S ự tương ứng về đối tượng trong lời xướng và lời giải

Một phần của tài liệu So sánh câu đố và hát đố dân gian người Việt (Trang 50 - 56)

CHƯƠNG 2: SO SÁNH CÂU ĐỐ VÀ HÁT ĐỐ DÂN GIAN NGƯỜI VIỆT TRÊN BÌNH DI ỆN NỘI DUNG

2.2. Th ế giới vật đố và thế giới liên tưởng từ vật đố

2.2.3. S ự tương ứng về đối tượng trong lời xướng và lời giải

Nội dung này được đặt ra từ sự quan sát những đặc tính của thế giới vật đố và thế giới liên tưởng từ vật đố trong câu đố và hát đố. Bên cạnh đó còn xuất phát từ mục đích hướng đến của hai thể loại dân gian này.

Như phân tích trên, thế giới vật đố trong câu đố và hát đố là vô cùng đa dạng với nhiều chủng, loại. Và sự phản ánh trong lời đố về thế giới đó của hai thể loại cũng đa dạng không kém. Với đặc tính vốn có "nói một đằng"nhưng phải "hiểu một nẻo"thì sự tương ứng giữa vật đố và lời đố là một vấn đề khá thú vị. Vì câu đố và hát đố là những thể loại dân gian, được thể hiện trong môi trường tập thể nhưng buộc suy nghĩ của người giải phải trùng khớp với người nêu lên lời đố. Điều này cần có sự tương ứng giữa những đối tượng tham gia cuộc đố về tri thức, vốn sống, vốn tri thức cơ bản, ...

Trong câu đố, sự tương ứng về đối tượng trong lời xướng và lời giải thể hiện rất chặt chẽ.

Bởi thể loại này yêu cầu lời đáp phải chính xác, trùng khớp với lời đố. Đó là yêu cầu gắt gao dành cho người tham gia.

Như đã nói trên, câu đố có mục đích thách thức trí tuệ là quan trọng và yêu cầu vật đố nêu lên phải đúng và trúng. Lời xướng nêu lên phải đảm bảo những đặc điểm chủ yếu của vật đố.

Khi câu đố trình bày:

"Trái gì đỏ tựa bông hồng

Trong trắng, có đốm đen trông như mè." (Quả thanh long) [77, 187]

Dựa vào các dữ kiện "trái gì", "đỏ tựa bông hồng", "trong trắng", "có đốm đen trông như mè" - người giải đi đến kết luận là trái thanh long. Rõ ràng, từ những dữ kiện đưa ra đến vật đố nêu lên thì sự tương ứng giữa lời xướng và lời giải đố hoàn toàn lôgic. Hay đặc điểm của mặt trời miêu tả qua lời xướng:

"Cái gì tròn vo tròn vỏ Không nhuộm mà đỏ

Đi miết cả ngày

Mà đứng một chỗ." (Mặt trời) [77, 55]

Những đặc điểm "tròn vo, tròn vỏ", "không nhuộm mà đỏ", đi cả ngày, đứng một chỗnhư một lời chỉ dẫn người giải đến với lời đáp: mặt trời. Sự tương ứng này là do lời xướng của câu đố mô tả sự vật theo các đặc điểm bên ngoài, bên trong, sự phát triển, nguồn gốc, sử dụng, tên gọi dưới hình thức khác nhau rất cụ thể.

Sự tương ứng giữa đối tượng trong lời đố và lời giải trong câu đố có phần rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu này. Những trường hợp đó là những câu đố có sử dụng các biện pháp chơi chữ như: "nói lái" chẳng hạn.

Đa phần những câu đố có sử dụng biện pháp nói lái thường nêu ra vật đố một cách bất ngờ. Chúng chỉ dựa vào một vài từ ngữ thể hiện trong lời đố. Vật đố hầu như ít gắn kết với hình ảnh, đặc điểm, nội dung được nêu. Cụ thể như câu đố sau:

"Ngày mai, ngày kia là ngày mấy." ( Cây mía) [86, 259]

"Đi u cổ, về u cổ".( Ổ cu) [86, 347]

Rõ ràng, hai vật đố nêu ra hoàn toàn không có sự liên kết gì về nội dung với lời xướng cả.

Chúng chỉ được thể hiện qua sự di chuyển các thành phần trong từ, cụm từ mà ra, như ở đây:

"kia ...mấy" thành "cây mía"; "u cổ" thành "ổ cu". Lời xướng không mang đặc điểm nào của vật đố cả.

Đấy là một vài trường hợp riêng của thể loại câu đố. Trên tổng thể, sự tương ứng giữa đối tượng giữa lời xướng và lời giải vẫn mang tính chặt chẽ.

Còn ở hát đố, sự tương ứng này giữa lời xướng và lời giải thể hiện rất lỏng lẻo.

"Gặp mình ta đố chuyện ni,

Cái chi mà chát, cái chi mà nồng?

Cái chi mà ở dưới sông?

Cái chi trên đồng, chi ở rừng xanh?

Cái chi mà lại tu hành?

Cái chi mà ở một mình lắm con?

Cái chi mà lại tròn tròn

Cái chi đẹp giòn, chi để cầm tay?

Mình ơi, mình giảng ta hay!

Mình mà giảng được ta nay theo về." [55, 577]

Một lời xướng nêu lên không đầy đủ các chi tiết để chỉ định một sự vật, hiện tượng như

câu hát đố trên tất nhiên lời đáp nêu lên cũng chỉ dựa vào sự liên tưởng nhất định của người giải.

"Mình đố ta giải mình nghe, Cau kia thì chát, vôi kia thì nồng Thuyền bè đi lại trên sông,

Lúa mạ trên đồng, hươu vượn rừng xanh.

Bà vãi mà lại tu hành,

Gà mái một mình mà chín mười con.

Cái gương mặt nguyệt tròn tròn, Cái nón đẹp giòn, cái quạt cầm tay.

Ta đà giảng được, mình hay!

Mình đà nghe hết, mình nay thế nào?" [55, 577]

Những vật đố được nêu ra hoàn toàn hợp lí với lời xướng như: cau có vị chát, vôi thì nồng, thuyền bè là phương tiện đi lại trên sông, lúa mạ trên đồng, hươu vượn ở rừng xanh... Nhưng với câu hỏi đặt ra ở lời xướng thì các vật đố được nêu lên là các vật khác như: chuối thì chát, ớt thì nồng; con cá ở dưới sông ... Chẳng hạn thì vẫn hợp lôgic. Những lời đáp nêu lên dựa vào sự hiểu biết của từng cá thể khác nhau, trình độ khác nhau.

Tương tự, trong văn bản hát đố sau:

"Chuối con mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu, Trời mưa mấy hạt ca dưới hào mấy con?

Anh mà đối đặng tôi đưa má đưa đào cho anh hôn.

- Chuối con tám bẹ, chuối mẹ mười tàu

Trời mưa tôi quên đếm, cá dưới hào tôi quên coi.

Tôi đà đối đặng em tính sao bây giờ?" [99, 518]

Trong thực tế, cây chuối con chưa chắc có tám bẹ, chuối mẹ không chỉ có mười tàu mà người đáp nêu lên. Ở đây, về nghĩa "tám", "mười"như nêu trong thế giới liên tưởng từ vật đố, nó không mang nghĩa định lượng mà thể hiện quan niệm của con người. Hai số "tám", "mười"

trong lời đáp trên ý chỉ số lượng rất nhiều. Bên cạnh đó, trong lời đáp người giải còn nêu "trời mưa tôi quên đếm, cá dưới hào tôi quên coi". Rõ ràng, ở đây lời đáp đúng hay sai, có nêu lên vật đố đố được hay không, không quan trọng. Tất cả chỉ nhằm vào một mục đích thể hiện được lối ứng đáp linh hoạt của bản thân người giải.

Chính sự tương ứng giữa đối tượng trong lời xướng và lời giải không chặt chẽ với nhau

tạo nên những lời đáp khác nhau về một lời đố trong hát đố. Điều này hoàn toàn trái ngược với thể loại câu đố. Trong câu đố, một vật đố có thể có trên hai lời đố về nó. Sự phong phú về lời đố này nhằm tạo sự mới mẻ, đa dạng trong cách quan sát một đối tượng vật đố của dân gian.

Còn trong hát đố thì ngược lại, một lời đố có thể có nhiều lời đáp, như sau:

"Em hỏi anh:

Trong các thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp, Trong các thứ bắp, bắp chi là bắp không rang, Trong các thứ than, than chi than không quạt, Trong các thứ bạc, bạc chi không đổi không mua,

Trai nam nhơn chàng đối được mới rõ ai thua phen này." [55, 826]

Xuất hiện một số lời giải khác nhau như sau:

1. "Trong các thứ dầu, có nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp, Trong các thứ bắp, có bắp mồm bắp miệng là bắp không rang, Trong các thứ than, than hỡi than hời là than không quạt,

Trong các thứ bạc, bạc tình bạc nghĩa là bạc không đổi không mua.

Trai nam nhơn đà đối đặng hỏi thiếp vừa tính sao?" [55, 826]

2. "Một trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp, Một trăm thứ bắp, bắp chuối chẳng ai rang, Một trăm thứ than, than thân không ai quạt, Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua.

Trai nam nhi anh đã đối đặng, gái bốn mùa tính răng (sao)?" [55, 664]

Lời đố chỉ nêu lên: trong các thứ dầu, trong các thứ bắp, các thứ than, ... Thì người giải có một phạm vi rộng lớn về thế giới vật đố để nêu lên trong lời đáp. Những lời đáp trên hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng hiểu biết, suy nghĩ của mỗi cá nhân. Có người cho rằng: dầu xoa là dầu không đốt được, nhưng đối tượng khác lại nghĩ là nắng dãi mưa dầu, ... là dầu không đốt được. Mỗi lời giải có lí riêng và hợp với hoàn cảnh, môi trường, đối tượng tham gia sinh hoạt hát đố sẽ được cộng đồng chấp nhận. Những lời đố này thể hiện những quan niệm ứng xử khác nhau của từng đối tượng cụ thể. Điều đó xuất phát không chỉ mang tính chất cá nhân mà còn thể hiện tính vùng, miền văn hóa trên tổng thể thống nhất của văn hóa Việt Nam.

Sự đa dạng về lời đáp là do lời đố nêu ra ít đặc điểm về vật đố. Vì điều đó, người giải đáp có thể nêu lên những đối tượng liên quan, gần với vật đố để thay thế nó. Thời gian, đối tượng tham gia, tâm lí, hoàn cảnh, ... cũng ảnh hưởng ít nhiều đến người đáp, lời giải trong hát đố.

Tùy vào những đối tượng khác nhau, môi trường khác nhau mà người tham gia bộc lộ những suy nghĩ, cách đối đáp khác nhau. Song song đó, yêu cầu của hát đố còn là cuộc kiểm tra về lối

"bẻ câu, đặt chữ" của người giải, điều này không mấy dễ dàng, cho nên nếu vẫn khăng khăng một lời đáp sẽ gây rất nhiều khó khăn cho một cuộc hát đố.

Nhìn chung, sự tương ứng giữa lời xướng và lời đáp của hát đố lỏng lẻo hơn câu đố rất nhiều. Và sự lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa lời đố và lời giải của hát đố đã tạo điều kiện cho những lời đáp mang tính sáng tạo, thể hiện tâm tư tình cảm của trí tuệ dân gian. Nguyên nhân xuất phát từ mục đích hướng đến của mỗi thể loại khác nhau.

Tiểu kết

Nhìn chung, so sánh câu đố và hát đố từ góc nhìn nội dung là đi vào khía cạnh bên trong của thế giới vật đố và thế giới liên tưởng từ vật đố. Nhưng để hiểu rõ về những nội dung ấy, luận văn đi vào tìm hiểu mục đích, chức năng của hai thể loại. Vì đó sẽ là nền tảng cơ sở để, so sánh, đối chiếu, giảng giải vì sao có sự giống và khác nhau giữa: câu đố và hát đố.

Thế giới vật đố của câu đố và hát đố mang những nét tương đồng và khác biệt cụ thể. Cả hai thể loại đều có một thế giới vật đố hết sức đa dạng và phong phú, phản ánh một thế giới khách quan sinh động và luôn biến đổi. Điều này tạo sức hấp dẫn đối với mỗi chúng ta khi tiếp xúc với hai thể loại. Đó là điểm tương đồng rõ nhất về thế giới vật đố trong câu đố và hát đố.

Về khác biệt: vật đố trong câu đố mang tính phổ biến và tính khái quát, hai tính chất này thể hiện khả năng tri nhận hiện thực cuộc sống của người bình dân. Và vật đố của hát đố cũng mang hai tình chất này. Tuy nhiên, trong hát đố, thế giới vật đố còn mang tính trừu tượng, tính quan niệm và tính chủ quan. Những tính chất này giúp hát đố thể hiện chức năng của hình thức sinh hoạt dân ca, đó là: làm quen, giao duyên, trao đổi tình cảm, cảm xúc, ... Chính những yếu tố đó là điểm khu biệt giải câu đố và hát đố trong thế giới vật đố.

Về thế giới liên tưởng từ vật đố, cả hai thể loại đều đồng nhất với nhau về những tính chất đặc trưng: tính lạ hóa, tính chân thực. Hai tính chất này luôn tương tác và bổ trợ cho nhau, làm cho thế giới liên tưởng từ vật đố đa dạng, phong phú và sinh động hơn.

Bên cạnh đó, luận văn cũng tìm hiểu sự tương ứng giữa đối tượng trong lời xướng và lời giải. Qua đó, công trình đi đến một kết luận: sự tương ứng giữa đối tượng trong lời xướng và lời giải ở thể loại câu đố có quan hệ chặt chẽ hơn ở hát đố (ngoại trừ những trường hợp câu đố sử dụng biện pháp nghệ thuật chơi chữ). Sự khác nhau đó nguyên nhân xuất phát từ đặc điểm sinh hoạt, mục đích hướng đến của mỗi thể loại.

Những phương diện nội dung cụ thể nêu trong Chương 2 sẽ là nền tảng cơ sở để luận văn

bước tiếp vào Chương 3.

Một phần của tài liệu So sánh câu đố và hát đố dân gian người Việt (Trang 50 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)