Nghiên cứu đã xác định được các yếu tố liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo tại quận 5, thành phố Hồ Chí Minh như sau: trẻ trai (Bảng 3.9), cân nặng lúc sinh cao (Bảng 3.20), trẻ có mẹ là người Kinh (Bảng 3.19), mẹ có trình độ văn hóa dưới cấp 2 (Bảng 3.19), trẻ háu ăn và ăn nhanh (Bảng 3.22), trẻ có sở thích ăn chất béo (Bảng 3.23), thời gian tĩnh tại dài (Biểu đồ 3.4) như chơi trò chơi điện tử và học bài (Bảng 3.14), kinh tế gia đình giàu (Bảng 3.21).
Qua nghiên cứu, một số yếu tố dân số học và yếu tố xã hội được xác định có liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì của trẻ. Tỉ lệ trẻ trai thừa cân béo phì (25,1%) cao hơn có ý nghĩa thống kê so với trẻ gái (17,5%). Kết quả này tương đồng với các nghiên cứu của nhiều tác giả khác như của Trương Công Hòa ở trẻ 2-6 tuổi tại các trường mầm non quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 [23], Lê Thị Hải ở học sinh hai trường tiểu học Hà Nội [14], Hoàng Thị Minh Thu và Phạm Duy Tường ở trẻ em 6-11 tuổi tại quận Cầu Giấy, Hà Nội [49], Trần Thị
Minh Hạnh và cộng sự ở trẻ em lứa tuổi học đường thành phố Hồ Chí Minh từ 6-17 tuổi [18], Cao Thị Yến Thanh và Nguyễn Công Khẩn ở học sinh tiểu học thành phố Buôn Ma Thuột năm 2004 [47]. Nghiên cứu tại Úc điều tra các năm từ 1995 đến 2002 ở 114.669 trẻ 4 tuổi cho kết quả ngược lại, trẻ gái có tỉ lệ thừa cân béo phì cao hơn trẻ trai. Kết quả năm 2002 tại Úc cho thấy tỉ lệ thừa cân ở trẻ gái là 21,4%, trong đó có 5,8% béo phì, tỉ lệ tương ứng ở trẻ trai là 17,3% và 4,1% [129]. Khác biệt về giới trong tình hình thừa cân béo phì ở trẻ tại các quốc gia khác nhau cho thấy yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến tình trạng thừa cân béo phì theo giới ở trẻ. Với các nước có tập quán văn hóa quan tâm và ưu tiên trẻ trai hơn trẻ gái về dinh dưỡng và giáo dục thì tỉ lệ thừa cân béo phì cao ở trẻ trai, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ gái thấp. Trong khi tại Úc với tỉ lệ sinh thấp và ít phân biệt giới nên tỉ lệ trẻ gái thừa cân béo phì cao hơn trẻ trai. Nghiên cứu này chưa tìm thấy sự khác biệt tỉ lệ thừa cân béo phì theo nhóm tuổi nhưng số liệu cho thấy trong lứa tuổi mẫu giáo cứ tăng thêm một tuổi tỉ lệ thừa cân tăng thêm khoảng 3% (18,6% ở 4 tuổi, 21,1% ở 5 tuổi, 24,1%
ở 6 tuổi) (Bảng 3.9). So sánh với các nghiên cứu khác ở học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể thấy lứa tuổi có tỉ lệ thừa cân cao là 5-7 tuổi [26], và lứa tuổi 9-10 tuổi [14],[27],[47], tương ứng với lứa tuổi tiền học đường, học sinh lớp 1 và lứa tuổi dậy thì ở trẻ. Hiện nay tại Việt Nam với xu hướng gia đình ít con, chỉ 1 đến 2 con và điều kiện phát triển kinh tế tốt tại các thành phố lớn nên trẻ được cung cấp dinh dưỡng nhiều hơn, do vậy nguy cơ bị thừa cân béo phì ở thành thị là cao hơn, nhất là trong gia đình giàu. Nghiên cứu tại các trường mẫu giáo tại quận 5 phát hiện mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa tình trạng thừa cân béo phì với mẹ dân tộc Kinh. Trẻ có mẹ người Kinh có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 1,8 lần trẻ dân tộc Hoa (Bảng 3.19). Các nghiên cứu khác không phát hiện sự khác biệt về dân tộc giữa nhóm trẻ thừa cân béo phì và trẻ bình thường.
Trình độ học vấn của phụ huynh là yếu tố liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì của trẻ. Nguy cơ thừa cân béo phì của trẻ gia tăng 1,8 lần khi trình độ học vấn của mẹ thấp hơn cấp 2 (Bảng 3.19). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Hưng năm 2001 cho thấy trình độ học vấn người chăm sóc thấp
hơn cấp 2 có liên quan với tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi [26]. Trịnh Thị Thanh Thủy trong nghiên cứu năm 2011 tại Hà Nội ở học sinh tiểu học cho kết quả con của các bà mẹ có trình độ học vấn thấp hơn cấp 3 có nguy cơ thừa cân béo phì cao gấp 1,4 lần so với con của các bà mẹ có học vấn trên cấp 3 [51]. Các nghiên cứu có các mốc chia nhóm trình độ học vấn khác nhau, nhưng đa số cho kết quả học vấn của bà mẹ có liên quan với tình trạng thừa cân béo phì của trẻ. Kết quả này tương đồng với kết quả của Sakamoto nghiên cứu ảnh hưởng các yếu tố kinh tế-xã hội lên tình trạng thừa cân béo phì ở 1.157 trẻ tiền học đường tại Thái Lan năm 2001: trình độ học vấn của phụ huynh thấp có liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì của trẻ [112]. Trình độ học vấn thấp của mẹ có thể tác động thông qua việc mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, hoặc thiếu kiến thức về phòng chống thừa cân béo phì cho trẻ nên trẻ có chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý theo lứa tuổi.
Kiến thức của mẹ về dinh dưỡng là một yếu tố nguy cơ được các nghiên cứu quan tâm. Trong nghiên cứu này, điều tra cắt ngang phát hiện tỉ lệ bà mẹ có kiến thức đúng về dinh dưỡng chưa cao, với tỉ lệ có kiến thức đúng thay đổi từ 52,4%
đến 90,5% (Bảng 3.16). Cao Thị Yến Thanh, qua điều tra 1.835 học sinh cấp 1 nhận thấy kiến thức dinh dưỡng của mẹ kém và trung bình làm nguy cơ thừa cân béo phì của trẻ tăng 1,89 lần [47]. Trần Thị Hồng Loan phát hiện kiến thức bà mẹ có liên quan với tình trạng thừa cân béo phì của trẻ [37]. Điều này cho thấy cung cấp kiến thức dinh dưỡng cho bà mẹ là một phần quan trọng trong việc phòng chống thừa cân béo phì ở trẻ. Kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng đã được phổ biến khá rộng rãi trong xã hội, nhưng kiến thức dinh dưỡng hợp lý phòng chống thừa cân béo phì chưa được truyền thông đầy đủ đến phụ nữ có con dưới 5 tuổi.
Yếu tố nguy cơ quan trọng trong thừa cân béo phì ở trẻ là thói quen ăn uống.
Trong đó, các nghiên cứu đều quan tâm đến thói quen ăn nhanh, háu ăn. Khác với người lớn có ý thức kiểm soát thói quen ăn uống và lượng thức ăn, trẻ em thường ăn theo thói quen, sở thích và nhu cầu. Kết quả nghiên cứu này cho thấy trẻ háu ăn có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 5,3 lần so với trẻ không có thói quen này. Trẻ ăn nhanh có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 2,8 lần so với trẻ không có thói quen này
(Bảng 3.22). Điều này phù hợp với kết quả nhiều nghiên cứu khác. Trương Công Hoà nghiên cứu ở 1.000 trẻ 2-6 tuổi tại các trường mầm non quận Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 cho kết quả tương tự [22]. Nghiên cứu của Cao Thị Yến Thanh ở 1.835 trẻ phát hiện ăn nhanh là yếu tố nguy cơ với OR=2,2 [47]. Lê Thị Hải phát hiện trẻ thừa cân béo phì có sở thích ăn nhanh và có cảm giác thèm ăn nhiều hơn trẻ bình thường [13],[14]. Ngô Văn Quang và cộng sự khi điều tra trên 4.500 học sinh tiểu học thành phố Đà Nẵng năm 2007 cũng thấy mối liên quan giữa ăn nhanh và tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ [43]. Trịnh Thị Thanh Thủy điều tra năm 2011 trên 2.830 trẻ 6-11 tuổi thấy trẻ ăn nhanh có nguy cơ thừa cân béo phì cao gấp 3,2 lần, ăn nhiều có nguy cơ gấp 6,1 lần so với trẻ bình thường. Ngoài ra, trẻ có ăn thêm bữa tối trước khi đi ngủ sẽ có nguy cơ thừa cân béo phì gấp 2,4 lần trẻ không ăn thêm bữa phụ buổi tối [51]. Nguyễn Thị Kim Hoa trong nghiên cứu 1.183 trẻ mẫu giáo tại Huế năm 2009 cũng thấy ăn nhanh có liên quan với tình trạng thừa cân béo phì của trẻ [19]. Nghiên cứu của He Q. ở trẻ lứa tuổi tiền học đường tại Trung Quốc cũng cho kết quả tương tự, ăn nhanh là yếu tố nguy cơ gây thừa cân béo phì ở trẻ [87].
Khảo sát liên quan cân nặng lúc sanh và thừa cân béo phì ở trẻ, có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê trong cân nặng lúc sanh của trẻ, nhóm trẻ thừa cân béo phì có cân nặng lúc sanh trung bình là 3.313 gram cao hơn cân nặng lúc sanh trung bình của nhóm không thừa cân béo phì (3.194 gram) (Bảng 3.20). Kết quả này tương tự nghiên cứu của Huỳnh Thị Thu Diệu ở 670 trẻ mẫu giáo tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2006 phát hiện mối liên quan giữa cân nặng cao lúc sanh và thừa cân béo phì ở trẻ [77]. Trịnh Thị Thanh Thủy điều tra năm 2011 phân nhóm cân nặng trẻ khi sanh từ dưới 2.500 gram, 2.500-3.500 gram, và trên 3.500 gram phát hiện trẻ sanh dưới 2.500 gram hay trên 3.500 gram đều có nguy cơ thừa cân béo phì tăng tương ứng là 1,4 lần và 2,8 lần so với trẻ có cân nặng trong khoảng 2.500-3.500 gram [51]. He Q.
trong một nghiên cứu bệnh chứng tại Trung Quốc ở 748 trẻ trai và 574 trẻ gái từ 1 đến 7 tuổi đã thấy cân nặng lúc sinh trên 4 kg liên quan đến tình trạng thừa cân béo phì của trẻ [87]. Theo giả thuyết về cơ chế di truyền của Emily Oken trẻ sơ sinh nhẹ
ký do kém dinh dưỡng bào thai sẽ có khuynh hướng tăng cân nhanh khi lớn do tăng khả năng hấp thu thực phẩm và do đó dễ bị thừa cân béo phì hơn trẻ khác [80].
Thói quen ăn uống và sở thích với chất ngọt và chất béo thường liên quan với tình trạng thừa cân béo phì của trẻ [105],[134]. Kết quả nghiên cứu phát hiện có mối liên quan giữa sở thích ăn chất béo và tình trạng thừa cân béo phì. Trẻ có sở thích ăn chất béo có nguy cơ thừa cân gấp 2,3 lần (OR = 2,3, KTC95% 1,4 – 3,8; p < 0,001) trẻ không có sở thích này (Bảng 3.23). Ðiều này phù hợp với nghiên cứu trước đây của Lê Thị Hải [13],[14] cho thấy có liên quan giữa ăn chất béo và thừa cân béo phì.
Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu của Trương Công Hòa khi điều tra trẻ 2-6 tuổi tại các trường mầm non quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh năm 2005 [22].
Các tài liệu dịch tễ học về thừa cân béo phì đều cho thấy mối liên quan giữa chế độ ăn giàu chất béo với tỉ lệ thừa cân béo phì gia tăng trong cộng đồng [4],[76],[135],[136]. So sánh mức tiêu thụ thực phẩm bình quân/người/năm hai giai đoạn 2000 và 2010 qua điều tra quốc gia của Viện Dinh dưỡng cũng có thể thấy khuynh hướng tăng lượng tiêu thụ chất đạm, chất béo [59],[63]. Nguyên do vì tiêu thụ chất béo cung cấp năng lượng là 9 Kcal/gam, trong khi tiêu thụ chất đường, chất đạm chỉ cung cấp khoảng 4 Kcal/gam cho cơ thể [8]. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này cho thấy trẻ bình thường có thói quen thích ăn ngọt cao hơn so với trẻ thừa cân béo phì (p < 0,05) (Bảng 3.13). Kết quả này ngược với một nghiên cứu tại Mỹ của tác giả Welsh năm 2005 trên trẻ lứa tuổi từ 2 đến 3 tuổi. Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy so với nhóm trẻ chỉ uống dưới một ly nước ngọt/ngày, nhóm trẻ uống từ 1 đến 2 ly nước ngọt/ngày, từ 2 đến 3 ly nước ngọt/ngày, và nhóm trẻ uống trên 3 ly nước ngọt/ngày có nguy cơ thừa cân béo phì tăng tương ứng gấp 2,1 lần, 2,2 lần và 1,8 lần [134]. Tỉ lệ sử dụng thực phẩm ngọt thấp ở trẻ thừa cân béo phì trong nghiên cứu này có thể do nhận thức mẹ của trẻ cho rằng thức ăn ngọt là nguyên nhân của tình trạng tăng cân của trẻ nên khi trẻ tăng cân, mẹ hạn chế hoặc cấm trẻ ăn uống các thức ăn ngọt hàng ngày. Điểm này cũng thể hiện qua kết quả điều tra cắt ngang cho thấy đến 87,5% bà mẹ cho rằng nước ngọt không tốt cho sức khoẻ của trẻ
(Bảng 3.16). Các mối liên quan nghịch này cho thấy một điểm yếu của nghiên cứu:
không xác định được mốc thời gian của hành vi so với kết quả thừa cân béo phì.
Nghiên cứu đo lường thời gian trẻ dành cho các hoạt động tĩnh tại vì đây là chỉ số phản ảnh các yếu tố thúc đẩy sự gia tăng nhanh thừa cân béo phì. Thời gian hoạt động trung bình của trẻ khoảng 1,7 giờ/ngày dành để chơi đùa với bạn. Trong khi đó, thời gian tĩnh tại của trẻ là 7,2 giờ/ngày dành cho việc xem truyền hình, chơi máy vi tính, chơi trò chơi điện tử, học bài, tô màu, vẽ tranh (Bảng 3.6). Thời gian tĩnh tại hơn gấp ba lần thời gian dành cho hoạt động cho thấy lối sống tĩnh tại là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em sống tại đô thị. Thời gian hoạt động tĩnh tại của hai nhóm trẻ khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nhóm thừa cân béo phì có thời gian hoạt động tĩnh tại là 178 phút/ngày cao hơn nhóm trẻ bình thường (156 phút/ngày) (Biểu đồ 3.4). Thời gian chơi trò chơi điện tử và học bài của trẻ thừa cân béo phì cao hơn trẻ bình thường (Bảng 3.14). Nghiên cứu của Trịnh Thị Thanh Thủy năm 2011 cho thấy trẻ thừa cân béo phì dành đến 80 phút/ngày cho hoạt động tĩnh tại như xem truyền hình, chơi điện tử…so với 53 phút/ngày ở trẻ không thừa cân béo phì [51]. Nghiên cứu của Mendoza phát hiện trẻ xem truyền hình trên 2 giờ mỗi ngày làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì lên 1,34 lần [90].
Nghiên cứu của Sugimori theo dõi trẻ từ 3 đến 6 tuổi trong 3 năm từ 1992-1995 cho thấy trẻ có thời gian xem truyền hình dài có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn trẻ ít xem truyền hình [122]. Thời gian tĩnh tại quá dài là một yếu tố nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ. Điều này không chỉ thấy ở trẻ nhỏ mà còn gặp ở lứa tuổi thiếu niên.
Nghiên cứu ở thanh thiếu niên 14-18 tuổi tại Mỹ cho kết quả trẻ xem truyền hình trên 4 giờ/ngày có nguy cơ thừa cân béo phì 30% cao hơn trẻ xem chỉ 2-3 giờ/ngày, và 40% cao hơn trẻ xem ít hơn 1 giờ/ngày [79]. Thời gian tĩnh tại quá dài là yếu tố cần khắc phục nhằm làm giảm yếu tố nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ. Thomas N. R.
can thiệp làm giảm thời gian xem truyền hình của trẻ lớp 3, lớp 4 và nhận thấy so với nhóm đối chứng trẻ giảm xem truyền hình có mức giảm BMI nhiều hơn, giảm thời gian xem truyền hình và giảm thói quen vừa ăn vừa xem truyền hình [126].
Nghiên cứu cũng đánh giá liên quan thái độ của bà mẹ với tình trạng thừa cân béo phì của trẻ. Về thái độ với trẻ thừa cân béo phì, có 77,6% bà mẹ đồng ý rằng trẻ béo mập sẽ kém sức khoẻ hơn trẻ bình thường nhưng 57,7% bà mẹ vẫn thích trẻ béo mập vì trẻ béo mập thì xinh xắn, đáng yêu hơn (Biểu đồ 3.3). Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Nguyễn Thị Kim Hưng năm 2003 cho thấy tỉ lệ bà mẹ có con thừa cân đồng ý “trẻ béo mập là tốt” cao hơn so với bà mẹ có con bình thường (tương ứng là 16,3% và 12,2%) [27]. Kết quả cũng phù hợp với nghiên cứu của Trịnh Thị Thanh Thủy năm 2011 với 62,1% bà mẹ có con thừa cân béo phì cho rằng trẻ mập béo thì khỏe hơn, so với 20,6% ở bà mẹ có con bình thường. Chỉ 22,7% bà mẹ có con thừa cân béo phì hiểu rằng trẻ mập béo thì không tốt cho sức khỏe so với 75,7% ở bà mẹ có con bình thường [51]. Cung cấp kiến thức cho mẹ về nguy cơ và tác hại của thừa cân béo phì dễ hơn thay đổi thái độ của mẹ về mong muốn con của mình béo mập đáng yêu. Việc bà mẹ thích và có thái độ đồng ý rằng trẻ béo mập khỏe hơn trẻ bình thường là thái độ chưa đúng làm cho trẻ có nguy cơ thừa cân béo phì cao hơn do mẹ có khuynh hướng cho trẻ ăn nhiều hơn để có dáng mập béo.
Các nghiên cứu khác đã xác định một số yếu tố nguy cơ thừa cân béo phì như:
trọng lượng khi sanh thấp [61], sử dụng sữa bình thay cho sữa mẹ [113], thời gian ngủ ngắn [33],[124], trẻ sống ở nội thành so với cùng ven, sống tại thành phố so với các tỉnh [17],[18], trẻ có cha mẹ bị thừa cân béo phì [77],[108],[110]. Vì số lượng mẫu nhỏ (n = 396) trong nghiên cứu bệnh chứng này nên chỉ có 7 trẻ có cân nặng lúc sanh thấp (< 2.500 gam), phân tích thống kê hai nhóm trẻ bệnh và chứng chưa phát hiện sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Nghiên cứu cũng chưa phát hiện liên quan giữa loại sữa trẻ bú (bú sữa mẹ hoặc bú sữa bình) với tình trạng thừa cân béo phì của trẻ (Bảng 3.20). Kết quả này khác với kết quả nghiên cứu của Rudiger trên 9.357 trẻ 5-6 tuổi tại Đức cho thấy bú mẹ là yếu tố bảo vệ và làm giảm nguy cơ thừa cân béo phì còn 0,75 [111]. Do không đánh giá tình trạng dinh dưỡng của cha, mẹ trẻ, không thu thập số liệu về cân nặng và chiều cao của cha mẹ trẻ nên nghiên cứu cũng không đánh giá mối liên quan giữa tình trạng thừa cân béo phì của cha mẹ và tình trạng thừa cân béo phì của trẻ. Không đánh giá lượng thực phẩm trẻ tiêu thụ