Tiếp cận dưới góc độ cấu trúc xã hội

Một phần của tài liệu Cấu trúc cộng đồng của người việt công giáo di cư năm 1954 tại nam bộ (Trang 46 - 55)

Chương 1 NHỮNG TIỀN ĐỀ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN VỀ HAI CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO DI CƢ NĂM 1954 TẠI NAM BỘ 1.1. Những vấn đề lý thuyết và tổng quan về tình hình nghiên cứu

1.2. Những hướng tiếp cận lý thuyết của luận án

1.2.1. Tiếp cận dưới góc độ cấu trúc xã hội

Trong nội dung những vấn đề lý thuyết về cấu trúc xã hội của cộng đồng Công giáo di cư ở Nam bộ, chúng tôi chọn cách tiếp cận nghiên cứu cấu trúc cộng đồng Công giáo như là những đơn vị xã hội dựa trên cơ sở tái sản xuất cấu trúc cộng đồng truyền thống Bắc bộ tại vùng đất Nam bộ. Chính vì vậy, lối tiếp cận đầu tiên cần nhắc đến là cấu trúc-chức năng luận.

- Cấu trúc – chức năng luận: Trường phái này xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ 20, đại diện có Bronislaw Malinowski (1884-1942) và Radcliffe Brown (1881 – 1955). Theo Malinowski, bất kỳ văn hóa của cộng đồng nào trong tiến trình phát triển của nó đều tạo ra một hệ thống cân bằng, ổn định, trong đó mỗi bộ phận đều thực hiện chức năng của nó. Nếu triệt tiêu một yếu tố quan trọng nào đó trong văn hóa thì toàn bộ hệ thống văn hóa tộc người sẽ lâm vào tình trạng suy thoái và hủy hoại. B. Maliknowski là người nghiên cứu điền dã xuất sắc. Ông đã tốn thời gian sáu năm (từ 1914 đến 1920) để nghiên cứu đời sống của người dân đảo Trobriand và đã viết nhiều tác phẩm về các tập tục của người dân ở đây. Ông là người đặt nền tảng cho thuyết chức năng. Còn Radcliffe-Brown là người có tầm ảnh hưởng trong việc phát triển lý thuyết này. Quan điểm của Malinowski và Radcliffe Brown là không xem những tập tục của các xã hội có quy mô nhỏ như là những tàn dư của một thời kỳ trước đó, mà phải giải thích theo chức năng hiện thời của chúng.

Có ba định nghĩa khác nhau về khái niệm chức năng mà các nhà lý thuyết chức năng đưa ra [144, 1997: 28]

1. Định nghĩa thứ nhất hiểu “chức năng” theo một nghĩa có vẻ toán học.

Mọi tập tục đều có tương quan với tất cả những tập tục khác trong cộng đồng, vì vậy mỗi tập tục quy định tình trạng của những tập tục kia.

2. Định nghĩa thứ hai, do Malinowski sử dụng, được rút ra từ sinh lý học.

Chức năng của các tập tục là để thỏa mãn những nhu cầu sinh học chủ yếu của cá nhân thông qua phương tiện văn hóa.

3. Định nghĩa thứ ba do Radcliffe-Brown lấy từ quan điểm của Durkheim. Chức năng của mỗi tập tục là vai trò mà nó nắm giữ trong việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội.

Khác với Malinowski, A. Radcliffe Brown quan tâm đến chức năng văn hóa theo hướng cấu trúc. Ông dựa trên quan điểm của Durkheim khi cho rằng xã hội là một thực thể đặc biệt không đồng nhất với cá thể. Bất kỳ một hệ thống nào cũng được xác định bằng các đơn vị (yếu tố) cấu thành nó và các quan hệ giữa chúng. Do vậy, chức năng của một tập tục là sự đóng góp của nó vào đời sống liên tục của “cơ thể xã hội”. Radcliffe Brown định nghĩa sự thống nhất chức năng là “một tình trạng trong đó tất cả mọi thành phần của một hệ thống xã hội cùng làm việc với nhau ở một mức độ hài hòa hoặc thống nhất nội bộ (để tiếp tục tồn tại như một hệ thống), tức là không tạo ra những xung đột kéo dài mà không giải quyết hoặc điều chỉnh được” [144, 1997: 37].

Mục đích của Radcliffe Brown là không giải thích sự đa dạng của xã hội loài người mà là khám phá những quy luật của hành vi xã hội. Bằng cách quan sát trong những loại xã hội nhất định, người ta sẽ tìm thấy có một số quan hệ xã hội đặc trưng nào đó. Theo ông, không phải mọi tập tục đều nhất thiết cần có một chức năng tích cực và một số hệ thống xã hội này có thể cao hơn những hệ thống xã hội khác do mức độ tích hợp (integration) của nó. Radcliffe Brown thừa nhận, ý tưởng thống nhất chức năng của một hệ thống xã hội là một giả thuyết và sự đối nghịch hay đối kháng giữa các nhóm bên trong xã hội là một tính chất vốn có của mọi hệ thống xã hội. Ông cũng nhận định rằng, trong khi cơ cấu của một cơ thể động vật hiển thị một cách trực tiếp, thì cơ cấu xã hội lại không thể nhìn thấy trực

tiếp được, mà phải suy luận ra từ việc quan sát những điều lặp đi lặp lại trong các hành động của những người tham dự. Ông thừa nhận rằng, trong một hệ thống xã hội, một tập tục hay thể chế có thể được thay thế bởi một cái khác mà không bị tan vỡ chính hệ thống xã hội. Các xã hội có thể thay đổi theo cách mà các cơ thể động vật thường không thay đổi được.

Một đại biểu của cấu trúc luận là nhà nhân học người Pháp Claude Lévi - Strauss đề xướng và phát triển từ sau những năm 1950, có quan hệ mật thiết với lý thuyết chức năng cấu trúc mà Radcliffe-Brown và học trò của ông đã theo. Cả hai lý thuyết này đều chịu ảnh hưởng những lý thuyết của E.Durkheim. Điều khác biệt chính yếu là trong khi Radcliffe-Brown nghiên cứu những dạng thức đều đặn (regularities) trong hành động xã hội, cái mà ông cho là biểu hiện của cấu trúc xã hội được tạo thành bởi những mạng lưới và các nhóm, thì Lévi-Strauss xác định vị trí cấu trúc ở tư tưởng con người, và xem sự giao tiếp xã hội như là biểu hiện ngoại tại của các cấu trúc nhận thức này. Lý thuyết cấu trúc xem cấu trúc của xã hội là sản phẩm của ý tưởng thay vì của những điều kiện vật chất của tồn tại xã hội. Những người tham gia vào một hệ thống, cần phải ý thức về những hậu quả cấu trúc của nó đến mức độ nào.

Khi nghiên cứu về làng xã không ít các nhà khoa học xã hội ở Việt Nam cũng vận dụng lý thuyết này làm khung phân tích với những công trình có giá trị về mặt khoa học. Chẳng hạn như nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi khi nghiên cứu

Cơ cấu làng của làng Việt cổ truyền Bắc bộ” [13, 1996: 196]. Ông cũng chính là một trong những người đầu tiên hệ thống hóa những đặc điểm, thành phần cấu thành làng xã Việt cổ truyền Bắc bộ. Đây cũng được xem là những công trình hiếm hoi phân tích dưới góc độ lý thuyết cấu trúc - chức năng của Việt Nam được nhiều người trích dẫn khi nghiên cứu về làng xã truyền thống Việt Nam.

Tuy nhiên, với hướng tiếp cận này, “cộng đồng làng-xã” ở Việt Nam, được coi là đóng kín, hướng nội và được định hướng sâu sắc bởi truyền thống trong một thời gian dài trước đây. Mỗi thành viên đều cố gắng “hòa nhập với cộng đồng” hay “gắn bó với cộng đồng”. Cơ cấu xã hội của làng vì vậy được coi

là một tập thể hoàn hảo có những chức năng kỳ diệu, ở đó tư cách đạo đức của cộng đồng thay cho mỗi cá nhân trong làng [154, 2002]. Tính cộng đồng của làng-xã do vậy được lý tưởng hóa, người ta thường mô tả thể chế làng-xã như là một hệ thống hài hòa hay ít ra là đang vươn tới sự hài hoà trong mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa cá nhân và tập thể. Đặc điểm lớn nhất về tổ chức của làng-xã người Việt là mô hình đa hệ thống, với ít nhất là hai hệ thống thiết chế tổ chức cùng tồn tại song hành: các tổ chức quan phương và các tổ chức phi quan phương.

Chính vì vậy, các nghiên cứu về công trình làng-xã cũng đi sâu phân tích các động thái phát triển của làng-xã trong mối tương quan với nhà nước, trong đó tập trung phân tích các tác động của chính sách vào đời sống làng xã và những động thái bên trong của các tổ chức phi quan phương không chỉ là hồi sinh của quá khứ mà là một động thái góp phần vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng đồng mới trên nền tảng của những quan niệm mới về tiếp nối truyền thống và những giá trị xã hội mới như giàu có, chấp nhận cá nhân hóa. Cái kết cấu tổ chức như trên được Phan Đại Doãn gọi là kết cấu quyền lực kép [21,1984], vừa thể hiện mối quan hệ giữa các tổ chức, các lực lượng bên trong các làng-xã, vừa cho thấy mối quan hệ giữa làng-xã với cấp quản lý cao hơn của nó là nhà nước.

Trong luận án này, chúng tôi quan tâm đến đặc trưng nổi bật của cấu trúc luận là khi nghiên cứu các hiện tượng cần phải đặt chúng trong mối quan hệ giữa các yếu tố, xem chúng như nằm trong hệ thống, trong cái chung và qua đó tìm ra cái bản chất [143, 2007: 117].

- Cấu trúc luận Marxist: Khi tiếp cận học thuyết Marxist trong nghiên cứu khoa học xã hội, trước hết chúng ta cần phân biệt giữa chủ nghĩa Marx với tư cách là một học thuyết chính trị-xã hội và lý thuyết Marxist trong khoa học xã hội. Có thể nói trong một thời gian rất dài ở Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Trung Quốc và Việt Nam, quan điểm trong lý thuyết Marxist được sử dụng phổ biến trong các ngành khoa học xã hội, nhất là trong ngành lịch sử và

dân tộc học, với quan điểm tiến hóa luận và duy vật lịch sử. Trong khi đó ở phương Tây, có hai trung tâm chính sử dụng lý thuyết Marx: Pháp và Mỹ. Những khía cạnh triết học của lý thuyết của Marx, như biện chứng lịch sử và quan niệm về quyền lực, được các nhà triết học Âu châu, đặc biệt là Pháp, tiếp tục phát triển.

Trong nhân học, cấu trúc luận Marxist được ứng dụng ở Pháp và một số nhánh Marxist khác nhau ở Mỹ, gồm duy vật văn hóa, sinh thái học, và lý thuyết hệ thống thế giới.

Những nội dung cơ bản của lý thuyết Marxist được Karl Marx và Friedrich Engels xây dựng trong lý thuyết kinh tế chính trị, và tập trung vào nghiên cứu lịch sử phát triển của chủ nghĩa tư bản ở châu Âu. Một trong những phạm trù quan trọng của lý thuyết Marxist là duy vật biện chứng (dialectical materialism) và tiến hóa luận (evolutionism). Lý thuyết về tiến hóa xã hội của Marx bắt nguồn từ lý thuyết về sự biến đổi biện chứng của nhà triết học Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831). Trong khi những học giả khác như Locke và Tylor tin rằng những thiết chế văn hóa là sản phẩm của tư duy duy lý, ngược lại, Marx cho rằng tư duy chính là sản phẩm của những thiết chế văn hóa. Ông đã phân chia cấu trúc xã hội thành hạ tầng (infrastructure) và thượng tầng kiến trúc (superstructure) và chỉ ra mối quan hệ giữa chúng [12, 2007]. Trong xã hội tư bản, giai cấp công nhân chỉ có thể nhận thức về sự bóc lột một cách không toàn diện, bởi lẽ mối quan hệ quyền lực đã bị che phủ bởi một ý thức hệ biện minh cho trật tự đang tồn tại. Những hiện tượng của thượng tầng kiến trúc, nhất là luật pháp, tôn giáo, hoặc thân tộc đã ngấm vào “nhận thức hư ảo” ru ngủ dân chúng.

Luận điểm này về sau được áp dụng, phê phán, và tiếp tục hiệu chỉnh trong nghiên cứu nhân học, đặc biệt là các chủ đề về thiết chế văn hóa, như thân tộc, tôn giáo, v.v. Phần lớn các công trình của Marx và F. Engels phân tích mâu thuẫn nảy sinh từ sự giàu có ngày càng tăng của tư bản (tư sản), có được nhờ sự bóc lột các giai cấp lao động (vô sản) và làm cho họ ngày càng chìm sâu vào đói nghèo diễn ra ở châu Âu, đặc biệt là từ cuộc cách mạng công nghiệp Anh.

Marx và F. Engels quan niệm biến đổi xã hội là một quá trình được đánh dấu bởi cách mạng – đấu tranh giai cấp – đưa đến những nấc thang phát triển kinh tế, chính trị và xã hội mới. Đây cũng được xem là luận điểm theo hướng tiến hóa luận (evolutionism) với quan niệm lịch sử là những giai đoạn tiến hóa tuần tự từ thấp đến cao. Marx và F. Engels cũng tập trung bàn về lịch sử châu Âu dưới dạng quá độ từ phong kiến sang chủ nghĩa tư bản, và phỏng đoán bước tất yếu trong quá trình tiến hóa của loài người là chủ nghĩa cộng sản.

Trong những công trình ở giai đoạn sau, Marx và F. Engels chịu ảnh hưởng sâu sắc của Louis Henry Morgan (1818 - 1881). Trong công trình Xã hội cổ đại (1877), Morgan đã liên hệ những giai đoạn tiến hóa của văn hóa loài người với những thành tựu vật chất và kỹ thuật. Chính vì vậy, Marx và F. Engels tin rằng công trình của Morgan đã khẳng định cho lý thuyết tiến hóa của mình. Ngoài ra, vì bản thân Marx là một nhà hoạt động chính trị xã hội tích cực, có vai trò nổi bật trong phong trào quốc tế cộng sản, nên hai khía cạnh phê phán xã hội hành động xã hội là những di sản mà các học giả sau này theo lý thuyết của Marx được thừa hưởng và tiếp tục đào sâu luận điểm này của Marx. Trong khi đó, các nhà nhân học quan tâm đến lý thuyết Marx như một lý thuyết khoa học đã hướng sự chú ý đến những khía cạnh khác không phải tiến hóa luận mà là các vấn đề quyền lực, vai trò của ý thức hệ, mối quan hệ giữa thượng tầng và hạ tầng kiến trúc. [12, 2007].

Trong luận án này, chúng tôi quan tâm đến hai khía cạnh chính từ những quan điểm của Marx là vấn đề quyền lực, vai trò của ý thức hệ trong mối tương quan trong giữa các cá nhân trong cộng đồng và mối tương quan giữa tôn giáo và nhà nước. Đặc biệt, các phân tích về động thái làng xã được nhìn nhận dưới góc độ bối cảnh kinh tế chính trị tại mỗi địa phương. Những cộng đồng ở những điều kiện kinh tế xã hội khác nhau thì có lối ứng xử trong quan hệ xã hội khác nhau.

Chẳng hạn, những cộng đồng còn bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống thường có xu hướng đồng hóa giữa chính trị và tôn giáo. Trong khi đó đối với những cộng đồng có sự chuyển biến sang kinh tế tư bản thì có xu hướng tách

bạch chính trị và tôn giáo rõ ràng hơn. Họ quan niệm tôn giáo và chính trị là hai hệ chuẩn khác nhau và có thể cùng tồn tại song hành trong cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, nghiên cứu về làng xã dưới góc độ kinh tế và thiết chế cộng đồng đặt trong các mối quan hệ lợi ích cá nhân và cộng đồng xã hội, hiện cũng là chủ đề đang được tranh luận trong nhân học, xã hội học đương đại giữa hai quan điểm kinh tế đạo đức (moral economy)kinh tế chính trị (political economy).

Những học giả theo quan điểm kinh tế đạo đức đã cho rằng các quan hệ xã hội đặt trong khuôn khổ các xã hội tiền tư bản hoặc phi tư bản thì thường mang tính đạo đức nhiều hơn so với các quan hệ xã hội trong xã hội tư bản, và những tác động [kinh tế thị trường] từ bên ngoài có thể “phá vỡ” các thiết chế tiền tư bản, gây tổn hại phúc lợi xã hội đối với người nông dân [156, 1979: 3].

Điểm cơ bản của các quan điểm này là cho rằng những quan hệ xã hội trong bối cảnh tiền tư bản luôn luôn có tính “đạo đức”, rằng hễ khi nào các thể chế tư bản được du nhập, thì cấu trúc đạo đức cộng đồng bị nghiền nát – trong trường hợp cùng cực thì bị phá hủy – do sự xâm hại của quan hệ tiền tệ. Thị trường là phương sách cuối cùng đối với nông dân. Vì nó được coi là một cách bất trắc để thỏa mãn nhu cầu mưu sinh hơn là các thể chế địa phương khác.

Eric Wolf lập luận rằng sản xuất cho thị trường chỉ xuất hiện khi nông dân không thể thỏa mãn những nhu cầu văn hóa của mình trong khuôn khổ các thể chế địa phương. Trong khi đó, James Scott lại lập luận: trong giới nông dân

“thì cái giá trị thúc đẩy sự tương hỗ phần nào được tạo bởi sự chối từ kinh tế thị trường. Nếu xét đến tình hình tài chính và tính nghiêm ngặt của nền nông nghiệp thương phẩm thì chẳng có gì là lạ khi nhiều nông dân về căn bản tránh nền sản xuất cho thị trường nếu như họ có quyền lựa chọn” [164, 1973: 254].

Samuel L. Popkin, với quan điểm kinh tế chính trị đã tranh luận trong công trình Người Nông dân duy lý rằng “những học giả này [những nhà lý thuyết kinh tế đạo đức] phân tích về các thể chế của người nông dân và phê phán kinh tế thị trường dựa vào những thách thức chung và những cuộc khủng hoảng mà người nông dân trên thế giới phải đối mặt, chứ không phải dựa vào những đặc

Một phần của tài liệu Cấu trúc cộng đồng của người việt công giáo di cư năm 1954 tại nam bộ (Trang 46 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(237 trang)