CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Đặc điể m điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội địa bàn nghiên cứu
3.1.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Xã Búng Lao là xã vùng ngoài nằm ở phía Đông của huyện Mường Ảng, nằm trên trục quốc lộ 279 nối với hai trung tâm thị trấn Mường Ảng và thị trấn Tuần Giáo, cách trung tâm huyện Mường Ảng 21 km với tổng diện tích tự nhiên 5267,74 ha chiếm 11,88% tổng diện tích tự nhiên của huyện, xã có vị trí giáp ranh như sau:
+ Phía Bắc giáp với xã Ảng Tở và xã Nà Sáy của huyện Tuần Giáo + Phía Tây và Tây Bắc giáp với xã Ảng Tở huyện Mường Ảng + Phía Tây Nam giáp xã Ảng Cang huyện Mường Ảng
+ Phía Nam giáp xã Nặm Lịch và Xuân Lao huyện Mường Ảng + Phía Đông giáp xã Chiềng Đông huyện Tuần Giáo.
3.1.1.2. Địa hình địa mạo
Xã Búng Lao có địa hình cơ bản chủ yếu là đồi núi. Độ cao so với mặt nước biển từ 600 – 1300m, chia làm 3 loại địa hình cơ bản như sau:
+ Địa hình đồi núi cao sườn dốc chiếm trên 63% diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu ở phía Đông Bắc và Tây Bắc;
+ Địa hình đồi thấp sườn thoải chiếm 25% diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu ở phía Đông Nam và phía Nam của xã;
+ Địa hình thung lũng, bãi bằng chiếm khoảng 12% diện tích đất tự nhiên được phân bố xen kẽ giữa địa hình đồi núi.
3.1.1.3. Khí hậu
Búng Lao chịu ảnh hưởng chung của kiểu khí hậu miền núi phía Tây Bắc Việt Nam. Được hình thành từ một nền nhiệt cao của đới chí tuyến và sự thay thế của các hoàn lưu lớn theo mùa, kết hợp với các điều kiện địa hình nên mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau giá lạnh nhiệt độ không khí thấp, trời khô hanh, có sương muối; mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 không khí nóng ẩm và mưa nhiều.
- Chế độ nhiệt:
+ Nhiệt độ trung bình trong năm vào khoảng 20 -250C;
+ Nhiệt độ cao nhất là 37,50C, vào các tháng 5, 6, 7 và 8;
+ Nhiệt độ thấp nhất là 30C vào các tháng 12, 1 và 2 năm sau.
- Chế độ mưa:
Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, lượng mưa trung bình trong năm khoảng 227,5mm, phân bố không đồng đều cả về thời gian lẫn không gian, lượng mưa vào các tháng mùa mưa chiếm khoảng 80% lượng mưa cả năm; vào mùa khô lượng mưa ít, chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng mưa cả năm, trong đó mưa ít nhất vào tháng 12 và tháng 1, trung bình lượng mưa chỉ đạt 20,7mm.
- Độ ẩm:
Búng Lao là khu vực có độ ẩm không khí tương đối cao. Độ ẩm tương đối trung bình khoảng 83%, mùa mưa độ ẩm không khí có thể lên tới 92%.
Thời kỳ chuyển tiếp giữa mùa khô và đầu mùa mưa thường xuất hiện khô hanh, độ ẩm không khí xuống thấp. Tháng có độ ẩm tương đối cao nhất là tháng 7, tháng khô nhất là tháng 3 và tháng 4.
- Sương mù:
Số ngày có sương mù nhiều, bình quân 105 ngày/năm, cá biệt vào mùa khô còn xuất hiện sương muối vào tháng 12 đến tháng 1 năm sau thành từng đợt 1 – 2 ngày, tuy nhiên tần suất xuất hiện không cao.
- Chế độ gió:
Búng Lao chịu ảnh hưởng của 3 hướng gió chính là gió mùa Đông Bắc, gió Đông Nam và gió Tây Nam. Gió mùa Đông Bắc xuất hiện vào các tháng mùa đông (tháng 10 đến tháng 3 năm sau) có đặc điểm khô, lạnh kèm theo sương muối, đây là những hiện tượng thời tiết bất lợi cho đời sống và sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp nên cần có biện pháp phòng tránh để giảm thiểu thiệt hại. Gió Đông Nam thường xuất hiện vào các tháng mùa mưa (tháng 4 đến tháng 9). Gió Tây Nam (gió Lào) thường xuất hiện từ tháng 5 đến tháng 7 có đặc điểm là khô và nóng.
3.1.1.4. Thủy văn
- Nước mặt: trên địa bàn xã có suối Nậm Cô chảy qua dọc theo quốc lộ 279, với lưu lượng nước vừa phải vào mùa khô và lớn vào mùa mưa là nguồn cung cấp chính cho nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất của bà con nhân dân trong xã. Còn lại một số con suối nhỏ phân bố đều khắp trên địa bàn xã lưu lượng nước vừa phải cung cấp một phần nước cho sản xuất và sinh hoạt.
- Nước ngầm: Hiện nay chưa có nguồn tài liệu nào khảo sát về nguồn nước ngầm của vùng nói chung và của xã nói riêng. Nhìn chung nguồn nước ngầm chưa được khai thác sử dụng.
3.1.1.5. Tài nguyên đất
Nhìn chung quỹ đất đai của xã khá dồi dào, theo kết quả thống kê đất năm 2013 thì tổng diện tích đất tự nhiên 5267,74 ha. Đất đai của xã thuộc đất đồi núi chất lượng khá tốt, tầng đất dày. Qua điều tra khảo sát hiện trạng về đất đai và các loại cây trồng trên địa bàn xã cho thấy khả năng bố trí các loại hình sử dụng đất theo hướng nông lâm nghiệp là rất phù hợp.
Cơ cấu diện tích các nhóm đất chính như sau:
- Đất nông nghiệp có 3.906,73 ha, chiếm 74,16% tổng diện tích đất tự nhiên của xã.
- Đất phi nông nghiệp có 173,34 ha, chiếm 3,29% tổng diện tích đất tự nhiên của xã.
- Đất chưa sử dụng có 1.187,67 ha, chiếm 22,55% tổng diện tích đất tự nhiên của xã. Trong tương lai đây là nguồn đất mà xã có thể đầu tư khai khoáng, mở rộng diện tích đất canh tác, phát triển rừng và các mục đích khác.
Bảng 3.1: Hiện trạng sử dụng đất của xã Búng Lao
Chỉ tiêu
Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013
Diện tích (ha) Tỷ lệ
(%) Diện tích (ha) Tỷ lệ
(%) Diện tích (ha) Tỷ lệ (%)
Tổng diện tích tự nhiên 5.267,74 100 5267,74 100 5.267,74 100
Đất nông nghiệp 1.568,07 29,77 1.567,98 29,77 1.567,92 29,77
Đất trồng lúa 622,24 11,81 622,24 11,81 622,22 11,81
Đất trồng cây hàng năm 560,37 10,64 560,28 10,64 560,24 10,64
Đất trồng cây lâu năm 378,16 7,18 378,16 7,18 378,16 7,18
Đất nuôi trồng thủy sản 7,3 0,14 7,3 0,14 7,30 0,14
Đất lâm nghiệp 2.836,61 53,85 2836,61 53,85 2.836,61 53,85
Đất rừng sản xuất 1.538,13 29,20 1538,13 29,20 1.538,13 29,20
Đất rừng phòng hộ 1.298,48 24,65 1298,48 24,65 1.298,48 24,65
Đất phi nông nghiệp 85,39 1,62 85,43 1,62 85,49 1,62
Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp 0,61 0,01 0,61 0,01 0,61 0,01
Đất sản xuất, phi nông 1,91 0,04 1,91 0,04 1,91 0,04
Đất có mục đích công cộng 29,12 0,55 29,17 0,55 29,22 0,55
Đất nghĩa trang, nghĩa địa 6,34 0,12 6,34 0,12 6,34 0,12
Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 47,41 0,90 47,41 0,90 47,41 0,90
Đất ở khu vực nông thôn 24,48 0,47 24,84 0,47 24,84 0,47
Đất chưa sử dụng 752,88 14,29 752,88 14,29 752,88 14,29
Đất bằng chưa sử dụng
Đất đồi núi chưa sử dụng 748,63 14,21 748,63 14,21 748,63 14,21
Núi đá không có rừng cây 4,25 0,08 4,25 0,08 4,25 0,08
(Nguồn: Tổng hợp từ UBND Xã Búng Lao)
Như vậy chúng ta có thể thấy cơ cấu đất đai của người dân nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, mặc dù qua các năm có sự chênh lệch nhưng không nhiều. Do vậy trong các biện pháp phát triển kinh tế văn hoá xã hội của vùng việc nghiên cứu và sử dụng đất đai sao cho phù hợp là điều hết sức quan trọng.
3.1.1.6. Tài nguyên rừng
Công tác bảo vệ rừng đã được người dân chú trọng quan tâm, ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được nâng lên, UBND xã đã phối hợp với kiểm lâm bảo vệ các khu trọng điểm hay xảy ra phá rừng và khu vực hay bị cháy.
Chỉ đạo các bản làm tốt công tác phòng chống chữa cháy và khai thác gỗ củi trái phép, phát rừng làm nương rãy, giữ vững diện tích rừng phòng hộ và rừng tự nhiên hiện còn, các vụ vi phạm về rừng đã giảm. Trong năm 2013 đã xảy ra 03 vụ cháy rừng, cháy lan từ Chiềng Sinh đã huy động nhân dân kịp thời dập tắt, không làm thiệt hại diện tích rừng trồng và rừng tái sinh tự nhiên.
Tổ chức hội nghị ký cam kết giữa trưởng bản với UBND xã về công tác PCCCR mùa khô 2013-2014.
Theo kết quả thống kê đất đai năm 2013 tổng diện tích đất lâm nghiệp của xã là 2836,61 ha, trong đó: diện tích rừng hiện có 1.200,23 ha; rừng khoanh nuôi tái sinh: 349,5 ha, diện tích rừng sản xuất 848 ha, diện tích rừng trồng mới năm 2013 là 2,5 ha; độ che phủ của xã 23%.
3.1.1.7. Thực trạng môi trường
Về cơ bản hiện trạng môi trường trên địa bàn xã vẫn được đảm bảo, tuy nhiên vấn đề bảo vệ và gìn giữ môi trường sống trong khu dân cư tập trung đối với bà con nhân dân trong xã nhất là tại những bản vùng xã trung tâm còn tương đối mơ hồ hay cụ thể hơn là chưa tốt, cụ thể như việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong nông nghiệp không đúng quy trình hướng dẫn; tập quán chăn nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới sàn nhà, chất thải sinh hoạt và chất thải gia súc chưa được xử lý chặt chẽ gây nên tình trạng mất vệ sinh môi trường trong khu dân cư nhất là vào những ngày mùa mưa. Trong giai đoạn tới xã cần có những biện pháp cụ thể trong việc nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sống của người dân ngay tại địa bàn sinh sống.
Duy trì tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, đổ rác đúng nơi quy định. Kịp thời ngăn chặn và xử lý mọi hành vi lẫn chiếm sử dụng đất đai trái mục đích. Trong năm 2013 xã đã giải quyết 24 vụ lẫn chiếm sử dụng đất trái mục đích, buộc tháo rỡ 21 vụ, tranh chấp đất đai 8 vụ, đã hòa giải thành công 8 vụ. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 18 hồ sơ, chuyển nhượng 27 hồ sơ.
Đến hết năm 2013 xã đã xây dựng được: 11 công trình cấp nước sinh hoạt cho 11 bản với 125 bể. Tuy nhiên do một số công trình đang xuống cấp cần được nâng cấp sửa chữa như bản Huổi Cắm, bản Co Nỏng.
Số hộ được dùng nước sạch hợp vệ sinh là 982/1.174 hộ chiếm 83%.
Ngoài nguồn nước giếng và nước ở các công trình cấp nước tập trung thì nhiều hộ gia đình cũng dẫn nước từ khe nước, mỏ nước về bể, thùng chứa của gia đình sử dụng sinh hoạt, loại nước này cũng được y tế xã kiểm tra giám định là nước sạch hợp vệ sinh.
Nhìn chung trên địa bàn xã Búng Lao chưa xây dựng hệ thống cống hoặc mương thoát nước có tấm đan theo địa hình tự nhiên để thoát nước chung. Xã cũng chưa có phương án thu gom và xử lý nước thải từ khu dân cư hoặc các cơ sở sản xuất trước khi thoát ra hệ thống thoát nước chung.
Chưa có cụm dân cư nào tổ chức thu gom, phân loại và chôn lấp chất thải rắn vô cơ từ các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, tiểu thủ công nghiệp.
Nhiều nơi còn xả phân trực tiếp xuống hồ, ao, sông suối.
Chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu nằm ngay trong khu dân cư ngay cạnh sát nhà ở, một số hộ gia đình còn nhốt gia súc ở gầm sàn gây ô nhiễm môi trường. Xã vẫn chưa có quy hoạch bố trí khu chăn nuôi tập trung chuyển ra khỏi khu dân cư.
Trên địa bàn xã có vài ba bản cùng chung một khu nghĩa địa do quá trình sáp nhập, chia tách bản tuỳ theo tình hình từng nơi. Các khu Nghĩa địa không được xây dựng theo quy hoạch nhưng đã tồn tại từ lâu và phù hợp với phong tục tập quán và đảm bảo môi trường.
Toàn xã đã quy hoạch 1 điểm nghĩa trang rộng 3,7 ha tập trung cho 11 bản, tuy nhiên chưa có quy chế quản lý. Các bản còn lại chủ yếu được thực hiện theo quy ước của người dân trong bản, theo phong tục của từng dân tộc;
Theo tiêu chí số 17 của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới chỉ có 1 chỉ tiêu về tỷ lệ (%) hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là đạt 83% so với mức quy định về nông thôn mới là 70%. Các chỉ tiêu còn lại về môi trường đều chưa đạt.
Nhận xét chung: từ những thực tế trên chúng ta thấy, Búng Lao có nhiều thuận lợi cho sự phát triển nền nông nghiệp toàn diện và bền vững như nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, tiềm năng đất cả về số lượng và chất lượng còn khá, khí hậu và đất đai thích hợp trồng nhiều loại cây, phù hợp phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp – lâm nghiệp. Bên cạnh đó cũng có một số điểm bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân như: sương muối, giá rét, gió Tây Nam, độ dốc lớn,…