Kinh tế nội thương

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 114 - 117)

CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN (TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)

3.3 Sự phát triển kinh tế các làng xã ven sông Hàn

3.3.5 Sự phát triển kinh tế thương nghiệp

3.3.5.1 Kinh tế nội thương

Ở vùng ven sông Hàn có lợi thế về cảng biển lớn, nước sâu, có sông nên việc thông thương hết sức thuận lợi. Tàu thuyền cập cảng Đà Nẵng, ngược dòng sông Hàn, qua sông Cổ Cò (Lộ Cảnh Giang) có thể tới được Hội An.

Nhờ đó, các hoạt động thương nghiệp ở vùng ven sông Hàn có điều kiện phát triển.

Về hệ thống chợ, vùng ven sông Hàn có 2 chợ lớn:

- Chợ Hàn (Hải Châu) là ngôi chợ được thành lập sớm và có vai trò quan trọng bậc nhất ở Đà Nẵng. Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, được lập vào thế kỷ XVII ghi hành trình đường bộ từ đèo Hải Vân vào Quảng Nam có đi qua chợ Hàn: “...Ăn thì ở núi Ải Vân. Trọ thì ở núi Chân Đẳng, ăn thì ở chợ Hàn Quảng. Trọ thì ở Từ Cú, ăn thì ở kho Hội An” [89, tr.92]. Cũng trong tập bản đồ này có ghi địa danh “Hàn thị” (chợ Hàn) [89, tr.95]. Theo Bình Nam đồ của Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 có ghi “Hàn thị” [89, tr.148].

Qua các thư tịch cho thấy, từ thế kỷ XVII, danh xưng chợ Hàn (Hàn thị) đã trở nên phổ biến, tiêu biểu cho địa phương. Vì vậy, muộn nhất là vào thế kỷ XVII chợ Hàn đã được thành lập.

Chợ Hàn là một trung tâm buôn bán với nhiều cửa hàng, cửa hiệu. Đây vừa là nơi trao đổi, buôn bán trong vùng, vừa là nơi buôn bán với thương nhân nước ngoài. Hàng hóa bán ở chợ Hàn được chia làm hai khu vực: khu phố chợ Hàn và khu chợ Hàn. Khu phố chợ nằm dọc 2 bên chợ Hàn chuyên mua bán sảm phẩm tiêu dùng, lương thực với quy mô lớn. Tại đây, tập hợp những cửa hàng, cửa hiệu của thương nhân người Hoa, người Việt “chúng được thiết trí để các thương gia sử dụng với những cửa hàng ở đàng trước để bày bán tất cả

mọi loại hàng hóa, phía sau chúng còn là những kho hàng kín đáo” [96, tr.111]. Khu chợ bày bán đa phần là lương thực, thực phẩm, gia vị... Các tiểu thương chủ yếu người Việt.

Như vậy, chợ Hàn xuất hiện sớm, là trung tâm buôn bán của vùng, nơi tập trung hàng hóa để buôn bán với các thương nhân trong và ngoài nước.

- Chợ Hà Thân (An Hải), theo truyền khẩu chợ được thành lập ngay khi mới lập làng. Vào thời chúa Nguyễn, theo người dân địa phương, làng An Hải có khu An Thị là chợ nhỏ của làng. Trong tờ trát của Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại gửi làng An Hải vào năm 1827 có đoạn: “Thả bổn xã tiền tiền niên hữu hội thị dĩ thành nguyên lệ” (dịch là: vả lại, vào những năm trước, xã đã có tục họp chợ lâu rồi) [150]. Như vậy, từ trước thế kỷ XIX, làng An Hải đã có chợ. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, giữa chợ Hà Thân (An Hải) và chợ Hàn (Hải Châu) đã diễn ra sự cạnh tranh gay gắt, kết quả dân làng Hải Châu đã tràn qua đập phá chợ Hà Thân, dẫn đến chợ không còn hoạt động nữa. Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826), dân của 7 xã: Nam Thọ, Tân An, Mỹ Khê, Phước Trường (hay Phúc Trường), Hóa Khuê, Mỹ Thị và An Hải đã họp nhau lại bàn về việc lập chợ. Cuối cùng, 7 xã đã nhất trí cử 2 đại diện là Lê Văn Trực và Trần Văn Chiêu vào tận Châu Đốc gặp Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đề đạt nguyện vọng thành lập chợ và được Thoại Ngọc Hầu chấp thuận.

Năm sau (1827), nhân chuyến về thăm quê làng An Hải, Thoại Ngọc Hầu gửi trát cho các dịch mục, hương lão và xã trưởng của làng An Hải. Tờ trát có đoạn: “Mùa Đông năm ngoái, trong xã có sai phái hai người: Lê Văn Trực và Trần Văn Chiêu đến hầu tại đồn, trình rằng: tứ cận của xã này là Mỹ Khê, Hóa Khuê, Mỹ Thị, Phước Trường, Tân An, Nam An gồm chùng thành địa phận 7 xã, đều đồng lòng muốn họp chợ tại An Hải để mở rộng đường tài chính và thắt chặt nghĩa thân lân. Vả lại, vào những năm trước, xã đã có tục lệ họp chợ lâu rồi. Nhưng sau, xã Hải Châu gây rối dẫn đến tranh chấp, làm cho chợ ấy phải tan. Điều này dân chúng quanh vùng thảy đều biết rõ. Bổn chức đã thuận theo ý muốn ấy và đã truyền cho hai người nói trên trở về xã nhà thuật lại đầy đủ đầu đuôi. Ví như nay tất cả bảy xã đều đồng tình như vậy, thì mỗi xã phái

một mục dịch tháp tùng bổn chức thân hành đến trước chợ, xem xét lại cho rõ rồi cho thi hành” [150].

Nhờ sự giúp đỡ của Thoại Ngọc Hầu, chợ Hà Thân được tái lập với quy mô lớn hơn. Từ khi hoạt động trở lại, chợ Hà Thân trở thành trung tâm trao đổi, buôn bán của cư dân các xã vùng hữu ngạn sông Hàn. Ngoài ra chợ còn phục vụ cho các thuyền buôn, đoàn thuyền nghỉ chờ gió.

Ngoài hệ thống chợ, vùng ven sông Hàn còn hình thành các khu vực buôn bán ở bến đò, bến cảng, hình thành các đoàn thuyền buôn, tham gia buôn bán với các địa phương trong khu vực.

Hoạt động buôn bán ở khu vực ven sông Hàn được các thương nhân, du khách miêu tả trong các bản du ký sau:

- Hòa thượng Thích Đại Sán đến Đà Nẵng năm 1695 ghi lại: “Tám thuyền đều đến, tạm đình ở cửa biển. Bãi cát phẳng như tấm gương, xa trông mút mắt. Trên bãi đầy vỏ sò, vỏ ốc, cảnh trí rất xinh… Chuyển thuyền ra mũi cát, một chốc đã đến chỗ thuyền lương đậu, neo lại. Hai bên bờ, nhà cửa đông đúc, người đi đường xôn xao, kẻ gánh, người gồng, người ta đã đi chợ sáng”

[73, tr.146].

- Phái đoàn Macartnay (Anh quốc) ghé Đà Nẵng vào thời vua Nguyễn Quang Toản ghi lại: “Các hải khẩu thuận lợi trên biển và đặc biệt là cảng Đà Nẵng cống hiến 1 vùng an toàn cho các tàu bè lớn nhất suốt trong mùa mưa bão. .. Còn chợ của thành phố thì đầy rẫy những sản phẩm nhiệt đới, kể cả gia cầm và nhiều nhất là gà vịt. Người ta cũng bán tại đây rất nhiều loại chim mổ mắt (dardeur) bụng đen” [109, tr.90].

- Thuyền trưởng Laplace của thuyền Favorite đến Đà Nẵng năm 1831 mô tả: “Tôi đã nói rằng dân Việt Nam ăn khá ít và chỉ sống hàng ngày với cơm và cá. Thế nên họ rất ngạc nhiên khi thấy một số lớn bò, heo, vịt gà mua hàng ngày ở chợ để nuôi 185 người Pháp cho được ngon miệng, chỉ trong vàu ngày các chợ lân cận đã hết sạch” [96, tr.112].

- Haussmann đến Đà Nẵng năm 1845 ghi lại: “Ngày hôm sau, khoảng 6 giờ sáng chúng tôi ngược dòng sông Hàn để thăm thành phố hay làng Đà Nẵng... khu vực đáng kể nhất là khu bán tạp hóa, chính tại khu này thủy thủ đoàn các tàu đã mua bán” [96, tr.109].

Những ghi chép trên phản ánh hoạt động nội thương ở vùng ven sông Hàn bây giờ đã khá phát triển. Hàng hóa được trao đổi, mua bán tại các chợ, trong đó quan trọng nhất là chợ Hàn ở vùng tả ngạn và chợ Hà Thân ở hữu ngạn. Sự phát triển của hệ thống chợ đã có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực, đúng như nhận xét của tác giả Nguyễn Văn Đăng: “Hệ thống chợ ven sông Hàn được xem là biểu hiện và có tác dụng thúc đẩy kinh tế trong khu vực phát triển” [40, tr.94-95]. Sự phát triển của hoạt động thương nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự hình thành những khu phố chợ xung quanh, dẫn tới sự ra đời của phố cảng Đà Nẵng.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 114 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)