Chương 2. ĐẢNG LÃNH ĐẠO BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TÂY NGUYÊN TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2006
2.3. Tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về bảo tồn , phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
2.3.2. Một số kết quả chủ yếu thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
* Về nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể.
Các tỉnh Tây Nguyên với nhiều nỗ lực, cố gắng đã đạt được những kết quả lớn trong việc bảo tồn kế thừa và phát huy nền văn hóa truyền thống. Các chương trình nghiên cứu về Tây Nguyên tiếp tục được thực hiện đã thực sự làm cơ sở cho việc hoạch định những hoạt động văn hóa dân tộc có quy mô lớn như: Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan cồng chiêng, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm trang phục dân tộc, tuần văn hóa Tây Nguyên... Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa nâng cao, sáng tác thành những tác phẩm văn học nghệ thuật phổ biến rộng rãi như các tác phẩm văn học dân gian, về nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp, những sản phẩm mỹ thuật truyền thống, những tiết mục văn nghệ dân tộc trong những hội thi, hội diễn, trong các bộ phim tài liệu nghệ thuật, trong các chương trình phát sóng, phát thanh truyền hình. Thông qua các hoạt động hội diễn, hội thi ca múa nhạc dân gian, ngày hội văn hóa các dân tộc, triển lãm trang phục,… mà giá trị văn hoá tộc người được bộc lộ. Thông qua các công trình nghiên cứu, hội thảo khoa học như văn hóa cồng chiêng, luật tục, sử thi... văn hóa nghệ
thuật truyền thống các dân tộc ngày càng được khám phá, phát hiện, giữ gìn và phát huy…
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thông tin Đắk Lắk, đến tháng 6 -2004, toàn tỉnh Đắk Lắk còn 4.675 bộ cồng chiêng, 11.466 nghệ nhân đánh cồng chiêng, 100% buôn có đội cồng chiêng. Ngày 25-11-2005, UNESSCO công nhận "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam là kiệt tác di sản văn truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”. Đặc biệt, Đắk Lắk đã phát hiện được một số khối lượng sử thi lớn nhất nước ta, bao gồm 300 danh mục của sử thi M’Nông, Êđê, đã sưu tầm được 70 sử thi, dịch thành văn bản (song ngữ Việt - M’Nông và Ê Đê - Việt) 40 sử thi (trong đó có 7 sử thi Êđê và 33 sử thi M’Nông). Tiêu biểu là các sử thi: Đăm San, Xinh Nhã, Đăm Tiông của đồng bào Êđê; sử thi Đẻ Tiăng, Đánh cá hồ Lau Lách, Bán tượng gỗ, Bon Tiăng bị sập... của đồng bào M’nông. Ngoài ra, ngành văn hóa Đắk Lắk còn sưu tầm được trên 1.000 trang truyện cổ Ê Đê, 3.000 trang truyện cổ M’Nông, 1.000 trang lời nói vần M’Nông, 1 bộ luật tục Ê Đê - M Nông, hoàn thành các đề tài nghiên cứu khoa học: Hoa văn truyền thống Ê Đê - M Nông, nghi lễ cổ truyền Ê Đê - M Nông, Mẫu hệ M’Nông, Mẫu hệ Êđê, văn hóa dân gian Êđê - M’Nông.
* Về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Các tỉnh Tây Nguyên đều tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương năm khoá VIII, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương bảy về công tác dân tộc, trong đó đặc biệt coi trọng hướng về buôn làng, hướng về cơ sở. Vì vậy, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở có tầm quan trọng đặc biệt đối với giữ gìn, nuôi dưỡng bản sắc văn hoá tộc người cũng như phòng ngừa với các biểu hiện chống phá của kẻ địch ở cơ sở. Chỉ thống kê ở 2 tỉnh Gia Lai và Lâm Đồng cho thấy:
Ở Gia Lai, ngành văn hóa thông tin được tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo và mở rộng hoạt động. Các chương trình đưa văn hóa thông tin về cơ sở không
ngừng được tăng cường. Ngành văn hóa tỉnh chú trọng nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh mang lại kết quả thiết thực. Tỉnh đã phát động nhiều phong trào có ý nghĩa chính trị sâu sắc như: thi đua xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội; thi đua đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa vùng biên giới; tất cả vì biên giới thân yêu; phong trào sản xuất kinh doanh giỏi... Tỉnh cũng trú trọng đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi về văn hóa, phát thanh, truyền hình, nhà rông văn hóa, thể dục thể thao, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc.
Ở Lâm Đồng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đẩy mạnh. Phong trào phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, các tầng lớp xã hội nhằm xây dựng, phát huy truyền thống thuần phong, mỹ tục, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Kết quả, nếu như năm 2000 cả tỉnh có 56.437 hộ gia đình văn hoá thì đến năm 2005 số hộ gia đình văn hoá đã lên 120.132 hộ. Toàn tỉnh đã có 259 thôn, buôn, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hoá, đạt tỷ lệ 20,57% so với tổng số thôn, buôn, khu phố toàn tỉnh;
trong đó có 90 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hoá cấp tỉnh và 169 thôn, khu phố đạt chuẩn cấp huyện. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng, ấp, thôn, buôn, khu phố văn hoá còn lan toả đến các cơ quan, trường học và trở thành tiêu chí thi đua không thể thiếu hàng năm. Đến năm 2005 đã có 754 đơn vị đạt chuẩn văn hoá, tăng 206 đơn vị so năm 2004, tăng 410 đơn vị so năm 2003, tăng 493 đơn vị so năm 2002. 20 làng văn hóa tiêu biểu được tuyên dương, 3 làng văn hóa được đi dự lễ biểu dương các Làng văn hóa tiêu biểu Việt Nam tại Hà Nội. Năm 2005, Sở Văn hoá - Thông tin - Thể thao - Du lịch đã tổ chức lễ tổng kết 15 xây dựng Làng văn hóa ở Lâm Đồng.
Tính đến 2005, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã triển khai 15 năm, mà cốt lõi là phong trào xây dựng khu dân cư
văn hóa (làng văn hóa), xây dựng gia đình văn hóa trong 15 năm qua đã thực sự trở thành phong trào rộng lớn, đã đưa những giá trị văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội, khơi dậy truyền thống đoàn kết gắn bó, sưởi ấm lên tình làng nghĩa xóm trong từng khu dân cư. Phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, đã đi vào từng khía cạnh xã hội, nêu cao vai trò tự quản trong cộng đồng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiện toàn hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, xây dựng nông thôn mới. Toàn tỉnh có 1.202 làng/tổng số 1265 làng (95%) đăng ký xây dựng làng văn hóa, 607 làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa, 772 khu dân cư tiên tiến, 924 thôn - khu phố thực hiện nếp sống văn minh trong ma chay - cưới xin - lễ hội. Toàn tỉnh có 682 đội văn nghệ quần chúng, 239 đội cồng chiêng, 64 nhà văn hóa xã và 658 nhà sinh hoạt cộng đồng cấp thôn, 252 sân thể thao, 11 thư viện huyện, 389 tủ sách nông thôn với 378.583 đầu sách… Phong trào đã thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thi đua lao động sản xuất làm giàu chính đáng. Đã có 12 làng không còn hộ đói nghèo, xây dựng trên 5000 nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; sửa chữa, làm mới hơn 3000 nhà tình nghĩa cho gia đình có công với nước, 190.741 hộ/241.689 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá, trong đó 6.205 gia đình văn hoá xuất sắc, 23 xã, phường, thị trấn xây dựng đạt chuẩn văn hóa; 2 huyện xây dựng huyện đạt chuẩn văn hóa (Đức Trọng, Lâm Hà).
Tỉnh uỷ chỉ đạo: các làng văn hóa phải tiếp tục nỗ lực, nhân rộng điển hình bằng người thật, việc thật, không chạy theo thành tích, tích cực kết hợp giữa
“xây” và “chống” đưa phong trào phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, để mỗi làng văn hóa là một viên gạch hồng vững bền xây nên mảnh đất Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp.
Vấn đề tôn giáo ngày càng nổi lên phức tạp ở Tây Nguyên liên quan trực tiếp đến bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc và ổn định đời sống tâm linh từ buôn làng. Nếu như năm 1975, toàn Tây Nguyên chỉ có 57.786 tín đồ Tin Lành, thì đến tháng 4/2005, tổng số tín đồ tôn giáo này đã lên tới 301.149 người, tức tăng gần 6 lần trong 25 năm và chủ yếu là phát triển trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số. Chỉ khảo sát riêng tỉnh Kon Tum, Thiên chúa giáo đến sớm nhất, có ảnh hưởng sâu rộng trong khu vực Tây Nguyên (Kon Tum có đại chủng viện) và cũng ảnh hưởng rất lớn vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tín đồ Thiên Chúa giáo chiếm gần 30% tổng số dân, trong đó 70% là đồng bào các dân tộc.
Tôn giáo khác: Phật giáo (5 - 6% dân số), Tin Lành (11000 người, chiếm gần 3%), Cao Đài khoảng 600 người, không có chức sắc. Ở Gia Lai, cấp ủy và chính quyền trong toàn tỉnh rất quan tâm đến công tác tôn giáo. Tỉnh đã tổ chức 8 hội nghị chuyên đề và tập huấn Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa IX), phần hai về công tác dân tộc và tôn giáo; mở hai lớp quán triệt pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo cho cán bộ, công chức; 3 lớp cho 240 chức sắc tôn giáo. Triển khai Nghị định 22 của Chính Phủ, Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về công tác Tin Lành, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết, theo đó Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác đối với đạo Tin Lành trên địa bàn tỉnh [70, tr.829]. Các tỉnh đều có kế hoạch tập trung tuyên truyền giữ gìn tín ngưỡng truyền thống, vừa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân vừa đấu tranh với các biểu hiện lợi dụng tôn giáo để gây bất ổn từ buôn làng, nhất là vấn đề Tin lành Đề ga.
* Về phát triển văn hoá - thông tin.
Hoạt động văn hoá thông tin thời kỳ 2001-2005 tiếp tục được tăng cường, từng bước đổi mới về nội dung, hình thức, lượng thông tin ngày càng phong phú hơn đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần các tầng lớp nhân dân và tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước đồng thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Hệ thống thư viện công cộng trong những măm qua đã phục vụ có hiệu qủa nhiệm vụ chính trị và nâng cao dân trí. Mạng lưới thư viện được củng cố, sách báo trong thư viện được đa dạng hoá (Xem thêm phụ lục). Chỉ khảo sát riêng tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 12 thư viện với 112.552 đầu sách, 292,6 ngàn bản sách năm 2005, tăng 42,6 ngàn bản so năm 2000, trong đó số sách thư viện huyện đạt 136,5 ngàn bản,
tăng 32,5 ngàn bản so năm 2000. Số phòng đọc, tủ sách xã, phường, thị trấn từng bước được đầu tư, trang bị nên tăng nhanh từ 9 phòng đọc, tủ sách năm 2001 lên 78 phòng đọc, tủ sách năm 2004.
Việc hưởng thụ các giá trị, thành quả văn hóa tinh thần của đồng bào thiểu số ngày càng được nâng lên. Theo số liệu điều tra xã hội học tháng 4- 2002 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, có 59% số người được hỏi có radio, 50,2% có tivi, 8,1% có điện thoại, 3% có máy vi tính. Vì vậy khả năng tiếp thu thông tin, tiếp cận với diễn biến thời sự của đất nước, của thế giới được nâng cao hơn trước. Có 58,8% số người được hỏi nhận thông tin qua đài phát thanh, 29,7% qua truyền hình; 11,1% qua báo chí hàng ngày. Số người sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng cũng khá cao.
Ở Lâm Đồng, hoạt động văn hóa thông tin, văn học nghệ thuật, báo chí, phát thanh truyền hình có tiến bộ đáng kể, từng bước đổi mới về nội dung, hình thức, lượng thông tin ngày càng phong phú hơn đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần các tầng lớp nhân dân và tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. 11 huyện, thị xã, thành phố đã phủ sóng phát thanh truyền hình trên 85% diện tích toàn tỉnh, có 85% số hộ được xem truyền hình, 80% số hộ được nghe đài phát thanh. Phong trào thể dục thể thao có bước phát triển, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" có tác dụng thiết thực. Đến năm 2005, toàn tỉnh có 33 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa, có 760 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa [56, tr.128-129]...
Đối với tỉnh Gia Lai, ngành văn hóa thông tin được tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo và mở rộng hoạt động. Các chương trình đưa văn hóa thông tin về cơ sở không ngừng được tăng cường. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh mang lại kết quả thiết thực. Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, tỉnh cũng đã phát động nhiều
phong trào có ý nghĩa chính trị sâu sắc như: thi đua xây dựng khu dân cư không có tệ nạn xã hội; thi đua đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở; xây dựng đời sống văn hóa vùng biên giới; tất cả vì biên giới thân yêu; phong trào sản xuất kinh doanh giỏi...
Tỉnh cũng chú trọng đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi về văn hóa, phát thanh, truyền hình, nhà rông văn hóa, thể dục thể thao, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc. Chương trình phát thanh và truyền hình tiếng dân tộc Jrai và Bahnar được nâng cao về chất lượng, phong phú về nội dung. Tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 100%, truyền hình đạt 90%. Nội dung chất lượng các loại hình thông tin báo chí cải tiến theo đúng định hướng. Tỉnh đã xây dựng được 161 điểm bưu điện văn hóa xã, 100% số xã có báo đọc hàng ngày. Công tác xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng. Hệ thống thư viện, nhà văn hóa các trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí từng bước được củng cố phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên trên nhiều mặt. Lễ hội cồng chiêng được tổ chức ở Thành phố Pleiku... [70, tr.826-827].
Tỉnh Kon Tum có một Đài phát thanh - truyền hình trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và 9 Đài Phát thanh truyền hình trực thuộc Ủy ban nhân dân 9 huyện, thành phố trong tỉnh, 28 trạm thu phát lại truyền hình đặt tại các xã vùng sâu, vùng xa, phủ sóng truyền hình được khoảng 40% diện tích toàn tỉnh và 41 irạm truyền thanh không dây ở các xã. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phủ sóng phát thanh truyền hình, tỉnh đã cấp 10.070 Radio, 771 máy thu hình cho dân. Các đài phát thanh truyền hình cấp huyện chưa được công nhận là cơ quan báo chí, song 100% có làm và phát sóng chương trình thời sự địa phương và gửi phát sóng trên đài phát thanh truyền hình tỉnh.
Tuy nhiên, chương trình các đài huyện chỉ có thời lượng từ 10 - 15 phút, chủ yếu là tin tức thời sự trong huyện, chưa thực hiện được các chuyên đề, chuyên
mục, phóng sự có chất lượng cao. Về công tác quản lý, Đài phát thanh truyền hình tỉnh trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, hoạt động theo chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Tỉnh ủy thông qua Ban tuyên giáo tỉnh ủy. Các Đài phát thanh truyền hình cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, tự làm chương trình và phát sóng trên địa bàn. Đài phát thanh truyền hình tỉnh không trực tiếp quản lý mà chỉ hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật cho các đài huyện.
* Về tôn tạo, khai thác các di tích - danh thắng
Công tác tôn tạo và khai thác các di tích - danh thắng lịch sử - văn hoá được coi trọng với cả ý nghĩa văn hoá và kinh tế. Tiếp nối chính sách bảo tồn các di tích - danh thắng trong giai đoạn 1996-2001, đến thời kỳ này công tác bảo tồn các di tích - danh thắng của Tây Nguyên được các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện và có nhiều kết quả.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, bảo tàng tỉnh bảo quản trên 10.000 đơn vị hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý giá như: Đồ gốm, đồ đá, đồ đồng của người tiền sử và các hiện vật lịch sử cách mạng, hiện vật văn hóa dân tộc.
Trước năm 2004, ngành văn hóa - thể thao - du lịch đã lập bản hồ sơ danh mục quản lý 72 di tích, lịch sử cách mạng và danh thắng. Sau ngày thành lập tỉnh mới Đăk Nông, số di tích còn lại của Đắk Lắk được đăng ký đưa vào chế độ bảo quản theo Luật di sản văn hóa, số di tích có đầy đủ yếu tố để lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh và Bộ Văn hóa thể thao Du lịch công nhận là di tích quốc gia còn khoảng 23 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Tính đến 2006, tỉnh Đắk Lắk có 10 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích cấp quốc gia. Trong đó, có 5 di tích lịch sử cách mạng:
Nhà đày Buôn Ma Thuột, nhà biệt điện Bảo Đại, Đồn điền CADA, hang đá Đăk Tuoorr và đình Lạc Giao; 1 di tích kiến trúc: Tháp Chăm Yang Prong và