CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG VỀ HỆ THỐNG KSNB TẠI CƠ QUAN
2.4. Đánh giá chung công tác kiểm soát nội nội bộ tại cơ quan Thanh tra tỉnh Đồng Nai
2.4.2. Tồn tại và nguyên nhân
2.4.2.3. Hoạt động kiểm soát
Công tác thanh tra:
- Tồn tại:
+ Thời hạn các cuộc thanh tra thường kéo dài, vi phạm thời gian theo quy định của pháp luật, không đáp ứng được yêu cầu khẩn trương, kịp thời của công tác quản lý nhà nước
+ Báo cáo về công tác thanh tra có chậm so với kế hoạch . Mặc dù Đoàn thanh tra có nhiều cố gắng trong việc thẩm tra, xác minh, kết luận các nội dung thanh tra nhưng chất lượng báo cáo kết quả thanh tra còn hạn chế.
- Nguyên nhân:
Thời hạn các cuộc thanh tra kéo dài nguyên nhân chủ yếu do:
+ Trong qúa trình khảo sát để tham mưu quyết định thanh tra, bộ phận chuyên môn chưa lượng hoá được hết các nội dung yêu cầu của cuộc thanh tra: như thời gian, nhân lực cần tiến hành với khối lượng công việc cần thanh tra, chưa dự báo hết được tình hình phát sinh và các điều kiện khách quan có thể xảy ra, nên khi tổ chức thanh tra trực tiếp thường gặp phải khó khăn vướng mắc, dẫn tới cuộc thanh tra kết thúc không đúng thời hạn như đã quy định, ở khâu này cũng có lỗi của người có thẩm quyền duyệt, ban hành Quyết định thanh tra;
+ Việc xây dựng, duyệt đề cương, kế hoạch thanh tra còn xem nhẹ, thiếu chi tiết, cụ thể, khoa học dẫn đến việc tổ chức, thực hiện thanh tra trực tiếp gặp khó khăn, trở ngại (thậm chí có đoàn thanh tra không thực hiện theo kế hoạch thanh tra ban đầu); Trưởng đoàn thanh tra chưa thật sự phát huy hết trách nhiệm của mình, chưa chỉ đạo sâu sát về mặt thời gian đối với các nội dung được phân công cho bộ phận, thanh tra viên tiến hành thanh tra trực tiếp.
+ Việc chỉ đạo của người ra Quyết định thanh tra, người được giao giám sát Đoàn thanh tra có lúc còn thiếu sâu sát, quyết liệt;
+ Đối tượng thanh tra thiếu hợp tác, cố tình trì hoãn cung cấp các số liệu, tài liệu phục vụ công tác thanh tra, chậm trễ thống nhất kết quả thanh tra.
+ Việc xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, tham mưu, duyệt, ban hành Kết luận thanh tra, quyết định thanh tra thiếu tính khoa học, hệ thống dẫn đến mất nhiều thời gian nhất ở khâu này.
+ Sự không đồng đều về trình độ nghiệp vụ thanh tra của các thành viên Đoàn thanh tra cũng làm chậm tiến độ thanh tra trực tiếp, kết thúc làm việc tại đơn vị được thanh tra.
Việc báo cáo công tác thanh tra còn chậm so với kế hoạch nguyên nhân chủ yếu do:
+ Trưởng đoàn thanh tra chưa chủ động bao quát, nghiệm thu kết quả đối với thành viên Đoàn thanh tra ngay trong thời gian thanh tra. Đoàn thanh tra chưa dành thời gian nghiên cứu xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả thanh tra trước khi kết thúc
thanh tra mà chủ yếu thực hiện công việc này khi đã kết thúc thanh tra tại đơn vị được thanh tra.
+ Hầu hết Trưởng Đoàn thanh tra đều viết báo cáo theo kinh nghiệm của mình.
Có người đã nhiều lần giữ cương vị Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn nên kinh nghiệm xây dựng báo cáo có thuận lợi hơn và chất lượng báo cáo cao hơn. Ngược lại, có người chưa có kinh nghiệm làm Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng đoàn nên thường khó khăn trong việc xây dựng báo cáo do đó dẫn đến thời gian xây dựng báo cáo kéo dài, chất lượng báo cáo không cao. Đối với một số thành viên Đoàn thanh tra tuy nắm được chuyên môn nghiệp vụ của các ngành kinh tế, kỹ thuật nhưng hạn chế về nghiệp vụ thanh tra nên khi lập biên bản, viết các báo cáo về phần việc được giao còn hạn chế, thiếu chặt chẽ, gây khó khăn cho Trưởng Đoàn khi viết Báo cáo kết luận.
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo:
- Tồn tại:
+ Đơn vị tuy có phòng tiếp công dân riêng nhưng còn chật hẹp, chưa khang trang, các trang thiết bị còn thiếu như: Tủ sách pháp luật, Camera. việc trang bị cơ sở hạ tầng và trang thiết bị còn hạn chế, không có các thiết bị hỗ trợ ghi lại kịp thời, đầy đủ các hành động, lời nói của công dân và cán bộ, công chức trong việc tiếp công dân, vì vậy việc đảm bảo điều kiện cho lãnh đạo cán bộ chuyên trách theo dõi, kiểm soát còn hạn chế, những diễn biến xảy ra tại phòng tiếp công dân của đơn vi chưa đảm bảo minh bạch và hiệu quả công tác tiếp công dân.
+ Vẫn còn tồn tại đơn thư vượt cấp và đoàn khiếu nại đông người gia tăng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, làm giảm lòng tin của nhân dân về năng lực điều hành, chỉ đạo của hệ thống chính quyền.
- Nguyên nhân:
Do hạn chế về kinh phí nên việc trang bị đầy đủ cho công tác tiếp dân còn hạn chế.
Việc vẫn còn tồn tại đơn thư vượt cấp và đoàn khiếu nại đông người chủ yếu do các nguyên nhân sau:
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có nhiều dự án đã và đang được triển khai thực hiện, một số hộ dân bị ảnh hưởng trong các dự án khi thu hồi đất, không đồng ý với giá bồi thường, hỗ trợ về đất và tái định cư nên phát sinh khiếu nại, nhất là đối với những dự án triển khai công tác bồi thường kéo dài hoặc khiếu nại của công dân có tâm lý so sánh mức giá giữa các dự án liền kề nhưng giá khác nhau. Mặc dù đã có nhiều giải pháp về đền bù, hỗ trợ nhưng giá đền bù khi thu hồi đất vẫn chưa sát với thực tế nên mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết đúng nhưng người dân vẫn khiếu nại; tâm lý người khiếu nại không muốn khởi kiện ra Toà án do phải nộp án phí và ngại mang tiếng khi khởi kiện nên tiếp tục khiếu nại kéo dài vượt cấp, gửi đơn thư đến nhiều nơi để cầu may.
Công tác tuyên truyền pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy đạt được những kết quả bước đầu tích cực nhưng vẫn còn hạn chế, chủ yếu vẫn nặng về hình thức tuyên truyền miệng thông qua báo cáo viên nên chưa thật sự thu hút, hấp dẫn người dân tham gia.
Nhận thức của của người dân về chính sách, pháp luật về đất đai và pháp luật về khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế, do đó việc khiếu nại, tố cáo sai còn nhiều.
Một số đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo có hành vi quá khích, coi thường pháp luật, tập hợp thành đoàn đông người đi vòng quanh các cơ quan Trung ương và địa phương, giương biểu ngữ, khẩu hiệu, tạo điều kiện cho các phần tử xấu có cơ hội kích động gây mất an ninh trật tự.
Nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhưngvẫn được các cơ quan Trung ương xem xét lại, khi người dân gửi đơn khiếu nại tiếp, nhiều cơ quan không có thẩm quyền giải quyết cũng nhận đơn rồi chuyển đơn.
Cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn bộc lộ một số hạn chế nên một số vụ việc giải quyết kéo dài hoặc phải giải quyết lại gây mất lòng tin của nhân dân vào cơ quan công quyền.
Công tác phòng chống tham nhũng:
- Tồn tại:
+ Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng xét về yêu cầu vẫn còn một số hạn chế như: thiếu tính hệ thống, thiếu sự gắn kết, phối hợp giữa các cấp, các ngành; nội dung tuyên truyền chưa thật sự hấp dẫn, nhiều nơi thực hiện chưa thường xuyên; chưa có sự tác động làm thay đổi căn bản nhận thức, quan điểm của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức về tham nhũng; việc tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế.
+ Công tác kê khai, minh bạch tài sản thu nhập tại một số cơ quan, đơn vị còn thiếu sót như: không lập phiếu giao nhận, kê khai sai mẫu, công khai không đúng thời gian quy định…Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của đơn vị đôi lúc còn hạn chế; việc phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội, đơn thư tố táo, báo chí phản ánh hoặc khi có cơ quan chức năng vào làm việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra mới phát hiện sai phạm.
+ Chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế; quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chậm, nhất là các vụ án tham nhũng có nội dung phức tạp; việc xem xét, xử lý các hành vi tham nhũng trong một số trường hợp chưa nghiêm, nặng về xử lý hành chính, cho hưởng án treo.
+ Hoạt động thanh tra phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra còn ít.
- Nguyên Nhân:
+ Thủ trưởng đơn vị vẫn chưa quan tâm đúng mức công tác phòng, chống tham nhũng, còn ngại đụng chạm; Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị, địa phương chưa duy trì tốt chế độ hội họp để chỉ đạo, có nơi còn lúng túng trong việc đề ra các giải pháp, phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng hoặc có làm nhưng thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa quan tâm đúng mức công tác kiểm tra phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.
+ Ban lãnh đạo chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN.
Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình bị buông lỏng. Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức, đảng
viên, trong đó có cả các cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
+ Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN có nhiều quy định mang tính hình thức, thiếu tính khả thi, thiếu những giải pháp có tính đột phá; mô hình, tổ chức các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa hợp lý, chưa đủ mạnh.
+ Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở; chưa giảm được các thủ tục không cần thiết có thể làm nẩy sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng, tín dụng, ngân hàng, quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.