Các giới, hô ̣i đoàn Công giáo

Một phần của tài liệu Cấu trúc cộng đồng của người việt công giáo di cư năm 1954 tại nam bộ (Trang 110 - 120)

Chương 2 CÁC CHIỀU KÍCH CẤU TRÚC XÃ HỘI

2.2. Cơ cấu tổ chức theo giáo xứ

2.2.3. Các giới, hô ̣i đoàn Công giáo

Theo Max Weber, việc tham gia các hội đoàn được xem như là “những nấc thang thăng tiến xã hội” [172, 2008: 341] và ông cũng đưa ra sự khác biệt trong sự tham gia các hội đoàn tôn giáo giữa truyền thống của người Đức và người Mỹ. Nếu như người Đức tham gia các hội đoàn “chỉ thuần túy theo phong tục, chỉ nhắm tới hợp thức cá nhân và xã hội của họ” [172, 2008: 341] thì người Mỹ xem “việc được gia nhập các câu lạc bộ nói trên tương đương với việc có được chiếc vé trong xã hội và trước hết chứng nhận, trước diễn đàn về phẩm cách cá nhân, “là đã chứng minh được phẩm cách của mình” [172, 2008: 341]. Trong quá trình sinh sống và quan sát trong cộng đồng tại Hố Nai và Cái Sắn, chúng tôi cũng nhận thấy việc tham gia các giới, hội đoàn trong các giáo xứ Công giáo ở Việt Nam một khía cạnh nào đó là thể hiện lòng mộ đạo và tư cách đạo đức của những người tham gia. Những thành viên trong một giáo xứ không tham gia bất kỳ hội đoàn nào sẽ không nhận được sự tôn trọng như những người tham gia nhiều hội đoàn của giáo xứ như: ca đoàn, giáo lý viên…

Việc một người tham gia nhiều hội, đoàn khác nhau là vì: thứ nhất là những người có năng lực, có khả năng, có tài ăn nói, ứng xử lưu loát còn những người nhút nhát thì lại không dám làm, họ lại tiếp tục bầu người đó. Thứ hai là dân ở đây người ta suốt ngày bận rộn với công ăn việc làm, còn những người ít việc làm, nhàn nhã, thường được bầu vào các hội, đoàn nên nhà họ hi sinh chút thời gian để làm công việc chung. Tuy nhiên, cũng có người tham gia vào các hội, đoàn thể để mong được người ta gọi là “ông” (được kính trọng), nếu như không tham gia vào đoàn thể nào thì họ sẽ bị gọi là “anh”, là “thằng”, còn nếu tham gia vào các hội đoàn đó thì sẽ được gọi trang trọng là “ông”.

Cũng có người tham gia vào các hội đoàn là do truyền thống của gia đình, cha mẹ họ tham gia tích cực trong các đoàn thể của giáo xứ thì đến lượt họ cũng muốn được như vậy. Thấy cha ông mình “đạt” được một cái gì đó thì họ cũng muốn “tiếp bước”.

Long, 28 tuổi, nhật ký điền dã tại Hố Nai, ngày 18/01/2009 PL:2, NKĐD: số 9

Trong tất cả các vấn đề liên quan đến cộng đồng làng-xã cổ truyền của người Việt thì vấn đề cơ bản trong đời sống chính trị của cộng đồng và cũng là mối quan tâm của người dân trong làng là việc sắp xếp ngôi thứ trong cộng đồng . Bên cạnh đó, trong nội bộ các cộng đồng còn chia thành nhiều nhóm người theo từng ngôi thứ, vị thế trong cộng đồng của mình mà theo Pierre Gourou: “nét đáng chú ý nhất trong đời sống xã hội của làng Bắc kỳ là xu hướng của người nông dân muốn họp thành phe, nhóm. Ta đã thấy những tổ chức đó ở thôn, xóm, giáp.

Nhưng còn các tổ chức khác nữa. Tất các nhóm đó đều tham gia tích cực ít nhiều vào các lễ hội của là ng và tất nhiên chúng có hội hè riêng , nghĩa là cỗ bàn riêng” [133, 2003: 252]. Các cộng đồng Công giáo di cư ngày nay vẫn còn những nét đặc trưng cơ bản của cộng đồng làng-xã theo mô hình Bắc bộ. Trong nội bộ các giáo xứ cũng chia thành các nhóm khác nhau theo các tiêu chí theo giới, tuổi tác hoặc hội đoàn để mỗi người dân trong giáo xứ tham gia vào các tổ chức đặc trưng, phù hợp với mình. Thông thường mỗi giáo xứ đều phân ra thành các giới khác nhau: giới thiếu nhi, giới trẻ, giới hiền mẫu, giới gia trưởng. Mỗi giới đều có thánh Quan thầy riêng và có ngày kính các thánh Quan thầy của giới mình để tổ chức rước sách, hội họp và liên hoan theo kiểu “cỗ bàn riêng”.

Trong suốt quá trình điền dã tại cộng đồng giáo dân Công giáo di cư, chúng tôi nhận thấy một đặc điểm chung là những người tham gia các giới, hội đoàn được xem như là những người có lòng mộ mến, đạo đức việc nhà Chúa,

được mọi người trong cộng đồng tôn trọng hơn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy, có một số cá nhân tham gia rất nhiều hội đoàn khác nhau (thường là những người lớn tuổi), nhưng chung một mục đích là “làm việc đạo đức”. Theo mô hình, cách thức tổ chức của các giáo xứ người Công giáo di cư thì bất kỳ một thành viên nào trong cộng đồng cũng sẽ là thành viên ít nhất của một hội đoàn.

Chúng tôi nhận thấy có một đặc điểm chung ở các giáo xứ ở vùng Cái Sắn vẫn còn sự tồn tại của chức danh “ông bà Quản”, nhiệm vụ chính của họ là phụ trách coi sóc các em thiếu nhi: dạy giáo lý, giữ trật tự thiếu nhi trong nhà thờ, có thể là kiêm thêm phần kinh sách trong các giờ lễ, giờ cầu nguyện. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của ông bà Quản ngày càng giảm theo thời gian “cách đây khoảng 30 năm, ông Quản có vị trí rất quan trọng: kinh sách, phụng vụ trong thánh lễ, tập múa cho các dịp lễ quan trọng, dạy giáo lý, … nhưng hiện nay, những công việc đó đã được các Dì đảm nhận, nhiệm vụ bây giờ của ông Quản là giữ trật tự các em thiếu nhi trong nhà thờ” (linh mục chánh xứ Ngọc Thạch). Ở Hố Nai, chức vụ ông bà Quản hiện nay không còn tồn tại nữa, tuy nhiên, những người từng giữ chức quản trong giáo xứ (trong quá khứ) đến nay vẫn được mọi người trong cộng đồng gọi là “ông quản A”, “bà quản B”.

Trong quá trình tìm hiểu hoạt động của từng giới trong các giáo xứ, chúng tôi nhận thấy, tùy vào mỗi giáo xứ mà phân công cho các giới khác nhau, nhưng vẫn có những công việc chung, đặc trưng dành cho mỗi giới là giống nhau ở hầu hết các giáo xứ.

- Giới cao niên (hay còn gọi là giới bô lão): tại các giáo xứ Công giáo di cư năm 1954, người ta quan niệm người nào bước vào tuổi 60 được xem là các

“cụ Bô”. Thông thường các cụ bô lão là những người có tiếng nói uy tín trong giáo xứ và tham gia bàn bạc các việc chung của giáo xứ. Giới bô lão cũng có ban điều hành để tự điều hành các công việc của giới và có ngày lễ thánh Quan thầy riêng. Có một đặc điểm chung của giới bô lão tại đây , tuy đã bước vào tuổi lão nhưng các cụ ông vẫn cho mình thuộc giới gia trưởng , cho dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn “mong muốn” mình vẫn giữ vai trò chủ gia đình. Dù rằng những

“mong muốn” này cũng vấp phải sự phản ứng của những người nhỏ tuổi hơn trong giới gia trưởng. Vì như thế những người trẻ tuổi hơn sẽ gặp khó khăn trong việc điều hành giới của mình.

Chính vì thế, có những trường hợp những người lớn tuổi tham gia hai giới trong giáo xứ là giới gia trưởng và giới bô lão. Xét cho cùng những “mong muốn” của những bô lão cũng nhắm đến sự duy trì quyền lực, địa vị cá nhân bản thân đối với gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy, giới bô lão dù đã bước sang địa vị mới nhưng vẫn duy trì vị thế của mình ở giới các ông bố và bà mẹ Công giáo.

Bởi gia trưởng và hiền mẫu được xem là giới có vị thế xã hội cao trong cộng đồng.

- Giới gia trưởng: tiền thân của giới này là Hội Liên Minh Thánh tâm.

Đây là tổ chức dành cho nam giới, thành lập năm 1883, ở Việt Nam Hội Liên minh Thánh tâm được thành lập năm 1950. Đây là một đoàn thể Công giáo được Giáo hội Rôma đánh giá là xuất sắc của phong trào Công giáo tiến hành. Đoàn thể có tổ chức chặt chẽ, rộng khắp ở các xứ đạo Công giáo. Hội Liên Minh Thánh tâm, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của giám mục địa phận và linh mục chánh xứ thông qua một giám đốc Liên Minh Thánh tâm, mang tính chất quốc tế rộng rãi.

Sau năm 1975, các hội đoàn Công giáo không còn tư cách pháp nhân hoạt động chính thức, giáo hội Công giáo Việt Nam đã có chiến lược thích nghi với tình hình mới trong việc chuyển tên gọi Hội Liên Minh Thánh tâm thành Giới gia trưởng.

Theo quan sát của chúng tôi và các cộng sự viên tại Hố Nai và Cái Sắn, giới gia trưởng các giáo xứ thường chọn ngày 1/5 lễ thánh Giuse lao động làm lễ mừng kính thánh Quan thầy của giới mình. Chọn thánh Giuse lao động là vì ý nói tới vai trò làm chủ gia đình của thánh Giuse ngày xưa là cha nuôi Đức Chúa Jesu.

Họ xem đó như là mẫu hình lý tưởng của giới mình. Người cha phải vất vả lao động để nuôi sống gia đình và làm gương sáng dạy dỗ con cái. Ngoài các công việc của giới thì giới gia trưởng cũng tham gia công việc của giáo xứ như phân công người canh giữ các trang thiết bị của nhà thờ vào ban đêm, tổ chức các lễ

hội rước sách của giáo xứ như mùa giáng sinh thì làm hang đá, mùa phục sinh thì tổ chức ngắm dấu đanh (CT:14), rước tượng Chúa chịu nạn, làm hang đá nhà mồ…trong mùa thương khó của Chúa Jesu. Đặc biệt giới gia trưởng là thành phần chủ lực tham gia Hội đồng Mục vụ giáo xứ.

Tiêu chuẩn khi tham gia giới gia trưởng là những người nam giới khi đã lập gia đình thì đương nhiên được xếp vào giới này. Ngược lại, những người nam giới khác cho dù lớn tuổi nhưng chưa lập gia đình thì vẫn chưa được xem là giới gia trưởng.

Về tổ chức và cách thức hoạt động, giới này hoạt động theo nguyên tắc và tôn chỉ riêng nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của giáo xứ, giáo hạt và giáo phận, nghĩa là giới này có mạng lưới hoạt động không chỉ trong nội bộ giáo xứ mà có mạng lưới liên kết với những người cùng giới ở các xứ đạo khác nhau trong giáo hạt, giáo phận. Ông Hiếu, 43 tuổi, làm trưởng giới gia trưởng, giáo xứ Lai Ổn (Hố Nai) được bốn năm cho chúng tôi biết về cách thức hoạt động và những thay đổi trong cơ chế điều hành giới gia trưởng những năm gần đây, do những chuyển biến nghề nghiệp ở địa phương:

Giới gia trưởng cũng như giới hiền mẫu cũng có những hoạt động mang tính khuôn khổ trong giáo xứ và trong giáo hạt. Mấy năm trước thì việc tập hợp mọi người lại để họp hành thì dễ hơn, những năm gần đây người ta ít làm nông hơn mà chuyển qua đi làm công nhân ở các công ty, làm trong các xưởng mộc hoặc mở xưởng mộc để làm nên việc tập hợp mọi người lại là rất khó.

Ngoài ra, cũng như giới hiền mẫu, thời điểm để mọi người trong giới gia trưởng gặp nhau đầy đủ là vào dịp lễ Quan Thầy; vào ngày lễ Quan Thầy, các thành viên của giới thường đóng tiền rồi cùng nhau tổ chức ăn uống mừng lễ Quan Thầy, “là dịp để anh em gặp gỡ, trò chuyện làm ăn, hỏi thăm nhau”.

Giới gia trưởng cũng có quy tắc là nếu các thành viên trong giới qua đời thì sẽ đến nhà người đó đọc kinh ba tối, xin lễ, cầu nguyện; còn nếu người chết đó nằm trong ban trị sự của giới thì cũng đọc kinh ba tối, xin lễ, cầu nguyện và có thêm một vòng hoa kính viếng.

Nhật ký điền dã, ngày 18/01/2009 PL:2, NKĐD: số 9

- Giới hiền mẫu: tương tự giới gia trưởng, giới hiền mẫu cũng không phân chia theo tuổi tác mà chỉ quan tâm đến tiêu chuẩn người phụ nữ đã lập gia đình và sinh con, với ý nghĩa là tổ chức xã hội của các bà mẹ, một số nơi gọi hẳn

là với tên gọi giới các bà mẹ Công giáo. Điều này rất khác với việc tham gia hội phụ nữ bên các tổ chức chính trị - xã hội ở các địa phương. Nếu như hội phụ nữ địa phương chỉ cần đủ tuổi trưởng thành là có quyền tham gia thì giới hiền mẫu trong các giáo xứ với yêu cầu bắt buộc là lập gia đình và sinh con. Theo quan niệm này, chỉ những ai lập gia thất thì mới được xem là trưởng thành, hiền mẫu.

Như vậy, địa vị xã hội của thành viên trong cộng đồng bị ràng buộc và gán sẵn bởi những giá trị, chuẩn mực do các thành viên trong cộng đồng qui định.

Sự thay đổi thân phận vị thế xã hội trong cộng đồng đối với những người phụ nữ lớn tuổi, chưa chồng (hoặc là nam giới lớn tuổi, chưa vợ) là một áp lực rất lớn.

Một vài trường hợp phụ nữ lớn tuổi ở vùng Cái Sắn mà chúng tôi tiếp xúc phải lựa chọn phương cách nhận con nuôi để cộng đồng xác nhận cá nhân này đủ điều kiện tham gia sinh hoạt trong giới hiền mẫu, nhưng thông thường họ nhận những đứa trẻ là con cháu trong dòng tộc. Theo họ, với vai trò làm mẹ, người phụ nữ phải nêu gương sáng là người mẹ hiền để giáo dục con cái.

“Hiền mẫu tức là những người mẹ, là những chị em đã có gia đình, duy ở đây có chị H là nhận nuôi con, nhưng cũng là người mẹ nên thuộc giới hiền mẫu”. Trong Công giáo có rất nhiều giới khác nhau, và người mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc dạy dỗ, chăm sóc con cái. Một tháng, có một ngày sinh hoạt của giới hiền mẫu, đó là ngày dành cho những người mẹ, và những người mẹ được tôn vinh. Giáo xứ cũng hay tổ chức các buổi tập huấn dành cho giới hiền mẫu trong đó có những hướng dẫn về cách tổ chức gia đình, cách nuôi dạy con, chăm sóc con cái… để trợ giúp những người vợ, người mẹ theo Công giáo.

Cô Trinh, 38 tuổi, xã Thạnh Thắng, Vĩnh thạnh Cần Thơ, nhật ký điền dã 27/5/2009 PL:2, NKĐD: số 21/22

Giới hiền mẫu cũng có ban điều hành và có thánh Quan thầy; cũng tổ chức mừng kính thánh Quan thầy của giới mình rất long trọng. Thông thường giới hiền mẫu chọn bà thánh Monica là mẹ ông thánh Augustino làm thánh Quan thầy. Vì bà thánh này suốt cuộc đời cầu nguyện, sống gương mẫu để con trở nên thánh.

Một điều thú vị là khi nghiên cứu tại khu vực Cái Sắn, chúng tôi nhận thấy ở giáo xứ Ngọc Thạch không chỉ có sự tồn tại của giới hiền mẫu, mà song song đó còn có sự xuất hiện của giới các bà mẹ trẻ. Thật ra, trước đây hai giới này là một, gộp chung là giới hiền mẫu. Theo Linh mục chánh xứ giáo xứ Ngọc

Thạch, Thạnh An, nguyên nhân của sự phân chia, tách bạch này xuất phát từ lý do:

Giới các bà mẹ trẻ là những người có gia đình nhưng chưa có cháu; còn giới hiền mẫu là những người đã có cháu; sở dĩ có sự phân tách ra như vậy là vì để tránh sự mâu thuẫn, ví dụ như chẳng lẽ bây giờ con dâu lên làm trưởng giới hiền mẫu mà mẹ chồng lại là thành viên của giới. Vì thế, xét về mặt thứ bậc thì con dâu không thể ra lệnh cho mẹ chồng được, nên đành phải chia ra như vậy cho tiện, trong khi đó ở giới gia trưởng thì lại không như vậy, vì đàn ông dễ chịu hơn phụ nữ, với lại đàn ông cũng ít khi quan tâm tới những điều như vậy, phụ nữ thì phức tạp hơn.

Nhật ký điền dã tại Cái Sắn, ngày 22 tháng 03 năm 2009 PL:2, NKĐD: số 12

Mặc dù vậy, hoạt động của giới hiền mẫu và giới mẹ trẻ của giáo xứ Ngọc Thạch tương đối giống nhau. Nhìn chung công việc chính của giới hiền mẫu, giới mẹ trẻ là thay phiên nhau làm vệ sinh, quét dọn nhà thờ và khuôn viên nhà thờ, thăm hỏi những người ốm đau trong giới, đọc kinh cầu nguyện cho những người mới qua đời (không chỉ trong giới mà cả các giới khác, mỗi tuần có giờ chầu dành riêng cho giới hiền mẫu và giới mẹ trẻ. Bên cạnh đó, giới hiền mẫu cũng được phân cấp ra là thành giới hiền mẫu cấp giáo phận, giáo hạt, giáo xứ và cấp giáo họ/giáo khu để dễ dàng trong các hoạt động của giới tùy theo cấp độ.

- Giới trẻ: trong khi đó, nhóm những người trẻ tuổi, từ 17 tuổi trở lên, chưa lập gia đình thì được gọi là giới trẻ. Họ được xem là nhóm người bắt đầu bước vào tuổi trưởng thành nhưng chưa được xem là người trưởng thành một cách đầy đủ đối với cộng đồng (vì chưa lập gia đình, sinh con). Chính vì vậy, giới trẻ phải tham gia học các lớp giáo lý hôn nhân được tổ chức chuyên sâu về gia đình, vai trò làm cha, làm mẹ và cả các lớp chuyên đề về sức khoẻ sinh sản theo chuẩn mực của người Công giáo. Đặc biệt, các lớp chuyên đề này nhấn mạnh đến yếu tố nghiêm cấm phá thai; hướng dẫn phòng tránh thai theo phương pháp tự nhiên. Đây cũng là lực lượng chính tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ cho giáo xứ mỗi khi có hội hè. Họ cũng tham gia hội giáo lý viên của giáo xứ để dạy giáo lý cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, họ còn tham gia các hoạt động từ thiện của giáo xứ hoặc tham gia các buổi chỉnh trang đường sá trong giáo xứ. Giới trẻ cũng có ban điều hành theo từng giáo khu, giáo xứ và cũng không thể thiếu thánh Quan

Một phần của tài liệu Cấu trúc cộng đồng của người việt công giáo di cư năm 1954 tại nam bộ (Trang 110 - 120)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(237 trang)