Các yếu tố nguy cơ thừa cân béo phì

Một phần của tài liệu Thừa cân béo phì ở trẻ mẫu giáo quận 5 thành phố hồ chí minh và hiệu quả giáo dục sức khỏe (Trang 30 - 37)

Có ba nhóm nguyên nhân làm gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì tại cộng đồng:

yếu tố di truyền, tiêu thụ thực phẩm, chế độ vận động. Các yếu tố gia đình được thể hiện qua việc trẻ dễ bị thừa cân béo phì khi có cha hoặc mẹ bị thừa cân béo phì. Trẻ

có cha thừa cân béo phì có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 2,3 lần, trẻ có mẹ thừa cân béo phì có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 1,9 lần trẻ không có cha hoặc mẹ thừa cân béo phì [27]. Nghiên cứu ở người 50 đến 59 tuổi ở nội thành Hà Nội năm 2007, người sống trong gia đình có người thừa cân béo phì có nguy cơ thừa cân béo phì cao gấp 3,1 lần so với nhóm đối chứng [23]. Tại Việt Nam, trong thập niên từ 2000 đến 2010 có sự gia tăng lượng thực phẩm tiêu thụ trên đầu người về các chất: thịt, cá, trứng sữa, chất béo nên nguy cơ thừa cân béo phì cũng gia tăng [63]. Một nghiên cứu thuần tập tại Mỹ ở 91.249 phụ nữ từ năm 1991 đến năm 1999 về sử dụng nước giải khát có đường phát hiện phụ nữ gia tăng tiêu thụ nước giải khát có đường từ ít hơn 1 ly một tuần lên mức 1 ly mỗi ngày có sự gia tăng cân nặng cao nhất so với nhóm khác và có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường týp 2 gấp 1,83 lần nhóm khác [116]. Tuy nhiên, khi nhận định tình hình gia tăng quá nhanh của dịch thừa cân béo phì trên thế giới hiện nay các nhà dịch tễ cho rằng xu hướng gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì trong cộng đồng chủ yếu do chế độ ăn giàu năng lượng và giảm hoạt động thể chất [62],[85].

1.6.1. Khẩu phần ăn và thói quen ăn uống

Gia tăng chất ngọt và béo trong khẩu phần cùng với giảm ăn hoặc ít ăn rau, trái cây là một đặc điểm của những người thừa cân béo phì [15],[65],[116]. Thức ăn có dầu mỡ thường khiến người ăn có cảm giác ngon miệng. Không chỉ chất béo gây tăng cân mà các thức ăn ngọt, chất bột đường cũng vậy [64]. Nghiên cứu cắt ngang tại Scotland ở 11.000 người chia nhóm theo bách phân vị trên tỉ lệ chất béo trong khẩu phần, không quan tâm đến tổng lượng năng lượng thu nhập, thì thấy có liên quan giữa tỉ lệ ăn chất béo cao và tỉ lệ thừa cân béo phì [138]. Nghiên cứu thực trạng thừa cân béo phì tại Việt Nam ở người trưởng thành 25 đến 64 tuổi năm 2005 của Viện Dinh Dưỡng cho thấy người thừa cân béo phì tiêu thụ rau ít hơn so với người có tình trạng dinh dưỡng bình thường, với mức trung bình là 196g/ngày ở nhóm thừa cân béo phì so với 206g/ngày ở nhóm bình thường [62]. Năm 2005, Nguyễn Minh Tuấn và cộng sự nghiên cứu ở 2.014 người trưởng thành từ 20 đến 59 tuổi tại Thái Nguyên thấy yếu tố nguy cơ chính là khẩu phần ăn giàu năng lượng

(2539 kcal/ngày) của nhóm thừa cân béo phì so với 2433 kcal/ngày của nhóm chứng [53]. Khẩu phần này cao so với nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam trưởng thành trên 19 tuổi lao động nhẹ là 2200 kcal/ngày ở nữ và 2300 kcal/ngày ở nam [3].

Cùng với toàn cầu hóa, thực phẩm không còn khu trú tại địa phương mà mang tính toàn cầu [138]. Thức ăn nhanh được sử dụng khắp thế giới, thường là thực phẩm nhiều chất béo, bán kèm với nước giải khát có đường. Bữa ăn nhanh cung cấp nhiều năng lượng nhưng không cân đối về thành phần bữa ăn. Loại bữa ăn này phù hợp với lối sống công nghiệp khi thời gian ăn ngắn với nhu cầu cung cấp nhiều năng lượng trong bữa ăn. Nhưng việc ăn thường xuyên dễ gây thừa cân béo phì. Tại Mỹ khẩu phần thức ăn nhanh vừa rẻ tiền vừa có năng lượng cao hơn nhu cầu năng lượng của bữa ăn, lại chứa nhiều chất béo. Đây là lý do khiến dịch thừa cân béo phì tăng nhanh ở Mỹ [137]. Người thành thị có nhịp sống cao, ít thời gian dành cho bữa ăn, nên có khuynh hướng thích sử dụng thức ăn nhanh, giàu chất béo [140].

Đối với trẻ em, nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa thói quen ăn uống và tình trạng thừa cân béo phì của trẻ. Trẻ thừa cân béo phì thường có thói quen háu ăn, ăn nhanh, ăn nhiều và ăn nhiều bữa trong ngày hoặc có ăn thêm bữa phụ buổi tối trước khi đi ngủ [22],[43],[47],[51]. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoa năm 2008 ở trẻ thừa cân béo phì điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. Hồ Chí Minh trong 10 năm từ năm 1998 đến năm 2008 cho thấy có đến 97% trẻ ăn nhanh, thời gian một bữa ăn dưới 30 phút [20]. Các nghiên cứu cũng thấy trẻ có sở thích ăn chất đường, chất béo có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn [16],[20]. Nguyễn Thị Kim Hoa nghiên cứu ở 1.183 trẻ từ 2 đến 5 tuổi tại các trường mầm non thành phố Huế năm 2009 xác định trẻ thường xuyên ăn thức ăn béo, giàu năng lượng có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 3,4 lần so với trẻ không có thói quen này [19].

1.6.2. Hoạt động thể chất

Lối sống tĩnh tại là yếu tố nguy cơ từ hành vi, lối sống liên quan đến gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì. Cư dân thành thị có thói quen dành nhiều thời gian cho các hoạt động giải trí tĩnh tại như xem phim, xem truyền hình, sử dụng máy vi tính, chơi

trò chơi điện tử, ít dành thời gian giải trí vận động [137]. Đô thị phát triển với nhiều nhà cao tầng và ngày càng ít công viên dành cho tập luyện thể lực, vận động cơ thể.

Do đó, cư dân các đô thị lớn gia tăng lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể chất nên giảm tiêu hao năng lượng [140]. Hậu quả lối sống tĩnh tại là năng lượng dần tích lũy gây nên thừa mỡ và tích mỡ trong cơ thể [62],[118]. Nghiên cứu năm 2001 ở người từ 20 đến 60 tuổi là cán bộ công nhân viên công tác tại Hà Nội cho thấy người thừa cân béo phì có thời gian xem truyền hình giải trí hàng ngày nhiều hơn nhóm chứng, tương ứng là 142 phút/ngày so với 80 phút/ngày [56].

Bảng 1.7. Ảnh hưởng lối sống hiện đại lên hoạt động thể chất Dạng hoạt

động Ảnh hưởng Tác động lên thừa cân béo phì

Vận chuyển Có nhiều xe ô tô, xe mô-tô, xe đạp điện

Giảm đi bộ, giảm đi xe đạp.

Trẻ được cha mẹ chở đến trường.

Tại nhà Tăng sử dụng thực phẩm ăn liền, thức ăn nhanh

Tăng thời gian xem truyền hình, chơi trò chơi vi tính, làm việc vi tính

Tăng sử dụng các thiết bị hiện đại (máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi…)

Đây là nguyên nhân góp phần cho thừa cân béo phì

Giảm sử dụng thời gian rảnh rỗi để hoạt động chân tay

Giảm lao động chân tay. Trẻ không có cơ hội làm việc chân tay trong gia đình.

Nơi công cộng

Tăng sử dụng thang máy, thang cuốn

Giảm hoạt động leo thang bộ

“Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới, 2005” [138]

Trẻ em hiện nay ngày càng ít vận động, ít tiêu hao năng lượng hơn nên dễ làm gia tăng thừa cân béo phì ở trẻ em lứa tuổi học sinh. Không gian vui chơi giải trí cho trẻ em tại các thành phố lớn ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa và do thiếu sót trong qui hoạch không gian đô thị của các cấp có thẩm quyền cũng là một yếu tố quan trọng cho nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ em.

Trẻ em ngày càng quen thuộc với truyền hình, trò chơi điện tử, máy vi tính, gia tăng thời gian học tập là các hoạt động tĩnh tại. Gia tăng phương tiện sinh hoạt

tiện nghi hơn làm giảm vận động của trẻ: xe cộ, thang máy, thang cuốn (làm giảm thời gian vận động), điều khiển từ xa, máy vi tính, truyền hình, trò chơi điện tử (làm tăng thời gian hoạt động tĩnh tại)

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Hưng năm 2003 ở trẻ 6 đến 11 tuổi tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy trẻ thừa cân béo phì có thời gian hoạt động tĩnh tại (chơi cờ, vẽ tranh, xem truyền hình, học bài, học thêm…) là 224 phút/ngày so với trẻ nhóm chứng là 203 phút/ngày [27]. Trịnh Thị Thanh Thủy so sánh thời gian xem truyền hình, chơi điện tử của nhóm thừa cân béo phì là 79,6 phút/ngày và nhóm chứng 53,3 phút/ngày, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05) [51].

Các nghiên cứu ở trẻ em cho thấy những trẻ ít hoạt động thể lực và thời gian hoạt động tĩnh tại cao (xem truyền hình, chơi trò chơi vi tính, học bài, vẽ tranh…) có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn trẻ khác [47]. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khi số giờ xem truyền hình trên 2 giờ mỗi ngày (trên 120 phút/ngày) trẻ có nguy cơ thừa cân béo phì tăng lên 1,34 lần [90],[120].

1.6.3. Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền có vai trò quan trọng nhất định với tình trạng thừa cân béo phì. Nhiều nghiên cứu tại Việt Nam và trên thế giới đều cho kết quả trẻ có cha mẹ bị thừa cân béo phì có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn trẻ có cha mẹ có cân nặng bình thường [77],[108],[110].

Nghiên cứu của Cao Thị Yến Thanh, Nguyễn Công Khẩn và cộng sự năm 2004 tại thành phố Buôn Ma Thuột cho kết quả trẻ có cha thừa cân béo phì có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 1,99 lần và trẻ có mẹ thừa cân béo phì có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 2,87 lần trẻ nhóm chứng [47]. Trịnh Thị Thanh Thủy nghiên cứu học sinh 6 đến 11 tuổi tại Hà Nội năm 2011 cũng thấy trẻ có cha hoặc mẹ thừa cân béo phì có nguy cơ tăng 2,5 lần và trẻ có cả cha và mẹ thừa cân béo phì có nguy cơ tăng 3,2 lần so với trẻ nhóm chứng [51]. Nghiên cứu tại Hà Lan năm 2006, trẻ có cha thừa cân béo phì có nguy cơ thừa cân béo phì lúc 12 tuổi cao hơn trẻ khác [131].

Tuy nhiên, khó xác định là do gen di truyền hay do trẻ chịu tác động của yếu tố môi trường vì có chung chế độ ăn giàu năng lượng với cha mẹ. Hiện nay, có giả thuyết

các thành viên cùng gia đình chia sẻ yếu tố di truyền. Do đó, khi trong gia đình có người bị thừa cân béo phì các thành viên khác nhạy cảm hơn với tác động của dinh dưỡng lên tình trạng thừa cân béo phì [61]. Ngoài ra, còn phải kể yếu tố tâm lý: cha mẹ khi thấy trẻ thiếu dinh dưỡng thường có khuynh hướng cho trẻ ăn nhiều hơn để bù đắp thiếu hụt năng lượng, tăng cường tầm vóc cho trẻ. Trẻ bị ép ăn nhiều nhưng do giới hạn mô xương và mô cơ nên dễ bị chứng thừa cân béo phì.

Nghiên cứu của Emily O. và Matthew W.G. phát hiện trọng lượng khi sinh có liên quan với tình trạng thừa cân béo phì của trẻ. Trẻ có cân nặng khi sinh thấp có nguy cơ cao thừa cân béo phì hơn trẻ khác. Từ đó, các tác giả đề ra giả thuyết trẻ kém dinh dưỡng trong giai đoạn bào thai chịu tác động lên yếu tố di truyền làm thay đổi sự tiết một số hốc-môn trong cơ thể làm tăng khả năng hấp thu thực phẩm do đó dễ nhạy cảm với thừa cân béo phì khi trưởng thành [80]. Nghiên cứu năm 2011 tại Hà Nội của Trịnh Thị Thanh Thủy ở trẻ 6 đến 11 tuổi, trẻ có trọng lượng khi sinh dưới 2500g (suy dinh dưỡng bào thai) có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 1,4 lần, trẻ có trọng lượng khi sinh trên 3500g có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 2,8 lần trẻ có trọng lượng khi sinh từ 2500g đến 3500g [51].

1.6.4. Các yếu tố nguy cơ khác nhƣ kinh tế, văn hóa, địa dƣ.

Thừa cân béo phì liên quan các yếu tố kinh tế - văn hoá - xã hội nào tạo thuận lợi cho việc gia tăng tiêu thụ thực phẩm giàu năng lượng, nhiều hàm lượng chất béo, và lối sống tĩnh tại ít vận động.

Kinh tế: Tại nước giàu, thừa cân béo phì thường xảy ra ở người nghèo; ở nước nghèo: thừa cân béo phì thường xảy ra ở người có thu nhập trung bình và khá [64].

Đó là do ở nước đang phát triển khi thiếu ăn còn phổ biến thừa cân béo phì được xem như bằng chứng của sự “giàu có”, người dân tin “béo là khoẻ mạnh”. Trong khi đó ở nước đã phát triển, thực phẩm dư thừa, tỉ lệ thừa cân béo phì cao ở tầng lớp nghèo, ít học, thất nghiệp, ít tiếp cận được với thông tin về chế độ ăn hợp lý. Tỉ lệ thừa cân béo phì thấp ở tầng lớp có giáo dục cao, có nghề nghiệp, có thu nhập cao là do họ dễ tiếp cận hơn với thông tin về chế độ ăn cân đối, đủ dinh dưỡng, hợp lý mà không gây thừa cân béo phì [138].

Văn hóa: Một trong các yếu tố văn hóa có tác động lên tình trạng thừa cân béo phì là khái niệm “hình ảnh cơ thể” (body image). Hình ảnh cơ thể có tác dụng rất lớn về tâm lý ở phụ nữ trong việc giữ cân nặng cơ thể. Đa số nền văn hóa cho mập mạp là dấu hiệu của sức khỏe và giàu có. Hình ảnh ốm yếu gầy còm được gán cho bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng, như lao, AIDS. Vì vậy, tại các nước nghèo phụ nữ ưa chuộng hình ảnh béo mập. Ngược lại, tại các nước đã phát triển hình ảnh phụ nữ gầy gắn liền với thành đạt, có khả năng tự kiềm chế, hấp dẫn về giới tính; phụ nữ béo mập được xem là lười biếng, kém vận động, ham hưởng thụ, kém ý chí kiểm soát cân nặng [138].

Địa dư: Thừa cân béo phì thường xảy ra ở đô thị lớn, nơi có lượng thực phẩm dồi dào và thức ăn nhanh khá phổ biến. Nghiên cứu của Trần Thị Minh Hạnh năm 2005 tại TP. Hồ Chí Minh ở học sinh cho kết quả trẻ sống trong nội thành có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn ở ngoại thành [17], nghiên cứu năm 2006 cho thấy trẻ sống ở thành phố có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn trẻ sống ở tỉnh [18].

Một số yếu tố liên quan khác như trọng lượng khi sinh: trẻ sinh nhẹ cân, trẻ sinh quá cân có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn trẻ sinh có cân nặng bình thường.

Nghiên cứu của Trịnh Thị Thanh Thủy ở trẻ 6 đến 11 tuổi tại Hà Nội năm 2011 cho thấy trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2500g hay trên 3500g đều gia tăng nguy cơ thừa cân béo phì so với nhóm trẻ có cân nặng khi sinh từ 2500g đến 3500g [51]. Thời gian ngủ ít cũng là yếu tố nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ [32],[93]. Nghiên cứu mối liên quan giữa thời gian ngủ của trẻ dưới 1 tuổi với nguy cơ thừa cân béo phì lúc 3 tuổi cho thấy trẻ ngủ dưới 12 giờ/ngày giai đoạn dưới 1 tuổi có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 2,04 lần trẻ ngủ trên 12 giờ/ngày [121]. Các nghiên cứu của Cao Thị Yến Thanh năm 2004, Hoàng Thị Minh Thu năm 2005, Trương Công Hòa năm 2005, Nguyễn Thị Kim Hoa năm 2009, Ngô Văn Quang năm 2010 đều có kết quả là về giới, nam có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn nữ [19],[23],[42],[43],[49].

Một số nghiên cứu cho thấy bú sữa mẹ là yếu tố bảo vệ như nghiên cứu của Trương Công Hòa năm 2005 [23], Nguyễn Thị Kim Hoa năm 2009 [19]. Nghiên cứu của Grummer Strawn năm 2004 cho thấy trẻ bú sữa mẹ càng lâu thì nguy cơ

thừa cân béo phì càng giảm, so với trẻ không bú sữa mẹ trẻ bú đến dưới 12 tháng có nguy cơ chỉ bằng 0,7 lần, trẻ bú trên 12 tháng có nguy cơ chỉ bằng 0,49 lần [86].

Tổng hợp các nghiên cứu tại Đức ở 9.206 trẻ 4 - 6 tuổi tỉ lệ trẻ không bú sữa mẹ bị thừa cân béo phì là 4,5% so với nhóm có bú sữa mẹ là 2,8%. Tại Czech ở 33.768 trẻ từ 6 - 14 tuổi, trẻ bú sữa mẹ giảm nguy cơ thừa cân béo phì còn 0,8 lần (OR=0,8) so với trẻ không bú sữa mẹ. Tóm lại, trẻ bú sữa bình có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn trẻ bú sữa mẹ [111],[113]. Nhận thức về dinh dưỡng chưa đầy đủ của cha mẹ cũng là yếu tố nguy cơ thừa cân béo phì cho trẻ theo kết quả nghiên cứu của Trương Công Hòa [23], và nghiên cứu của Cao Thị Yến Thanh [47]. Trình độ học vấn cha mẹ cũng có ảnh hưởng, nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Hoa năm 2009, Trịnh Thị Thanh Thủy năm 2011 đều cho thấy trẻ giảm nguy cơ thừa cân béo phì khi người nuôi dưỡng trẻ có trình độ học vấn cao [19],[51].

Một phần của tài liệu Thừa cân béo phì ở trẻ mẫu giáo quận 5 thành phố hồ chí minh và hiệu quả giáo dục sức khỏe (Trang 30 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(151 trang)