CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÂU ĐỐ VÀ HÁT ĐỐ DÂN
1.2. Gi ới thiệu chung về hát đố dân gian người Việt
1.2.2. Di ễn xướng của hát đố dân gian người Việt
Theo Lê Văn Chưởng:"Hát là một khái niệm để gọi chung cho tất cả các hình thức diễn xướng lời ca, chẳng hạn như hát bộ, hát quan họ, hát ví ...". Nhưng từ "hát" còn là "một thuật ngữ để gọi các hình thức diễn xướng dân ca như hò, lý ..." [15, 36] Như nhà nghiên cứu đã nêu, hát là hình thức diễn xướng lời ca (theo nghĩa hẹp), hát bao gồm các hình thức diễn xướng như: hò, lý, ... ( theo nghĩa rộng). Vì vậy, khi sử dụng, tìm hiểu từng nội dung cụ thể, cần hiểu rõ hơn về khái niệm này.
Trong "hát đố", thuật ngữ "hát" được dùng theo nghĩa rộng, bao gồm cả hát đố và hò đố.
Đây là cách gọi chung của dân gian về thể loại này. Ở luận văn này, người nghiên cứu tuân theo cách gọi chung của dân gian về hát đố để đi vào tìm hiểu từng khía cạnh, mà cụ thể là diễn xướng.
1.2.2.1 Môi trường diễn xướng hát đố
Như câu đố dân gian, hát đố cũng có môi trường sinh hoạt hết sức đa dạng. Chúng mang hai đặc tính chủ yếu, đó là: tính cố định và tính ngẫu hứng.
Trước tiên là môi trường mang tính cố địnhcủa hát đố dân gian, tức là có sự cố định về thời gian, không gian diễn xướng.
Chẳng hạn như hát ghẹo Thanh Hóa, một loại hình sinh hoạt có sử dụng hát đố dân gian được tổ chức vào tháng bảy, tháng tám âm lịch, rất phổ biến ở Thanh Hóa. Vào thời gian ấy, các buổi sinh hoạt ca hát dân gian được tổ chức nhiều nơi trong tỉnh và thu hút rất mọi người tham gia.
Hát đố cũng là một chặng của hát xoan. Đó là phần “xin hoa đố chữ” giữa các trai làng và
các đào xoan. Hát xoan là một loại diễn xướng tổng hợp gồm hát và múa. Loại hát này gắn liền với lễ nghi phong tục, gắn với hội mùa và thờ thần Thành hoàng. Hát xoan thường được tổ chức vào mùa xuân. Phường hát xoan là một phường hội có tổ chức tương đối chặt chẽ.
Vĩnh Phú có một số phường hát xoan như: phường An Thái, phường Kim Đơi, phường Phù Đức và phường Thét....
Đây là môi trường sinh hoạt góp phần tích cực việc lưu giữ và phát huy những đặc điểm nổi bật của hát đố dân gian, cũng như các hình thức sinh hoạt hò hát khác.
Tiếp theo là môi trường diễn xướng mang tính ngẫu hứng. Cuộc hát diễn ra không có sự quy định về không gian, thời gian, địa điểm, ... Ví dụ như hò khoan, nó không có địa điểm nhất định: ở trên cạn hay dưới sông; nơi sân đình hay trên đồng ruộng ... Chúng có thể diễn xướng bất cứ ở đâu: trong nhà dưới ánh đèn đỏ vạch hay giữa sân giã gạo có gió mát trăng thanh. Hễ có việc làm là có hò khoan, dù là ban ngày hay ban đêm, mùa hè nóng bức hay mùa đông lạnh lẽo. Hay trong hát phường vải, cuộc hát có thể diễn ra trong khuôn viên nhà, vừa dệt vải, kéo sợi, quay tơ vừa hát đối đáp với nhau. Cuộc hát kéo dài trong mấy tiếng đồng hồ, cũng có thể suốt mấy ngày đêm, tùy thuộc vào đối tượng tham gia...
Hát đố trong môi trường sinh hoạt mang tính ngẫu hứng, có cả hai dạng: là một chặng của cuộc hát có tổ chức hoặc là những câu hát thách đố riêng biệt, đơn lẻ. Cả hai đều thể hiện cá tính sáng tạo và niềm yêu thích ca hát của người dân lao động.
1.2.2.2 Hình thức diễn xướng hát đố
Hát đố bao giờ cũng được trình bày thông qua lối hát đối đáp truyền thống. Có hai hình thức diễn xướng chủ yếu trong hát đố, đó là hò và hát.
Hò là hô lên, hát lên những bài thơ dân gian theo những làn điệu đặc thù để lao động và để thỏa mãn nhu cầu đời sống tinh thần của con người. Hát là sự dung hòa giữa các nhạc điệu, thanh điệu và nhịp điệu trong những bài thơ dân gian. Cả hai hình thức trên bổ sung, góp phần làm nên sự phong phú trong diễn xướng của hát đố dân gian. Trong nhiều trường hợp, một số văn bản vừa có thể mang ra hát, vừa có thể hò.
Với hai hình thức diễn xướng ấy, hát đố dân gian thể hiện thành hai dạng chủ yếu: hát cuộc và hát lẻ
Hình thức diễn xướng là hát cuộc mang tính tập thể rất cao. Chẳng hạn như: hát ví phường vải, hát ghẹo, hò đối đáp, ... Hát cuộc diễn ra với sự tham gia của nhiều đối tượng. Họ phải trải qua nhiều thử thách khác không chỉ là chặng hát đố, như: hát chào, hát hỏi, hát giao duyên, .... Để có thể tham gia, đối tượng phải có những hiểu biết về lề lối sinh hoạt, về cách
thức thể hiện và quan trọng nhất là có vốn tri thức lớn.Bên cạnh đó, người tham gia phải có tài
"bẻ chữ đặt câu", ứng biến linh hoạt... Hình thức này được thể hiện nhiều trong những buổi sinh hoạt ca hát dân gian có tổ chức.
Với hát lẻ không cần nhiều đối tượng tham gia, có thể chỉ hai người cũng làm nên một cuộc hát. Hát lẻ trong sinh hoạt hát đố dân gian cuốn hút các đối tượng tham gia. Đây là dịp để họ thỏa thích thể hiện giọng điệu, sáng tạo của bản thân trong buổi hát. Tuy nhiên, điều đó không phải thể hiện một cách tùy tiện mà phải dựa vào những cơ sở đã có sẵn, những điểm cốt yếu nhất của thể loại. Bên cạnh đó, hình thức diễn xướng hát lẻ này mang tính tùy hứng. Giả sử một chàng trai đang đi trên đường, gặp một cô gái liền ướm hỏi bằng một vài câu bóng gió, xa xôi.
"Thấy em anh cũng quý lòng,
Hỏi em: tứ đức tam tòng là chi?" [154, 484]
Để không mang tiếng thất lễ, cô gái đáp lại:
"Theo cha rồi lại theo chồng,
Khi chồng trăm tuổi dốc lòng nghe con.
Tam tòng đạo ấy vuông tròn,
Thì câu tứ đức ai còn nghĩ suy." [154, 484]
Và đôi lúc cô gái hóm hỉnh xoay tình thế thành chủ động ngay khi đặt một vài câu hát đố bắt chàng trai phải giải đáp. Thế là hình thành nên một cuộc hát.
Với hai dạng của hình thức diễn xướng dân gian hát đố, chúng hỗ trợ lẫn nhau để thể loại này luôn cuốn hút người bình dân trong mỗi buổi sinh hoạt.
1.2.2.3 Đối tượng diễn xướng hát đố
Đối tượng tham gia vào diễn xướng trong hát đố dân gian người Việt có rất nhiều. Song, chủ yếu là nam nữ thanh niên. Bởi đây không chỉ là sân chơi, mà còn là nơi để nam nữ tiếp xúc và tìm hiểu nhau. Qua những câu hát, câu hò, họ hiểu nhiều hơn về đối tượng của mình và đánh dấu một giai đoạn giao tiếp mới. Vì thế, đối tượng chính của sinh hoạt hát đố dân gian là những nam thanh, nữ tú. Nhưng cũng có những đối tượng đam mê hát đố, hiểu nhiều về hình thức sinh hoạt dân gian này nên cũng tham gia mặc dù đã có gia đình. Đó là những trường hợp ngoại lệ. Đối tượng tham gia nhiều nhất vẫn là những nam nữ thanh niên.
Tuy nhiên, các buổi sinh hoạt hát đố thu hút rất nhiều người tham gia. Điều này có thể lí giải với rất nhiều lí do khác nhau: Đến xem để hiểu biết hơn, để vui chơi giải trí, để gián tiếp làm trọng tài cho cuộc hát, ...
Hát đố đòi hỏi cao ở yếu tố tài năng, buộc người tham gia phải sành sỏi cả kiến thức, kinh nghiệm và nghệ thuật thể hiện. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ của những người có hiểu biết sâu sắc về thể loại cũng như cách thức trình bày. Chính vì vậy, trong sinh hoạt của hát đố hình thành nên những thầy bày, thầy gà, ... Họ vừa là cố vấn trực tiếp nhằm nâng cao chất lượng cuộc hát đố, vừa là ban giám khảo. Đôi khi, họ cũng được đề cập trong những văn bản hát đố nhằm thể hiện tài năng của người ra lời đố. Chẳng hạn như:
" Đố anh, đố cả người bày
Sao sa xuống đất, mấy ngày sao lên?" [88, 36]
Hay trong những lời đáp, thể hiện nỗi bực tức khi nhận thấy câu hát đố đưa ra, không thể nào trả lời đúng trọn vẹn được.
"Nghe tin anh học có tài
Cha thầy Mạnh Tử là ai rứa chàng?
- Thầy Mạnh là cụ Mạnh phụ sinh ra
Muốn biết tên húy, cứ hỏi tên cha thằng bày! [88,155]
Qua những nội dung vừa phân tích, diễn xướng hát đố và câu đố có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định. Tương đồng về môi trường diễn xướng và điểm khác nhau chủ yếu là hình thức diễn xướng, đối tượng thàm gia. Tất cả điều đó làm nên những đặc trưng riêng của mỗi thể loại.
1.2.3. Xác định hát đố dân gian người Việt 1.2.3.1 Hát đố và hò đố
Hát đố và hò đố là hai thể loại dân gian mang nhiều điểm chung nhất định và đều hướng đến mục đích thách thức trí tuệ, kết hợp giao duyên, thể hiện tình cảm, ...
Hò đốlà một phần trong các hình thức hò đối đáp. Về nội dung và hình thức nghệ thuật nó giống như hát đố. Văn bản hát đố có khi được sử dụng trong hò đố và ngược lại. Chính điều đó, thực hiện công việc phân tách giữa hò đố và hát đố là rất khó. Tuy nhiên, khi nhìn từ góc độ diễn xướng, mọi người sẽ dễ dàng nhận ra đâu là hò đố, hát đố. Đấy là khi hò đố thể hiện với những giọng xướng, xô (tiếng đệm) hỗ trợ lẫn nhau. Trong khi đó, hát đố không có phần xô, chỉ thể hiện trên cơ sở thanh điệu, nhịp điệu của bài thơ dân gian. Có thể thấy, hát đố và hò đố tương đồng với nhau về thể loại nhưng khác biệt về cấu trúc âm điệu, tiết tấu.
Còn trên văn bản, khó mà phân chia ra nếu không dựa vào những tài liệu được sưu tầm và chú thích trong từng thể loại hò đố, hát đố. Chỉ căn cứ vào những điều đó mới có thể xác định được hai đối tượng ấy.
Dựa trên những phương diện giống nhau, những văn bản được sử dụng chung, cũng như sự thống nhất trong nội hàm khái niệm "hát", luận văn đã sử dụng văn bản của hò đố và hát đố dân gian người Việt để khảo sát.
1.2.3.2 Hát đố và câu đố
Đây là hai đối tượng chính của đề tài nghiên cứu này. Sự so sánh, đối chiếu về mọi mặt làm nổi bật những vấn đề bản chất của từng thể loại cũng như mối tương giao giữa chúng.
Trong nội dung này, chúng tôi nêu lên cách xác định văn bản thuộc hai thể loại câu đố và hát đố trên những phương diện cụ thể sau:
- Ở lời đố, những văn bản có sự xuất hiện đoạn mở có dạng: thấy anh hay chữ, thấy anh ăn học có tài, thấy em là gái trâm anh, nghe tin anh học Kinh thi,.... Hay những đoạn kết như:
anh mà giải được, em liền theo không; trai như anh mà giải đặng, rồi mùa em theo;... đấy là những văn bản hát đố. Bởi, những văn bản này không chỉ là để đố, kiểm tra trí tuệ mà còn thực hiện hành động hứa, hẹn, mang tính chất giao duyên. Ở những văn bản đó, nhân vật trữ tình
"anh", "em", "thiếp", "chàng", ... bộc lộ những xúc cảm riêng tư của bản thân, tìm hiểu hơn là thách thức trí tuệ đối phương.
Tuy nhiên, một vài trường hợp cụ thể, có những câu đố cũng đã trình bày tương tự như vậy, chẳng hạn:
Hay: "Đố anh hai bảy mười ba
Hai bảy mười bốn người ta gọi gì?"(Năm nhuận tháng bảy) [77, 73]
"Đố anh, anh biết là ai
Mẹ ở nhà, con ra ngoài chợ phiên Ăn tiêu không kể bạc tiền
Tiếng tăm đồn đại khắp miền gần xa. "(Quả xoài) [77, 203]
Cả hai văn bản trên đều có sự góp mặt của nhân vật trữ tình "anh" với cụm từ "đố anh, anh biết là ai", "đố anh"; hay có những văn bản hát đố có kết cấu giống như câu đố; ... Ở những kiểu văn bản này, chúng ta cần xét đến lời đáp, lời giải.
- Ở lời đáp, trong câu đố là một từ hay một cụm từ tạo thành; còn trong hát đố nó được trình bày dưới dạng một văn bản văn vần phù hợp với nội dung lời đố. Đây là điểm quan trọng khi xác định tư liệu khảo sát cho từng thể loại trong luận văn. Cụ thể như trong văn bản sau:
"Cái gì lưỡi trắng mình ơi,
Liếm tre, tre toạc, liếm người, người đau?"
Để biết văn bản này thuộc thể loại nào phải dựa vào cách thức thể hiện lời đáp. Trong
câu đố lời đáp sẽ được trình bày ngắn gọn là: Cái rựa hoặc dao, mác, ...[8, 484] còn ở hát đố sẽ là:
Con dao lưỡi trắng em ơi,
Liếm tre tre toạc, liếm người người đau. [3, 220]
Với những văn bản có lời đố hoàn toàn giống nhau như vậy, chúng ta chỉ có thể phân biệt chúng khi dựa vào cách trình bày lời đáp.
Trên đây là những cơ sở làm tiền đề cho việc khảo sát, thống kê và phân loại văn bản của hát đố cũng như câu đố.