Tín ngưỡng, tục lệ

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 125 - 132)

CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN (TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)

3.3 Sự phát triển kinh tế các làng xã ven sông Hàn

3.4.2 Đời sống văn hóa tinh thần

3.4.2.1 Tín ngưỡng, tục lệ

Về tín ngưỡng, do có nguồn gốc là những di dân từ Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nên cư dân vùng ven sông Hàn luôn có sự tưởng nhớ về nguồn gốc, tổ tiên của mình. Họ thường lấy tên làng cũ ở quê nhà để đặt tên cho vùng đất mới.

Khi có người chết, người ta thường đề trên bia mộ hai từ “Việt cố”. Ở mỗi làng đều có nhà thờ tiền hiền và hậu hiền để tưởng nhớ những người có công lập làng và những người có công trạng lớn đối với làng.

- Nhà thờ tiền làng Nại Hiên nay thuộc tổ 32, phường Bình Hiên, quận Hải Châu. Theo các bậc cao niên và nhân dân trong làng, nhà thờ được xây dựng cùng thời gian với chùa Long Thủ (1657). Đến năm 1887, nhà thờ được xây dựng lại. Tổng khuôn viên diện tích của nhà thờ là 408m2. Riêng nhà thờ có chiều dài 7m, chiều rộng 8m. Kiến trúc nhà đơn giản gồm 3 gian, tường xây gạch, mái lợp ngói. Trong nhà thờ có một bức hoành phi, hai bên có 3 cặp câu đối. Trên bàn thờ giữa đặt một bài vị làm bằng gỗ có dòng chữ Hán sơn đỏ đặt trong lồng kính thờ lịch đợi tiền hiền, hậu hiền khai khẩn chư phủ quân

thần vị [78]. Đặc biệt trong nhà thờ tiền hiền làng Nại Hiên có một chuông đồng, miệng loe, trang trí hình rồng xung quanh. Chuông có chiều cao 86cm, đường kính miệng 44cm, được chia làm 4 phần bởi những đường kẻ theo hình bát giác. Quai chuông cao 27cm, rộng 31cm được tạo thành hình 2 con rồng đấu mình với nhau. Trên thân chuông có dòng chữ Hán ghi: “Nhâm Tý, khoa giải nguyên thu Ứng Hòa phủ, tri phủ thăng lĩnh hộ bộ viên ngoại lang, Nguyễn chính thất Đỗ Thị Thuận bái. Tự Đức nhị thập niên, Mậu Thìn” [113].

(Dịch là: Bà Đỗ Thị Thuận chính thất của ngài họ Nguyễn đỗ giải nguyên khoa Nhâm Tý làm tri phủ phủ Ứng Hòa, được thăng thụ viên ngoại lang bộ Hộ cúng. Năm Mậu Thìn, Tự Đức thứ 21). Do nhà thờ tiền hiền làng Nại Hiên nằm sát chùa An Long, vì vậy chuông đồng trên thực ra là chuông chùa An Long.

Nhà thờ tiền hiền làng Nại Hiên là một di tích có giá trị về mặt lịch sử lập làng, về tín ngưỡng của cư dân làng Nại Hiên thể hiện sự biết ơn của nhân dân trong làng đối với những người có công khai phá làng Nại Hiên.

- Nhà thờ tiền hiền, hậu hiền làng An Hải tọa lạc tại khối An Thuần, phường An Hải Tây, Quận Sơn Trà. Nhà thờ được xây dựng từ trước thế kỷ XIX. Đến năm 1827, Thoại Ngọc Hầu nhân chuyến về thăm quê đã đóng góp tiền bạc để tu bổ nhà thờ tiền hiền. Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân làng An Hải đã tôn vinh ông là hậu hiền và thờ trong nhà thờ cùng các vị tiền hiền. Bên cạnh nhà thờ, phía bên phải là mộ tiền hiền. Theo nhân dân trong vùng, đó là mộ của Bà Thân và Ông Công Thân. Nhà thờ tiền hiền làng An Hải có chiều dài 9,6m, chiều rộng 9,7m; mái lợp ngói, trên có hình lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu có hình chim phụng. Trong nhà thờ có 3 bàn thờ, bàn thờ chính giữa thờ Thoại Ngọc Hầu, bàn thờ bên phái thờ tiền hiền, bàn thờ bên trái thờ hậu hiền. Nhân dân trong làng coi ngày 2 tháng 3 (lịch âm) là ngày kỵ tiền hiền, ngày 6 tháng 6 (lịch âm) là ngày kỵ hậu hiền [157].

Nhà thờ tiền hiền, hậu hiền làng An Hải là một di tích có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, phản ánh đời sống tâm linh của nhân dân làng An Hải, giúp

các thế hệ con cháu trong làng luôn nhớ về những người luôn có công trong việc lập nên làng An Hải.

Bên cạnh nhà thờ tiền hiền, nhân dân các làng xã ven sông Hàn còn có tục lệ xây dựng đình làng. Đình làng là nơi thờ Thành hoàng làng, các vị tiền hiền, hậu hiền. Đình cũng là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa quan trọng, các hình thức tín ngưỡng, lễ hội đầy màu sắc. Hầu hết các làng xã vùng ven sông Hàn đều có đình, nhiều ngôi đình được xây dựng từ rất sớm. Trong văn bia chùa Long Thủ lập năm 1657 có nhắc tới đình: “Một thửa ruộng một mẫu tọa lạc tại Cửa Đình” [102]. Điều này cho thấy trước năm 1657 ở làng Nại Hiên đã có đình. Dưới đây xin trình bày một số ngôi đình tiểu biểu ở vùng ven sông Hàn.

- Đình làng An Hải, nay thuộc khối An Thị, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Theo các bậc cao niên trong làng, đình làng An Hải được thành lập từ rất sớm. Lúc đầu đình làm bằng tre, lợp lá. Đến năm 1827, nhân chuyến về thăm quê, Nguyễn Văn Thoại đã cúng tiền cho việc xây dựng, tu sửa chùa, đình, miếu mạo [153]. Như vậy, muộn nhất là năm 1827, đình làng An Hải đã được thành lập.

Đình An Hải được cấu trúc theo dạng 3 gian, 2 chái. Đình có chiều dài 12m95, rộng 11m20, bên trong đình đặt bàn thờ chính thần. Tiền đường với cấu trúc hệ thống cột gỗ theo dạng hình vuông, trong đình có 3 hàng cột, mỗi hàng 8 cái. Trước tiền đình, hai bên tả hữu đặt hai bàn thờ tiền hiền và hậu hiền. Gian giữa, trên kèo có đặt bức hoành có 4 chữ: “Thiện tục khả phong”

[77]. Hiện đình An Hải còn lưu giữ một số sắc phong: 1 sắc phong thời Tự Đức thứ 30; 2 sắc thời Đồng Khánh thứ 2; 1 sắc thời Duy Tân nguyên niên.

Đình An Hải chính là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng của cư dân làng An Hải. Cũng như các làng xã ở miền Bắc, đình làng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân làng An Hải.

- Đình làng Hải Châu nằm tại tổ 6, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu.

Đây là một quần thể di tích gồm đình, chùa, nhà thờ tiền hiền và nhà thờ 43

tộc phái, thường được gọi là khu di tích đình (chùa) Hải Châu. Về niên đại thành lập, theo các tài liệu địa phương, vào năm Gia Long thứ 5, các hương chức làng Hải Châu trực tiếp ra kinh đô Huế xin vua cho lập đình để thờ Thành hoàng làng và các vị tiền hiền, hậu hiền, được vua chấp thuận. Đầu tiên đình được xây dựng tại khu đất Nghĩa Lợi gần bờ sông Hàn, mặt đình hướng về phía Đông nhìn ra sông [75].

Đình Hải Châu được thiết kế gồm 3 phần: Phần mái hiên, phần hậu bái và phần hậu tẩm. Phần hậu tẩm được xây cao, tạo dáng bên ngoài với mái ngói lợp âm dương, trên nóc có đắp hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Trong khu di tích đình (chùa) Hải Châu hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật như chuông đồng, bia kỷ, hoàng phi. Trong đó đáng chú ý là 1 cái chuông đồng. Chuông có chiều cao 1,3m; đường kính miệng 0,7m. Trên chuông đúc hình 2 con rồng nằm quấn đuôi với nhau. Ở phần thân gần đỉnh chuông có 1 hàng chữ Phạn, ở giữa có các dòng chữ Hán, nội dung dòng chữ Hán như sau: “Minh Mạng ngũ niên, Giáp Thân trùng tu bản tự, thứ niên khâm phụng sắc tứ Phước Hải tự, Minh Mạng thập tam niên Nhâm Thìn cát đáng, Hải Châu xã đồng kính tạo”

(Dịch là: vào năm Minh Mạng thứ 5, năm Giáp Thân (1824) đã trùng tu chùa Phước Hải, nhận sắc phong vua ban, năm Minh Mạng thứ 13 (1832) nhân dân xã Hải Châu đúc chuông này). Dựa theo ghi chép này thì chùa Phước Hải (nằm trong quần thể di tích đình (chùa) Hải Châu) đã được trùng tu lại vào năm 1824.

Khu di tích đình (chùa) Hải Châu là một khu kiến trúc có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa. Đây là địa điểm diễn ra các nghi thức sinh hoạt văn hóa và các hoạt động cộng đồng khác của cư dân trong làng.

- Đình làng Nam Thọ (làng Nam An cũ) nay thuộc khối Thọ An, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Theo tài liệu địa phương, ngôi đình xây dựng đầu tiên được lợp bằng tranh, xây dựng dựa trên sự đóng góp của nhân dân trong làng. Đến năm 1714, đình được xây dựng lại tại Trảng Giài Cây Me ở chân núi Sơn Trà. Đến năm 1720, ngôi đình được chuyển về Vũng Chấp

[76]. Đình được xây dựng theo cấu trúc 3 gian, 2 chái, bao gồm 3 phần: tiền đình, chính điện và hậu tẩm. Phần chính điện dài 5,6m; rộng 8m. Hai bên tả hữu có bài vị thờ tiền hiền. Phần hậu tẩm dài 7,65m; rộng 3,2m. Bàn thờ chính giữa thờ Thành hoàng, bên cạnh là hộp đựng sắc phong. Phía trước sân đình đối diện với cửa vào là bình phong cao 2,4m; rộng 3,2m; dày 0,3m. Trên nóc hậu tẩm có trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt” [76].

Cũng như những ngôi đình khác, đình làng Nam Thọ là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hóa của cư dân trong làng, trong đó ngày 2 tháng 6 (lịch âm) hằng năm là ngày kỷ niệm thành lập làng; ngày 1 tháng 11 hằng năm (Âm lịch) là ngày giỗ tiền hiền. Ngoài ra đình làng Nam Thọ còn là nơi bảo quản các di vật của làng, trong đó đáng chú ý nhất là bộ 35 sắc phong được ban tặng cho làng dưới triều Nguyễn.

Bên cạnh đó, cư dân các làng xã ven sông Hàn còn có tục lệ thờ cá Ông. Những nơi có lăng thờ cá Ông thường gắn liền với nghề đánh các trên biển như ở các làng: An Hải, Mân Quan, Mỹ Khê, Tân An. Tục thờ cá Ông (tức cá Voi) là tín ngưỡng dân gian vùng duyên hải Miền Trung Việt Nam.

Tục này của người Việt bắt nguồn từ tục lệ của người Chăm. Người Chăm xem cá Ông là một vị thần của Biển Đông, được nhân dân kính cẩn. Mục đích của tục này nhằm cầu yên cho các thuyền ra khơi đánh cá, mong muốn bắt được mẽ các lớn. Cá Ông còn nhận được sắc phong thần của nhà vua. Sắc phong của vua Duy Tân ban vào năm Duy Tân thứ 5 (1911), ngày 8 tháng 6 ghi: “Sắc: Quảng Nam tỉnh, Hòa Vang huyện, Nam Thọ xã phụng sự Đức Ngư Ông chi thần hộ quốc tý dân nẫm trứ linh ứng” [139] (Dịch là: sắc cho xã Nam Thọ, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam thờ phụng thần Đức Ngư Ông bảo vệ đất nước, che chở dân lành, rất linh ứng).

Ngoài ra, vùng ven sông Hàn là khu vực sinh sống cũ của người Chăm nên ở đây một số tín ngưỡng văn hóa Chăm vẫn được bảo lưu. Nhiều vị thần có nguồn gốc Chăm được nhân dân tôn thờ và được triều đình ban sắc phong như Thiên Y A Na. Sắc do vua Minh Mạng ban vào năm Minh Mạng thứ 7,

ngày 17 tháng 9, phong thần cho Thiên Y A Na, được lưu giữ tại đình làng Nam Thọ ghi: “Sắc diện Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Chủ Ngọc tôn thần hộ quốc tý dân hiển hữu công đức. Kinh hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế Tố Cao Hoàng Đế thống nhất hải vũ khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu. Khả gia tặng Hồng nhơn thổ tế linh cảm thượng đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Diên Phúc huyện, Nam An xã, y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Minh Mạng thất niên, cửu nguyệt, thập thất nhật” [116]. (Dịch là:Sắc diện: tôn thần Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi bảo vệ đất nước, che chở dân lành có công đức hiệu nghiệm. Từng được xã dân phụng thờ. Đến khi vua Thế Tổ Cao Hoàng Đế của ta thống nhất giang sơn, ban ơn khắp thần người. Nay trẫm lên ngôi tôn, nhớ đến công đức của thần, cần phải ban tặng danh hiệu vinh hiển. Vậy gia tặng thần làm Hồng nhơn thổ tế linh cảm thượng đẳng thần, đồng thời chấp thuận xã Nam An, huyện Diên Phúc thờ phụng như cũ. Mong thần phù hộ, che chở dân lành của trẫm. Kính thay!Minh Mạng năm thứ 7 (1826), ngày 17 tháng 9).

Bên cạnh đó, cư dân các làng xã ven sông Hàn còn có tín ngưỡng thờ các vị thần khác như: Đại Càng Quốc Gia Nam Hải tứ vị thượng đẳng thần, Cao Cát Quản Độ tôn thần, quan Thánh Đế Quân bảo hộ, Thành hoàng, Ngũ Hành Tiên Vương, Tứ Dương Linh Trạc tôn thần, Bích Sơn Trợ Thủy tôn thần, Thủy Long thần nữ, Giác Hải Đạt Ma, Dương Phi phu nhân, Thổ Địa chánh thần, Phi Vận tướng quân… Về vị Phi Vận tướng quân, sách Ô châu cận lụcviết về ông như sau:

Đền thờ Tùng Giang: Đền thờ tại cửa biển Tư Khách, huyện Tư Vinh và tại cửa biển Đà Nẵng, xứ Quảng Nam. Thần họ Nguyễn, tên Phục, người làng Đoan Tùng huyện Gia Phúc. Khoa Quý Dậu (1453) niên hiệu Đại Hòa, đỗ tiến sỹ đệ tam danh làm quan tới chức chuyển vận sứ, Hành khiển đạo Thanh Hoa, khi Lê Thánh Tông chưa lên ngôi, ông từng làm thầy dạy học cho vua. Đến khi lên ngôi, cử ông làm chưởng viện Hàn lâm. Ba lần đi sứ phương Bắc, trở về làm Đại lý tự

khanh, thẩm xét việc kiện cáo trong nước. Lại được cử làm hữu tham nghị trông coi việc binh chính. Rồi thăng làm thiêm sự đô chỉ huy sứ vệ Cẩm Y ty thân quân. Khi vua đi đánh Chiêm Thành, ông giữ chức Phi vận tướng quân, tán lý đội chuyển thâu. Đến cửa biển Tư Khách thì gặp gió biển dấy mạnh, hải trình rất gian khổ. Quân lính sự mắc tội cứ gắng chèo. Ông bảo thà để một thân chịu tội chặt đầu, há để chỗ thóc này vùi xuống biển và binh lính vô tội làm mồi cho cá sao (nên cho thuyền neo lại). Vì thế quân lương bị thiếu. Vua giận vì đến trễ kỳ hạn, sai bắt giam. Bọn cung nhân và cận thần dèm pha với vua xin giết đi. Đến lúc vua hiểu ra, truyền chỉ tha tội thì ông đã bị chém rồi. Từ đó thường linh ứng. Dân địa phương dựng đền thờ ông.

Khoảng niên hiệu Cảnh Thống (1498), được phong tặng là Văn Trung Chính Nghị. Hoàng đế ta lại gia phong bốn chữ Minh Đạo Hiển Ứng [1, tr.97].

Theo sắc phong ban vào năm Minh Mạng thứ 7, ngày 17 tháng 9, phong thần cho Phi Vận tướng quân, được lưu giữ tại đình làng Nam Thọ viết:

“Sắc: Kỷ Mùi khoa Tiến sĩ Phi Vận tướng quân Tùng Giang Văn Trung tôn thần hộ quốc tý dân hiển hữu công đức. Kinh hữu xã dân phụng sự. Phụng ngã Thế Tố Cao Hoàng Đế thống nhất hải vũ khánh bị thần nhân. Tứ kim quang thiệu hồng đồ miến niệm thần hưu, nghi long hiển hiệu. Khả gia tặng Hiển Văn Chiêu tiết trung đẳng thần, nhưng chuẩn hứa Diên Phúc huyện, Nam An xã, y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Minh Mạng thất niên, cửu nguyệt, thập thất nhật”[116]. (Dịch là: Sắc: tôn thần Tùng Giang Văn Trung Kỷ Mùi khoa Tiến sỹ Phi vận tướng quân bảo vệ đất nước, che chở dân lành có công đức hiệu nghiệm. Từng được xã dân phụng thờ. Đến khi vua Thế Tổ Cao Hoàng Đế của ta thống nhất giang sơn, ban ơn khắp thần người.

Nay trẫm lên ngôi tôn, nhớ đến công đức của thần, cần phải ban tặng danh hiệu vinh hiển. Vậy gia tặng thần làm Hiển Văn Chiêu Tiết trung đẳng thần, đồng thời chấp thuận xã Nam An, huyện Diên Phúc thờ phụng như cũ. Mong

thần phù hộ, che chở dân lành của trẫm. Kính thay! Minh Mạng năm thứ 7, ngày 17 tháng 9).

Dựa vào sắc phong cùng các tài liệu liên quan cho thấy Phi Vận tướng quân chính là Nguyễn Phục- một quan chức có nhiều công trạng dưới triều Lê.

Khi mất được dân các làng xã ven biển ở miền Trung trong đó có xã Nam An thờ ông như là một vị thần biển.

Như vậy, về tín ngưỡng ở vùng ven sông Hàn có sự phong phú về các loại hình tín ngưỡng bao gồm tín ngưỡng của người Việt, tín ngưỡng của người Chăm, tín ngưỡng của cư dân miền biển. Trong đó nổi bật là sự kết hợp tín ngưỡng của người Việt với người Chăm, tạo nên sắc thái văn hóa riêng của cư dân vùng Trung Trung Bộ.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 125 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)