Chương 2 CÁC CHIỀU KÍCH CẤU TRÚC XÃ HỘI
2.2. Cơ cấu tổ chức theo giáo xứ
2.2.2. Hội đồng giáo xứ, giới tinh hoa của cộng đồng
Có thể nói, Hội đồng giáo xứ tại các xứ đạo vùng Công giáo di cư được xem là giới tinh hoa của cộng đồng. Bởi đây là nhóm người được dân chúng bầu chọn để điều hành mọi hoạt động của giáo xứ. Đây cũng là một mô hình tổ chức xã hội của giáo dân đã có lịch sử lâu đời, được hình thành và phát triển kể từ khi Công giáo vào Việt Nam. Mặc dù không nằm trong hệ thống hành chính của giáo hội Công giáo, nhưng đây là tổ chức có vai trò quan trọng đối với giáo hội Công giáo Việt Nam trong việc giữ đạo, sống đạo và phát triển đạo, nhất là giáo hội Công giáo chủ trương đề cao vai trò của giáo dân vào các hoạt động tông đồ hay các hoạt động truyền giáo.
Khi tìm hiểu các cuộc bầu cử Hội đồng Mục vụ giáo xứ tại các điểm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các cuộc bầu cử diễn ra rất chặt chẽ. Bởi những người được bầu cử vào Hội đồng giáo xứ được xem là những người có danh giá trong cộng đồng. Đặc điểm này không khác nhiều so với các cộng đồng truyền thống Bắc bộ. “Điều quan trọng là người nông dân rất thích trở thành chức sắc;
họ có thể đạt được bằng sự chấp nhận của các vị kỳ mục hay do dân cử, nghĩa là bằng thủ đoạn; và họ chỉ đạt được khi lớn tuổi” [133, 2003: 249].
Chính vì vậy, mỗi lần diễn ra các đợt bầu cử Hội đồng giáo xứ, dư luận trong giáo xứ rất được quan tâm. Qui trình bầu cử Hội đồng giáo xứ thường diễn ra khá bài bản: vòng một tại các giáo khu, các giáo dân đề cử và bầu người làm đại diện cho giáo khu của mình vào vòng bầu cử thứ hai, cấp giáo xứ. Sau đó, giáo xứ công bố tên các ứng viên công khai niêm yết danh sách tại nhà thờ. Tiếp
đến, vào ngày lễ Chủ nhật được mọi người thống nhất, người ta phát phiếu bầu cho tất cả mọi người từ giới trẻ trở lên được trực tiếp bầu ra các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ. Giải thích về tiêu chuẩn và cách thức chọn Hội đồng Mục vụ của giáo xứ, một người trong Ban hành giáo tại một giáo xứ, tại Hố Nai cho biết:
Tiêu chí để chọn ban hành giáo xứ là: phải có lòng mộ đạo, tư cách đạo đức tốt, đời sống kinh tế khá giả, độ tuổi 18 tuổi trở lên nhưng thường là những người lớn tuổi, có kinh nghiệm hoạt động tông đồ và không chấp nhận những người từng bị đi tù”.
Mỗi nhiệm kỳ làm bốn năm nhưng không giới hạn một người làm bao nhiêu nhiệm kỳ.
Còn về cách thức, lúc đầu là ở xứ đề cử và đưa lên danh sách sáu người. Sau đó giáo dân bầu chọn ra bốn người trong sáu người đó. Sau khi đã tìm ra được bốn người có số phiếu cao nhất thì bốn người này cùng với Ban hành giáo cũ ngồi lại với nhau để bàn thảo xem ai là trưởng, là phó, là thư ký, nhưng công việc thảo luận này được thực hiện chủ yếu bởi bốn người, còn Ban hành giáo cũ chỉ đưa ra những ý kiến tham khảo.
Nhật ký ngày 20/01/2009.
PL:2, NKĐD: số 10
Như vậy, tiêu chuẩn để được bầu chọn vào Hội đồng Mục vụ giáo xứ là cá nhân đó phải có đời sống đạo đức, sốt sắng làm việc tông đồ, điều kiện kinh tế tương đối khá giả để có thể dành nhiều thời gian cho công việc của giáo xứ, và một điều đặc biệt quan trọng nữa là cá nhân đó phải từng là thành viên trong Ban điều hành giáo khu. Cách thức bầu cử thông thường nhất là để tất cả giáo dân từ 18 tuổi trở lên bầu chọn bằng phiếu kín và những người có số phiếu cao sẽ là thành viên Hội đồng Mục vụ của giáo xứ. Tuy nhiên, cách thức tuyển chọn những cá nhân vào Hội đồng Mục vụ giáo xứ cũng có những thay đổi, thích nghi với bối cảnh xã hội của cộng đồng.
Qua tìm hiểu các chức việc trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ tại khu vực Cái Sắn, chúng tôi được biết cách đây hơn 10 năm, người ta thường có xu hướng bầu chọn những người lớn tuổi vào những vị trí quan trọng, nếu như người lớn tuổi không được bầu vào vị trí cao nhất thì người trẻ hơn ở vị trí cao nhất đó có thể nhường cho người lớn tuổi.
Trước đây bác B từng được bầu làm trưởng khu nhưng bác đã nhường chức trưởng đó cho một người khác cao tuổi hơn trong Ban điều hành khu, và bác B nhận chức
phó. Điều đó tạo nên tính hai mặt, nó làm cho người được nhường chức trưởng đó bị áp lực hơn, hoặc có thể làm cho người đó chểnh mảng công việc vì họ nghĩ họ được ưu tiên. Mặt khác, nếu như người được nhường chức trưởng đó làm tốt mọi công việc thì không sao nhưng nếu người đó bê trễ thì sẽ bị người dân “lời ra, tiếng vào”,
“người dân sẽ không nể trọng người đó vì thực chất họ bầu người kia làm trưởng chứ không bầu cho người này”
Nhật ký điền dã, tại Cái Sắn, ngày 31 tháng 3 năm 2009.
PL:2, NKĐD: số 17
Cũng theo các vị chức việc này, bây giờ chuyện “kính lão đắc thọ”
không còn nữa, hễ ai được bầu chọn vào vị trí nào thì làm vị trí đó. Tuy nhiên, chức vị chánh trương thường được bầu theo hình thức “tự bầu cử” trong nội bộ – tức là những người được bầu vào Ban hành giáo sau khi có danh sách chính thức, thì những thành viên này thường họp lại với nhau để bầu ra chánh trương, phó trương, thư ký và thủ quỹ (buổi họp này có sự hiện diện và góp ý của Ban hành giáo cũ nhưng chỉ mang tính chất tham khảo). Các thành viên dựa vào ưu điểm của mỗi người để “đặt” vào những vị trí thích hợp.
Như vậy, có thể thấy việc bầu chọn các giáo dân vào Hội đồng Mục vụ giáo xứ là một việc làm rất quan trọng. Chính vì thế, những người được bầu chọn làm thành viên của Hội đồng giáo xứ có thể được xem như là những người “ưu tú” trong cộng đồng đó. Mỗi người được phân công đảm nhận những chức vụ riêng dựa trên sự xem xét khả năng làm việc họ như thế nào? Đặc biệt, người ta biết tận dụng đúng những lợi điểm của cá nhân để phát huy hiệu quả công việc cho giáo xứ, như trường hợp của một ông “phó ngoại” Hội đồng giáo xứ ở khu vực Cái Sắn. Sở dĩ, ông được trọng dụng vào vị trí “phó ngoại” của Hội đồng giáo xứ là vì ông có thời gian tham gia tích cực hoạt động giáo dục của địa phương và có mối quan hệ thân thiết với các vị lãnh đạo chính quyền. Cho nên, ông có nhiều điều kiện thuận lợi làm công việc đối ngoại cho giáo xứ.
(…) tài ngoại giao rộng rãi của tôi đã tạo điều kiện rất thuận lợi khi tôi làm việc ở Ban hành giáo, tôi biết cách đến đâu để liên hệ, gặp ai. Nhiều khi đi ngoại giao để làm việc với chính quyền, chú mời người ta nhậu, người ta cũng không dám đi, vì người ta ngại, người ta nghĩ là trước đây tôi đã làm một việc to tát (xây trường học) như vậy mà bây giờ tôi nhờ làm cái này, cái kia (rất nhỏ nhặt) mà lại đi “nhậu” thì cũng kì kì; nếu họ có đồng ý đi nhậu thì cũng vào những quán bình dân, cho nên mỗi lần “ngoại giao” tôi cũng không phải tốn kém nhiều. Chính vì sự ngoại giao
rộng rãi mà tôi được cha xứ trọng dụng vào Ban hành giáo trong nhiệm kì này, cha luôn kêu gọi tôi đứng ra làm việc mặc dù tôi đã từ chối rất nhiều lần.
Nhật ký điền dã tại Cái Sắn, ngày 24 tháng 3 năm 2009.
PL:2, NKĐD: số 14
Việc biết kết hợp linh hoạt, hài hòa giữa yếu tố “đạo” và “đời” bằng việc trọng dụng những người giáo dân có uy tín với chính quyền vào các vị trí trong Ban hành giáo đã giúp phát huy hiệu quả công việc của giáo xứ. Chiến lược ứng xử này thường thấy ở Hố Nai, cũng như ở Cái Sắn, mặc dù tiêu chuẩn lựa chọn này không ai nói ra, nhưng dường như mọi người tự quy ước và tự hiểu với nhau rằng sự kết hợp đạo - đời sẽ tốt cho cộng đồng và xã hội. Chúng tôi có thể lấy một trường hợp của một giáo xứ tại khu vực Cái Sắn để chứng minh cho nhận định này, như sau:
Khóa này tôi làm Ban hành giáo là khóa thứ 15, còn khóa 14 vừa rồi, không có ai có thể đứng ra đi làm giấy tờ, liên hệ chính quyền địa phương được (vì không ai “quen biết”chính quyền và không nắm rõ cách thức phải làm như thế nào) nên phải “nhờ”
một ông phó chánh của khóa 13 làm giùm, vì ông phó chánh này có một cây xăng, nên thông qua đó ông quen được nhiều người vì thế mà ông có thể liên hệ làm được giấy tờ này nọ cho giáo xứ.
Nhật ký điền dã tại Cái Sắn, ngày 24 tháng 3 năm 2009.
PL:2, NKĐD: số 14
Ngoài những chiến lược kết hợp lợi điểm cá nhân và công việc chung của giáo xứ thì việc những cá nhân tham gia vào Hội đồng Mục vụ còn có những ý nghĩa mang tính tâm linh như: “làm việc tông đồ”, “làm để trả công cho Chúa”. Khi tìm hiểu về lý do tham gia Hội đồng mục vụ, chúng tôi nhận thấy có nhiều lý do khác nhau nhưng tựu chung lại là hướng đến những giá trị tâm linh.
Họ làm việc với tinh thần hy sinh, phục vụ mọi người. Chính vì xuất phát từ ý thức hy sinh việc cá nhân để phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng, nên những cá nhân này thường được cộng đồng giáo dân coi trọng và đề cao. Mặt khác, chính những cá nhân làm việc trong Hội đồng Mục vụ cũng nhận thấy rằng, mặc dù họ hy sinh công việc của gia đình để làm công việc chung nhưng công việc riêng của họ vẫn rất thuận lợi thậm chí là còn suôn sẻ hơn cả lúc họ chưa đảm nhận chức vụ trong Hội đồng Mục vụ.
Chính vì vậy, những giá trị tinh thần đó đã tạo động lực, thúc đẩy họ hy sinh làm việc cho nhà thờ vì danh Chúa, đúng với trách nhiệm và bổn phận của người tín đồ. Những người này cũng thường là tâm điểm sự chú ý của người khác. Ở đó, nếu họ có phẩm hạnh tốt, làm việc hiệu quả thì luôn được các thành viên trong cộng đồng xem như là “tấm gương sáng” cho mọi người noi theo.
Những người giữ vai trò thành viên trong Ban hành giáo thường được mọi người ưu ái gọi bằng chính chức danh mà họ đang đảm nhận, ví dụ như: ông chánh, hay ông phó chánh…. Hoặc theo như một linh mục ở khu vực Cái Sắn cho chúng tôi biết:
khi viết thiệp mời đám cưới, đám tiệc hay một liên hoan nào đó thì người gởi phải đề rõ chức vụ của người được gởi, ví dụ như: kính gửi ông bà chánh, chứ không thể để những hàng chữ trọc lóc “kính gởi ông bà”, người ta muốn có sự phân biệt về trật tự, thứ bậc trong đó.
Nhật ký điền dã tại Cái Sắn, ngày 04 tháng 3 năm 2009.
PL:2, NKĐD: số 11
Đặc biệt, trong cơ cấu Hội đồng Mục vụ giáo xứ tại khu vực Hố Nai và Cái Sắn chủ yếu là nam giới, thực tế cơ hội cho nữ giới được tham gia vào các chức vị cao quí của giáo xứ ít hơn so với nam giới. Điều này xét góc độ về bình đẳng giới thì có vẻ như đây là mô hình tập trung quyền lực vào những người đàn ông trong cộng đồng.
Từ trước đến giờ thì chưa bao giờ có trường hợp phụ nữ làm chủ tịch hội đồng mục vụ, hay là có danh hiệu "bà trùm" (nếu có thì cũng chỉ là người ta gọi theo chức danh của ông chồng thôi). Tất cả những công việc đó đều do người đàn ông đảm trách. Nếu nói về mong muốn thì chắc hẳn ai cũng mong muốn mình được làm những công việc đó, cũng muốn mình được nằm trong một tổ chức lãnh đạo.
Nhưng cái tư tưởng, cái truyền thống đặc biệt là những người gốc Bắc ở đây đã quá ăn sâu vào người phụ nữ, khiến cho họ dù muốn cũng không dám bứt phá để đứng lên. Tôi đi công tác rất nhiều, cũng tiếp xúc với nhiều người dân nữa, và tôi biết có những người rất giỏi, thậm chí giỏi hơn đàn ông rất nhiều, nhưng họ vẫn không thể đứng lên lãnh đạo được, đó là một thiệt thòi cho phụ nữ.
Bà An, 49 tuổi, cán bộ cấp xã, vùng Cái Sắn, nhật ký điền dã ngày 30/5/2009 PL:2, NKĐD: số 22
Theo người phụ nữ này, vị trí của người phụ nữ trong các tổ chức Công giáo so với vị trí của người phụ nữ trong các tổ chức chính quyền có sự khác biệt rất lớn. Người phụ nữ Công giáo thì chỉ có thể làm bà quản, nhưng người phụ nữ
ngoài xã hội thì có thể là người đứng đầu trong một số ban ngành cơ quan nhà nước. Vì vậy, vị trí của người phụ nữ trong cơ cấu tổ chức giáo xứ Công giáo vẫn còn bị hạn chế rất nhiều so với ngoài xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rõ việc phân biệt trật tự thứ bậc theo độ tuổi, theo giới tính này một phần bị chi phối bởi những giá trị, chuẩn mực văn hóa từ trong mỗi gia đình. Cơ cấu tổ chức các giáo xứ phân theo thành phần các giới thực chất cũng dựa trên nền tảng phân định thứ bậc của mô hình gia đình phụ hệ người Việt và chịu chi phối mạnh mẽ bởi quyền uy truyền thống. Trong khi đó cơ cấu tổ chức trong các cơ quan nhà nước thì vận hành theo quyền uy pháp lý. Việc phân định thứ bậc không trầm trọng như trong cơ cấu tổ chức làng-xã truyền thống.
Tóm lại, mô hình tổ chức các giáo xứ Công giáo của người Bắc di cư là mô hình tập trung quyền lực gia trưởng, và những cá nhân trong Hội đồng Mục vụ giáo xứ là những người được giáo dân trong cộng đồng vị nể, mến mộ với vai trò là người được cộng đồng bầu chọn công khai.