Các hoạt động lễ hội

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 134 - 137)

CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN (TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)

3.3 Sự phát triển kinh tế các làng xã ven sông Hàn

3.4.2 Đời sống văn hóa tinh thần

3.4.2.3 Các hoạt động lễ hội

Các làng xã vùng ven sông Hàn có sự phong phú về lễ hội. Các làng thường có các lễ tiết như: giỗ tiền hiền, hậu hiền, kỷ niệm thành lập làng và các lễ hội hàng năm, như lễ hội cầu ngư, lễ hội Thần Nông, lễ uế mao huyết.

- Lễ hội cầu ngư được tổ chức tại các làng ven biển như Tân An, Nam An, Mân Quan, An Hải. Tại làng Tân An (nay thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà), lễ hội cầu ngư được tổ chức vào các ngày 24, 25, 26 tháng Giêng (lịch âm) hàng năm. Phần chính của lễ là lễ “nghinh cốc Ông” tức là lễ đưa hài cốt cá Ông về lăng Ông. Hình thức tiến hành gồm có 13 người, trong đó có 3

người chính là ông Tổng, ông Câu và ông Lái; 10 người còn lại chia làm hai bên, mỗi bên 5 người làm đội chèo. Trong quá trình tiến hành lễ hội có hát bả trạo, hát bội, hò khoan. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi như: lắc thúng, đua ghe, kéo co...[90]. Tại làng An Hải, lễ hội cầu ngư được tổ chức vào trung tuần tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Trong ngày lễ, bàn thờ được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm. Trên mỗi tàu thuyền đều chăng đèn, kết hoa. Làng chọn ra một ban nghi lễ bao gồm các cụ cao niên hiền đức, có uy tín với bạn chài. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với đức ngư Ông và cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè ra khơi, vào lộng an toàn [157].

Lễ hội cầu ngư là tín ngưỡng của cư dân của cư dân miền biển, thể hiện sự ước vọng của ngư dân một năm làm ăn thuận lợi, tai qua nạn khỏi. Đây là một lễ hội khá phổ biến ở vùng ven sông Hàn và có từ lâu đời. Ngày nay nhân dân vùng ven sông Hàn vẫn xem lễ hội cầu ngư như là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mình.

- Lễ hội cúng Thần Nông (hay lễ hội tế trâu) ở làng An Hải được tổ chức vào ngày 10 tháng 8 (âm lịch) hàng năm. Mục đích của lễ hội này là thể hiện sự ngưỡng vọng của người dân đối với Thần Nông, tôn vinh các bậc tiền hiền và tưởng nhớ quê cha đất tổ. Lễ vật chính của lễ hội là 1 con trâu. Trâu được chọn là một con trâu đực mập mạp, mạnh khỏe, da lông mượt mà, đôi sừng cong nhọn trông cân đối, oai vệ. Trên đầu và lưng trâu được phủ lên một tấm vải đỏ. Phần chính của lễ diễn ra tại đàn Thần Nông. Khi chủ tế thắp hương khấn nguyện: thỉnh cầu Thần Nông, thần linh Thổ thần ban cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt thì đoàn cờ kheo, cờ phướn, cờ vuông lượn nhiều vòng quanh đền Thần Nông cùng với con trâu tế, hòa lẫn trong tiếng nhạc, tiếng chiêng trống âm vang rộn ràng du dương. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi: đua thuyền, lắc thúng, kéo co, chọi gà…

[157].

Lễ hội cúng Thần Nông thể hiện sự mong ước của những cư dân nông nghiệp có được một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, lễ hội còn là sự tưởng nhớ về nguồn cội, về quê hương của những di dân từ miền Bắc, miền Trung vào đây sinh cơ, lập nghiệp.

- Lễ uế mao huyết của làng Nại Hiên Đông mang nhiều nét tính độc đáo. Điểm nổi bật của lễ này là tục cúng thịt sống. Con vật sau khi được giết chết, để thịt sống kem theo lông và huyết để cúng. Lễ uế mao huyết là một nghi lễ duy chỉ có ở làng Nại Hiên Đông, ở các làng xã khác trong khu vực đều không thấy. Đây là một tín ngưỡng về phong tục cổ xưa của con người. Lễ uế mao huyết thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân làng Nại Hiên Đông, thể hiện sự phong phú trong đời sống tâm linh của cư dân các làng xã vùng ven sông Hàn.

Ngoài lễ hội, cư dân các làng xã ven sông Hàn còn có các sinh hoạt văn hóa truyền thống khác như: ca dao, hò vè, hát bội, hát bả trạo, hát hò khoan và nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian khác.

Tóm lại trải qua hơn 4 thế kỷ xây dựng và phát triển, vùng ven sông Hàn từ một khu vực khá hoang sơ, ít được khai phá đã dần trở thành khu vực phát triển, làng xã mọc lên ngày càng nhiều, dân cư đông đúc. Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, cư dân các làng xã ven sông Hàn đã không ngừng nỗ lực trong việc phát triển kinh tế, tổ chức bộ mày làng xã, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần hết sức phong phú. Cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, với vị trí chiến lược của mình, các làng xã ven sông Hàn không những là khu vực đóng vai trò quan trọng đối với Đà Nẵng mà còn là khu vực đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao, quốc phòng của triều Nguyễn. Cũng trong quá trình đó, bộ mặt đô thị Đà Nẵng được định hình trên cơ sở sự phát triển của các làng xã trung tâm.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 134 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)