Việc thiết lập hệ thống phòng thủ ở vùng ven sông Hàn trong nửa đầu thế kỷ XIX

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 87 - 92)

CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN (TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)

3.1 Tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ làng xã ở vùng ven sông Hàn

3.1.2 Việc thiết lập hệ thống phòng thủ ở vùng ven sông Hàn trong nửa đầu thế kỷ XIX

Cùng với việc dựng bộ máy quản lý làng xã, vào đầu thế kỷ XIX vùng ven sông Hàn đã trở thành nơi bố phòng các hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn nhằm chống lại âm mưu xâm lược từ các nước phương Tây.

Do những lo ngại về tình hình an ninh, triều Nguyễn đã ra những quy định hạn chế giao thương với phương Tây. Theo đó, các hoạt động ngoại giao, giao thương giữa nước ta với các nước phương Tây chỉ được phép diễn ra tại một cửa biển duy nhất, đó là Đà Nẵng. Với vị trí chiến lược nằm ngay cạnh cửa biển Đà Nẵng, vùng ven sông Hàn có những thời cơ thuận lợi trong việc giao lưu, tiếp xúc với các nước phương Tây. Tuy nhiên, chính điều này đã đặt khu vực này đứng trước những thách thức nghiêm trọng, đó là nguy cơ vùng ven sông Hàn trở thành cửa ngõ cho sự xâm lược của các nước phương Tây.

Nhận thức được vấn đề này, triều Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống phòng thủ tại cửa biển Đà Nẵng và vùng ven sông Hàn nhằm đối phó với những thách thức xâm lược từ phương Tây.

Ngay sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long đã cho thiết lập Thủ sở tại tấn Đà Nẵng, là cơ quan an ninh tại cửa biển. Thủ sở đặt tại hữu ngan sông Hàn, có quân đồn trú và có trấn thủ chỉ huy [17, tr.197]. Năm 1812, triều đình lại sai Nguyễn Văn Thành lập đài Điện Hải và bảo An Hải nằm hai bên bờ sông Hàn để quan sát biển và phòng thủ Đà Nẵng [62, tr.857]. Tiếp đó các vị vua kế vị như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đã dành sự quan tâm đặc biệt cho việc thiết lập hệ thống phòng thủ tại cửa biển Đà Nẵng và vùng ven sông Hàn để đối phó với thách thức ngày càng lớn đến gần từ các nước phương Tây. Trong quá trình đó, hệ thống phòng thủ vùng ven sông Hàn đã được thiết lập. Dưới đây là một số công trình phòng thủ trọng yếu:

Thành Điện Hải và An Hải

Thành Điện Hải được xây dựng vào năm Gia Long thứ 12, tại làng Hải Châu. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Thành Điện Hải: ở phía Đông huyện Hòa Vang, phía tả cửa biển Đà Nẵng: chu vi 139 trượng, cao 1 trượng 2 thước; hào sâu 7 thước; có 3 cửa, 1 kỳ đài, 30 ụ đặt súng lớn. Năm Gia Long thứ 12 (1813) đắp đài ở cửa biển Đà Nẵng gần mé biển. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) dời đến đây, xây gạch. Năm thứ 15 (1834), cải làm thành. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) xây sửa lại”[61, tr.60].

Năm 1823, vua Minh Mạng đã cho dời đài Điện Hải về phí Nam, cách đài cũ hơn 50 trượng, lý giải về quyết định của mình, vua Minh Mạng nói:

“Đầu đời Gia Long xây đắp đài này, công việc buổi đầu, người trông coi lại không được giỏi cho nên không được kiên cố. Lại thêm gần sát bờ biển, nước biển xói mòn, ngày càng sụt lở, từng đã đóng cọc xây đá song nước mạnh dữ, sức người khó chống. Trẫm thấy đặt đài này là để củng cố bờ biển, giữ mạnh thế nước, há có thể sợ ngại khó nhọc, tổn phí mà để đấy không hỏi đến sao?

Nay sai người ngắm đo hình thế, nên dời phía Nam hơn 50 trượng là chỗ đất rộng mà xây” [63, tr.264].

Đối diện bên kia bờ sông của thành Điện Hải là thành An Hải, được xây dựng tại làng An Hải. Về thành An Hải, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Thành An Hải: ở phía hữu cửa Đà Nẵng, thuộc xã An Hải, huyện Diên Phước: chu vi 41 trượng, 2 thước; cao 1 trượng, 1 thước; hào sâu 1 trượng; có 2 cửa, 1 kỳ đài, 22 chỗ ụ đặt súng lớn. Năm Gia Long thứ 12 (1813), đắp thành đất, tên là bảo An Hải. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), xây gạch. Năm thứ 15 (1834), cải tên là thành” [61, tr.60]. Như vậy thành An Hải được xây dựng cùng thời với thành Điện Hải nhưng có quy mô nhỏ hơn.

Về việc trang bị bố phòng, tại thành Điện Hải ban đầu đài do tiền quân Nguyễn Văn Thành trông coi với lực lượng đồn trú, trấn giữ là 500 người [62, tr.857]. Năm 1823, vua Minh Mạng lấy Cai đội vệ Hữu bảo nhị của Hữu quân là Đào Văn Nghị làm phó vệ úy, quản lĩnh biền binh coi giữ đài Điện Hải [63, tr.334]. Năm 1825, đổi bổ phó vệ úy Hữu bảo nhị của Hữu quân là Đào Văn

Nghị làm phó vệ úy Tín trực án thủ đài Điện Hải, kiêm quản biền binh đóng giữ” [63, tr.432]. Tháng 5 năm 1827, năm Minh Mạng thứ 8, khởi phục Nguyễn Văn Lượng làm Hiệu úy Cẩm Y, hiệp cùng phó vệ úy Tín trực là Đào Văn Nghị, giữ đài Điện Hải, kiêm quản pháo đài Định Hải [63, tr.639]. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), triều đình ra lệnh cho lính thủy vệ Quảng Nam đóng giữ 2 thành An Hải và thành Điện Hải chia làm 2 ban: 1 ban lưu ngũ, 1 ban nghỉ ngơi [64, tr.674]. Dùng phó vệ úy giữ thành An Hải và Điện Hải là Nguyễn Văn Lượng làm lãnh binh Quảng Nam chuyên coi biền binh ở thành Điện Hải, thành An Hải [64, tr.698].

Năm 1836, bộ Binh đã trình tấu nêu rõ: “Thành Điện Hải và thành An Hải thuộc Quảng Nam cùng với pháo đài Định Hải đều là nơi trọng địa bờ biển. Trước đã đặt ở thành Điện Hải 1 Thành thủ úy, lại có 1 lãnh binh kiêm giữ cả 2 thành và pháo đài. Mỗi năm, phái 1 vệ lính kinh theo đi đóng giữ...

Duy thành Điện Hải có nhiều tàu, thuyền tụ họp, so với thành An Hải, quan trọng xung yếu hơn. Vậy xin chuyển đặt 1 quản vệ với 300 biền binh đóng mãi ở thành Điện Hải, 1 phó vệ úy hoặc thành thủ úy với 200 biền binh đóng mãi ở thành An Hải”. Vua y theo [64, tr.901-902].

Về vũ khí trang bị, năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua đã chuẩn định lệ chia đặt cỗ súng cho các thành, trong đó thành Điện Hải được cấp: “2 cỗ đại luân xa thảo nghịch tướng quân đồng pháo, 10 cỗ đại luân xa cương pháo, 34 cỗ quá sơn đồng pháo, 26 cỗ hồng y cương pháo” [64, tr.859]; thành An Hải được cấp: “6 cỗ đại luân xa thảo nghịch tướng quân đồng pháo, 21 cỗ quá sơn đồng pháo, 24 cỗ hồng y cương pháo” [64, tr.859].

Về lương thực: vua dụ rằng: “Đến như ở thành và đài chuẩn cho chứa cả thóc và gạo; 2 thành An Hải, Điện Hải mỗi nơi chứa 400 hộc thóc, 50 phương gạo. Gạo thì cứ 3 tháng 1 lần thay đổi, phát cho biền binh trú phòng và tùy tiện chi cho những người ở gần. Nếu gặp khi phải chi nhiều thì đem số thóc chứa xay giã thành gạo để cho đủ dùng” [64, tr.994].

Như vậy, việc xây dựng 2 thành Điện Hải và An Hải cùng với việc tổ chức quản lý, bố phòng, trang bị vũ khí, lương thực ở đây được triều Nguyễn tổ chức hết sức tỷ mỹ và cẩn trọng. Hai thành Điện Hải và An Hải được xem là 2 cứ điểm phòng thủ quan trọng nhất của triều đình Huế tại Đà Nẵng.

Tấn Đà Nẵng và Trấn Dương thất bảo.

Về tấn Đà Nẵng, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Cửa Tấn Đà Nẵng: ở địa giới 2 huyện Diên Phước và Hòa Vang, có tên nữa là cửa Hàn, rộng 105 trượng: khi nước lên sâu 5 thước 5 tấc, nước ròng sâu 4 thước 5 tấc.

Đầu niên hiệu Gia Long đặt thủ sở ở bờ phía hữu cửa biển. Năm Minh Mạng thứ 9 (1828) cấp ngựa trạm cho Thủ sở; năm thứ 17 đặt vọng lâu ở chỗ tấn, cấp cho kính thiên lý để trong nom ngoài biển” [61, tr.63].

Tấn Đà Nẵng là cứ điểm quan sát đầu tiên nhằm theo dõi các hoạt động tàu thuyền ra vào cửa biển Đà Nẵng. Bên cạnh chức năng quan sát, tấn Đà Nẵng còn là một cứ điểm quân sự đầu tiên trong việc đối đầu với các thế lực xâm lược.

Còn về Trấn Dương thất bảo, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Ở phía hữu cửa biển Đà Nẵng. Bảo thứ nhất ở đảo Mỏ Diều, có xây tường: chu vi 23 trượng, cao 4 thước 3 tấc. Bảo thứ 2 ở đảo Cô (Hòn Cô): chu vi 41 trượng, cao 4 thước 3 tấc. Bảo thứ 3, bảo thứ 4 ở phía Tây Nam chân núi Trà Sơn: chu vi 8 trượng, cao 2 thước 7 tấc. Xét: năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), đắp 7 cái bảo, đúng súng lớn chia đặt các bảo ấy, gọi tên là Trấn Dương thất bảo:

(7 bảo trấn giữ ngoài biên). Năm Tự Đức thứ 3 (1850), triệt bỏ 3 bảo thứ 5 thứ 6 và thứ 7, chỉ để lại bảo thứ nhất đến bảo thứ 4” [61, tr.61].

Pháo đài Phòng Hải.

Pháo đài Phòng Hải được xây dựng tại xã Mân Quan, sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Pháo đài Phòng Hải: ở phía Đông Bắc cửa Đà Nẵng, tại núi Trà Sơn, thuộc xã Mân Quan, huyện Diên Phước. Đường kính 9 trượng, cao 6 thước 3 tấc; 1 cửa, 1 kỳ đài, 16 ụ đặt súng lớn. Xây đắp năm Minh Mạng 21 (1840), năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đắp lại” [61, tr.60]. Như vậy, pháo đài

Phòng Hải được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 21 (1840). Nguyễn Tri Phương là người được giao trọng trách xây dựng pháo đài này. Sau khi quan sát thực địa, Nguyễn Tri Phương đã viết tấu đề nghị: “Đảo Mỏ Diều nguyên từ núi Trà nhô ra, trông chếch về phía đầu nguồn Cu Đê. Nếu xây pháo đài hình bầu dục thì không những tháp méo nhiều đoạn, xây dựng tốn nhiều công mà ở ngoài biển trông vào thì pháo đài không tề chỉnh. Xin đổi xây làm pháo đài tròn, đường kính 9 trượng, hơn pháo đài Định Hải 7 thước, 2 tầng trên dưới dài thành đặt 27 cỗ súng (tầng trên 8 cỗ súng đồng Quá sơn, tầng dưới 19 cỗ súng gang Hồng y). Kho thuốc súng, kho lương, trại lính đều làm ở trong đài, cho được chỉnh và tiện” [65, tr.759]. Đề nghị của Nguyễn Tri Phương đã được vua Minh Mạng chấp thuận: “Chuẩn cho lượng lấy hơn 400 binh dân giao cho Lãnh binh Lương Văn Liễn, hiệp cùng với ty ở bộ, vệ Giám thành ở Kinh phái đến trông coi việc làm pháo đài ấy. Rồi sai phái thêm 200 biền binh đến chỗ bãi cát Trà Sơn, chọn chỗ cao ráo làm một xưởng ngói (10 gian 2 chái), trong xưởng đặt sàn gác, các thứ buồm dây của các thuyền bọc đồng hiện ở đấy, đều để trên gác theo cách thức mà đặt để. Đến khi pháo đài xây xong, chuẩn phái 1 suất đội, 1 thư lại, 20 biền binh, 3 lính pháo thủ trong tỉnh đến nơi phòng giữ.

Biền binh thì mỗi tháng đổi 1 lần, thư lại thì mỗi năm đổi 1 lần. Lại dự trữ 200 quan tiền, 150 hộc thóc, 50 phương gạo, 5 phương muối. Thóc, muối 2 năm 1 lần đổi, gạo 3 tháng 1 lần đổi, để phát cho các người trú phòng” [65, tr.760].

Như vậy, pháo đài Phòng Hải là một công trình phòng thủ quan trọng ở Đà Nẵng, được triều Nguyễn hết sức quan tâm. Đây là một “mặt xích” trọng yếu trong hệ thống phòng thủ của triều Nguyễn ở Đà Nẵng và vùng ven sông Hàn.

Ngoài hệ thống các thành lũy, pháo đài nêu trên, ở vùng ven sông Hàn còn có các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián ở tả ngạn sông Hàn và các đồn Hóa Khuê, Mỹ Thị ở hữu ngạn sông Hàn. Từ tả ngạn trên một mũi đất nhô ra ở giữa sông là đồn Nại Hiên [17, tr.210].

Như vậy, vào nửa đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn đã cho xây dựng hệ thống phòng thủ ở khu vực ven sông Hàn. Việc xây dựng hệ thống phòng thủ khá dày đặc ở ven 2 bờ sông Hàn đã nói lên tầm quan trọng của vùng đất này đối với triều Nguyễn trong việc chống lại thách thức xâm lược đến từ phương Tây. Ngày 1, tháng 9, năm 1858, khi liên quân Pháp- Tây Ban Nha nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, hệ thống phòng thủ này đã có tác dụng nhất định trong việc giam chân giặc, không cho họ tiến sâu vào đất liền. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống này không có nhiều tác dụng như mong muốn của triều đình Huế, đặc biệt việc trang bị vũ khí quá lạc hậu nên rất khó trong việc chiến đấu đôi công với quân Pháp.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 87 - 92)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)