CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN TRỊ NGUỒN NHÂN LỰC
1.3 Những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến quản trị nguồn nhân lực
1.3.1.1 Khung cảnh kinh tế: Chu kỳ kinh tế và chu kỳ kinh doanh có ảnh hưởng rất lớn đến quản trị nguồn nhân lực. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái, hoặc kinh tế bất ổn, có chiều hướng đi xuống, nhu cầu sản phẩm giảm buộc công ty một mặt cần duy trì lực lượng lao động có tay nghề, một mặt phải giảm chi phí hoạt động. Công ty phải quyết định giảm giờ làm việc, cho nhân viên tạm nghỉ, hoặc cho
nghỉ việc, hoặc giảm các chế độ phúc lợi,…Ngược lại, khi kinh tế phát triển và có chiều hướng ổn định, công ty lại có nhu cầu phát triển lao động mới để mở rộng sản xuất, tăng cường đào tạo, huấn luyện nhân viên. Việc mở rộng sản xuất đòi hỏi công ty phải tuyển thêm người có trình độ. Mặt khác, khi kinh tế phát triển thì không chỉ riêng công ty mà những doanh nghiệp khác cũng có nhu cầu tuyển thêm nhân sự, do đó đòi hỏi công ty cần có chế độ đãi ngộ thoả đáng như: Tăng lương, tăng phúc lợi, cải thiện điều kiện làm việc,…để thu hút các nhân tài từ bên ngoài. Khi kinh tế suy thoái, nó ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược quản trị nguồn nhân lực.
1.3.1.2 Dân số: Dân số và cơ cấu dân số có ảnh hưởng rất lớn đối với quản trị nguồn nhân lực. Vì nó phản ánh nguồn cung lao động trên thị trường và là cơ sở quan trọng cho việc thiết lập các kế hoạch bổ sung nguồn nhân lực. Dân số ở tại địa phương là nguồn cung ứng lao động trước hết và chủ yếu của doanh nghiệp.
1.3.1.3 Luật pháp: Luật pháp có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác quản trị nguồn nhân lực. Hầu hết các quốc gia đều có ban hành những bộ luật như: Luật lao động, luật bảo hiểm xã hội, các quy định chế độ tiền lương,…nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
1.3.1.4 Khoa học kỹ thuật: Với sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, sản phẩm làm ra ngày càng nhiều hơn, giá thành thấp hơn. Chính vì vậy đã làm gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các công ty phải không ngừng cải tiến kỹ thuật và công nghệ để không bị tụt hậu phía sau. Khi khoa học kỹ thuật thay đổi, có một số công việc hoặc một số kỹ năng không còn cần thiết nữa. Do đó công ty phải cần đào tạo lại lực lượng lao động hiện tại của mình.Sự thay đổi khoa học kỹ thuật cũng đồng nghĩa với việc cần ít người hơn mà vẫn sản xuất ra số lượng sản phẩm tương tự, có chất lượng hơn. Điều này có nghĩa là nhà quản trị nguồn nhân lực phải sắp xếp lại lực lượng lao động để tránh lao động dư thừa.
1.3.1.5 Văn hoá xã hội: Môi trường văn hoá xã hội cũng ảnh hưởng đến công tác quản trị nguồn nhân lực của công ty. Mỗi quốc gia với phong tục, tập quán, quan niệm sống, trình độ dân trí, thu nhập,…khác nhau sẽ có những cách đánh giá công việc khác nhau, đòi hỏi công ty phải có những chính sách nhân sự phù hợp.
1.3.1.6 Đối thủ cạnh tranh: Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh việc cạnh tranh về sản phẩm, khách hàng thì nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực cạnh tranh rất khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Đối thủ cạnh tranh sẳn sàng trả một mức lương
cao hơn với nhiều phúc lợi hơn để lôi kéo nhân tài. Để có được lợi thế cạnh tranh trên thị trường lao động, doanh nghiệp cần phải có các chính sách nhân sự hợp lý, phải biết lãnh đạo, động viên,….phải tạo được bầu không khí gắn bó với công ty.
Ngoài ra công ty cần có một chế độ chính sách lương bổng đủ để giữ chân nhân viên làm việc, phải cải tiến môi trường làm việc và cải thiện các chế độ phúc lợi nhằm duy trì và phát triển nguồn nhân lực.
1.3.1.7 Khách hàng: Khách hàng là mục tiêu của mọi doanh nghiệp. Do đó các cấp quản trị phải đảm bảo rằng tất cả các nhân viên của mình sản xuất ra các mặt hàng phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Nhà quản trị tìm cách để truyền đạt những thông tin cần thiết nhằm làm cho nhân viên hiểu rằng doanh thu của công ty sẽ ảnh hưởng đến tiền lương của họ. Vì vậy hướng về khách hàng, luôn làm khách hàng hài lòng là trọng tâm trong công tác quản trị nguồn nhân lực.
1.3.2 Các yếu tố nội tại của doanh nghiệp
1.3.2.1 Ban lãnh đạo của công ty: Ban Lãnh đạo công ty có ảnh hửởng rất lớn đến công tác quản trị nguồn nhân lực trong môi trường của doanh nghiệp, Nó thể hiện qua phong cách giao tiếp và việc áp dụng các công cụ khích lệ để tạo ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của người lao động trong doanh nghiệp. Ban lãnh đạo của một doanh nghiệp cần có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết của nhà lãnh đạo, đồng thời ban lãnh đạo cần phải biết lựa chọn những cách thức quản lý phù hợp, khuyến khích thích hợp để tạo động lực làm việc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Qua đó ban lãnh đạo cần vận dụng linh hoạt trong các cách trên trong công việc nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực tại doanh nghiệp.
1.3.2.2 Mục tiêu của công ty: Mục tiêu của tổ chức là những cột móc, những tiêu chí cụ thể trong khoảng thời gian nhất định do lãnh đạo đề ra và chi phối toàn bộ các hoạt động khác của tổ chức. Mục tiêu quyết định các thành viên trong tổ chức phải làm gì để đáp ứng được yêu cầu chung.
1.3.2.3 Chính sách và qui định của công ty:
Chính sách là kim chỉ nam hướng dẫn hay giải thích cân nhắc, ảnh hưởng đến hành xử của các cấp quản trị như thế nào. Vấn đề là các cấp cần giải quyết như thế nào giữa các cấp. Nó là lĩnh vực thuộc quản trị nguồn nhân lực. Các chính sách này phụ thuộc vào chiến lược dùng người của công ty.
Do đó các chính sách là kim chỉ nam hướng dẫn chứ không phải luật lệ cứng nhắc. Vì vậy khi sử dụng chính sách cần linh hoạt. Chính vì vậy một chính sách của công ty đều ảnh hưởng đến công tác quản trị nguồn nhân lực như: Cung cấp cho nhân viên nơi làm việc an toàn, khuyến khích mọi người làm hết khả năng của mình, trả lương và đãi ngộ khuyến khích nhân viên làm việc có năng suất cao cả về phẩm chất lẫn chất lượng, đảm bảo cho nhân viên đang làm việc trong công ty có cơ hội phát huy hết khả năng của mình.
1.3.2.4 Văn hoá của công ty: Văn hoá của doanh nghiệp là những phong tục, tập quán,… các giá trị được chia sẽ tạo thành các chuẩn mực hành vi chi phối hành vi ứng xử của nhân viên. Đặc tính bầu không khí văn hoá của một tổ chức thể hiện qua việc sử dụng các biểu hiện cụ thể như các biểu tượng, các câu chuyện,…Các tổ chức thành công là các tổ chức nuôi dưỡng, khuyến khích sự thích ứng, sáng tạo.