này mới là cái mà mệnh lệnh biểu thị là cần thiết [93, 236].
Mệnh lệnh tuyệt đối mang tính hình thức, là khuôn mẫu cho mọi thước đo hành vi đạo đức của con người. Tính hình thức của mệnh lệnh tuyệt đối thực chất là sự chuyển hóa về mặt phương pháp của Kant từ triết học lý thuyết sang triết học thực tiễn. Tính hình thức này xuất phát từ mong muốn của Kant nhằm xây dựng một học thuyết triết học đạo đức thuần túy như lôgíc học, toán học và vật lý học.
Nếu trong triết học lý thuyết, hình thức của quá trình nhận thức (không gian, thời gian và các phạm trù) được xem là cái xác định, là điều kiện tiên nghiệm của tất cả nhận thức mà thiếu nó tri thức không thể có được tính khách quan (phổ quát và tất yếu), thì trong triết học đạo đức, tính hình thức của mệnh lệnh tuyệt đối quyết định tính chất của ý chí, và ý chí lấy hình thức của mệnh lệnh tuyệt đối làm tôn chỉ hành động.
Kant lập luận rằng, không thể tuyên bố một mục tiêu có nội dung nhất định nào đó là có tính bắt buộc đối với toàn xã hội, hoặc là tốt về mặt đạo đức. Vì vậy một nguyên tắc khách quan chỉ có thể tồn tại khi loại bỏ những qui định nội dung. Lý giải về vấn đề này, Kant viết: “Ngoài hình thức của qui luật phổ quát, không một nguyên tắc nào quyết định được ý chí ta, vì ý chí được quan niệm hoàn toàn độc lập với qui luật tự nhiên của các hiện tượng, nghĩa là độc lập với qui luật nhân quả” [92, 39].
Giá trị đạo đức của một hành vi chỉ có trong nguyên tắc của cái phổ quát, nghĩa là trong nguyên tắc của ý chí. Mặc dù nguyên tắc ý chí có trong tất cả các mệnh lệnh, tuy nhiên không phải mọi mệnh lệnh đều có tính hình thức. Chỉ mệnh lệnh tuyệt đối mới có những tính chất để có thể đồng thời có giá trị áp dụng cho mọi thực thể có lý tính. Kant viết:
Chẳng hạn khi dự định bỏ qua một lời hứa, người ta cần phải tự vấn chính mình rằng: liệu tôi có thỏa mãn hay không khi hành vi hứa hão với mục đích thoát ra khỏi tình thế bối rối trở thành qui luật ứng xử chung của toàn bộ cộng đồng, áp dụng cho tất cả mọi người kể cả chính mình ? Ai cũng có thể dối trá khi gặp khó khăn không thể giải quyết được ? Và ngay lập tức tôi nhận ra rằng trong khi tôi muốn lời nói dối tôi hoàn toàn không muốn rằng lời nói dối trở thành một qui luật ứng xử chung. Vì nếu như vậy, sẽ không tồn tại lời hứa nữa, vì sẽ vô ích khi viện ý chí của tôi về các hành động tương lai đối với những ai không tin vào viện cớ này, hay nếu họ hấp tấp tin như thế, họ sẽ lại đối xử với tôi như kiểu trả lại những đồng xu giống nhau. Và như vậy nguyên tắc của tôi, ngay khi tôi muốn nó trở thành một qui luật chung, sẽ tự hủy diệt chính nó [93, 215].
Từ lập luận trên, Kant đi đến kết luận rằng nói dối không thể là hành vi đạo đức, vì khi người ta định nói dối, người ta hoàn toàn không thể muốn rằng, lời nói dối phải trở thành một qui luật phổ quát [93, 215].
Một cách chung nhất, mệnh lệnh tuyệt đối được Kant diễn giải như sau: “Hãy hành động như thể nguyên tắc tối cao của ý chí của anh mọi lúc
đồng thời có thể trở thành nguyên tắc của một qui luật chung” (“Handle so, dass die Maxime deines Willens jederzeit zugleich als Prinzip einer allgemeinen Gesetzgebung gelten koene”) [92, 41].
Mệnh lệnh tuyệt đối trên không nói rõ nội dung đạo đức (những qui tắc hành động cụ thể), mà chỉ đưa ra một nguyên tắc chung mang tính khuôn mẫu có thể áp dụng vào các trường hợp cụ thể. Nó chỉ nói rằng khi thực hiện một hành vi nào đó, chủ thể cần suy nghĩ xem liệu ý muốn chủ quan tối cao của mình có thể trở thành phổ quát hay không ? Liệu nó có thể áp dụng cho mọi người trong hoàn cảnh tương tự hay không ? Nếu ý muốn chủ quan đó tạo ra mâu thuẫn, nó không thể trở thành nguyên tắc chung có thể áp dụng cho mọi trường hợp tương tự, thì hành vi đó là vô đạo đức.
Mệnh lệnh tuyệt đối thể hiện nguyên tắc tôn trọng phẩm giá con người. Nguyên tắc đó dược thể hiện dưới hình thức: “Hãy hành động như thể anh cần nhân loại, trong bản thân anh cũng như trong mỗi một con người, mọi lúc là mục đích, chứ không bao giờ chỉ là phương tiện”(“Handle so, dass du die Menschheit sowohl in deiner Person, als in der Person eines jeden andern jederzeit zugleich als Zweck, niemals bloss als Mittel brauchest” [93, 246].
Mệnh lệnh tuyệt đối này kêu gọi con người hãy luôn đối xử với nhau mọi lúc là mục đích, chứ không bao giờ chỉ như là phương tiện. Nguyên tắc hình thức này yêu cầu mỗi người cần phải tôn trọng phẩm giá của chính mình và của tất cả mọi người trong các quan hệ xã hội, không bao giờ để
mình trở thành phương tiện và cũng không bao giờ sử dụng người khác chỉ như là phương tiện cho bất kỳ mục đích nào.
Nguyên tắc tôn trọng phẩm giá con người thể hiện trong mệnh lệnh tuyệt đối là một trong những nguyên tắc cơ bản của triết học đạo đức Kant.
Nguyên tắc đó xuất phát từ lập luận của Kant rằng, tất cả kết quả của công việc (do sự khéo léo hay năng khiếu của con người đem lại), đều có giá cả thị trường (Marktpreis), vì vậy chúng có thể đem so sánh, mua bán và trao đổi. Nhưng phẩm giá con người (Menschewuerde), thì không có một cái gì có giá trị ngang giá (kein Aequivalent) [93, 252]. Kant viết: “Trong vương quốc của những mục đích, tất cả đều có một cái giá (ein Preis) hoặc là một phẩm giá (eine Wuerde). Cái gì có một cái giá đều có thể được thay thế bằng một cái khác ngang giá; ngược lại, cái gì đứng trên tất cả các giá, và vì vậy không có sự tương đương, thì có một phẩm giá” [93, 252].
Con người có một phẩm giá bởi nó có giá trị bên trong (innerer Wert) dựa trên sự tồn tại là mục đích tự nó (existiert als Zweck an sich selbst). Ông viết: “Con người và nói chung mọi hữu thể có lý tính tồn tại là mục đích tự nó, không chỉ là phương tiện được sử dụng tùy tiện bởi ý chí này hay ý chí khác, mà phải xem trong mọi hành vi của nó đối với chính bản thân cũng như đối với những hữu thể lý tính khác mọi lúc đồng thời là muùc ủớch (jederzeit zugleich als Zweck) ”[93, 244].
Tất cả sự vật đều có một giá trị tương đối, bởi sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào tính mục đích của tự nhiên. Chỉ có con người mới có phẩm giá bởi con người là một thực thể lý tính và là mục đích của chính mình.
Kant vieát:
Giá trị của mọi đối tượng mà hành động chúng ta nhắm tới thì luôn luôn có điều kiện. Những thực thể (die Wesen) mà sự tồn tại của chúng không phụ thuộc vào ý muốn của chúng ta, nhưng phụ thuộc vào ý muốn của tự nhiên, nếu chúng không phải là thực thể có lý tính, thì chỉ có một giá trị tương đối (relativer Wert), là phương tiện, và vì vậy được gọi là các sự vật (Sachen), ngược lại, những thực thể lý tính được gọi là những nhân cách (Personen), bởi bản chất tự nhiên của nó là những mục đích tự nó (als Zwecke an sich selbst), nghĩa là không được sử dụng chỉ như là phương tiện” [93, 245].
Mệnh lệnh tuyệt đối dựa trên sự tự trị của ý chí (Autonomie des Willens). Sự tự trị được Kant hiểu là sự độc lập (Unabhaengigkeit) và sự tự ban hành luật (Selbstgesetzgebend) của ý chí. Sự tự trị của ý chí là nguyên tắc duy nhất quyết định tính chất của qui luật đạo đức. Kant viết: “Sự tự trị của ý chí là nguyên tắc duy nhất của tất cả các qui luật đạo đức và của những bổn phận phù hợp với chúng” (“Die Autonomie des Willens ist das alleinige Prinzip aller moralischen Gesetz und der ihnen gemaessen Pflichten”) [92, 44].
Sự tự trị của ý chí cũng chính là tự do, là cơ sở của phẩm giá con người [93, 254]. Với khái niệm tự trị của ý chí, Kant muốn khẳng định rằng: con người không những là khách thể - một đối tượng, một mắt xích trong thế giới tự nhiên - mà còn là chủ thể – tự ban hành luật cho chính mình, đó là mệnh lệnh tuyệt đối. Mệnh lệnh tuyệt đối nằm sâu trong tâm thức con người, là sự thể hiện nhân cách và phẩm giá con người. Nhân
cách đạo đức là “tự do của một thực thể lý tính dưới những qui luật đạo đức”. Trong ý nghĩa đó sự tự trị, và gắn liền với nó là khái niệm tự do và phẩm giá con người đã tạo nên đỉnh cao của triết học đạo đức Kant, bởi nó giải đáp vấn đề: con người là gì ? Nó giải thích rằng con người không chỉ là một “thực thể cảm tính” (“Sinneswwesen”) mà cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới mình đang sống và trải nghiệm, mà con người còn là một “thực thể tự do” (“Denkwesen”) không bị ràng buộc bởi những điều kiện của cuộc sống và trong sâu thẳm tâm hồn, ý chí con người luôn hướng tới sự tuyệt đối.
Mệnh lệnh tuyệt đối buộc con người phải hành động vì bổn phận (aus Pflicht). Bởi mệnh lệnh tuyệt đối là một qui luật thực tiễn nên nó có thể
“cưỡng bức” (Noetigung) con người thực hiện hành vi đạo đức.
Bổn phận (nghĩa vụ, trách nhiệm) là hành vi phải làm bởi sự tự cưỡng chế (Selbstnoetigung) của ý chí xuất phát từ sự sự tôn trọng qui luật đạo đức. Kant viết: “Bổn phận là sự tất yếu của một hành vi xuất phát từ sự tôn trọng qui luật đạo đức” (“Pflicht ist die Notwendigkeit einer Handlung aus Achtung fuers Gesetz”) [93, 212].
Bổn phận buộc con người phải thực hiện hành vi đạo đức vì sự tôn trọng của mình đối với qui luật đạo đức. Ông viết: “Sự tôn trọng qui luật đạo đức là động lực đạo đức duy nhất và đồng thời là động lực không thể chối cãi được, đó là tình cảm không áp dụng vào một đối tượng nào khác mà chỉ áp dụng cho nguyên tắc đạo đức mà thôi” (Achtung fuers moralische Gesetz ist also die einzige und zugleich unbezweifelte
moralische Triebfelder, so wie dieses Gefuehl auch kein Objekt anders, als lediglich aus diesem Grunde gerichtet ist”) [92, 97].
Chỉ có con người có nhân cách mới có được sự tôn trọng này đối với qui luật đạo đức. Con vật có thể có tình cảm, thậm chí tình yêu đồng loại, nhưng không bao giờ có thể có được sự tôn trọng. “Bất cứ lúc nào sự tôn trọng cũng chỉ dành cho con người, không bao giờ là sự vật” (“Achtung geht jederzeit nur auf Personen, niemals auf Sachen”) [92, 95].
Sự tôn trọng đối với qui luật đạo đức cũng như đối với một hành vi có thể không được thể hiện ra ngoài mà nằm sâu kín trong tâm hồn mỗi con người. Ông viết: “Đứng trước một người cấp thấp, quê mùa, nhưng có tính cách ngay thẳng mà tôi ý thức rằng mình không có, tâm trí tôi cúi xuống, dù tôi muốn hay không, và mặc dù tôi vẫn ngẩng cao đầu để anh ta đừng quên rằng tôi là người bề trên” [92, 95].
Từ những lập luận trên, Kant đi đến kết luận: hành động vì bổn phận là hành vi đạo đức, và thông qua hành vi đạo đức con người trở thành nhân cách. Bổn phận là danh từ cao cả vĩ đại, bởi nó là sự thể hiện nhân cách của con người, tức là sự tự do và sự độc lập khỏi cơ chế của toàn thể tự nhieân [92, 106].
Tuy nhiên, cần phải phân biệt sự khác nhau giữa hành vi được thực hiện “vì bổn phận” và hành vi thực hiện “phù hợp với bổn phận”
(“pflichtmaessig”). Hành vi “vì bổn phận” diễn tả động cơ của người thực hiện hành vi (xuất phát từ một ý chí tốt), trái lại hành vi “phù hợp với bổn phận” diễn tả hành vi khách quan mà không để ý đến động cơ của người