Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC ĐẠO ĐỨC IMMANUEL KANT
3.2. Sự ảnh hưởng của triết học đạo đức Immanuel Kant đối với triết học Georg Wilhelm Friedrich Hegel
Nhìn một cách khái quát, triết học Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770 -1831) cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ triết học Kant. Những vấn đề cơ bản của triết học Hegel đều lấy triết học Kant làm điểm xuất phát, mặc dù sau đấy ông đã lập tức tiến hành phản bác.
Sinh ra trong một gia đình công chức lớn tại Stuttgart, Hegel theo học thần học tại trường đại học Tuebingen từ 1788 đến 1793. Sau khi tốt nghiệp, ông làm gia sư cho một gia đình quyền quý tại Berne với mục đích tận dụng kho tàng sách của gia chủ. Năm 1801, Hegel bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về thiên văn học tại Jena và được phong giáo sư tại đây.
Với tác phẩm “Hiện tượng học tinh thần” (“Phaenomenologie des Geistes”) (1807), hệ thống triết học Hegel được triển khai và ông trở thành một triết gia nổi tiếng. Từ 1808 đến 1816, Hegel làm hiệu trưởng một trường trung học ở Nuernberg, tại đây ông viết tác phẩm lớn “Khoa học logic” (“Wissenschaft der Logik”). Năm 1816, Hegel được mời về trường đại học Heidelberg và xuất bản tác phẩm đồ sộ “Bách khoa toàn thư các khoa học triết học” (Enzyklopaedie der philosophischen Wissenschaften im Grundrisse” (1817). Năm 1818, Hegel chuyển đến giảng dạy ở Berlin và là hiệu trưởng trường này từ năm 1830 cho đến khi mất.
Tư tưởng triết học của Hegel được đề cập đến trong nhiều tác phẩm với nhiều lĩnh vực khác nhau, từ việc phê phán mối liên hệ giữa Thiên chúa giáo và nhà thờ trong những tác phẩm đầu tay, đến những vấn đề của
lôgíc học, triết học tự nhiên, triết học pháp quyền, triết học lịch sử...
Nhưng nhìn chung, những vấn đề cơ bản của triết học Hegel đều lấy triết học Kant làm điểm xuất phát. Ảnh hưởng có ý nghĩa to lớn của triết học đạo đức Kant đối với triết học Hegel là vấn đề tự do ý chí (Willensfreiheit).
Xuất phát từ quan điểm tự do ý chí của Kant, Hegel đã lấy nó làm đối tượng nghiên cứu cho triết học pháp quyền của ông (bao gồm cả triết học đạo đức và triết học lịch sử). Trong tác phẩm “Những nguyên lý của triết học pháp quyền (Grundlinien der Philosophie des Rechts) xuất bản năm 1821, Hegel đưa ra nhận định rằng tự do ý chí không phải là đối tượng của niềm tin (Glauben), hay là một định đề như cách hiểu của Kant, mà là sự thống nhất giữa tư duy (Denken) và ý chí (Wille). Tự do là tính qui định cơ bản và là đặc tính cơ bản của ý chí.
Tự do ý chí được Hegel hiểu là sự thống nhất giữa cái đặc thù/cá biệt (das Besondere) và cái chung/phổ biến (das Allgemeine), giữa cái chủ quan (Subjektive) và cái khách quan (Objektive). Cái chung là năng lực trừu tượng hóa của ý chí khỏi mọi tính cá biệt, mọi tính xác định, và cái cá biệt là ý chí cá nhân về một cái gì đó xác định, tạo ra một nội dung cụ thể cho hoạt động của mình.
Hegel cho rằng, ý chí tự nó là tự do, nhưng không phải ý chí tự do nào cũng là tự do đích thực. Có thể phân biệt chúng theo ba cấp độ khác nhau. Đó là “ý chí tự do tự nó”ù (“der an sich freie Wille”), “ý chí tự do cho nó” (“der fuer sich freie Wille”), và “ý chí tự do tự nó và cho nó” (“der an und fuer sich freie Wille”).
“ Ý chí tự do tự nó” (“der an sich freie Wille”), chưa phải là tự do đúng nghĩa, mà là ý chí trực tiếp hay ý chí tự nhiên (unmittelbarer oder natuerlicher Wille). Ý chí tự do này tồn tại trong mỗi con người dưới dạng những khả năng (nur Moeglichkeit der Freiheit) chứ chưa phải là hiện thực (Wirklichkeit). “Tự do tự nó” trên thực tế bị qui định trực tiếp bởi thiên hướng và khát vọng tự nhiên. “Đứa trẻ tự nó là con người, lúc đầu có lý tính tự nó, trước tiên là khả năng của lý tính và của tự do, và cũng chỉ là tự do theo khái niệm. Cái gì tồn tại tự nó thì chưa có trong hiện thực của nó.
Con người lý tính tự nó phải tạo ra bản thân mình thông qua sự đi ra ngoài nó, nhưng lại hình thành trong nó, trở thành cho nó” [84, 53]
“Ý chí tự do cho nó” (“der fuer sich freie Wille”) thực chất là sự tự do tùy tiện (Willkuer) bởi nguyên tắc của nó là: “người ta có thể làm, nếu người ta muốn” (“man koenne tun, was man wolle”) [84, 57]. Theo nguyên tắc này ý chí tự do là sự độc lập, tự quyết của mỗi cá nhân. Vì vậy, theo Hegel, nó vẫn chưa phải là ý chí tự do theo nghĩa đích thực. Ông viết
“Quan niệm quen thuộc nhất khi nghĩ về tự do là quan niệm về sự tùy tiện... Nếu người ta thường nghe nói rằng, tự do nói chung là khả năng làm tất cả những gì mình muốn, thì quan niệm như vậy là thiếu vắng hoàn toàn văn hóa tư duy; trong quan niệm này vẫn không có một chút hiểu biết gì về ý chí tự do tự nó và cho nó, pháp luật, đạo đức,... là gì” [84, 57].
“Ý chí tự do tự nó và cho nó” (“der an und fuer sich freie Wille”) là ý chí đã trưởng thành một cách có ý thức, là sự nhận thức được tính tất yếu. Khác với “ ý chí tự do tự nó” và “ ý chí tự do cho nó”, “ ý chí tự do tự
nó và cho nó” là sự hợp nhất giữa ý chí cá nhân với ý chí chung, giữa tự do chủ quan và tự do khách quan.
Hegel cho rằng chỉ “ ý chí tự do tự nó và cho nó” là ý chí tự do theo nghĩa đích thực. Ý chí tự do này được thể hiện cụ thể trong nhà nước quân chủ Phổ, bởi trong nhà nước đó có sự hợp nhất giữa pháp luật và đạo đức, giữa tự do chủ quan và tự do khách quan.
Đồng ý với Kant rằng cơ sở của pháp luật phải dựa trên một ý chí chung (der allgemeine Wille), bởi nếu không có nó thì sẽ không có một luật hiện thực nào thực sự ràng buộc mọi người. Mỗi người đều có thể hành động như người đó muốn và không để ý tới ý muốn tùy tiện của người khác. Tuy nhiên, theo Hegel, ý chí chung này phải tồn tại độc lập bên ngoài thời gian và không gian, biểu thị cái hợp lý khách quan, chứ không phải là sự tùy tiện chủ quan của những cá nhân riêng biệt như quan điểm của Kant và các nhà Khai sáng [84, 71 – 72].
Pháp luật là sự tồn tại hiện có bên ngoài của ý chí tự do (Das Recht ist ein Dasein des auesseren freien Willens). Hegel lập luận rằng khi cá nhân đưa ý chí của mình vào vật, nó trở thành sở hữu của cá nhân (Privateigentum), và thông qua sở hữu của cá nhân đối với vật (quyền chiếm hữu, định đoạt, sử dụng), cá nhân trở thành nhân cách (Person) [84, 81].
Sở hữu tư nhân là điều cần thiết, biểu thị sự tồn tại hiện có bên ngoài của ý chí tự do. Vì vậy, mỗi cá nhân với tư cách là thực thể tự do, cần phải có sở hữu tư nhân. Nghĩa là sở hữu tư nhân là quyền của mỗi con người lý tính, và pháp luật hiện hành (positives Recht) có nhiệm vụ bảo vệ
quyền sở hữu của các cá nhân. Các cá nhân có quyền tự do tiến hành thỏa thuận sở hữu của mình trên nguyên tắc: “Hãy là một nhân cách và tôn trọng những người khác như là những nhân cách ” (“Sei eine Person und respektiere die andere Personen”) [84, 82]. Tuy nhiên ông cho rằng tự do sở hữu, tự do khế ước chỉ là tự do hình thức chủ quan tùy tiện của những cá nhân riêng biệt mà thôi.
Khác với pháp luật, đạo đức là sự tồn tại hiện có bên trong của ý chí tự do (Die Moralitaet ist ein Dasein des inneren freien Willens). Nhưng ý chí này phải được thể hiện thông qua hành động có mục đích và phù hợp với ý chí chung do những mối quan hệ xã hội hiện thực xác định. Mỗi cá nhân
“cần phải” hành động phù hợp với ý chí chung.
Kế thừa Kant, Hegel cũng cho rằng tự do chỉ có được khi ý chí con người hoàn toàn độc và tự quyết, nghĩa là không bị qui định hay lệ thuộc vào cái gì khác với chính bản thân nó. Tuy nhiên khác với Kant, khái niệm tự do theo Hegel luôn lệ thuộc và biến đổi theo đời sống cá nhân và lịch sử xã hội. Nếu Kant cho rằng tự do là tự đặt mình dưới các qui luật đạo đức do lý tính qui định, hay là sự tự thoát khỏi mọi qui định của tự nhiên và xã hội cũng như mọi ham muốn và các xu hướng khác, thì Hegel lại cho rằng từ bỏ hay tự khống chế những ham muốn của con người cũng có nghĩa là không còn được tự do.
Mặc dù đồng ý với Kant rằng, cơ sở xác định giá trị đạo đức phải là cái “hợp lý tính” (“vernuenftig”) và hành vi đạo đức phải xuất phát từ sự tự trị của lý tính. Nhưng không phải là lý tính cá nhân độc lập với mọi yếu tố thường nghiệm và những thể chế chính trị - xã hội, mà là gắn liền với
chúng. Hành vi đạo đức mang tính cá nhân nhưng lại là sự thể hiện của những định chế cũng như những qui phạm xã hội trong hiện thực.
Phê phán tính trừu tượng, tính hình thức của qui luật đạo đức Kant, Hegel cho rằng những nguyên tắc đạo đức của Kant chỉ dừng lại ở cái cần phải (Sollen), chứ không thể hiện được tính hiện thực (wirklich). Trên thực tế chúng không phải là những qui luật (Gesetze) mà chỉ là những điều răn (Gebote) mà thôi. Vì vậy cần thiết phải từ bỏ tính hình thức khuôn mẫu đó và đem lại cho nó một nội dung cụ thể.
Theo Hegel, hành vi đạo đức được thực hiện bởi sự tự quyết (Selbstbestimmung) của chí cá nhân, nhưng qui luật đạo đức tồn tại tự nó trong đời sống cộng đồng. Cơ sở xác định giá trị đạo đức không phải là lý tính cá nhân, mà là những chuẩn mực được mọi người trong một xã hội thừa nhận. Cá nhân với tư cách là cá nhân không bao giờ có thể tạo ra được một nội dung hiện thực cho đạo đức. Nội dung đạo đức chỉ có thể ra đời với sự can thiệp của hiện thực xã hội chứ không phải trong sự trừu tượng của lý tính.
Chính trong lĩnh vực luân lý (Sittlichkeit) (gia đình, xã hội công dân, và nhà nước), tính cá biệt và tính phổ biến mới có thể hợp nhất được với nhau. Tính cá biệt đơn độc chỉ là sự tự do tùy tiện, còn tính phổ biến đơn độc làm cho đạo đức thành trừu tượng và không ăn nhập gì với cuộc sống hiện thực.
Mặc dù đồng ý với Kant rằng, lý tính là cơ sở của đạo đức và luân lý, nhưng theo Hegel, nội dung của đạo đức luôn gắn liền với hiện thực xã hội và được thể hiện trong những định chế cụ thể. Giá trị đạo đức tối cao –
cái thiện tối cao của Kant - phải được hiện thực hóa trong một xã hội gắn liền với nghĩa vụ đối với xã hội đó, chứ không phải nằm ngoài đời sống hiện thực của con người – trong thế giới của sự hy vọng [84, 202 - 204].
Cái “cần phải” (soll) phải trở thành cái “hiện thực” (wirklich), chứ không chỉ là “cái cần phải thuần túy” (reines Sollen) theo quan điểm của Kant.
Đồng ý với Kant rằng, là một “thực thể sinh vật”, con người chịu sự qui định của tính nhân quả, và vì vậy là mất tự do. Tuy nhiên, Hegel đã thực tế hơn và sâu sắc hơn Kant khi ông phân tích vấn đề này trong các mối quan hệ xã hội và đưa ra nhận định: lệ thuộc về kinh tế cũng có nghĩa là mất tự do.
Vậy làm thế nào để bảo vệ và hiện thực hóa tự do của con người ? Hegel cho rằng có nhiều cách để thoát khỏi sự mất tự do như bất chấp sự hiện hữu của những quan hệ lệ thuộc, quay về với chính mình trong sự tự do nội tâm theo quan điểm của phái Khắc kỷ; loại bỏ sự lệ thuộc bằng hành động mang tính bạo lực cách mạng kiểu Jacobin, hay vượt bỏ (aufheben) nó bằng cách tiến dần đến sự đồng nhất có sự dị biệt giữa các mặt đối lập [19, 534].
Xuất phát từ quan điểm rằng, hành vi con người là sự hiện thực hóa của ý thức con người, là “hiện tượng” của cái tinh thần nói chung và “bản chất tinh thần” không gì khác hơn là bước đầu của trật tự xã hội, nơi đó sự hiện thực hóa tính cá nhân là sự tự trưng bày cái gì của riêng mình trong môi trường phổ biến, qua đó sự việc của riêng mình phải trở thành sự việc của tất cả mọi người, Hegel tán thành việc hiện thực hóa tự do theo cách
vượt bỏ sự lệ thuộc tiến dần đến sự đồng nhất giữa cái đặc thù (cá biệt) và cái chung (phổ quát) thông qua sự môi giới của xã hội công dân.
Sự hợp nhất giữa ý chí cá biệt với ý chí chung, giữa tự do chủ quan và tự do khách quan nằm trong nhà nước. “Nhà nước là hiện thực của tự do cuù theồ” (“Der Staat ist die Wirklichkeit der konkreten Freiheit”) [84, 370], bởi trong nhà nước mỗi cá nhân tự nhận thức rõ về nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong sự hợp nhất với nghĩa vụ và quyền lợi chung của nhà nước.
Trong xã hội công dân, khi hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của mình, các cá nhân đồng thời đã đáp ứng nhu cầu và lợi ích chung của toàn xã hội. Tuy nhiên sự thống nhất giữa cái riêng và cái chung là sự tất yếu của sự phát triển xã hội, chứ chưa phải là sự tự do theo nghĩa rằng cá nhân đã nhận thức được cái tất yếu.
Chỉ trong nhà nước tự do của con người mới trở thành hiện thực.
“Nhà nước là hiện thực của ý niệm luân lý - của tinh thần luân lý” (“Der Staat ist die Wirklichkeit der sittlichen Idee – der sittliche Geist”) [84, 363]. Trong nhà nước, cái chung và cái đặc thù thống nhất với nhau. Nhà nước là sự hiện thực hóa tự do đích thực, nên “nghĩa vụ tối cao của các cá nhân là trở thành thành viên của nhà nước” (“die Einzelnen hat hoechste Pflicht, Mitglieder des Staats zu sein”); và trong hành động của mình phải luôn tuân thủ luật pháp và nguyên tắc luân lý phổ biến [84, 364].
Như vậy, từ sự kế thừa khái niệm tự do ý chí của Kant, Hegel đã dùng nó làm cơ sở lý luận để biện minh cho sự hợp lý của nhà nước quân chủ Phổ, kêu gọi sự phục tùng pháp luật của thần dân đối với nhà nước, đúng như tinh thần mà ông đã viết trong lời nói đầu của tác phẩm “Những
nguyên lý của triết học pháp quyền”: “cái gì hợp lý thì hiện thực; và cái gì hiện thực thì hợp lý” (“Was vernuenftig ist, das ist wirklich; und was wirklichist, das ist vernuenftig”) [84, 19]. Chỉ trong nhà nước quân chủ Phổ pháp luật và đạo đức mới thống nhất với nhau. Nhà nước Phổ được Hegel thể hiện như một nhân cách sống (eine lebendige Person), là “tinh thần dân tộc” (“Volksgeist”), và nó gắn liền với mỗi người như tâm hồn với thể xác.
Với tinh thần trên, lịch sử thế giới (Weltgeschichte) cũng được Hegel lập luận là lịch sử của sự tiến bộ trong ý thức về tự do. Trong quá trình phát triển của nó, các “tinh thần dân tộc” (“Volksgeister”) luôn bị qui định bởi “tinh thần thế giới” (“Weltgeist”). Tinh thần thế giới đi từ dân tộc này đến dân tộc khác. Các dân tộc tiến lên trước và lùi về sau. Dân tộc thống trị luôn luôn đúng, dân tộc bị trị thì ngược lại, và đấy chính là con đường của tinh thần thế giới tiến tới sự tự ý thức về tự do [84, 495 -498 ].
Lịch sử thế giới là sự phát triển tinh thần của các dân tộc qua các thời đại, bắt đầu từ phương Đông đến Hy lạp - La Mã cổ đại, và kết thúc ở dân tộc Đức. Ở phương Đông chỉ một mình Hoàng đế nhận thức được rằng mình tự do. Ở Hy lạp và La Mã cổ đại chỉ một vài người biết mình tự do, nhưng ở Đức tất cả đều ý thức về tự do của mình [84, 504 - 510].
Phương Đông là tuổi thơ của lịch sử nhân loại. Hy Lạp là tuổi thiếu niên và ở đây bắt đầu hình thành tự do chủ quan. La Mã cổ đại là thời kỳ hình thành tuổi thành niên của lịch sử. Ở đây chỉ có những trách nhiệm chung nặng nề và cá nhân trở thành vật hy sinh cho toàn thể. Thời đại của Cơ đốc giáo là thời đại của sự hợp nhất giữa ý chí tuyệt đối và ý chí của