Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ SỬ DỤNG VỐN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2. Nội dung sử dụng vốn của NHTM và Các hoạt động cơ bản khác của NHTM
1.2.1. Nội dung sử dụng vốn của NHTM
Là hoạt động sử dụng các nguồn vốn đã huy động nhằm mục đích sinh lời.
Đây là hoạt động quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của NHTM.
Hoạt động này bao gồm:
* Thiết lập ngân quỹ tiền mặt và tiền gửi thanh toán tại NHTW và các định chế tài chính khác
Ngân quỹ của NHTM thường được gọi là dự trữ sơ cấp. Mục đích của ngân quỹ là đáp ứng nhu cầu rút tiền và yêu cầu vay vốn của khách hàng - mục đích đảm bảo thanh khoản cho NHTM. Cơ cấu ngân quỹ (tiền mặt, tiền gửi...) cũng tạo nên tính sinh lời cho ngân quỹ. Thông thường thì các NH cố gắng giữ quy mô của khoản mục này thấp nhất có thể bởi vì nó đem lại ít hoặc không đem lại thu nhập cho NH. Như vậy hiệu quả sử dụng ngân quỹ được thể hiện thông qua chỉ tiêu đảm bảo an toàn thanh khoản cho NHTM.
* Hoạt động đầu tư
Hoạt động đầu tư hay còn gọi là hoạt động chứng khoán giúp NHTM sử dụng và khai thác tối đa các nguồn vốn đã huy động được. Đồng thời, nó cũng mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho NHTM. NHTM có thể đầu tư vốn mua chứng khoán ngắn hạn của chính phủ. Những chứng khoán này vừa mang lại thu nhập cho NHTM, vừa góp phần vào việc cân bằng thu chi ngân sách thường xuyên ; đồng thời góp phần điều hòa lưu thông tiền tệ trong nền kinh tế quốc dân.
NHTM được phép đầu tư vốn để mua cổ phiếu và trái phiếu của các doanh nghiệp, thông qua đó những NHTM lớn tham gia vào việc thành lập quản lý các doanh nghiệp. Tuy nhiên, NHTM chỉ được đầu tư chứng khoán ở một giới hạn nhất định, không được để hoạt động này lấn át hoạt động cho vay.
* Chứng khoán thanh khoản
NHTM nắm giữ chứng khoán thanh khoản (chứng khoán khả mại) để đáp ứng những yêu cầu về hỗ trợ thanh khoản. Bộ phận này thường được gọi là dự trữ thứ cấp. Dự trữ thứ cấp chủ yếu bao gồm chứng khoán chính phủ ngắn hạn, giấy nợ ngắn hạn của NHTW và các NHTM khác, các giấy nợ sắp đến hạn thanh toán Chứng khoán thanh khoản dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt trong thời gian ngắn với rủi ro gần như bằng không. Chứng khoán thanh khoản mang lại thu nhập cho NHTM (lãi và chênh lệch giá) song không cao như cho vay và các khoản đầu tư khác. Vì vậy khi nghiên cứu hiệu quả sử dụng của chứng khoán thanh khoản, nhà quản lý ngân hàng đặt mục tiêu đảm bảo thanh khoản trước mục tiêu sinh lời.
* Chứng khoán đầu tư
Ngoài chứng khoán thanh khoản, NHTM nắm giữ lượng lớn chứng khoán đầu tư (trái phiếu, cổ phiếu) vì mục tiêu lợi nhuận vì chúng có tỷ lệ sinh lời cao song rủi ro cũng cao. Các chứng khoán đầu tư có thể được ghi chép trong sổ sách của NH theo chi phí gốc hoặc giá trị thị trường. Hầu hết các NH ghi nhận việc mua chứng khoán theo chi phí gốc. Tất nhiên, nếu lãi suất tăng sau khi NH mua chứng khoán thì giá trị thị trường của chúng sẽ nhỏ hơn chi phí gốc (giá trị ghi sổ), do đó, những NH phản ảnh giá trị của các chứng khoán trên Bảng cân đối kế toán theo chi phí gốc thường phải kèm theo mục ghi chú về giá trị thị trường hiện hành. NH cũng nắm giữ một lượng nhỏ các chứng khoán giao dịch. Số lượng được phản ánh trong
tài khoản giao dịch cho biết những chứng khoán NH dự định bán theo giá thị trường khi chúng đến hạn.Hiệu quả sử dụng chứng khoán đầu tư được đo bằng tỷ lệ sinh lời bình quân của chúng sau khi đã trừ hết dự phòng giảm giá.
* Hoạt động cho vay
Trong các hoạt động về sử dụng vốn, hoạt động cho vay vốn giữ vị trí đặc biệt quan trọng bởi lẽ hoạt động này tạo ra cho NHTM các khoản thu nhập chủ yếu và chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập. Hoạt động cho vay vốn thực hiện trên các nguyên tắc: cho vay có mục đích, có hiệu quả kinh tế và tiền vay phải được hoàn trả cả vốn lẫn lãi khi đến hạn. Dựa trên các nguyên tắc đó, NHTM phải tìm mọi biện pháp để cho vay vốn hiệu quả. Hoạt động này của tổ chức TD có thể thực hiện thông qua các hình thức sau đây:
- Cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế: Đặc điểm của loại cho vay này là vốn cho vay của NH sẽ tham gia hình thành nên một phần vốn ngắn hạn ở các DN, hay nói cách khác trong hoạt động kinh doanh của DN, DN sử dụng một phần vốn vay của NH để phục vụ cho hoạt động kinh doanh dưới các hình thức:+ Vay để trả tiền nhập vật tư, hàng hóa, nguyên liệu....
+ Vay để thanh toán các khoản chi phí như: trả tiền công lao động thuê ngoài, tiền vận chuyển bốc dỡ hàng hóa, nguyên vật liệu...
+ Vay để thanh toán các khoản nợ công...
Việc cho vay của các NH và nhận tiền vay của các DN dựa vào lòng tin của nhau. Vì vậy, tùy thuộc vào mối quan hệ sẵn có mà việc cho vay TD doanh nghiệp có sự khác nhau về đối tượng, thủ tục và phương thức hoàn tiền vay.Trong các trường hợp khác NHTM có thể cho vay nóng mang tính chất tạm thời để doanh nghiệp giải quyết nhu cầu bị thiếu hụt vốn trong thời gian rất ngắn. Để được vay theo loại này, ngoài các biện pháp bảo đảm tiền vay doanh nghiệp phải chịu lãi suất cao hơn.
Nghiệp vụ cho vay ngắn hạn của NH còn được thực hiện dưới hình thức thấu chi tạm thời vào khoản tiền gửi vãng lai của DN ở NHTM. Cho vay dưới hình thức
“thấu chi” tạm thời trên tài khoản vãng lai đã giúp cho các doanh nghiệp bổ sung kịp thời về vốn, không mất thời gian phải đến NH, đảm bảo kế hoạch kinh doanh.
Về phía NH phải ở trong khuôn khổ và phạm vi cho phép, khi đến hạn ngân hàng sẽ thu ngay vốn và lãi (mức lãi thu cao hơn mức cho vay bình thường).
- Cho vay trung hạn và dài hạn đối với các doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Ngoài cho vay ngắn hạn, NH còn thực hiện cho vay trung dài hạn đối với các DN. Đặc điểm của loại cho vay này là vốn vay sẽ tham gia cấu thành nên tài sản cố định của các DN được tồn tại dưới hình thức hiện vật đó là: phương tiện vận tải, máy móc, nhà cửa tăng thêm nhờ vốn vay từ NH. Cho đến nay, khoản mục tài sản lớn nhất trong NH vẫn là những khoản cho vay. Đây là khoản mục thường chiếm từ 70% đến 80% giá trị tổng tài sản của NH. Có hai số liệu cho vay xuất hiện trên Bảng cân đối kế toán. Tổng số cho vay, là tổng dư nợ cho vay và dư nợ ròng bằng tổng dư nợ trừ dự phòng. Các NH lập Quỹ dự phòng tổn thất tín dụng từ thu nhập trên cơ sở kinh nghiệm về tổn thất tín dụng (dựa trên phân loại nợ) để bù đắp cho những khoản vay bị kết luận là không thể thu hồi. Hiệu quả hoạt động cho vay được đo bằng thu nhập ròng mà hoạt động này mang lại. Thu nhập ròng từ hoạt động cho vay bằng doanh thu từ hoạt động cho vay trừ chi phí trả lãi cho nguồn vốn để cho vay trừ dự phòng tổn thất tín dụng và các khoản chi phí khác.
* Thương phiếu chấp nhận thanh toán
Một hình thức cấp tín dụng khác mà những ngân hàng lớn thường sử dụng là tài trợ thương phiếu cấp nhân thanh toán. Số vốn liên quan sẽ xuất hiện trên một khoản mục tài sản tên là thương phiếu chấp nhận thanh toán, thường để giúp khách hàng thanh toán những hàng hóa nhập từ nước ngoài. Trong trường hợp này, ngân hàng đồng ý phát hành một thương phiếu chấp nhận thanh toán (tức là một thư tín dụng đã được ký nhận), cho phép một bên thứ ba (chẳng hạn như người xuất khẩu hàng hóa nước ngoài) phát lệnh yêu cầu trả tiền đối với ngân hàng theo một lượng tiền cụ thể tại một ngày xác định trong tương lai. Khách hàng yêu cầu thương phiếu chấp nhận thanh toán phải thanh toán đầy đủ cho ngân hàng trước ngày quy định.
Đến ngày mãn hạn, ngân hàng sẽ thanh toán cho người đang nắm giữ thương phiếu đầy đủ số tiền theo mệnh giá được in trên lệnh yêu cầu trả tiền.
* Các tài sản nội bảng khác
Một bộ phận trong tài sản của ngân hàng là giá trị còn lại của thiết bị và tòa nhà NH, những khoản đầu tư tại các công ty con, tiền bảo hiểm trả trước và những khoản mục tài sản tương đối không quan trọng khác.
* Các khoản mục ngoài bảng cân đối kế toán
Hợp đồng bảo lãnh tín dụng, trong đó NH cam kết đảm bảo việc hoàn trả khoản vay của khách hàng cho một bên thứ ba.
Hợp đồng trao đổi lãi suất, trong đó NH cam kết trao đổi các khoản thanh toán lãi của các chứng khoán nợ với một bên khác.
Hợp đồng tài chính tương lai và hợp đồng quyền chọn lãi suất, trong đó NH đồng ý giao hay nhận những chứng khoán từ một bên khác tại một mức giá được bảo đảm.
Hợp đồng cam kết cho vay, trong đó NH cam kết cho vay tối đa tới một số vốn nhất định trước khi hợp đồng hết hiệu lực.
Hợp đồng về tỷ giá hối đoái, trong đó NH đồng ý giao hay nhận một lượng ngoại tệ nhất định.
Những giao dịch ngoài bảng cân đối kế toán mang lại thu nhập cao gắn với rủi ro cao. Mặc dù NHTM không trực tiếp sử dụng vốn cho các hoạt động này song thu nhập và tổn thất của hoạt động này luôn được hạch toán vào bản cân đối của NHTM.