Tổ chức quản lý hành chính cấp xã trước năm 1975

Một phần của tài liệu Cấu trúc cộng đồng của người việt công giáo di cư năm 1954 tại nam bộ (Trang 120 - 124)

Chương 2 CÁC CHIỀU KÍCH CẤU TRÚC XÃ HỘI

2.3. Cơ cấu tổ chức quản lý hành chính cấp xã trong vùng Công giáo

2.3.1. Tổ chức quản lý hành chính cấp xã trước năm 1975

Để hiểu hơn về cơ cấu quản lý hành chính trước năm 1975, chúng ta cần quan tâm đến quá trình chuyển đổi cơ cấu hành chính xã thôn ở thời kỳ Pháp thuộc và thời kỳ Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam, Việt Nam.

Khởi đi từ thời Pháp thuộc, mặc dù cơ cấu tổ chức xã hội được chuyển đổi sang mô hình cơ cấu hành chính phương Tây, bằng sự áp đặt nền cai trị hành chính của người Pháp vào xã hội nông thôn Việt Nam, tuy nhiên, ở góc độ tổ chức xã hội, người Pháp vẫn kế thừa các đặc trưng cơ cấu tổ chức làng- xã cổ truyền của người Việt vào mô hình cai trị hành chính của mình. Về mặt văn hóa, cơ cấu tổ chức làng xã cổ truyền vẫn giữ vai trò quan trọng nhất định trong đời sống xã hội nông thôn, cho dù có sự thâm nhập của các yếu tố Tây phương.

Bằng Nghị định ngày 27- 8 -1904 do Toàn quyền Beau ký, mỗi xã ở Nam kỳ do một Hội đồng Đại kỳ mục gồm 11 thành viên: Hương cả (chủ tịch), Hương chủ (phó chủ tịch). Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ, Hương thân, Xã trưởng (hoặc thôn trưởng), Hương hào, ngoài ra còn Chánh lục bộ tuy không tham gia hội đồng nhưng có vai trò quan trọng, quản thủ của bộ sổ sinh tử, giá thú, theo dõi nhân khẩu. Bốn nhân vật đều có thế lực, có vai trò gần như tiên chỉ, thứ chỉ trong hệ thống quản lý làng-xã cổ truyền. Nghị định ngày 30 – 10 – 1927 đổi Hội đồng Đại kỳ mục thành Hội đồng kỳ mục (dân gian gọi là hội Tề), tăng số thành viên lên 12, thêm chức danh Đại hương cả. [74, 1997].

Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã ra quyết định Số 802/BPTT/VP, 28 tháng 6 năm 1956 “về việc tổ chức và điều hành các cơ quan công quyền tại Việt Nam (miền Nam). Trong đó, qui định các Hội đồng Hương chính gồm có: một Hội đồng trị sự (quản lý việc chung của làng); một Ban

thường trực, với các chức danh: chánh, phó lý làm trung gian giữa xã – thôn và các cấp hành chính bằng Ủy ban Hành chính gồm ba người: một chủ tịch kiêm việc hành chính; một phó chủ tịch kiêm việc tài chánh, xã hội, kinh tế và một ủy viên cảnh sát. Chỉ ở những thôn nào lớn có ngân sách quan trọng thì có thêm hai nhân viên nữa, một phụ trách về tài chánh, một phụ trách về hành chính. Theo quyết định này, những người được cử vào ủy ban phải có các điều kiện sau: sinh quán, trú quán tại làng; có thành tích chống cộng, phiến loạn; trung thành với chánh thể Cộng hòa và hoạt động, cương quyết nhằm duy trì quyền cai trị của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tận các xã-thôn.

Chính vì vậy, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã ban hành sắc lệnh số 34-NV ngày 19 tháng 3 năm 1956, Hội đồng Hương chánh theo nguyên tắc gồm có: một chủ tịch chủ tọa Hội đồng Hương chánh; một phó chủ tịch; một tổng thơ (thư) ký và một số ủy viên nhiều nhất là chín vị, cùng nhau phân chia các nhiệm vụ như: giáo dục, y tế, hộ tịch, cảnh sát, tài chánh, thuế vụ, công chánh, kinh tế và canh nông. Sắc lệnh này cũng quy định quyền hành và trách nhiệm của Hội đồng Hương xã cũng như các thành viên. Chủ tịch Hội đồng Hương xã với tư cách đại diện cho thôn xã và bênh vực quyền lợi của thôn xã đối với bất kỳ nhà chức trách nào. Vị này cũng là người chỉ huy và điều hòa công việc của các ty sở hàng xã, có quyền triệu tập hội đồng, chủ tọa và chỉ huy các cuộc bàn cãi và được quyền ký các phiếu thâu và cho phép chi trong giới hạn những số tiền đã thu được. Phó chủ tịch hoặc tổng thư ký thay thế chủ tịch khi ông này vắng mặt, để chủ tọa Hội đồng và thi hành các chức vụ của chủ tịch.

Hội đồng có quyền quyết nghị trong giới hạn luật lệ cho phép và có thể đem thi hành sau khi đã được tỉnh trưởng hoặc thủ hiến duyệt y tùy theo mức độ quan trọng của nghị quyết. Các nghị quyết của hội đồng có thể do một ủy viên có quyền uy thi hành hoặc nếu là những công việc quan trọng do nhiều ủy viên được hội đồng đề cử đứng ra phụ trách. Hội đồng nhóm họp khi cần và ít nhất cũng phải họp hai phiên mỗi tháng.

Sắc lệnh số 34 – NV cũng có quy định cho hội đồng quyền giam giữ tội phạm tại công sở, ủy viên cảnh sát có thể giam giữ một tội phạm tại công sở trong một thời hạn cần thiết để mở cuộc điều tra bán chánh thức và đơn giản, tới khi gửi hồ sơ đến biện lý cuộc, thời hạn luật định được giam giữ tội phạm tại công sở là 24 giờ. Các ủy viên hương chính cũng có quyền giam giữ 24 giờ những người dân nào bị bắt quả tang say sưa, phá rối trật tự hay làm náo động thôn xã.

Đến năm 1963, theo tài liệu về việc “Tổ chức mới của cơ quan Hành chính Hương thôn” của Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ban hành sắc lệnh số 45 – NV ngày 3 tháng 5 năm 1963 tiếp tục có sự cải tổ nền hành chính hương thôn nhằm chấn chính chỉnh hệ thống hành chính và pháp lý hóa mô hình ấp chiến lược. Biện pháp này nằm trong khuôn khổ của dụ số 57-a ngày 24 tháng 10 năm 1956 cải tổ nền hành chính hương ấp, điều 15 có quy định: “Tổ chức hành chánh và tài chánh của xã do sắc lệnh ấn định” và nhằm vào 2 mục tiêu: Thứ nhất là chấn chỉnh lại tổ chức của cơ quan hành chánh xã; thứ hai là pháp lý hóa các Ấp chiến lược” [104, 1963].

Theo tác giả Trần Hữu Hợp, từ khi vùng dinh điền được giao về địa phương, các đơn vị hành chính được thành lập. Thời Đệ nhất Cộng hòa (1954 - 1963), vùng Cái Sắn có ba xã: Thạnh An (thuộc huyện Thốt Nốt, tỉnh An Giang), Tân Hiệp (thuộc huyện Kiên Tân, tỉnh Rạch Giá), Thạnh Đông (thuộc huyện Kiên Tân, tỉnh Rạch Giá). Trong luận văn của Đoàn Đức Xuân viết: “Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa, nguyên tắc tập quyền được áp dụng, nên các đại diện tại xã và ấp đều được chỉ định. Dụ số 57A ngày 24/10/1956 ban bố tư cách pháp nhân cho xã và đặt xã dưới quyền quản trị của một hội đồng xã gồm có: đại diện xã, hội viên tài chánh, hội viên cảnh sát. Nếu xã lớn có thêm hai hội viên mà nhiệm vụ do hội đồng xã ấn định. Hội đồng xã có một hay nhiều nhân viên phụ tá”. [117, 1973:54].

Dưới thời Đệ nhị Cộng hòa (1963 -1975), hội đồng xã và ủy ban hành chính xã được thành lập bằng cách bầu cử. Việc tham gia bầu cử của đồng bào di cư trong việc xây dựng kiến trúc thượng tầng của xã hội dưới sự cai trị của chính

quyền Sài Gòn được tác giả Đoàn Đức Xuân mô tả như sau: “Các cuộc bầu cử hạ tầng xã, ấp hay các cuộc bầu cử tổng thống, quốc hội đều gây không khí hào hứng, sôi động tại đây. Khối cử tri, tuy gồm những người thôn quê, ít học nhưng hăng hái tham gia vào các cuộc đầu phiếu, vận động tranh cử” [117, 1973:60].

Đặc biệt, theo sắc lệnh 34-NV ngày 19 tháng 3 năm 1955 về việc “Sửa đổi qui chế hương thôn” của chính quyền Việt Nam Cộng hòa có qui định trong phạm vi khu vực sinh sống của người Công giáo di cư được cho phép thành lập xã riêng nếu có số dân 1.000 người trở lên. Vì vậy, trong các vùng Công giáo di cư, các thành viên của hội đồng xã, ủy ban hành chính xã, kể cả xã trưởng, trưởng ấp đều là người Công Giáo.

Chúng tôi cũng tìm hiểu mô hình quản lý xã hội, hành chính cấp xã trước năm 1975, thông qua việc phỏng vấn lịch sử qua lời kể (Oral history) đối với ông H, sinh năm 1930, hiện đang ở xã Thạnh Thắng, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ. Ông có quá trình lịch sử bản thân gần 10 năm làm trưởng ấp dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1966 – 1975). Ông cho chúng tôi biết:

Tôi làm trưởng ấp ở đây từ năm 66 [1966] cho đến tận khi giải phóng [1975]. Hồi đó vẫn là xã Thạnh An, sau tách thành thị trấn Thạnh An và xã Thạnh Thắng. Tháng 2 vừa rồi, xã Thạnh Thắng lại được tách thành xã Thạnh Lợi và Thạnh Thắng như bây giờ. Mô hình tổ chức bộ máy hành chính xã thời kì trước giải phóng khá đơn giản, không có rườm rà, tổ chức, đoàn thể nhiều như bây giờ. Không có đảng, không đoàn thanh niên, không hội phụ nữ, không hội nông dân. Sang đến thời ông Thiệu thì có tổ chức của đảng Dân chủ, nhưng chỉ mang tính chất hình thức chứ không có hoạt động gì. Bởi vậy mà “khi cách mạng thành công, họ có kiểm tra rất kĩ những người theo đảng này nhưng rồi lại tha”.

ông H, 79 tuổi, vùng Cái Sắn PL:2, NKĐD: số 22

Sơ đồ 2.7

Cơ cấu tổ chức Hội đồng Hương chánh xã trước năm 1975

(tác giả vẽ lại theo lời kể của người dân)

Bộ máy hành chính cấp ấp thời đó cũng rất đơn giản. Ban trị sự ấp chỉ gồm ba người: Trưởng ấp, Phó ấp hành chính và Phó ấp an ninh. Về an ninh, mỗi ấp đều có lực lượng nhân dân tự vệ với khoảng hơn 30 người, được trang bị súng, trực tiếp do phó ấp an ninh và trưởng ấp điều động, chỉ huy. Theo ông H., trong giai đoạn đó, chính quyền có trách nhiệm bảo vệ nhà thờ vì nhà thờ nằm trong địa giới của xã, là của nhân dân trong xã. Vào những dịp lễ lớn của nhà thờ như lễ Giáng sinh, nhà thờ có thể nhờ chính quyền đưa lực lượng an ninh đến bảo vệ cho nhân dân.

Như vậy, cơ cấu hành chính cấp xã trước năm 1975 khá đơn giản, đặc biệt trong cộng đồng Công giáo tính tôn giáo có ảnh hưởng lớn và có xu hướng nhất thể hóa tôn giáo và chính trị. Vai trò của linh mục có ảnh hưởng lớn đối với đời sống nhân dân. Bởi đây là những cộng đồng Công giáo toàn tòng, nên viên chức nhà nước cũng là một giáo dân và tuân thủ mọi sự truyền dạy của các linh mục.

Một phần của tài liệu Cấu trúc cộng đồng của người việt công giáo di cư năm 1954 tại nam bộ (Trang 120 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(237 trang)