Về tổ chức bộ máy chính quyền làng xã

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 84 - 87)

CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN (TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)

3.1 Tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ làng xã ở vùng ven sông Hàn

3.1.1 Về tổ chức bộ máy chính quyền làng xã

Trong giai đoạn từ khi mới thành lập (thế kỷ XV) cho đến năm 1604, các làng xã ven sông Hàn thuộc huyện Điện Bàn, phủ Triệu Phong, châu Thuận Hóa. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã quyết định thăng huyện Điện Bàn thành phủ, quản lĩnh 5 huyện: Tân Phúc, An Nông, Hòa Vang, Diên Khánh, Phú Châu lệ vào xứ Quảng Nam. Thời kỳ này các làng xã ven sông Hàn thuộc tổng Hà Khúc, tổng Lỗ Giản của huyện Hòa Vang và tổng Hòa Mỹ của huyện Tân Phúc, đều thuộc phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam.

Dưới thời các chúa Nguyễn, thể chế chính quyền địa phương được phân cấp từ dinh (xứ) đến phủ, huyện, tổng, xã (thuộc). Đứng đầu dinh là Trấn thủ, giúp việc có Cai bạ, Ký lục, bên dưới có các ty. Ở phủ, đứng đầu là Tri phủ, giúp việc có Phủ lại, Huân đạo, Phủ lễ sinh, Phủ thông lại. Ở huyện, đứng đầu là Tri huyện, giúp việc có Đề lại, huyện thông lại. Ở tổng, đứng đầu là các Cai tổng. Dưới tổng là xã (ở đồng bằng), thuộc (ở miền núi, ven biển). Đứng đầu xã là Tướng thần, Xã trưởng; đứng đầu thuộc là Cai thuộc, Ký thuộc, Tướng thần. Dưới triều Nguyễn, người đứng đầu làng xã được gọi là Lý trưởng. Tùy theo quy mô lớn nhỏ của xã mà đặt số chức dịch tương ứng. Những xã có dưới 1000 người từ 999 người trở xuống đặt 18 Xã trưởng và Tướng thần. Những xã có 400 người trở xuống đặt 8 Xã trưởng và Tướng thần. Những xã có 119 người trở xuống đặt 2 Tướng thần và Xã trưởng. Còn những xã có khoảng dưới 70 người chỉ đặt 1 Tướng thần hoặc 1 Xã trưởng mà thôi [104, tr.10].

Nhìn chung, bộ máy làng xã thời các chúa Nguyễn khá cồng kềnh, đúng như nhận xét của Lê Quý Đôn: “Nhưng tính cả trong hai xứ, quan bản đường chính

ngạch vẫn nhiều, đặt thừa quá lạm, và Tướng thần Xã trưởng nhiều gấp đôi, không thể kể xiết” [27, tr.147].

Một điều đáng chú ý là vào thời các chúa Nguyễn, hình thức mua bán quan chức trở nên hết sức phổ biến. Những người có tiền nộp một khoản nhất định sẽ được bổ nhiệm làm quan chức, đó là tiền thượng lễ và nội lễ. Theo quy định năm Bảo Thái Ất Tỵ (1728), họ Nguyễn định lệ thu các lễ. Đối với Tướng thần: phải nộp tiền thượng lễ (dâng chúa) 35 quan, tiền nội lễ (dâng nội cung) 7 quan, tiền lĩnh bằng và tiền ngụ lộc các quan cộng là 7 quan. Đối với Xã trưởng: phải nộp tiền thượng lễ 30 quan, tiền nội lễ 6 quan, tiền phát bằng và tiền ngụ lộc các quan cộng là 5 quan [27, tr.148]. Chính quy định này đã khiến nhiều người tranh nhau nộp tiền để nhận bằng làm quan, số quan chức vì thế mà tăng lên, “đến nay có chỗ một số xã có đến 16 hay 17 Tướng thần, hơn 20 Xã trưởng, đều được làm việc” [27, tr.148]. Tiền không những mua được chức mà tiền cũng có thể thăng được chức. Trong khi đó, quan lại ở Đàng Trong lại không được hưởng một chế độ lương bổng nhất định, vì vậy đã nảy sinh tình trạng quan lại tham nhũng, bóc lột người dân để thu lợi cho mình.

Đây chính là mặt trái của chính quyền địa phương ở Đàng Trong, đặc biệt ở các làng xã. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức Lê Quý Đôn đã phê phán:

“Nhũng lạm quá lắm, tất cả bộc lộc đều lấy ở dân, dân sao chịu được” [27].

Về chức năng, bộ máy quản lý làng xã có nhiệm vụ trông coi an ninh, phân công việc khai phá đất hoang, phân chia ruộng đất công, phân bổ xâu dịch, kê khai bộ tịch. Nét khác biệt của chính quyền địa phương của họ Nguyễn ở Đàng Trong là đội ngũ quan lại thuộc chính quyền địa phương không tham gia vào việc thu thuế. Việc thu thuế từ phủ, huyện trở xuống, họ Nguyễn dùng đội ngũ quan lại gọi là “Bản đường quan” [104, tr.10]. Ngoài ra, ở xã còn có Hội đồng hương lão bao gồm các cụ già có vai vế, các cụ cao niên có kinh nghiệm, đại diện cho dân xã giám sát bộ máy chức dịch. Hội đồng hương lão còn có nhiệm vụ thay mặt dân trong xã tiến cử Xã trưởng, Tướng thần, Tri thâu lên quan trên.

Các làng xã ven sông Hàn đứng đầu là Xã trưởng, Tướng thần, Ký thuộc (hay Cai thuộc). Về sau, từ triều Nguyễn có thêm chức Lý trưởng. Qua khảo sát khu vực các làng xã ven sông Hàn, bước đầu có được một số chức danh liên quan đến bộ máy làng xã:

- Bia chùa Long Thủ có nhắc đến một số chức sắc như: Hội chủ Nguyễn Văn Châu chức Cai thuộc; Cai hợp của ty Tướng thần lại Vạn Kim Tử Trần Hữu Lễ; Lại ty Tướng thần lại Triều Kiên Nam Trần Hữu Kỷ; Xã trưởng Phạm Văn Ngao; Hương chủ làng Nại Hiên Võ Đình Pháo [102].

- Bộ lập làng của làng Nam An có ghi một số chức danh sau: Tuần kiểm Nguyễn Đình Long, Thủ sắc Phan Văn Quế, Thủ sắc Lê Văn Đa, Thủ hộ Nguyễn Văn Đậu, Dịch mục Nguyễn Văn Thừa, Dịch mục Lê Văn Giăng, Dịch mục Nguyễn Văn Thạnh, Biện lại Trương Văn Cơ, Biện lại Trần Văn Huy, Lý trưởng Trương Văn Lai [112].

- Trát của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại gửi làng An Hải đề ngày 20, tháng 4, năm Minh Mạng thứ 8 (1827) phần cuối có ghi: “An Hải xã, Xã trưởng, Hương lão, mục dịch đẳng tường hành” (dịch là: các Dịch mục, Hương lão và Xã trưởng làng An Hải phải hiểu rành và làm theo) [150].

- Bia kỷ côngcủa làng An Hải lập năm 1853 có ghi: “Xã trưởng Lê Đức Giảng phụng cúng điền ngũ cao” [153].

Trên đây là những tài liệu hiếm hoi nói về chức sắc ở các làng xã vùng ven sông Hàn. Nhìn chung, bộ máy quản lý làng xã ở vùng ven sông Hàn không khác so với làng xã ở Đàng Trong, cách tổ chức còn thiếu chặt chẽ, nặng nề. Những người đứng đầu làng xã do dân bầu (thông qua Hội đồng hương lão), thậm chí có thể mua bằng tiền. Về sau, các vị trí đứng đầu làng xã do chính quyền cấp trên chỉ định, trường hợp không chỉ định được mới tiến hành cho dân bầu. Quan viên làng xã có nhiệm vụ quản lý làng về mặt hành chính, tế lễ, an ninh. Bộ máy làng xã đã có những tác dụng nhất định trong việc quản lý cư dân trong vùng, mở mang đất đai, phát triển kinh tế, quản lý xã hội, đảm bảo an ninh, tạo điều kiện cho làng xã phát triển. Tuy nhiên, bộ phận

này cũng có những hạn chế, một số chức dịch thường lợi dụng chức phận để sách nhiễu nhân dân, tạo nên nạn cường hào hoành hành ở các địa phương.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 84 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)