CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN (TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)
3.3 Sự phát triển kinh tế các làng xã ven sông Hàn
3.3.3 Hoạt động kinh tế ngư nghiệp và nghề làm muối
3.3.3.1 Kinh tế ngư nghiệp.
Do nằm ở vị trí vừa gần sông, vừa gần biển, với vịnh sâu và thềm lục địa dài, có nhiều luồng sinh vật biển đến sống, nên hoạt động ngư nghiệp ở vùng ven sông Hàn rất phát triển, trở thành nghề chính của nhiều làng. Qua khảo sát thực tế cho thấy, vùng ven sông Hàn có nhiều dấu tích của nghề đánh bắt cá như: lễ hội cầu ngư, đền cá Ông…
Hầu hết các làng xã ven sông Hàn đều có nghề đánh cá, tiêu biểu là ở các làng An Hải, Nại Hiên Đông, Mỹ Khê, Nam An, Tân An. Nhân dân trong vùng còn lưu truyền câu ca:
Vũng Nồm, bãi Bắc đưa về
Mỹ Khê, làng Mới làm nghề lưới giăng
Tại làng An Hải, có một bộ phận cư dân sống bằng nghề đánh bắt cá. Ở vùng ven biển An Đồn, An Vĩnh thuộc làng An Hải có lăng thờ cá Ông, một tín ngưỡng của cư dân miền biển. Ngư dân làng An Hải chủ yếu đánh bắt cá biển. Những sản phẩm đánh bắt được vừa đáp ứng nhu cầu nhân dân trong
làng, vừa đem đi bán tại các chợ Hà Thân, Hải Châu [157]. Ở làng Nại Hiên Tây, có một bộ phận cư dân đánh bắt cá trên sông Hàn và ở Vũng Thùng.
Làng Hải Châu, mặc dù nghề đánh cá không phát triển như ở các làng khác, song cũng thu hút một bộ phận cư dân trong làng tham gia. Làng Nại Hiên Đông, đa phần cư dân sống bằng nghề đánh bắt cá sông, cá biển. Mỹ Khê, Tân An là hai làng có cư dân sống bằng nghề đánh bắt cá chủ yếu. Phần lớn ngư dân hai làng này đánh bắt cá biển, đánh bắt xa bờ.
Nghề đánh bắt cá của ngư dân vùng ven sông Hàn bao gồm đánh bắt trên biển và đánh bắt trên sông. Những làng có cư dân đánh bắt cá trên biển là những làng gần biển, cư dân ở đây xem nghề đánh bắt cá là hoạt động kinh tế chủ yếu. Còn các làng đánh bắt cá trên sông thường coi nghề đánh bắt cá là nghề phụ, chỉ có một bộ phận nhỏ cư dân tham gia.
Về tình hình ngư nghiệp ở vùng ven sông Hàn, phái đoàn Macartnay ghé cửa Hàn vào thời vua Nguyễn Quang Toản cho biết: người Đà Nẵng chuyên ngư nghiệp, ghe thuyền đánh các đậu dọc bờ sông, người đánh cá hoạt động trên biển cả [109]. Tại đây, người Anh đã chứng kiến một câu chuyện khiến họ ngạc nhiên: khi hạm đội còn ở ngoài khơi, người Anh đã gọi một thuyền đánh cá đến với ý định thuê người địa phương thông thạo dẫn đường vào cảng. Vì họ (ngư dân) không biết ý định của người Anh, nên các cha con người đánh cá bị gọi đã nhất quyết hy sinh. Cuối cùng, người cha già đã quyết định thay các con đảm nhiệm công việc nguy hiểm là lên tàu ngoại quốc để các con được sống [109].
Đến đầu thế kỷ XIX, hoạt động ngư nghiệp ở vùng ven sông Hàn tiếp tục được duy trì và phát triển. Các làng đánh cá: Tân An, Mỹ Khê, An Hải, Nại Hiên Đông, Mân Quan, Nam Thọ cư dân vẫn xem đánh bắt cá là nghề chính. Nghề này vẫn được tiếp tục duy trì cho đến ngày nay.
Tóm lại, hoạt động kinh tế ngư nghiệp ở các làng xã ven sông Hàn chiếm một vịt trí quan trọng trong đời sống kinh tế của cư dân nơi đây. Hầu hết cư dân vùng ven sông Hàn đều có hoạt động đánh bắt cá. Sự phát triển của
kinh tế ngư nghiệp đã tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển đời sống kinh tế của cư dân trong vùng, làm tăng tính đa dạng trong các hoạt động kinh tế của cư dân các làng xã ven sông Hàn.
3.3.3.2 Nghề sản xuất muối.
Ở vùng ven sông Hàn, bên cạnh các hoạt động kinh tế khác, cư dân còn có nghề làm muối. Các làng Nại Hiên Tây, Nại Hiên Đông, Hóa Khuê là những làng có nghề sản xuất muối, trong đó nổi tiếng nhất là tại các làng Nại Hiên.
Nghề làm muối ở đây được tiến hành như sau: diêm dân lấy tre đan thành các nồi lớn sau đó trát bằng đất sét. Nước biển được cho vào nồi nấu cho đến khi muối kết tinh. Về kỹ thuật này, dân địa phương còn lưu truyền câu ca:
Nại Hiên là làng ý, e
Lây muối bằng nước, lấy tre làm nồi
Theo người dân trong vùng, kỹ thuật làm muối này được bắt nguồn từ Thanh Hóa. Khi dân di cư vào đây đã mang theo nghề này. Muối được sản xuất ra chủ yếu được phục vụ nhân dân trong vùng và một số vùng phụ cận ở Đà Nẵng, Quảng Nam.
Nghề làm muối ở khu vực ven sông Hàn có sự biến động mạnh mẽ theo thời gian. Theo người dân địa phương, trước thế kỷ XIX, nghế làm muối còn chiếm vị trí quan trọng trong các hoạt động kinh tế của cư dân trong vùng. Tuy nhiên càng về sau, nghề này càng bị mai một. Vào đầu thế kỷ XIX, theo ghi chép trong địa bạ triều Nguyễn, đất dành cho làm muối tại các làng không đáng kể: làng Nại Hiên Đông Tây diện tích làm muối là 65 nại[30, tr.288].
Làng Hóa Khuê Trung Tây, diện tích làm muối là 298 nại [30, tr.287].
Đến cuối thế kỷ XIX, khi Đà Nẵng trở thành thành phố nhượng địa của Pháp, nghề làm muối ở khu vực ven sông Hàn cũng bị biến mất do quá trình đô thị hóa.
Tóm lại, làm muối không phải là nghề phổ biến của cư dân vùng ven sông Hàn. Nghề này không đóng góp nhiều về mặt kinh tế đối với cư dân trong vùng. Tuy vậy, nghề làm muối lại có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân.