Chương 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN
4.2. Một số giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Định Hóa tỉnh Thái Nguyên
4.2.2 Nhóm giải pháp về hỗ trợ, tăng thu nhập cho hộ nghèo
- Tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ, hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ, hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng chính phủ và các chương trình tín dụng ưu đãi khác.
- Tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, để cho hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu vay vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm, tăng thu nhập hoặc để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập; trang trải các chi phí để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
- Tiếp tục phát huy hiệu quả các tổ chức nhận ủy thác vay vốn và các tổ tiết kiệm vay vốn của các tổ chức đoàn thể. Thực hiện cho vay có điều kiện, hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phải có phương án sản xuất kinh doanh và được các tổ chức đoàn thể tín chấp cho vay. Đồng thời có kế hoạch xử lý theo quy định đối với các hộ có nợ đọng kéo dài, không có điều kiện trả nợ.
- Khuyến khích vay vốn tín dụng ưu đãi cho những gia đình hộ nghèo có ý chí vượt khó, có sức lao động, có nhu cầu về vốn để phát triển sản xuất, tăng thu nhập và tự vượt nghèo; đặc biệt là tạo điều kiện cho lao động xuất khẩu được vay vốn ưu đãi để đi xuất khẩu lao động.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện, phối hợp tốt với các cấp hội ủy thác tổ chức triển khai giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, giúp cho hộ nghèo có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mở mang dịch vụ, ngành nghề để giải quyết việc làm tại chỗ, tạo điều kiện cho hộ nghèo có thu nhập ổn định và từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
4.2.2.2 Chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư
- Tăng cường triển khai thực hiện, mở rộng các Dự án khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và mô hình điểm nhằm hỗ trợ người nghèo về kiến thức và kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất hợp lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để tăng thu nhập.
- Tăng cường bồi dưỡng, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa nhất là đối với các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương, ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là đối với nhóm hộ nghèo làm nông nghiệp có lao động, có tư liệu sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất, cách thức tổ chức cuộc sống.
- Khảo sát, đánh giá các mô hình, dự án hỗ trợ khuyến nông, khuyến công đã triển khai trên địa bàn, tiếp tục nhân rộng các mô hình, dự án có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù của địa phương.
4.2.2.3 Hỗ trợ ổn định sản xuất, tạo việc làm cho hộ nghèo
- Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo có phụ nữ, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, hộ chính sách người có công nghèo. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo ở các xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn và các thôn, bản đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề. Trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ đến nhóm hộ thiếu tư liệu sản xuất, giúp họ có cơ hội cũng như điều kiện để vươn lên thoát nghèo.
- Tập trung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các cụm công nghiệp; huy động nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, điện và tạo điều kiện cho người nghèo được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, đặc biệt là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.
- Quy hoạch sản xuất, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh,
với những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có điều kiện phát triển theo tiêu chí nông thôn mới, tạo điều kiện để người nghèo tham gia và tiêu thụ sản phẩm.
- Tích cực triển khai các giải pháp tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong nước. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các mô hình giảm nghèo, tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả các mô hình, nghiên cứu hỗ trợ nhân rộng các mô hình có hiệu quả tại các xã, thôn bản có điều kiện.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện, năng lực tuyển lao động, đặc biệt là lao động thuộc các hộ nghèo đi làm việc tại các khu công nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động.
4.2.2.4 Thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo tự tạo việc làm mới
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 của huyện. Trong đó ưu tiên dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, các xã đặc biệt khó khăn, nơi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và các xã điểm xây dựng nông thôn mới.
- Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân mở cơ sở dạy nghề, đa dạng hóa hệ thống cơ sở dạy nghề. Gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo, dạy nghề phù hợp với cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề của địa phương, ưu tiên dạy các nghề cho nhóm hộ nghèo không có tay nghề để có thể tự tạo việc làm tại chỗ hoặc có khả năng tìm được việc làm trên thị trường và tham gia xuất khẩu lao động.
4.2.2.5 Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, đề án của huyện, tạo điều kiện cho người nghèo tham gia lao động nâng cao thu nhập
- Thực hiện đầy đủ các chính sách thu hút đầu tư dưới nhiều hình thức; tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước của các nhà đầu tư thực hiện các dự án cụ thể để phát triển công nghiệp theo quy hoạch, định hướng
của tỉnh; huy động nguồn vốn trong nhân dân; huy động các ngân hàng cung ứng nguồn tài chính cho các dự án ưu tiên góp phần tạo việc làm cho người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn huyện.
- Thực hiện Đề án tái cơ cấu nhằm tập trung nguồn lực, tạo ra bứt phá trong khai thác các tiềm năng thế mạnh của địa phương, gắn phát triển nông nghiệp với kết quả quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người nghèo.
- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất bằng cách hỗ trợ tạo động lực mới từ các mô hình sản xuất cụ thể nhằm khai thác những tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên - xã hội trên địa bàn huyện, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần tạo cơ hôi việc làm tăng thu nhập cho người nghèo.