CHƯƠNG II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ KHOA HỌC ĐỂ XÂY DỰNG CÁC KĐTM PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
2.1 Các phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu
2.1.1 Phương pháp thu thập, phân tích và tổng hợp thông tin
Phương pháp thu thập, phân tích và tổng hợp các thông tin - số liệu với mục tiêu nhận định tổng quát về PTBV và PTĐTBV của các tổ chức, quốc gia trên thế giới. Các số liệu được phân tích và tổng hợp dựa trên các nhóm thông tin sau:
• Nhóm thông tin về các lý luận PTBV và PTĐTBV
• Nhóm thông tin về các xu hướng lý luận, các mô hình đô thị hướng đến phát triển bền vững.
• Nhóm thông tin về các tiêu chí bền vững của đô thị
• Nhóm thông tin về điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường: tình hình phát triển kinh tế, dân số, thu nhập, điều kiện môi trường tự nhiên…
• Nhóm thông tin về Quy hoạch và phát triển đô thị: định hướng phát triển đô thị, nhu cầu và khả năng phát triển nhà ở, mật độ cư trú, chỉ tiêu sử dụng đất, định hướng phát triển giao thông …
• Nhóm thông tin về pháp lý liên quan đến phát triển KĐTM.
• Nhóm thông tin, số liệu thống kê về phát triển KĐTM tại Tp.HCM
Phương pháp thu thập, phân tích – tổng hợp số liệu là phương pháp cơ bản của luận án nhằm tổng hợp những luận điểm trọng tâm về ĐTPTBV, các nguyên tắc của ĐTBV, tìm kiếm những mô hình đô thị và xu hướng phát triển đô thị bền vững với những thách thức trong quá trình phát triển đô thị và trong bối cảnh biến đổi khí hậu tòan cầu. Kết quả phân tích này có thể làm dự báo cho những đề xuất phát triển các KĐTM tại Tp.HCM.
2.1.2 Phương pháp Quan sát - Khảo sát thực tế
Phương pháp này nhằm thu thập những thông tin thực tế về thực trạng phát triển đô thị tại một số thành phố ở Việt Nam, đặc biệt tại các KĐTM trên địa bàn
Tp.HCM, quan sát thực tế giúp đánh giá một cách rõ ràng về tổ chức không gian, chất lượng môi truờng sống, các hoạt động sinh hoạt của công đồng dân cư, công tác quản lý,… trong các KĐTM.
Kết quả của phương pháp giúp luận án nhìn nhận thực tế quá trình phát triển các KĐTM tại TpHCM, những phù hợp và khác biệt từ đồ án quy hoạch đến thực tế hình thành và vận hành của KĐTM, mức độ hoàn thiện và khả năng phủ kín dân cư trong các KĐTM, sự hài lòng của cộng đồng về môi trường sống trong KĐTM,....
2.1.3 Phương pháp điều tra xã hội học
Sử dụng bảng khảo sát về “đánh giá mức độ bền vững của KĐTM” của cộng đồng dân cư sống trong các KĐTM về thực trạng mức độ bền vững thông qua các hình thức và nội dung như: sử dụng lương thực thực phẩm, qui mô nhà ở, vấn đề đi lại, sử dụng phương tiện giao thông, các dịch vụ trong khu vực, quản lý rác thải, mức độ hài lòng của cư dân…, từ đó làm cơ sở đánh giá mức độ bền vững của KĐTM, đề xuất những cải tiến trong điều chỉnh quy hoạch, thiết kế đô thị, chính sách quản lý, giải pháp kỹ thuật,…để hướng đến PTBV cho khu vực trong tương lai. Kết quả của phương pháp giúp luận án nhìn nhận thực tế quá trình vận hành tại các KĐTM hiện hữu tại TpHCM. Những nhận xét, phản ánh của cộng đồng trong quá trình sử dụng các dịch vụ trong KĐTM, sự hài lòng của cộng đồng về mức độ đáp ứng các dịch vụ, chất lượng dịch vụ, môi trường sống trong KĐTM,.... và kết quả phiếu điều tra này được tham chiếu trong khung đánh giá mức độ bền vững tại từng KĐTM được đánh giá.
2.1.4 Phương pháp so sánh, quy nạp
Căn cứ theo các số liệu và tài liệu thu thập được, tiến hành thống kê, lập bảng biểu, biểu đồ so sánh, nhằm rút ra những yếu tố chung của các trường hợp nghiên cứu điển hình, các lý luận tiêu biểu về giải pháp quy hoạch đô thị, các chính sách phát triển ĐTBV trong các điều kiện có tính tương đồng và những đặc trưng khác có tác động mạnh đến mô hình ĐTBV.
2.1.5 Phương pháp đánh giá đa tiêu chí
Phương pháp đánh giá đa tiêu chí là một trong những phương pháp định tính nhưng mang lại kết quả tương đối hiệu quả góp phần xây dựng một khung tiêu chí PTĐTBV, trên cơ sở đó hình thành khung tiêu chí đánh giá mức độ bền vững của KĐTM. Phương pháp này có 03 bước cơ bản:
Bước 1: Tổng hợp các tiêu chí PTĐTBV
• Kinh nghiệm thực tiễn và lý luận của các quốc gia, các tổ chức về xây dựng và phát triển hệ thống tiêu chí PTĐTBV, những lý luận về tính bền vững đô thị.
Căn cứ theo số liệu thu thập được, lập bảng tổng hợp các nhóm tiêu chí cụ thể và đề xuất khung hệ thống tiêu chí PTĐTBV cho QHĐT theo từng nhóm tiêu chí.
Luận án đề xuất tổng hợp thành 4 nhóm tiêu chí cụ thể:
+ Nhóm thuộc tính về đô thị lành mạnh;
+ Nhóm thuộc tính về đô thị hấp dẫn;
+ Nhóm thuộc tính về đô thị an toàn;
+ Nhóm thuộc tính về chính sách, hiệu quả, công bằng.
Bước 2: tổng hợp các phương pháp đánh giá ĐTBV
• Tổng hợp các phương pháp đánh giá của các tổ chức và những bài học
• Tổng hợp các tiêu chí đánh giá mang giá trị định tính, định lượng
Bước 3: Đề xuất khung tiêu chí đánh giá mức độ bền vững cho KĐTM Theo mục tiêu của đề tài, việc xây dựng khung tiêu chí đánh giá mức độ bền vững của KĐTM là một công tác rất quan trọng nhằm đánh giá mức độ bền vững của các KĐTM đã hình thành cũng như làm công cụ cần được quan tâm khi lập và xét duyệt các dự án phát triển KĐTM giúp gia tăng hiệu quả về phát triển đô thị, nâng cao chất lượng môi trường sống và hướng đến mô hình phát triển bền vững trong tương lai.