Theo xu hướng chung của cả nước, cùng với những mặt tích cực của quá trình phát triển là những tác động tiêu cực của sự phát triển: sự phân hóa và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các nhóm dân cư, giữa nông thôn và đô thị, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, sự tăng trưởng kinh tế cũng đã làm thay đổi cấu trúc xã hội và nẩy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, đồng thời trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng, yêu cầu của xã hội về hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội cũng tăng cao. Đặc biệt là đối với các vấn đề sức khỏe tâm thần, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, người khuyết tật và thiểu năng trí tuệ, người già cô đơn, người nghèo, phụ nữ bị bạo hành.
Trong khi đó, số người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ của công tác xã hội và các đối tượng yếu thế cần sự trợ giúp xã hội ở tỉnh Quảng Ninh là rất lớn.
Do vậy đòi hỏi cần có những dịch vụ Công tác xã hội chuyên nghiệp để có thể giải quyết các vấn đề này một cách khoa học và hiệu quả nhằm thúc đẩy an sinh xã hội thông qua các hỗ trợ cho cá nhân, nhóm, cộng đồng.
- Sơ lược về chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm phục vụ cho việc thực hiện quản lý Nhà nước của Sở về lĩnh vực Công tác xã hội theo quy định của pháp luật; Tổ chức thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, cụ thể như sau:
1.1 Chức năng
- Phòng ngừa: Thực hiện khảo sát, nghiên cứu đánh giá để phát hiện những vấn đề cần hỗ trợ và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc kiểm soát và loại bỏ những vấn đề có hại đến việc thực hiện chức năng xã hội.
- Can thiệp hỗ trợ: Thực hiện các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng bị tổn thương và các hoạt động hỗ trợ dài hạn nhằm góp phần phục hồi chức năng xã hội của đối tượng.
- Phục hồi: Thực hiện các hoạt động nhằm đưa các đối tượng về trạng
thái bình thường trong thực hiện chức năng xã hội.
- Phát triển: Thực hiện các hoạt động giúp các đối tượng sử dụng tối đa tiềm năng và năng lực của mình, đồng thời tăng cường hiệu quả các nguồn lực xã hội hoặc cộng đồng để các đối tượng tái hòa nhập xã hội; hỗ trợ phát triển cộng đồng.
1.2 Nhiệm vụ
Thực hiện các hoạt động hỗ trợ khẩn cấp; Thực hiện các hoạt động về giáo dục xã hội và nâng cao năng lực; Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng; Hoạt động Quản lý trường hợp đối với các đối tượng cần trợ giúp; Phát triển cộng đồng; Tham gia thực hiện các chương trình, chính sách an sinh xã hộ; Thực hiện các hoạt động liên quan đến phòng, chống tệ nạn xã hội; Trợ giúp gia đình và tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới; Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân tỉnh giao theo quy định của pháp luật.
1.3 Về bộ máy
Theo quy định tại Quyết định số 226/QĐ-LĐTBXH ngày 07/3/2012 của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh thì tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm:
- Ban Giám đốc: Có trách nhiệm quản điều hành mọi hoạt động của Trung tâm. Phụ trách công tác tổ chức, kế hoạch, tài chính, đối ngoại. Chịu trách nhiệm trước Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và pháp luật về mọi hoạt động của Trung tâm.
- Phòng Hành chính - Tổng Hợp: Thực hiện công tác tổ chức, quản lý hồ sơ cán bộ và đối tượng; kế toán và hành chính quản trị của Trung tâm.
Giúp Ban Giám đốc và các phòng, bộ phận nghiệp vụ quan hệ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công việc.
- Phòng Can thiệp - Hỗ trợ: Tiếp nhận thông tin về trường hợp có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội; Đánh giá và sàng lọc, lập kế hoạch trợ giúp, chuyển tuyến; Tiếp nhận đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp; Cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng ngắn hạn; Cung cấp các hỗ trợ khẩn
cấp liên quan đến việc ngăn chặn và giải quyết mối đe dọa tức thì; Tư vấn, giới thiệu và hướng dẫn chuyển đối tượng tới các dịch vụ phù hợp khác hoặc đưa đối tượng trở về gia đình, cộng đồng. Tổ chức thực hiện việc tham vấn, tư vấn trực tiếp, giám tiếp tại Trung tâm và cộng đồng; Trị liệu, phục hồi tâm lý cho các đối tượng có nhu cầu; Thực hiện hoạt động quản lý trường hợp.
- Phòng Truyền thông - Đào tạo: Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, giáo dục xã hội, sản xuất và nhân bản các sản phẩm truyền thông;
tổ chức thực hiện công tác tư vấn, tham vấn cho các đối tượng bằng các hình thức: trực tiếp, gián tiếp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề công tác xã hội. Đào tạo nghiệp vụ công tác xã hội;Tham gia đào tạo ngắn hạn nghề công tác xã hội cho cán bộ cấp xã, công chức, viên chức và cộng tác viên công tác xã hội; tập huấn cho gia đình đối tượng về kỹ năng, nghiệp vụ chăm sóc, trợ giúp đối tượng; Phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng và cơ sở dạy nghề đào tạo công tác xã hội.
- Phòng Phát triển cộng đồng: Phát triển cộng đồng; Nghiên cứu, vận động chính sách; Tổ chức thực hiện các hoạt động, các chương trình, mô hình, đề án tại cộng đồng; Giúp đỡ khu phố, cụm dân cư nhận dạng các vấn đề trong cộng đồng và hỗ trợ họ tìm nguồn lực giải quyết vấn đề; Hỗ trợ các hoạt động cứu trợ thiên tai; Vận động cộng đồng, cá nhân, tổ chức tham gia và hỗ trợ nguồn lực đáp ứng một phần nhu cầu công tác xã hội.
Trước khi đề án 32 ra đời, ngày 12/01/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Trung tâm Công tác xã hội trẻ em để thực hiện cung cấp các dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Sau khi Đề án 32 được phê duyệt, đến ngày 19 tháng 12 năm 2011, Trung tâm Công tác xã hội trẻ em đã được bổ sung chức năng, nhiệm vụ đổi tên thành Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, mở rộng đối tượng trợ giúp là tất cả các đối tượng có nhu cầu tại cộng đồng nhưng đối tượng chủ yếu của Trung tâm vẫn là trẻ em.
Hiện tại, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đang triển khai thực hiện thí điểm Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Là một Mô hình được Bộ Lao động, Thương binh cà Xã hội, Cục Bảo trợ xã hội và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giao triển khai
thực hiện thí điểm từ năm 2013 theo một số nhiệm vụ được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/04/ 2013 về việc phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 647).
Thực trạng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh: (Trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
Trung tâm không có chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng tập trung mà chỉ có chức năng can thiệp, trợ giúp đối với các đối tượng có nhu cầu nói chung và trẻ em nói riêng tại cộng đồng. Như vậy, nói đến thực trạng đối tượng TEC HCĐB tại Trung tâm còn được hiểu là nhóm đối tượng trẻ em đang được Trung tâm cung cấp các dịch vụ Công tác xã hội tại cộng đồng).
Qua gần 4 năm triển khai hoạt động, Mô hình đã và đang duy trì 30 trẻ bàn giao đối với 30 gia đình, cá nhân nhận nuôi và xây dựng được một “quỹ” 75 gia đình sẵn sàng nhận nuôi trẻ em có HCĐBKK; Thiết lập được quy trình chăm nuôi và xây dựng được một đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cá nhân, gia đình nhận nuôi có kỹ năng, kiến thức chăm nuôi trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; đảm bảo cho trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình góp phần ngăn cản nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của trẻ; giúp trẻ mồ côi cha và mẹ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục…giúp trẻ ổn định tâm lý, sức khỏe, học tập cho đến khi trẻ được kết nối để có cuộc sống lâu dài hoặc được nhận làm con nuôi nhằm xoa dịu sự mất mát gia đình cũng như giảm bớt sự mặc cảm tự ti về số phận của các em. Mô hình đã đáp ứng được phần nào một số nhu cầu của trẻ: nhu cầu vật chất, nhu cầu an toàn, nhu cầu phát triển… song vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là công tác hỗ trợ, tham vấn tâm lý cho trẻ còn thiếu tính chuyên nghiệp, việc tổ chức các hoạt động giúp trẻ bớt mặc cảm, tự ti, hòa nhập và gắn kết với nhau còn nhiều hạn chế do sự thiếu vắng đội ngũ Công tác xã hội chuyên nghiệp. Bởi vậy, có nhiều trẻ trong Trung tâm còn rụt rè, thiếu tự tin vào bản thân để kết bạn và hòa nhập cộng đồng, hơn nữa các em còn chưa
được trang bị các kỹ năng sống để đối phó với mọi khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong Mô hình còn gặp rất nhiều khó khăn như: Cuộc sống vật chất của trẻ còn thiếu thốn do gia đình, cá nhân nhận nuôi đa số là những gia đình nghèo hoặc cận nghèo; Trẻ luôn có tâm lý mặc cảm, tự ti và thiếu những kỹ năng sống cần thiết do người nuôi dưỡng phần lớn là những người già hoặc còn phải dành nhiều thời gian cho không có thời gian để quan sát, bảo ban chúng; Bên cạnh đó, họ cũng thiếu hụt những kỹ năng về tâm sinh lý đối với trẻ ở độ tuổi trẻ em và trẻ ở giai đoạn tiền vị thành niên. Qua số liệu khảo sát cho thấy: 13/30 trẻ chưa biết nấu cơm hoặc vài món ăn đơn giản; 03 em chưa biết tự vệ sinh thân thể; 17/30 em chưa có kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi; 30/30 em chưa được tiếp cận các kiến thức về phòng tránh xâm hại tình dục…
Chính vì vậy, trong Đề tài nghiên cứu này, em sẽ đề cập đến vấn đề hỗ trợ tâm lý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, qua đó đưa ra những giải pháp công tác xã hội chuyên nghiệp đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói chung và trẻ em mồ côi nói riêng; trợ giúp trẻ em ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển xã hội công bằng, hài hòa và bền vững.