Đôi nét về mối quan hệ giữa các thể loại trong văn học dân gian

Một phần của tài liệu So sánh câu đố và hát đố dân gian người Việt (Trang 28 - 33)

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ CÂU ĐỐ VÀ HÁT ĐỐ DÂN

1.3. Đôi nét về mối quan hệ giữa các thể loại trong văn học dân gian

Các thể loại trong văn học dân gian và mối quan hệ giữa chúng là vấn đề luôn được nhiều nhà nghiên cứu folklore quan tâm. Bởi, khi dựa vào những giao thoa, tương tác, biến đổi, ...

chúng ta có thể hiểu rõ hơn về bản chất, đặc tính mỗi thể loại. So sánh, đối chiếu các thể loại cũng nhằm mục đích tìm ra mối quan hệ giữa chúng. Vì thế, luận văn trình bày những điểm khái quát nhất về vấn đề này, làm nền tảng để tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc hơn.

1.3.1. Cơ sở của mối quan hệ

Văn học dân gian là một hình thái ý thức xã hội nên những biến đổi của xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến đối tượng này. Văn học dân gian là những sáng tác ngôn từ của nhân dân, phản ánh tư duy tình cảm của mỗi dân tộc. Một khi xã hội phát triển lên một trình độ mới, văn học dân gian sẽ phản ánh tư duy mới, tình cảm mới. Và những yếu tố bên trong của văn học dân gian cũng phải biến đổi theo. Mà cụ thể, đó là sự biến đổi của thể loại.

Từ những yêu cầu thay đổi, thể loại văn học dân gian có thể biến chuyển theo hai hướng:

một, biến đổi một vài yếu tố trong kết cấu để phù hợp với những điều kiện mới; hai, hình thành nên thể loại mới trên cơ sở những nền tảng có trước.

Về biến đổi một vài yếu tố bên trong của kết cấu mỗi thể loại, điều này không làm mất đi bản chất đặc trưng của nó. Đấy chỉ là hoạt động "làm mới" giúp cho các thể loại tồn tại và phù

hợp hơn với sự thay đổi nhu cầu thị hiếu thẩm mĩ của con người ở mỗi giai đoạn lịch sử xã hội nhất định. Sự thay đổi này do chính bản thân thể loại tạo ra, cũng có thể là do sự vay mượn những đặc điểm các thể loại khác, phù hợp. Cụ thể, trong văn học dân gian Việt Nam, hò hát dân gian là một nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. Tuy nhiên, ban đầu hò, hát chỉ được thể hiện bằng những âm thanh, điệu bộ, động tác, ... đơn giản. Và đạt đến một trình độ phát triển mới của tư duy, những nhạc cụ ra đời, hỗ trợ đắt lực cho loại hình sinh hoạt này, ... Dần dần, hò, hát dân gian là tập hợp của nhiều yếu tố khác nhau.

Một cơ sở khác tạo nên mối quan hệ là cách thức lưu truyền của thể loại trong dân gian.

Cụ thể là hình thức "khuếch tán" các thể loại. Chúng được hình thành trên một "vùng văn hóa"

nhất định, phản ánh tư duy, tình cảm của một cụm người, mang tính địa phương rõ nét. Nhưng theo sự di chuyển của con người, nó được mang đến một vùng văn hóa khác, với môi trường mới, những kiểu sinh hoạt tập thể mới, ... Lúc đó sẽ xảy ra sự tương tác giữa những thể loại bản địa với thể loại vừa được mang đến. Sự tương tác này có thể tạo nên những biến đổi trong từng thể loại, hoặc hình thành nên một thể loại mới.

Trong văn học dân gian Việt Nam có rất nhiều trường hợp chịu sự "khuếch tán" như trên.

Chẳng hạn như hát đúm là một hình thức sinh hoạt dân ca Hải Phòng, đặc biệt là hát đùm Thủy Nguyên. Nó có những chặng hát của quan họ Bắc Ninh như hát mừng và cả những chặng của hát ví phường vải Nghệ Tĩnh như hát hỏi, hát đố...Nhưng cũng thể hiện nét riêng của mình, không chỉ qua việc đơn giản hóa thủ tục, mà hát đúm còn hình thành nên những dạng hát mới như hát linh, hát thư.

Tương tư như hát đúm, hát ghẹo Thanh Hóa cũng hình thành bằng con đường "khuếch tán" thể loại dân gian qua các buổi đi "làm lấy công" của người dân lao động xưa.

Từ những cơ sở ấy sẽ dẫn đến biểu hiện của các mối quan hệ cụ thể.

1.3.2. Biểu hiện của các mối quan hệ

Qua việc phân tích trên, luận văn trình bày biểu hiện rõ nét nhất trong mối quan hệ giữa các thể loại của văn học dân gian.

Sự tương tác giữa các thể loại tạo nên những yếu tố chung. Những điểm chung này có thể là nội dung tác phẩm, là lời diễn đạt, một vài khía cạnh nghệ thuật hay cách thức diễn xướng, ...

Cụ thể, trong văn học dân gian Việt Nam, có những tác phẩm dùng trong thần thoại, nhưng trong một hoàn cảnh khác chúng có thể được sử dụng như là truyền thuyết, hoặc một câu ca dao có khi lại dùng như một tục ngữ, một câu đố, ... Chính điều này lí giải tại sao có một số văn bản chưa có thể chắc chắn là ở thể loại nào. Bởi những văn bản này vừa có đặc điểm nhận

diện của thể loại này nhưng vừa mang bản chất đặc trưng của thể loại khác. Ví dụ như trường hợp văn bản Sơn Tinh - Thủy Tinh,một thời gian rất dài gây tranh luận bởi nó vừa mang bản chất thể loại truyền thuyết, lại vừa mang bản chất của thần thoại. Đó chính là biểu hiện của sự tương tác qua lại giữa các thể loại khác nhau trong văn học dân gian.

Sự tương tác của các thể loại thể hiện mối quan hệ biện chứng. Đó là sự tác động hai chiều qua lại. Chẳng hạn, đối với các thể loại truyện kể dân gian, câu đố trở thành một yếu tố trong phần lời của truyện. Nó có thể là "sự xử trí" của nhân vật, tạo nên một sự cuốn hút cho thể loại truyện. Ví dụ như truyện Em bé thông minh trong truyện cổ tích dân gian Việt Nam.

Câu chuyện mang nội dung ngợi ca tài, trí của người bình dân, mà cụ thể đây là một cậu bé.

Nếu cắt đi nội dung đố trong diễn biến truyện thì câu chuyện sẽ mất đi cái hay, cái cốt lõi mà tác giả dân gian muốn đề cập đến. Còn câu đố có thể lấy tên truyện, nhân vật, tình tiết, ...ra để đố. Chẳng hạn như truyện cổ tích Quả dưa hấuđược dân gian xây dựng thành câu đố sau:

"Đố ai đã bị đi đày

Chỉ vì câu nói - đêm ngày đảo xa Rồi sau đó được vua tha

Đem về dưa hấu, đậm đà thơm ngon?" (An Tiêm) [77, 553]

Những trường hợp trên là do sự tương tác, "giao lưu" của các thể loại văn học dân gian.

Vì cùng tồn tại trong một môi trường cụ thể thì ít nhiều các thể loại cũng có những điểm giống nhau, tương đồng với nhau.

Trên cơ sở cụ thể, mối quan hệ giữa các thể loại trong văn học dân gian có những biểu hiện cụ thể như trên. Chính những biểu hiện này là nền tảng để luận văn tìm hiểu vai trò, giá trị của các mối quan hệ.

1.3.3. Vai trò, giá trị của các mối quan hệ

Việc tìm hiểu mối quan hệ giữa các thể loại trong văn học dân gian có vai trò và giá trị nhất định.

Chính những sự tương tác, giao thoa lẫn nhau giữa các thể loại tạo nên sự phong phú về nội dung, sự đa dạng về hình thức thể hiện, hình thức diễn xướng, ... trong từng thể loại. Và văn bản của mỗi thể loại cũng giàu có hơn từ đó; đối tượng phản ánh được mở rộng hơn; ...

Chẳng hạn như trong câu đố, một số văn bản đã mượn cách diễn đạt hay tá ý vào những bài ca dao để tạo sự sinh động cho thể loại mình, như câu đố sau:

" Trời sao trời khéo để dành,

Người thì trốn biển, kẻ non xanh kết nguyền."

(Tấm ván khảm xà cừ) [86, 596]

Lời đố là bài ca dao về tình yêu đôi lứa. Ở đây, tác giả dân gian đã lấy ý từ các chi tiết:

"người dưới biển"để chỉ ốc xà cừ; "kẻ non xanh" chỉ tấm ván, sự kết hợp của chúng tạo nên vật đố "tấm ván khảm xà cừ". Với những văn bản tá ý này giúp cho thế giới câu đố trở nên sinh động, hấp dẫn và phong phú hơn.

Nói chung, sự tác động qua lại góp phần làm giàu có hơn về nhiều mặt cho bản thân mỗi thể loại.

Các mối quan hệ của thể loại đã tạo điều kiện cho thể loại biến chuyển linh hoạt theo nhu cầu mỗi giai đoạn lịch sử xã hội, thị hiếu thẩm mĩ con người. Trên cơ sở đó nhằm thúc đẩy sự phát triển đa dạng, nhiều chiều trong văn học dân gian.

Dựa vào việc tìm hiểu mối quan hệ giữa các thể loại dân gian, người nghiên cứu có thể tìm và lí giải một cách có cơ sở những điểm giống và khác nhau giữa chúng. Bởi chỉ khi đặt đối tượng vào các mối quan hệ với các thể loại khác, đặc điểm nổi bật của chúng sẽ hiện rõ nét hơn. Và việc tìm hiểu những nét tương đồng, khác biệt của từng thể loại, qua đó xác định, lí giải nguồn gốc, cũng như sự hình thành các thể loại dân gian khác được hợp lí hơn, lôgic hơn.

Điều này góp phần làm rõ sự phong phú, đa dạng về thể loại của văn học dân gian. Chính vì vậy, phương thức trên đạt hiệu quả tích cực trong việc phân loại thể loại dân gian.

Nhìn từ góc độ tương tác các thể loại, đó cũng là hướng nghiên cứu có nhiều ưu điểm.

Hướng nghiên cứu này giúp người thực hiện dễ dàng vạch ra những điểm chung, điểm riêng, cũng như xác định nguồn gốc, quá trình vận động, phát triển, ... của từng đối tượng thể loại.

Từ đó, vấn đề được nghiên cứu được tìm hiểu và lí giải một cách cặn kẽ, khoa học.

Tiểu kết

Ở chương này, chúng tôi đã bước đầu khái quát lại những vấn đề lí luận cơ bản của hai thể loại câu đố và hát đố. Từ định nghĩa, luận văn rút ra những bản chất đặc trưng mỗi thể loại, điều này góp phần định hướng cho những nội dung nghiên cứu sau. Và việc xác định, khu biệt hai thể loại nhằm xây dựng những tiêu chí nhất định để tạo lập tư liệu khảo sát, nghiên cứu.

Còn trình bày về diễn xướng của hai thể loại vừa là cơ sở lí thuyết, vừa là bước đầu đi vào so sánh, đối chiếu. Ở nội dung này, câu đố và hát đố có những điểm tương đồng về môi trường diễn xướng, đối tượng tham gia; điểm khác biệt là hình thức diễn xướng, đối tượng trực tiếp tham gia diễn xướng. Trong hát đố, những nam thanh, nữ tú là người trực tiếp thể hiện; còn trong câu đố, đối tượng này không qui định.

Bên cạnh đó, luận văn đặc biệt chú trọng đến việc phác họa những mối quan hệ giữa

các thể loại trong văn học dân gian trên cơ sở, biểu hiện, vai trò và giá trị. Bởi, đề tài cũng là một dạng nghiên cứu mối quan hệ giữa các thể loại. Nội dung này làm nền tảng cho việc tìm hiểu, lí giải vấn đề một cách hệ thống, thuyết phục và khoa học.

Những lý thuyết nêu trên là tiền đề vững chắc để luận văn đi vào nghiên cứu đề tài So sánh câu đố và hát đố dân gian người Việt.

Một phần của tài liệu So sánh câu đố và hát đố dân gian người Việt (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(265 trang)