Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC ĐẠO ĐỨC IMMANUEL KANT
2.1. Cơ sở xác định giá trị đạo đức
Để lập luận cho cơ sở xác định giá trị đạo đức của mình, Kant đã nghiên cứu lịch sử tư tưởng đạo đức từ thời cổ đại đến cận đại và đưa ra nhận định rằng, các học thuyết đạo đức từ trước đến nay, hoặc là xuất phát
từ những cơ sở xác định chủ quan (subjektive Bestimmungsgruede), hoặc từ những cơ sở xác định khách quan (objektive Bestimmungsgruede) của ý chí để lập luận cho giá trị đạo đức của hành vi.
Tuy nhiên, theo Kant, những cơ sở xác định chủ quan của ý chí thường là cảm tính, kinh nghiệm, vì vậy mọi hành vi xuất phát từ nó đều không có giá trị đạo đức. Cả hành vi xuất phát từ cơ sở xác định chủ quan bên ngoài (aeussere Subjektive) thông qua con đường giáo dục (theo quan điểm của Montaigne), hay hiến pháp công dân (theo quan điểm của Mandeville), lẫn hành vi xuất phát từ cơ sở xác định chủ quan bên trong (innere Subjekte) như sự cảm nhận hạnh phúc hay tình cảm đạo đức, đều không phải là hành vi đạo đức [92, 52 -54].
Kant lập luận rằng, những hành vi được thực hiện theo hiến pháp không phải là hành vi đạo đức, bởi nguyên tắc của nó là lợi ích cá nhân (hành động vì sợ sự trừng phạt (Strafen), hay là để được ban thưởng (Belohnen)). Hành động theo sự chỉ bảo, giáo dục của người khác là điều đáng quí, nhưng những hành vi đó vẫn chưa phải là hành vi đạo đức, bởi nó không xuất phát từ ý chí độc lập của chủ thể hành động mà phụ thuộc vào ý chí bên ngoài [92, 51].
Mặc dù cơ sở quyết định khách quan của ý chí nhìn chung dựa trên nền tảng lý tính, nhưng chúng vẫn chưa phải là những cơ sở xác định ý chí đạo đức. Cơ sở quyết định khách quan bên trong (innere Objektive), tức sự hoàn thiện những đặc tính của con người như năng lực bẩm sinh, sự khéo léo (theo quan điểm của Wolff), hay cơ sở quyết định khách quan bên ngoài (aeussere Objektive), tức ý chí Thượng đế, theo quan điểm của các
nhà triết học thần học, bằng cách này hay cách khác, hoặc là hướng đến lợi ích, hoặc là sự thể hiện của ý chí bên ngoài chủ thể hành động [92, 54].
Kant cho rằng, tất cả các cơ sở quyết định của ý chí trên, chủ quan hay khách quan, cảm tính hay lý tính, đều là những nguyên tắc thực tiễn vật chất (materiale praktíschen Regeln). Những nguyên tắc này, hoặc là tồn tại dựa trên sự ngoại trị (Heteronomie), hoặc là xuất phát từ trong những năng lực mong muốn hạ đẳng (im unteren Begehrungsvermoegen), vì vậy mọi lập luận lấy chúng làm cơ sở xác định giá trị đạo đức đều không có cơ sở [92, 31].
Những lập luận về cơ sở xác định ý chí đạo đức dựa trên những nguyên tắc thực tiễn vật chất có thể khác nhau, nhưng nhìn chung đều xoay quanh nguyên tắc hạnh phúc cá nhân (Prinzip der eigenen Glueckselligkeit) [92, 33], nên những cơ sở đó xét đến cùng đều là cảm tính kinh nghiệm, vì vậy không có được tính phổ quát và tất yếu.
Theo Kant, hạnh phúc là sự cảm nhận của từng cá nhân phụ thuộc vào điều kiện sống của họ. Ước muốn được hạnh phúc là mục đích sống của mỗi cá nhân với tư cách là một “thực thể kinh nghiệm”. Nó có thể là những nguyên tắc tối cao mang tính tổng quát (generelle Regeln), nhưng không bao giờ trở thành những nguyên tắc phổ quát (niemals universelle Regeln) có giá trị cho tất cả mọi người, vì vậy nguyên tắc hạnh phúc không thể là cơ sở xác định giá trị đạo đức. Ông viết:
Nguyên tắc hạnh phúc có thể là những nguyên tắc tối cao (Maximen), nhưng không bao giờ có thể trở thành qui luật cho ý chí cho dù hạnh phúc được đề cập ở đây là hạnh phúc cộng đồng.
Bởi sự nhận thức về hạnh phúc này dựa trên những dữ kiện kinh nghiệm (Erfahrungsdatis), và bởi mỗi phán đoán về hạnh phúc phụ thuộc vào cảm nhận khác nhau của từng người, cho nên chỉ có thể có những nguyên tắc tổng quát (generelle Regeln) chứ không bao giờ có được nguyên tắc phổ quát (niemals universelle Regeln) [92, 48].
Khác với những quan điểm lấy lợi ích vật chất hay hạnh phúc cá nhân làm cơ sở xác định giá trị đạo đức, Kant cho rằng cơ sở xác định giá trị đạo đức phải là lý tính thuần túy thực tiễn (reine praktische Vernunft).
Lý tính thuần túy thực tiễn là lý tính hoàn toàn độc lập với mọi kinh nghiệm. Ông viết: “Lý tính thuần túy tự nó là thực tiễn duy nhất, đem lại cho con người một qui luật chung, đó là qui luật mà chúng ta gọi là qui luật đạo đức” (“Reine Vernunft ist fuer sich allein praktisch, und gibt (dem Menschen) ein allgemeines, welches wir das Sittengesetz nenen”) [92, 43].
Khác với lý tính lý thuyết, lý tính thuần túy thực tiễn có ở tất cả mọi người, mọi thực thể lý tính mà không phụ thuộc vào năng lực đặc biệt nào.
Lập luận về vấn đề này, Kant viết: “Mỗi người đều có thể phân biệt được cái gì là thiện, cái gì là ác, cái gì hợp lý và cái gì trái với bổn phận. Không cần dạy gì cho người bình dân mà chỉ cần theo phương pháp Socrate giúp họ chú ý vào nguyên tắc của chính họ. Và như vậy chúng ta sẽ nhận ra rằng, họ sẽ không cần đến khoa học và triết học để biết phải làm gì để có thể trở thành người tốt, thậm chí trở thành người khôn ngoan và đức hạnh”
[93, 216].
Kant cho rằng lý tính thuần túy thực tiễn quyết định tính chất của ý chí (“tốt”, “xấu”). Cái “tốt” (“das Gute”) và cái “xấu” (“das Boese”) chủ quan gắn liền với tình trạng cảm giác (Empfindungszustand) của cá nhân như khoan khoái, sung sướng, hay đau khổ. Ngược lại, cái “tốt” và cái
“xấu” khách quan không liên quan đến tình trạng cảm giác của con người, mà chỉ liên quan đến ý chí của chủ thể hành động mà thôi [92, 76].
Kant cho rằng, tất cả những “cái tốt chủ quan” đều cần đến đối tượng, trái lại, cái “tốt khách quan” là cái tốt tự nó (an sich gut), bởi nó chỉ tuân theo tính hình thức của qui luật đạo đức mà thôi. Giải thích về vấn đề này, Kant viết:
Hoặc là một nguyên tắc lý tính tự nó trở thành cơ sở xác định của ý chí mà không để ý đến những đối tượng có thể có của những năng lực mong muốn (như vậy chỉ thông qua hình thức qui luật của nguyên tắc tối cao), nghĩa là một nguyên tắc tiên nghiệm của qui luật thực tiễn. Và như vậy qui luật thực tiễn này quyết định ý chí một cách trực tiếp, và hành vi phù hợp với ý chí đó là hành vi tốt tự nó, hoặc, cơ sở xác định của năng lực mong muốn phải dựa vào một đối tượng có trước mà đối tượng này là điều kiện của sự thỏa mãn hay không thỏa mãn và cùng với nó là sự sung sướng hay đau khổ. Và một nguyên tắc tối cao của ý chí quyết định hành vi theo xu hướng trên làm cho hành vi chỉ tốt một cách gián tiếp, và như vậy thì nguyên tắc tối cao này không bao giờ được xem là qui luật, mặc dù nó có thể được hiểu là những chỉ dẫn lý tính thực tiễn [92, 78 -79].
Như vậy đối với Kant, một hành vi được gọi là tốt, nghĩa là một hành vi đạo đức, chỉ có thể có khi nó xuất phát từ một ý chí tốt (ein guter Wille), một ý chí tốt tự nó. Ông viết: “Không có gì trên thế giới hay thậm chí ngoài thế giới có thể được gọi là tốt mà không có giới hạn, ngoại trừ một ý chí toát “ [93, 204].
Kant lập luận: trí thông minh, năng lực phán đoán, năng khiếu, hay các tính cách của con người như can đảm, quyết tâm, kiên trì, đều là những đức tính tốt và đáng được ước muốn về nhiều phương diện, nhưng những đức tính tốt đó có thể trở thành vô cùng xấu xa và gian ác, nếu ý chí sử dụng nó là một ý chí xấu [93, 204].
Quyền lực, sự giàu sang và danh giá, thậm chí sức khoẻ và sự sung sướng, thoả mãn - cái được gọi là hạnh phúc - có thể làm cho con người trở nên kiêu ngạo và tự phụ, nếu không có một ý chí tốt. Từ đấy ông đi đến kết luận rằng, một ý chí tốt là điều kiện thiết yếu để đáng được hạnh phúc [93, 205].
Đồng ý với Aristote và Epicure, Kant cho rằng sự chừng mực trong tình cảm và đam mê, sự tự chủ, sự bình tĩnh trong quyết định, là những phẩm chất tốt. Chúng góp phần làm nên giá trị của một con người. Tuy nhiên, chúng không phải là cái tốt vô điều kiện. Chỉ có một ý chí tốt mới là tuyệt đối. Ông viết:
Có một số phẩm chất có ích cho ý chí tốt, và có thể giúp cho hành động của nó, nhưng chúng không có giá trị tuyệt đối tự tại…
Sự chừng mực trong tình cảm và đam mê, tự chủ, bình tĩnh trong quyết định là những phẩm chất không chỉ tốt về nhiều phương
diện, mà còn là thành phần tạo nên giá trị nội tại của một con người; nhưng chúng hoàn toàn không thể được gọi là tốt vô điều kiện, mặc dù chúng được các triết gia thời cổ ca ngợi như thế.
Bởi vì nếu không có các nguyên tắc của một ý chí tốt, chúng có thể trở thành xấu xa vô cùng; tính lạnh lùng của một tên côn đồ không chỉ làm hắn trở nên nguy hiểm gấp bội, mà còn trực tiếp làm cho hắn trở nên ghê tởm trước mắt chúng ta hơn là hắn không có tính lạnh lùng đó [93, 204 - 205]
Cho rằng, chỉ những hành vi xuất phát từ “một ý chí tốt” mới là hành vi đạo đức, Kant đưa ra nhận định: cơ sở xác định giá trị đạo đức không nằm trong mục đích, hay kết quả đạt được của hành vi, mà nằm trong nguyên tắc của ý chí (Prinzip des Willens). Ông viết: “Có thể có hành vi xuất phát từ một ý chí tốt nhưng với mọi cố gắng vẫn không thể nào đạt được mục đích thì hành vi đó vẫn giống như một viên đá quí lấp lánh bởi ánh sáng của chính nó với đầy đủ giá trị của nó” [93, 205].
Như vậy, theo Kant, cơ sở xác định giá trị đạo đức không phải là lợi ích vật chất, hay hạnh phúc cá nhân, mà là lý tính thuần túy thực tiễn, tức ý chí. Tuy nhiên Kant cho rằng, không phải mọi hành vi xuất phát từ ý chí đều là hành vi đạo đức, mà chỉ có những hành vi xuất phát từ một ý chí tốt, nghĩa là tốt tự nó, mới có giá trị đạo đức.
Mặc dù đồng ý với Kant rằng cơ sở xác định giá trị đạo đức phải là cái “hợp lý tính” (“vernuenftig”), nhưng Hegel bác bỏ cái lý tính thuần túy thực tiễn, độc lập với mọi yếu tố thường nghiệm của Kant. Trong tác phẩm: “Những nguyên lý của triết học pháp quyền” (1821), Hegel đã phê
phán nguyên tắc ý chí của Kant một cách mạnh mẽ. Ông cho rằng, “một ý chí tốt” và sự tự quyết là điều kiện cần thiết của một hành vi đạo đức. Tuy nhiên, ý chí cá nhân không thể tách rời với những quan hệ xã hội của đời sống hiện thực.
Theo Hegel, cơ sở xác định giá trị đạo đức không phải là lý tính cá nhân, mà là lý tính chung tồn tại trong đời sống xã hội, thể hiện trong những chuẩn mực được mọi người thừa nhận. Cá nhân với tư cách là cá nhân chỉ có thể tự quyết định cho chính bản thân mình, chứ không bao giờ có thể tạo ra được một nội dung hiện thực cho đạo đức với tư cách là cái chung phổ biến. Nội dung đạo đức là sự phản ánh hiện thực xã hội với những thể chế chính trị - xã hội cụ thể, chứ không phải trong sự trừu tượng của lý tính thuần túy như quan điểm của Kant. Bởi Kant chỉ đề cập đến đạo đức cá nhân, tức sự độc lập, tự quyết của ý chí riêng lẻ, nên triết học đạo đức của Kant là trừu tượng và “thiếu nội dung thực chất” (“leere Wirklichkeit”).
Mặc dù hiện thực xã hội mà Hegel đề cập tới chỉ là những quan hệ pháp quyền với những thể chế chính trị – xã hội nhất định, chứ chưa phải là toàn bộ hoạt động đời sống vật chất xã hội của con người, nhưng ông đã nhận thấy sự phiến diện của Kant về vấn đề này. Cho rằng cơ sở xác định giá trị đạo đức tồn tại tự nó trong đời sống hiện thực, ông đã phê phán mạnh mẽ tính hình thức của qui luật đạo đức Kant và xây dựng một học thuyết đạo đức có nội dung “hiện thực” hơn.
Nhìn một cách tổng quát, chúng ta nhận thấy rằng quan điểm của Kant về cơ sở xác định giá trị đạo đức - lý tính thuần túy thực tiễn, hay
nguyên tắc của ý chí - là duy tâm, phiến diện và phi hiện thực. Ý chí đạo đức luôn gắn liền với đời sống hiện thực và những mối quan hệ lợi ích, tình cảm cụ thể của con người. Trong thực tế khó có thể tồn tại cái tốt thuần túy, cái “tốt khách quan”, hay cái “tốt tự nó” như quan điểm của Kant.
Dựa trên cơ sở xác định giá trị đạo đức, tức nguyên tắc của ý chí, Kant đã đưa ra mệnh lệnh tuyệt đối (kategorischer Imperativ) và những đặc trưng cơ bản của nó để lập luận cho giá trị tuyệt đối của con người.