Chương 3. Ý NGHĨA VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ
3.2. Một số kinh nghiệm
3.2.3. Thường xuyên tìm tòi phương thức lãnh đạo phù hợp đối với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên
Bảo tồn giá trị văn hóa các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên phải kết hợp cả hai hình thức “tĩnh” và “động”, trong đó đặc biệt coi trọng bảo tồn
“động” gắn với phát triển. Cần tiến hành tổng điều tra, thống kê các loại hình di sản văn hóa các tộc người bản địa Tây Nguyên, trên cơ sở đó phân loại và đánh giá đặc điểm từng loại hình mà xác định phương thức bảo tồn phù hợp.
Với bảo tồn “tĩnh”, cần tiếp tục đẩy mạnh sưu tầm, ghi chép các dạng thức văn hóa gắn với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ghi âm, ghi hình các tài liệu, tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể, Tây Nguyên để lưu giữ, bảo quản và phát huy lâu dài. Xây dựng Phòng lưu trữ văn hóa Tây Nguyên tại Trung tâm dữ liệu Di sản văn hóa (Viện Văn hóa - Thông tin, Bộ Văn hóa -Thông tin - Thể thao và Du lịch) và tại bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là di sản văn hóa cồng chiêng. Trong những năm qua, công tác sưu tầm di sản văn hóa của Tây Nguyên đã có nhiều tiến bộ, với sự đầu tư lớn của Nhà nước, đặc biệt đề án “Phát triển hoạt động văn hóa-thông tin vùng Tây Nguyên đến năm 2010” với nguồn đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng, dự án “Phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa cồng chiêng ở không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”, dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng Sử thi Tây Nguyên”. Tuy vậy, việc sưu tầm, thống kê còn trống vắng ở nhiều địa bàn, nếu không được tiến hành sẽ thất lạc, mai một. Cần mở rộng diện khảo sát, điều tra, sưu tầm xuống tận các tỉnh Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ, không gian cư trú của các tộc người nói tiêng Môn-Khơ me và Malayo - polinesien…
Với bảo tồn “động”, tức là bảo tồn di sản văn hóa tộc người bản địa ngay trong đời sống đã sản sinh và nuôi dưỡng nó. Nhiều giá trị văn hóa vật
thể và phi vật thể của Tây Nguyên là “văn hóa sống” nên không thể bảo tồn bằng cách cho vào bảo tàng hoặc chỉ ghi chép lại trên sách vở, băng hình theo cách “tĩnh”, mà bảo tồn tốt nhất là gìn giữ cốt lõi tinh hoa cổ truyền, vừa khai thác, phát huy và phần nào phát triển nó. Tức là phải trả các giá trị văn hóa này về với nhân dân, với nơi đã sản sinh, nuôi dưỡng chúng, nhất là bảo tồn sử thi, không gian văn hóa cồng chiêng. Đặc biệt, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là tiếng nói tâm linh, là sự phản ánh tâm hồn của mỗi tộc người, mà còn có một “đời sống” phong phú, bởi trong “nó” hàm chứa một không gian văn hóa tổng hợp, bao gồm cả nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật diễn xướng, văn chương truyền miệng, kiến trúc, nghệ thuật ẩm thực lẫn các trò chơi dân gian. Vì vậy, bảo tồn không gian văn hóa Tây Nguyên bằng cách đưa nó trở về với đời sống. Tuy nhiên, do những chuyển đổi của phương thức sản xuất từ luân canh, độc canh cây lúa rẫy sang các loại cây công nghiệp dài ngày (cà phê, tiêu, điều…), cây nông nghiệp ngắn ngày (bông, vải, lúa nước…) thì môi trường diễn xướng cổ truyền mất dần chỗ đứng trong cộng đồng, đòi hỏi bảo tồn “động” phải trên cơ sở cách tân.
Về phía nhân dân: Khôi phục một cách có chọn lọc môi trường diễn xướng văn hóa, thông qua một số lễ hội truyền thống ở các cộng đồng dân tộc thiểu số như: ăn cơm mới, dọn bến nước, chúc sức khỏe;… khuyến khích, hỗ trợ và khích lệ, động viên những địa phương, cá nhân có thành tích hoặc công trạng góp phần giữ gìn, truyền dạy văn hóa truyền thống, sử thi, nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng; lồng ghép trong Quy ước về mức phạt thích đáng đối với những ai buôn bán cồng chiêng.
Về phía Nhà nước: Duy trì thường xuyên, định kỳ các cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, nghệ thuật dân gian cấp tỉnh, cấp khu vực, khuyến khích sự tham gia diễn xuất của thế hệ trẻ; các phương tiện thông tin đại chúng xây dựng nhiều hơn các chương trình không chỉ giới thiệu vẻ đẹp mà cả giáo dục ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên; đẩy
mạnh công tác đào tạo trong các trường nghệ thuật về không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; mở rộng công tác tuyên truyền đến khách du lịch trong nước và quốc tế để mọi người hiểu giá trị của không gian văn hóa này;
tăng cường hợp tác quốc tế để quảng bá cồng chiêng trong phạm vi quốc gia và quốc tế, nhằm xây dựng các chương trình nghiên cứu và bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên một cách hiệu quả nhất; đưa nội dung dạy trình diễn cồng chiêng vào các trường nội trú; vận động học sinh ăn mặc trang phục dân tộc; phát động cuộc thi dân ca, dân vũ, tạo điều kiện cho đồng bào ở một số vùng phục dựng lại nhà rông bằng nguyên vật liệu truyền thống;
mở rộng các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ; biên soạn giáo trình về kiệt tác này để giảng dạy trong các trường văn hóa nghệ thuật, cũng như việc thành lập hội đồng khoa học để tư vấn cho các cơ quan quản lý.
- Bảo vệ và khôi phục môi trường đã nảy sinh, nuôi dưỡng bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Nền văn hóa của Tây Nguyên vốn gắn với không gian núi rừng, sông suối, cây cỏ, muông thú, mà có nhà nghiên cứu gọi người Tây Nguyên “ăn rừng” - tức toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần giao diện, giao cảm và sống với/nhờ rừng. Rừng Tây Nguyên bị tàn phá cũng có nghĩa là hủy hoại môi trường đã sản sinh và nuôi dưỡng nền văn hóa đó. Do đó, để bảo vệ bản sắc văn hóa các tộc người tại chỗ vấn đề đặt ra là cần khôi phục rừng ở Tây Nguyên, nâng độ che phủ, đồng thời bảo vệ vốn rừng còn lại. Để thực hiện được điều này đòi hỏi phải sử dụng nhiều hình thức sở hữu, gắn chặt trách nhiệm của con người với đất và rừng, trong đó bảo vệ sở hữu cộng đồng buôn làng đối với rừng và đất rừng có ý nghĩa đặc biệt trong bảo vệ rừng và khôi phục rừng. Kết hợp hợp lý giữa sở hữu hộ gia đình với sở hữu cộng đồng và sở hữu nhà nước trong quản lý đất đai, nhằm tạo sự tương tác lẫn nhau trong bảo vệ đất và rừng. Kể cả đối với các rừng quốc gia cần được chuyển cho cộng đồng buôn làng quản lý bằng luật tục thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn, tất nhiên, gắn với nó là cần duy trì các hình thức sở hữu đảm bảo
sinh kế trước mắt của cư dân. Rừng phá thì dễ nhưng khôi phục thì khó và cần thời gian lâu dài. Song khó không có nghĩa là không làm được. Nếu có một chiến lược hợp lý thì chỉ trong khoảng 2 thập niên có thể khôi phục được rừng, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu và sinh hoạt… tức cũng là khôi phục môi trường cho sự tồn tại và nuôi dưỡng văn hóa truyền thống các tộc người Tây Nguyên. Cần khắc phục hai quan niệm không đúng về hình thức sở hữu ở Tây Nguyên: Một là, áp đặt một cách máy móc các hình thức sở hữu tư nhân mà ở các tộc người khác (Kinh, Tày, Thái…) rất có tác dụng năng động hóa quá trình tộc người nhưng lại không phù hợp với các tộc người tại chỗ Tây Nguyên - những cộng đồng vốn tồn tại và vận hành trong chế độ sở hữu cộng đồng buôn làng. Hai là, cường điệu hóa vai trò của sở hữu cộng đồng buôn làng trong quản lý và phát triển xã hội tộc người Tây Nguyên, vì Tây Nguyên đang trên con đường di động xã hội, xuất hiện tư hữu và giai cấp. Thêm nữa, quá trình áp dụng Luật đất đai vào Tây Nguyên trong thời gian qua đã phá vỡ chế độ sở hữu cộng đồng buôn làng truyền thống, dù tái lập vẫn không thể toàn vẹn như trước đây. Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần kết hợp hợp lý các hình thức sở hữu trong quản lý và phát triển xã hội tộc người bản địa Tây Nguyên, phát huy đầy đủ vai trò, lợi thế, chức năng của từng hình thức sở hữu để chúng cùng tạo ra sự tương tác lẫn nhau tạo nên sức mạnh cộng hưởng. Cần dành quỹ đất dự trữ cho di dân phòng ngừa nguy cơ biển tiến do biến đổi khí hậu làm ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Đối với dự án bô-xít ở Đắk Nông và Lâm Đồng cần điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng, trên cơ sở làm thí điểm theo chỉ đạo của Bộ Chính trị phải được đánh giá nghiêm túc về tác động của nó đối với môi trường chiến lược. Trên cơ sở đánh giá khách quan, minh bạch với sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế thì mới đi đến quyết định khai thác hay dừng các dự án bô-xít ở Tây Nguyên.
- Bảo tồn phải gắn với phát triển, tức gắn với đời sống, nhu cầu sinh kế của nhân dân. Nếu không chú ý đến điều này thì bảo tồn không thể có hiệu
quả, kể cả hình thức bảo tồn “tĩnh” và bảo tồn “động”. Tức là phải tạo ra một động lực nội sinh cho nhu cầu biến đổi, thích ứng và phát triển của văn hóa các dân tộc. Điều đó được thực hiện bằng kết hợp bảo tồn và phát triển văn hóa trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm phải gắn với phát triển du lịch lịch sử - văn hóa ở những buôn/làng có nghề này phát triển. Không tách sản phẩm ra khỏi quy trình sản xuất, tất cả được quy hoạch trong một không gian để du khách được chứng kiến toàn bộ quá trình lao động sản xuất để tạo nên một sản phẩm. Như thế mới có sức thu hút du khách và họ cảm nhận được đầy đủ giá trị của một sản phẩm văn hóa. Hoặc bảo tồn tri thức tộc người phải gắn kết với tri thức khoa học- công nghệ để tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn của cây trồng, vật nuôi. Chính điều đó mới đem lại điều kiện mới cho giá trị truyền thống được bảo tồn trong đời sống, bảo tồn trong khả năng phát triển và tái tạo.
- Xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở với sự kết hợp giữa phát huy các thiết chế văn hóa cổ truyền (già làng, chủ làng, hội đồng già làng, chủ đất, chủ bến nước, thầy cúng, nhà rông) với các thiết chế văn hóa quan phương (trưởng buôn, tổ các đoàn thể xã hội, câu lạc bộ, phòng truyền thống, trung tâm văn hóa thể thao), đồng thời lợi dụng các thiết chế văn hóa tôn giáo mới du nhập (mục sư, thầy giảng, Hội Đồng tâm, nhà thờ… của đạo Tin Lành).
Giải quyết mối “quan hệ tay ba” giữa ba loại thiết chế văn hóa này ở buôn làng Tây Nguyên là vấn đề phức tạp, không chỉ ở chiều cạnh văn hóa mà còn đan gài cả quan hệ chính trị. Hành vi, nhân cách, lối sống văn hóa của các tộc người bản địa Tây Nguyên trong thời kỳ mới được định hình tùy thuộc rất nhiều vào “lực” kéo hoặc đẩy của ba thiết chế xã hội này. Khi xây dựng các thiết chế văn hóa quan phương cần phải dựa trên nền tảng truyền thống, phải chú ý bản địa hóa nó, làm cho nó có sức sống trong lòng dân, làm cho dân xem đó là cái của chính họ, tránh để họ xa lánh. Muốn vậy, phải để dân tự tay thiết kế, xây dựng những thiết chế văn hóa mới, để dân được dân chủ bàn bạc
để đưa ra các giải pháp, tránh lối áp đặt từ trên xuống hoặc chủ đầu tư xây dựng theo các thiết kế có sẵn hoàn toàn xa lạ với văn hóa tộc người. Phải tìm cách hiện đại hóa các thiết chế văn hóa truyền thống một cách phù hợp. Đối với buôn làng, thiết chế văn hóa truyền thống và thiết chế văn hóa quan phương phải tìm được sự thống nhất trên cơ sở cái này dung nạp được tính tích cực của cái kia thì mới có khả năng thu hút quần chúng, đẩy lùi những ảnh hưởng của đạo Tin Lành. Mặt khác, phải biết lợi dụng những mặt tích cực của đạo Tin Lành để phục vụ cho yêu cầu phát triển nền văn hóa các tộc người tại chỗ ở Tây Nguyên. Duy trì hợp lý không gian công (rừng đầu nguồn, bãi cỏ, sân bóng đá, bóng chuyền…) đảm bảo môi trường cho các hoạt động văn hóa cộng đồng. Đây là điều phải tính toán đầy đủ trong quy hoạch phát triển buôn làng Tây Nguyên.
- Phát triển văn hóa - xã hội ở Tây Nguyên cần coi trọng đưa yếu tố mới vào đời sống, không chỉ vì quyền lợi của thể chế cầm quyền mà cơ bản hơn vì nâng cao mức thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Đó là phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phát thanh - truyền hình, chăm sóc y tế.
Giải quyết được mối quan hệ giữa gia tăng yếu tố mới với khai thác và bảo vệ cái truyền thống trong những hoạt động này phải luôn được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Giảng dạy tiếng phổ thông phải song song với giảng dạy ngôn ngữ các tộc người thiểu số, bởi bảo tồn tốt nhất là bảo tồn trong giáo dục-đào tạo.
Truyền bá tri thức khoa học - công nghệ phải lồng ghép, đan xen với khai thác tri thức bản địa. Báo chí, truyền thông không chỉ tuyên truyền một chiều những quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn phải phản ánh nhu cầu, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của các dân tộc đối với thể chế cầm quyền. Tính tộc người phải được thể hiện trong cả nội dung và hình thức giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, phát thanh - truyền hình, để người dân không cảm thấy xa lạ, phản ứng với cái mới. Làm được điều đó thì chính là đã tìm cách bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa tộc người thông qua các hình
thức, biện pháp quan phương, không dẫn tới đối lập giữa yếu tố quan phương với yếu tố phi quan phương.