Chương 3. Ý NGHĨA VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ
3.2. Một số kinh nghiệm
3.2.4. Phát huy vai trò của các lực lượng trong tham gia bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên
Điều kiện hóa cho phát triển văn hóa - xã hội ở Tây Nguyên vì sự ổn định và phát triển bền vững cần đến rất nhiều yếu tố: phát huy đầy đủ vai trò của các chủ thể quản lý; tạo lập môi trường cho sự phát triển văn hóa - xã hội tộc người diễn ra lành mạnh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực cho bảo tồn, phát huy, quảng bá không gian văn hóa - xã hội Tây Nguyên.
Vai trò của các chủ thể quản lý liên quan đến phát triển văn hóa - xã hội Tây Nguyên bao gồm: nhà nước, thị trường và xã hội dân sự. Trước nhất, nói tới quản lý là nói tới vai trò của nhà nước, mà phát triển văn hóa - xã hội Tây Nguyên đòi hỏi phải phân định rõ trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ, các bộ/ngành và chính quyền địa phương.
Quốc hội phải không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về văn hóa tộc người, bằng việc sớm ban hành Luật Dân tộc với sự kết hợp giữa cả ban hành điều luật khung và điều luật điều chỉnh nhằm tạo các nguyên tắc cơ bản cũng như quy định chi tiết từng vấn đề, từng địa bàn, từng dân tộc làm cơ sở pháp lý cho bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của Tây Nguyên trong thời kỳ mới. Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc ở Tây Nguyên, đặc biệt là các dự án lớn của nhà nước. Gia tăng tính phản biện với trách nhiệm cao đối với các dự án lớn đang triển khai ở Tây Nguyên, đặc biệt là dự án bô-xít, không được thoái lui vai trò phản biện của một thiết chế dân chủ đại diện bảo vệ quyền lợi cho nhân dân để lại
“khoảng trống” phản biện mà các thế lực thù địch lợi dụng phục vụ cho mục đích phản kháng, hạ thấp uy tín của cơ quan dân cử.
Chính phủ với chức năng của mình nhằm chuẩn bị cho việc ban hành Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên giai đoạn 2011-2020, cần
đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện Quy hoạch giai đoạn 1998-2010. Trong xây dựng quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên phải đánh giá đầy đủ môi trường chiến lược, vai trò của các yếu tố văn hóa đối với các giải pháp phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, phân định rõ trách nhiệm của Trung ương và địa phương trong phát triển văn hóa - xã hội vùng. Rà soát, đánh giá đầy đủ các dự án đầu tư về sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên tiến hành từ năm 1990 đến nay để làm cơ sở cho những đề xuất tiếp theo. Đầu tư cho phát triển Tây Nguyên là cần thiết, nhưng phải đổi mới cơ chế quản lý nguồn lực đầu tư, phải tạo ra năng lực cạnh tranh khi sử dụng các nguồn lực công. Đối với bảo tồn và phát triển văn hóa, nguồn lực đầu tư của nhà nước nhưng phải để cho đồng bào tự thiết kế, tự làm chủ dự án thì mới đem lại hiệu quả. Điều đó không chỉ giảm bớt sự lãng phí nguồn lực công vào các khâu trung gian mà văn hóa các dân tộc gìn giữ được bản sắc khi người dân được tham gia tái tạo, bảo tồn và phát triển nó.
Các bộ/ngành liên quan (đặc biệt là Ủy ban Dân tộc và Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao - Du lịch) cũng như chính quyền các địa phương có vai trò rất trực tiếp đối với phát triển văn hóa - xã hội ở Tây Nguyên cần đổi mới cách thức ban hành chính sách quản lý và phát triển cũng như thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước. Ban hành các quyết định quản lý phải trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng đặc trưng văn hóa, nhu cầu của đồng bào các dân tộc, chỉ trên cơ sở đó thì chính sách vĩ mô cũng như chính sách địa phương mới đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của nhân dân. Chú trọng khâu phản hồi chính sách thông qua điều tra, phân tích dư luận, thâu nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, phản biện của báo chí… để điều chỉnh những chính sách chưa sát hợp. Với những khu vực còn tiềm ẩn các nguy cơ xung đột tộc người, xung đột xã hội như Tây Nguyên thì phản hồi chính sách phải đặc biệt được coi trọng. Phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương các tỉnh Tây Nguyên trong giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương, đặc
biệt đối với những đặc thù mà chính sách vĩ mô thường rất khó có điều kiện cụ thể hóa. Nếu hình thành Hội đồng vùng Trung Bộ (như đã đề xuất ở giải pháp trên) thì phân định rõ thẩm quyền của từng cấp trong quản lý và phát triển. Xây dựng đội ngũ công chức thật sự mẫn cán, có tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ bản sắc văn hóa các dân tộc, hướng về đồng bào, biến tình cảm của mình thành phong cách, lề lối cũng như quyết sách chính trị.
- Thị trường có tác động rất lớn đến phát triển văn hóa - xã hội vùng Tây Nguyên. Cần khắc phục hai khuynh hướng không đúng: Phủ nhận vai trò của thị trường trong phát triển văn hóa hơặc thả nổi cho thị trường vận hành tự phát, không những không đưa lại khả năng phát triển mà còn xói mòn bản sắc văn hóa và cấu trúc xã hội tộc người. Do đó, vận dụng hợp lý các nguyên tắc thị trường là điều cần quan tâm trong quá trình phát triển văn hóa ở Tây Nguyên. Trước hết là vận dụng vào quá trình làm năng động hóa hiệu quả đầu tư công cho phát triển văn hóa Tây Nguyên, tức là tạo sự cạnh tranh giữa các đối tượng sử dụng nguồn lực công, xóa bỏ tình trạng độc quyền, trong đó có sự đo kiểm, giám sát của đồng bào các dân tộc. Thứ hai là sử dụng linh hoạt các hình thức ủy quyền trong quản lý phát triển văn hóa, kể cả thu hút tư nhân vào những khâu không nhất thiết phải lập ra đơn vị sự nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, như trong đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học - công nghệ… Thứ ba, phát huy trách nhiệm xã hội và nâng cao văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp bằng đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể khi hoạt động ở địa bàn Tây Nguyên. Trách nhiệm xã hội được thể hiện ở sản sẻ một phần lợi nhuận cho phát triển văn hóa và thực hiện chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc bản địa; thâu nạp giá trị văn hóa tộc người trong các khâu và quy trình của kinh doanh; tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn của Tây Nguyên gắn với tập trung giải quyết lao động, việc làm cho đồng bào các dân tộc tại chỗ.
- Xã hội dân sự ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, trong điều tiết và phát triển xã hội. Phát huy
vai trò của xã hội dân sự trong quản lý và phát triển văn hóa là một nội dung xã hội hóa theo chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong nhiều năm qua.
Trước hết, các dự án, chương trình phát triển văn hóa - xã hội phải được triển khai theo hướng phi tập trung và phi hành chính hóa, tức là lôi cuốn người dân tham gia với tinh thần chủ động, tích cực, thực sự làm chủ. Thứ hai, phát huy đầy đủ vai trò của các thiết chế xã hội truyền thống trong buôn làng Tây Nguyên phục vụ yêu cầu bảo tồn và phát triển văn hóa - xã hội các tộc người, như già làng, chủ làng, hội đồng già làng, luật tục. Thứ tư, coi trọng vai trò gia đình trong bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc gắn với đặc trưng của cấu trúc gia đình mẫu hệ. Thứ năm, tăng cường tính xã hội của các đoàn thể quần chúng trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở, khắc phục các bệnh hình thức, quan liêu, hành chính hóa, xa dân. Thứ sáu, khai thác vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) cả trong nghiên cứu và đầu tư bảo tồn phát triển không gian văn hóa - xã hội Tây Nguyên, trong đó có những tổ chức đóng vai trò quan trọng như UNECO, UNDP các Ngân hàng Phát triển, các tổ chức nghiên cứu độc lập. Tuy nhiên, sử dụng vai trò của các tổ chức này cũng gắn liền kiểm soát hoạt động của họ, tránh bị lợi dụng vào mục tiêu chính trị, nhất là NGO của Mỹ, hoặc một số nước châu Âu thường có khuynh hướng hoạt động chính trị núp bóng tổ chức phi chính phủ. Quản lý nhà nước đối với cần nắm lấy cơ hội xu hướng cải tổ theo hướng phi tập trung hóa của các tổ chức NGO quốc tế để khai thác mặt tích cực, hóa giải mặt tiêu cực từ hoạt động của tổ chức này. Nghiên cứu sâu hơn và đánh giá toàn diện hơn về vai trò của các tổ chức tôn giáo trong phát triển văn hóa để vừa phát huy được mặt tích cực của chúng, vừa kiểm soát được tình hình, không để hoạt động xã hội của các tổ chức tôn giáo diễn biến theo xu hướng chính trị hóa.
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số để lại ý nghĩa rất quan trọng đới với bản thân quá trình phát triển của vùng thể chế Tây Nguyên, đối với cả nước, đối với sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong bối cảnh
Tây Nguyên đã “yên” nhưng chưa “ổn”. Các kinh nghiệm về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có thể đúc kết nhiều hơn và rộng hơn, nhưng đây là những kinh nghiệm rất cơ bản, được tổng kết từ cả quá trình hoạch định chủ trương, chính sách lẫn tổ chức thực hiện. Ổn định và phát triển Tây Nguyên thời gian tới có rất nhiều việc phải làm, những kinh nghiệm trên đây có ý nghĩa mang tính thao tác nhất định.