Hoạt động kinh tế thủ công nghiệp

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 108 - 111)

CHƯƠNG 3. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÁC LÀNG XÃ VEN SÔNG HÀN (TRONG CÁC THẾ KỶ XVII, XVIII VÀ NỬA ĐẦU THẾ KỶ XIX)

3.3 Sự phát triển kinh tế các làng xã ven sông Hàn

3.3.2 Hoạt động kinh tế thủ công nghiệp

Ở vùng ven sông Hàn, hoạt động kinh tế thủ công nghiệp khá khiêm tốn, do ở đây thiếu thế mạnh về ngành này. Vùng này cũng có ít làng nghề thủ công truyền thống lâu đời (trừ làng nghề điêu khắc đá ở Quán Khái). Vì vậy, việc tìm hiểu về các nghề thủ công, nhất là vào giai đoạn đầu gặp một số vấn đề khó khăn. Tuy vậy, dựa vào những tư liệu có được, bước đầu xin trình bày một vài nét về hoạt động kinh tế thủ công nghiệp ở vùng ven sông Hàn.

Các làng xã ven sông Hàn có một số nghề thủ công tiêu biểu như: nghề chế tác đá, nung vôi hàu, dệt vải, làm đường, làm nước mắm… Ở làng Hải Châu có một số nghề thủ công: kéo sợi, dệt vải, làm vôi. Làng Nại Hiên Tây có các nghề: nung vôi, dệt vải, làm đường. Trong đó tiêu biểu là nghề chế tác đá tại làng Quán Khái. Theo bia tiền hiền và các bậc cao niên trong làng, người có công sáng lập nghề điêu khắc đá ở làng Quán Khái là ông Huỳnh Bá Quát, xuất thân từ Thanh Hóa. Bia tiền hiền làng Quán Khái chép: “Thạch Tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá tộc thủy khai. Bổn xã Huỳnh Bá tộc phụng lập” [165]. Văn bia Phổ Đà Sơn linh trung phật tạc năm Canh Thìn (1640), tại động Hoa Nghiêm (Ngũ Hành Sơn) có ghi người tạc là một thợ ở làng Quán Khái [92]. Văn bia chùa Phổ Khánh xã Đại An (nay là xã Đại Hòa, huyện Đại

Lộc, tỉnh Quảng Nam) phần cuối bia có ghi: “Vĩnh Trị tam niên, tuế thứ Mậu Ngọ quý hạ cốc nhật lập bi. Bi. Thư tả: Lê Phúc Thông, Lê Hữu Thái. San tượng: Quán Khái xã” (dịch là: ngày lành của tháng cuối hạ, năm Mậu Ngọ (1678) niên hiệu Vĩnh Trị (Lê Hy Tông) thứ 3 lập bia. Bia. Người viết chữ: Lê Phúc Thông, Lê Hữu Thái. Thợ khắc: Quán Khái xã) [151].

Căn cứ vào các văn bia cho thấy, nghề điêu khắc đá xuất hiện ở làng Quán Khái muộn nhất là vào giữa thế kỷ XVII. Ban đầu, nghề chế tác đá chỉ chạm khắc văn bia, chế tác cối xay, cối giã, làm chì lưới. Sản phẩm nghề đá của làng Quán Khái không chỉ phục vụ nhu cầu nhân dân trong vùng mà còn cung cấp cho các vùng khác ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Nhìn chung, vào giai đoạn đầu, hoạt động thủ công nghiệp của các làng xã ven sông Hàn chỉ giới hạn ở một số ngành nhằm phục vụ nhu cầu của người dân trong vùng. Một số làng nghề (như làng điêu khắc đá ở Quán Khái) đã tạo được danh tiếng trong khu vực.

Vào cuối thế kỷ XVIII, theo ghi chép trong bản du ký của phái đoàn Macartnay (Anh quốc), ở Đà Nẵng có một số nghề thủ công như: dệt vải, làm mía đường. Nghề dệt vải được mô tả: “Trẻ con lột trái bông vải, đàn bà kéo sợi và dệt thành những tấm vải thô rồi đem nhuộm một màu xanh (thực ra là màu chàm)” [109, tr.89]. Nghề làm mía đường, phái đoàn Macartnay mô tả:

“Sau khi gạt ra ngoài các tạp chất và làm cho đường đông đặc, họ trải nó ra, bề cao gần 2cm, đường kính dưới 30cm rồi lấy một khúc thân cây chuối có mủ và nước để nhỏ giọt xuống đường, mủ và nước từ thân cây chuối lọc sạch những bợn nhỏ và chất mật còn lại làm cho nhẹ và lỗ chỗ như một tổ ong. Khi ngâm đường trong nước, nó không có chút cặn nào” [109, tr.89].

Vào đầu thế kỷ XIX, kinh tế thủ công nghiệp của các làng xã ven sông Hàn chỉ còn lại một số nghề: nung vôi hàu, làm nước mắm, điêu khắc đá.

Do gần biển, nghề đánh bắt cá phát triển, nên ở vùng ven sông Hàn có nghề làm nước mắm, tiêu biểu là nghề làm nước mắm ở làng Mỹ Khê. Tuy

nhiên ngành này chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ, phần lớn sản phẩm chỉ cung cấp cho vùng mà chưa có sản phẩm nổi tiếng.

Một nghề thủ công khác khá phát triển ở vùng ven sông Hàn vào thế kỷ XIX là nghề nung vôi hàu. Nghề này đã có từ trước, đến giai đoạn này phát triển mạnh do nhu cầu xây dựng tăng lên. Dựa vào nghiên cứu thực địa, cho thấy có 3 làng làm nghề vôi hàu là An Hải, Nại Hiên Tây, Hải Châu trong đó phát triển nhất ở làng An Hải. Đây là những làng trung tâm của vùng, nhu cầu xây dựng lớn nên một bộ phận cư dân trong làng làm nghề nung vôi hàu. Mặt khác, vùng này có những lợi thế về nguyên liệu, thị trường nên nghề vôi hàu có điều kiện phát triển. Nghề nung vôi hàu được tiến hành như sau: các loại vỏ như vỏ sò, vỏ ốc, vỏ hến được phơi khô rồi đem vào lò nung. Khi xây dựng lấy ra, đem trộn với nước lã và tiến hành xây dựng. Về nghề này, nhân dân trong vùng còn lưu truyền câu ca:

Gió Nam thổi xuống lò vôi

Ai nói với bạn ta có đôi cho bạn buồn

Năm 1883, sau hòa ước Quí Mùi, người Pháp tiến hành dời mồ mả, nhà cửa để mở phố tại Đà Nẵng, Công sứ Gouin viết về nền thủ công của Đà Nẵng như sau: “Nền thủ công nghiệp của dân bản thổ là nghề cào vỏ hàu, nghêu, hến để nung vôi ăn trầu. Trữ lượng vỏ hàu hến từ nguồn thủy sản nước ngọt hay nước mặn nằm chết trong vùng nước lợ ấy thật đáng kể. Dân chài dăng một sợi dây có gắn một vật nặng trôi lăn, và một khi cào xuống đáy, những que càng của loại có vỏ nằm sóng sượt trên cát. Vỏ hàu hến này cào thành đống dọc theo sông đầm, trắng xóa giống như những đống muối ở một vùng thủy triều nước mặn”[20, tr.358].

Nghề này dần bị biến mất do sự xuất hiện của những vật liệu xây dựng mới. Hiện nay, tại làng An Hải có xóm An Thuần, nơi làm nghề vôi nổi tiếng một thời.

Nhìn chung, bức tranh kinh tế thủ công nghiệp các làng xã ven sông Hàn khá nhỏ bé, quy mô hộ gia đình. Nghề thủ công chỉ xuất hiện ở một số làng xã trung tâm như Hải Châu, An Hải, Nại Hiên Tây, Quán Khái do dân cư ở những làng này đông đúc, hoạt động thương nghiệp phát triển. Các nghề thủ công ở vùng ven sông Hàn gắn liền với nông nghiệp và thương nghiệp, tạo nên sự phát triển trong mối quan hệ tương hỗ giữa các ngành. Các ngành thủ công nghiệp phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu nhân dân trong vùng, một số nghề phục vụ cho việc trao đổi, buôn bán với các làng ở khu vực lân cận. Tuy nhiên, do không có thế mạnh, sự phát triển mạnh của các ngành kinh tế khác, kinh tế thủ công nghiệp ở các làng xã ven sông Hàn dần bị thu hẹp lại. Tuy vậy, sự phát triển của các hoạt động kinh tế thủ công nghiệp góp phần tạo nên bức tranh kinh tế đa dạng cho vùng ven sông Hàn.

Một phần của tài liệu Quá trình hình thành và phát triển các làng xã ven sông Hàn (Đà Nẵng) từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)