Hoạt động kinh tế nông nghiệp

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 103 - 108)

CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN (TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)

3.3 Sự phát triển kinh tế các làng xã ven sông Hàn

3.3.1 Hoạt động kinh tế nông nghiệp

Vùng Thuận-Quảng được miêu tả là nơi khá giàu có về các sản vật nông nghiệp:

- Sách Ô châu cận lục viết: “Đất đai liền với phương Nam, cương giới bên ngoài Châu Ô. Dân lấy thóc làm giàu, nhà nông dùng trâu đạp lúa”[1, tr.72].

- Giáo sĩ Cristophoro Borri mô tả sự phát triển của nông nghiệp Đàng Trong năm 1621 như sau: “Nước lụt làm đất màu mỡ và phì nhiêu nên mỗi năm có 3 vụ lúa, đầy đủ và dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ vất vả để kiếm sống, ai cũng sung túc”[15, tr.19].

- Lê Quý Đôn miêu tả xứ Đàng Trong vào năm 1773 cho biết: ở đây cấy đến 26 giống lúa nếp và 23 giống lúa tẻ. Ở đây nhiều nơi ruộng đất cứ 1 hộc thóc giống thì thu được 300 hộc [27].

Vùng ven sông Hàn không phải là khu vực thuận lợi cho hoạt động kinh tế nông nghiệp. Ở đây không có đồng bằng rộng lớn, đất đai phần lớn là đất cát, đất nhiễm mặn không thích hợp cho các loại cây trồng. Tuy nhiên do

nằm ven sông nên vùng này cũng được bổ sung lượng phù sa hàng năm. Vì vậy, ở đây có thể trồng lúa và một số loại cây trồng khác.

Ban đầu khi mới vào đây, cư dân chủ yếu dựa vào khai hoang, trồng trọt để ổn định cuộc sống, bên cạnh khai thác các nguồn lợi có sẵn từ tự nhiên.

Để khuyến khích khai hoang, các chúa Nguyễn đã cho phép biến ruộng khai hoang thành ruộng tư: “Nếu có người đem công sức mình ra khai phá những chỗ rừng rú bờ hoang, thành ruộng khai ra, thì cho làm ruộng tư, nhà nước thu thóc, tô”[27, tr.125]. Điều này có tác dụng khuyến khích công việc khai hoang các vùng đất mới.

Ở vùng ven sông Hàn, hầu hết các làng đều có có hoạt động kinh tế nông nghiệp:

- Làng An Hải, trong giai đoạn đầu, hoạt động kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng. Các tiền dân của làng An Hải đã tiến hành đắp đê ngăn mặn, biến vùng đất nhiễm mặn bên bờ Đông sông Hàn thành những cánh đồng lúa nước An Trung, An Thị, An Thượng. So với các làng xã khác ở bờ Đông sông Hàn, An Hải có hoạt động kinh tế nông nghiệp khá phát triển [157].

- Làng Nại Hiên Tây, hoạt động kinh tế nông nghiệp chiếm một vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế của cư dân trong làng. Văn bia chùa Long Thủ lập năm 1657 có ghi về việc cúng ruộng đất cho chùa như sau: “Một thửa ruộng 1 mẫu tọa lạc tại cửa Đình mua giá 40 quan tiền; một thửa 1 mẫu ở Giếng Vũng mua 37 quan; một thửa 1 mẫu, 1 sào cũng ở Giếng Vũng mua 25 quan” [102]. Điều này cho thấy, đến giữa thế kỷ XVII, ở làng Nại Hiên Tây kinh tế nông nghiệp đã phổ biến, ruộng đất đã được khai phá nhiều, thậm chí còn tiến hành trao đổi mua bán. Theo người dân ở địa phương, trước đây nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính chứ không phải là nghề làm muối [163].

- Làng Mân Quan, ban đầu các vị tiền hiền đã khai phá vùng đất ở chân núi Sơn Trà. Tiếp đó các cư dân trong làng đã khai phá về phía Nam, vì vậy lãnh thổ của làng được mở rộng, lập nên làng mới có tên Mân Quan xã – Chu

Me xứ (phân biệt với làng cũ Mân Quan xã – Vĩnh Yên xứ). Nhận thấy vùng đất mới (Mân Quan xã – Chu Me xứ) phì nhiêu, màu mỡ, một bộ phận dân trong làng đã chọn vùng đất này làm nơi định cư lâu dài [160].

- Làng Hải Châu có dải đất phù sa dài và hẹp chạy ven sông thuận lợi cho trồng lúa và các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, do Hải Châu là trung tâm thương nghiệp của vùng ven sông Hàn và Đà Nẵng, có sự liên kết với Hội An, cho nên dân cư sinh sống đông đúc. Điều này đã làm cho diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp của làng bị thu hẹp và biến mất vào đầu thế kỷ XIX.

- Làng Nại Hiên Đông, các vị tiền hiền của làng đã tiến hành khai khẩn những vùng đất gần núi Sơn Trà để tiến hành trồng trọt. Làng Nam An, các tiền hiền Trương Công Bậc, Nguyễn Hữu Chữ đã cùng dân làng tổ chức mở mang đất đai, khai phá rừng núi, đào mương tháo nước, mở rộng diện tích để trồng lúa và một số loại cây lương thực, thực phẩm khác. Làng Mỹ Khê chỉ có một vùng đất nằm giữa hai con khe là Khe Trong và Khe Ngoài là có thế trồng trọt được.

Về tình hình nông nghiệp vùng ven sông Hàn, phái đoàn Macartnay (nước Anh) ghé vào cửa Hàn vào thời vua Nguyễn Quang Toản đã ghi lại: “Về nông nghiệp thì phong tục cũ còn nhiều. Nông dân có vẻ linh lợi, thông minh.

Đàn bà đông hơn đàn ông, đều chăm chỉ công việc đồng áng… Ở thôn quê, ruộng có bờ cao chỉ tưới bằng vò. Người dân cày ruộng với hai con trâu, cày bằng gỗ, ruộng mía san sát khắp nơi…Ngựa ở đây nhỏ con nhưng nhanh lẹ. Ở đây có cả lừa, la và vô số là dê… Ngay tại Đà Nẵng người ta thấy có 1 thành phố trồng nhiều loại cây ăn quả. Bên bờ sông bên kia (Hà Thân) mở ra nhiều đám ruộng, gỗ vườn tược bao bọc quanh, trong đó có trồng thuốc lá, mía”

[109, tr.89].

Từ tài liệu trên có thể nhận định bước đầu tình hình nông nghiệp ở vùng ven sông Hàn như sau:

- Về kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp: cày được làm bằng gỗ, cày với hai con trâu, ruộng được đắp bờ tưới nước.

- Về chủng loại cây trồng, ngoài lúa còn có các loại cây trồng khác như:

mía, bông, thuốc lá.

- Về vật nuôi, ở đây có nhiều loại như: trâu, ngựa, lừa, la, dê.

Như vậy vào cuối thế kỷ XVIII, tình hình nông nghiệp ở Đà Nẵng (trong đó chủ yếu là vùng ven sông Hàn) được mô tả là khá đa dạng về các loại cây trồng, vật nuôi. Điều này phản ánh được phần nào bức tranh nông nghiệp của vùng ven sông Hàn trong thời gian cuối thế kỷ XVIII.

Vào đầu thế kỷ XIX, kinh tế nông nghiệp ở vùng ven sông Hàn bị thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, dựa vào địa bạ cho thấy, nhiều làng xã vùng ven sông Hàn vẫn xem nông nghiệp là hoạt động quan trọng. Cụ thể, diện tích điền thổ (đất dùng cho sản xuất nông nghiệp) của các làng xã ven sông Hàn vào đầu thế kỷ XIX như sau:

Bảng 6. BẢNG THỐNG KÊ DIỆN TÍCH ĐIỀN THỔ CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN VÀO ĐẦU THẾ KỶ XIX (Không kể những làng mất địa

bạ)

Đơn vị: mẫu – sào – thước – tấc

STT Tên làng xã Tổng DT điền thổ DT công điền DT tư điền

1 An Hải 136.6.0.8 0 136.6.0.8

2 Cổ Mân 128.3.7.0 62.7.2.2 55.6.4.8

3 Mỹ Thị 0 0 0

4 Hóa Khuê Đông 216.5.6.1 58.9.0.0 157.6.6.1

5 Nam An 33.2.9.0 0 33.2.9.0

6 Phúc Trường 7.4.5.7 0 7.4.5.7

7 Tân An 2.5.6.5 0 2.5.6.5

8 Thạch Tượng Quán Khái 121.2.8.6 44.5.6.9 76.7.1.7

9 Quán Khái 182.9.6.4 64.6.0.2 118.3.6.2

10 Hải Châu chính xã 0 0 0

11 Nại Hiên Đông Tây 8.0.3.9 0 8.0.3.9

12 Mỹ Khê 10.6.4.0 0 10.6.4.0

13 Hóa Khuê Trung Tây 297.8.2.8 29.5.0.0 268.3.2.8 Nguồn [30]

Qua bảng trên cho thấy, những xã sau còn đất ruộng trồng lúa: An Hải, Cổ Mân, Phúc Trường, Hóa Khuê Đông, Nam An, Tân An, Thạch Tượng Quán Khái, Quán Khái, Nại Hiên Đông Tây, Mỹ Khê, Hóa Khuê Trung Tây.

Tuy vậy diện tích đất nông nghiệp các xã này đã bị thu hẹp đáng kể. Các xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn khá lớn là An Hải, Cổ Mân, Hóa Khuê Đông, Thạch Tượng Quán Khái, Quán Khái, Hóa Khuê Trung Tây (đất sản xuất nông nghiệp trên 100 mẫu). Xã có diện tích đất ruộng lớn nhất thời kỳ này là Hóa Khuê Trung Tây với tổng diện tích 297 mẫu 8 sào 2 thước 8 tấc.

Các xã khác như: Mỹ Khê, Nại Hiên Đông Tây, Tân An, Phúc Trường đất ruộng chiếm diện tích rất ít (bình quân dưới 10 mẫu). Các xã: Hải Châu, Mỹ Thị, diện tích đất ruộng đã biến mất. Diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp bởi các nguyên nhân sau: sự gia tăng dân số, sự phát triển của thương nghiệp, sự xâm nhập mặn của nước biển và bước đầu của quá trình đô thị hóa.

Cũng như các vùng quê khác trong cả nước, lúa vẫn là cây trồng chủ yếu trong các loại cây trồng. Đất trồng lúa chiếm tỷ lệ lớn so với diện tích đất các loại cây khác. Ngoài lúa, ở đây còn có một số cây trồng khác như: mía, bông, dâu tuy nhiên diện tích không đáng kể. Theo ghi chép của địa bạ triều Nguyễn, diện tích đất trồng dâu của toàn khu vực ven sông Hàn là 4 mẫu 5 sào (tại các làng Nại Hiên Đông Tây và Hóa Khuê Trung Tây) [30].

Tóm lại, sản xuất nông nghiệp là một hoạt động kinh tế đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của cư dân các làng xã ven sông Hàn, đặc biệt là trong buổi đầu. Trong đó, lúa là cây trồng chủ đạo, ngoài ra còn có một số cây trồng khác như: mía, thuốc lá, dâu, khoai, sắn… Càng về sau diện tích đất nông nghiệp các làng xã ven sông Hàn càng bị thu hẹp, hoạt động nông nghiệp giảm dần. Mộ bộ phận lớn cư dân các làng xã ven sông Hàn chuyển qua các hoạt động kinh tế khác như ngư nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Xét tổng thể, khu vực ven sông Hàn không phải là nơi có thế mạnh về nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống kinh tế của cư dân nơi đây, đặc biệt là trong buổi đầu vào đây khai hoang, lập làng.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 103 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)