Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP
1.2. Lý luận về quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy
1.2.1.1. Khái niệm quản lý trường hợp
Quản lý trường hợp (tiếng anh là Case management) còn gọi là quản lý ca, trong trình bày luận văn này xin gọi chung là quản lý trường hợp. Ở một số quốc gia, QLTH được sử dụng trong các lĩnh vực cung cấp dịch vụ an sinh cho con người (QLTH trong lĩnh vực y tế nhằm chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, QLTH với người nghiện ma túy, người có HIV/AIDS,...) và cả trong lĩnh vực pháp luật (luật sư tư vấn cho khách hàng) [33, tr.10].
Hiện nay còn nhiều định nghĩa khác nhau về QLTH của các nhà khoa học xã hội trên thế giới:
Theo Luise Johnson (1995), quản lý trường hợp là sự điều phối các dịch vụ và trong quá trình này nhân viên công tác xã hội làm việc với thân chủ để xác định dịch vụ cần thiết, tổ chức và theo dõi sự chuyển giao các dịch vụ đó tới thân chủ có hiệu quả [38].
Hiệp hội công tác xã hội thế giới định nghĩa: “Quản lý trường hợp là sự điều phối mang tính chuyên nghiệp các dịch vụ xã hội và dịch vụ khác nhằm giúp cá nhân, gia đình đáp ứng nhu cầu được bảo vệ hay chăm sóc lâu dài”.
Hiệp hội các nhà quản lý trường hợp của Mỹ (năm 2007), điều chỉnh khái niệm về quản lý trường hợp như sau: “Quản lý trường hợp là quá trình tương tác, điều phối bao gồm các hoạt động đánh giá, lên kế hoạch, tổ chức điều động và biện hộ về chính sách, quan điểm và dịch vụ, nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu của thân chủ, sao cho sự cung cấp dịch vụ tới cá nhân có hiệu quả với chi phí giảm và có chất lượng”.
Theo tác giả Trần Văn Kham (2016) cho rằng quản lý trường hợp là một trong các phương pháp can thiệp của công tác xã hội, có thể được hiểu như là một tiến trình của công tác xã hội, một cách thức giúp các thân chủ được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội [38].
Như vậy, có thể đưa ra khái niệm quản lý trường hợp như sau: Quản lý trường hợp là một quá trình trợ giúp mang tính chuyên môn, bao gồm các hoạt động đánh giá nhu cầu thân chủ (cá nhân, gia đình), xác định, kết nối và điều phối các nguồn lực, dịch vụ nhằm giúp họ tiếp cận nguồn lực để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
1.2.1.2. Quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy
Từ khái niệm người cai nghiện ma túy và khái niệm quản lý trường hợp, có thể đưa ra cách hiểu về QLTH đối với NCNMT như sau: “QLTH đối với người cai nghiện ma túy là quy trình xác định nhu cầu cần trợ giúp xã hội và xây dựng, thực hiện kế hoạch trợ giúp người cai nghiện ma túy, điều phối các hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội để trợ giúp người cai nghiện ma túy vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và phát triển bản thân”.
Quy trình QLTH đối với người cai nghiện ma túy bao gồm 5 bước: (1) Tiếp nhận thông tin và đánh giá sơ bộ; (2) Thu thập thông tin và đánh giá toàn diện; (3) Xây dựng kế hoạch trợ giúp; (4) Triển khai kế hoạch trợ giúp; (5) Lượng giá.
Hoạt động quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy có một số điểm cơ bản sau: [33, tr.16]
Thứ nhất: Việc cung cấp các dịch vụ khác nhau đối với người cai nghiện ma túy là hoạt động hết sức quan trọng trong quá trình trợ giúp người cai nghiện ma túy.
Thứ hai: Nêu cao vai trò của nhân viên quản lý trường hợp trong phương pháp tiếp cận với người cai nghiện ma túy, với những khả năng, năng lực cần có để có kế hoạch trợ giúp tốt nhất (bao gồm đánh giá chi tiết nhu cầu, hỗ trợ, xây dựng kế hoạch nhằm đạt được mục tiêu và xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá kết quả), giúp người cai nghiện ma túy thực hiện các yêu cầu từng quy trình cai nghiện hoặc sử dụng các biện pháp thay thế.
Thứ ba: Nhân viên quản lý trường hợp cần có những phương pháp bảo đảm cho khách hàng được hưởng các dịch vụ hỗ trợ về chuyên môn một cách toàn diện nhất.
1.2.2. Nguyên tắc quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy
Trong tiến trình quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy, toàn bộ các hoạt động tiếp xúc, hỗ trợ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến thân chủ, đặc biệt tác động đến
việc đáp ứng nhu cầu và giải quyết vấn đề của thân chủ. Do vậy những nguyên tắc trong quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy phải được tuân thủ nghiêm túc. Nếu không đáp ứng được các nguyên tắc này mà chỉ làm việc theo trách nhiệm, nhiệm vụ hay theo cảm tính cá nhân thì mục tiêu trợ giúp thân chủ sẽ không đạt được kết quả mong muốn, cụ thể quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy có những nguyên tắc sau: [33, tr.36].
* Chấp nhận thân chủ
Thân chủ ở đây là người nghiện ma túy, là một đối tượng trong nhóm có hoàn cảnh đặc biệt, một đối tượng mà trước đây trong suy nghĩ của người dân là tệ nạn xã hội, nguy hiểm trong xã hội, họ có những đặc thù riêng mà trong quan điểm tiếp cận, ứng xử với họ nay đã thay đổi. Họ là những người có hoàn cảnh đặc biệt, có nhân phẩm, có giá trị riêng và có quyền được tôn trọng. Chấp nhận thân chủ ở đây không có nghĩa là đồng tình, “cổ súy” cho những hành vi, quan điểm, suy nghĩ của họ mà ám chỉ sự ghi nhận không phán xét hành vi, suy nghĩ của họ. Làm được như vậy giúp cho nhân viên quản lý trường hợp tạo được niềm tin từ người cai nghiện ma túy, từ đó thúc đẩy sự hợp tác, quan hệ tương tác trong quá trình hỗ trợ.
* Bảo mật thông tin cho thân chủ
Bảo mật thông tin là một nguyên tắc cơ bản của ngành công tác xã hội nói chung và trong QLTH nói riêng. Điều này thể hiện sự tôn trọng những vấn đề riêng tư của thân chủ - đặc biệt đối với người nghiện ma túy vấn đề kỳ thị xã hội và tự kỳ thị ở họ còn rất lớn. Tuy nhiên, với những thông tin có liên quan và ảnh hưởng đến những hành vi nguy hiểm cho thân chủ hoặc mất an toàn, an ninh trật tự - xã hội thì nhân viên quản lý trường hợp phải có trách nhiệm thông báo cho cơ quan chức năng mà không chờ sự đồng ý của thân chủ.
* Nguyên tắc cá thể hóa
Những người cai nghiện ma túy có thể có những nhu cầu giống nhau song mỗi người lại có hoàn cảnh sống khác nhau, người ở đô thị, người ở nông thôn, gia đình giàu, nghèo, v.v. Việc cá thể hóa giúp nhân viên quản lý trường hợp đưa ra những giải pháp trợ giúp thích hợp với từng người cai nghiện ma túy cụ thể, nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của thân chủ và linh hoạt trong quá trình trợ giúp.
* Nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của thân chủ
Mỗi cá nhân đều có quyền quyết định các vấn đề thuộc về cuộc đời, những quyết định của người khác hướng dẫn họ nhưng không nên áp đặt họ. Đối với nhân viên quản lý trường hợp trợ giúp người cai nghiện ma túy cũng phải tôn trọng và chấp hành nguyên tắc này.
Tuy nhiên đối với những trường hợp đặc biệt do thân chủ rối loạn tâm thần, thì nhân viên QLTH cần lấy ý kiến từ ngươi bảo hộ họ, đồng thời những quyết định của thân chủ có nguy cơ tổn hại đến thân chủ hay người khác thì không cần phải chấp thuận quyết định của thân chủ mà cần thông báo cho thân chủ về quy định của pháp luật về vấn đề đó.
* Thu hút sự tham gia của thân chủ, gia đình, cộng đồng và các nhà cung cấp dịch vụ vào tiến trình quản lý trường hợp
Đây có lẽ là nguyên tắc xuyên suốt và kết hợp kết quả của các nguyên tắc nêu trên nhân sự tin tưởng của thân chủ, gia đình và các nhà cung cấp dịch vụ, kết nối và can thiệp cho thân chủ để đáp ứng nhu cầu và giải quyết vấn đề thân chủ gặp phải. Đảm bảo được nguyên tắc này sẽ đảm bảo được thành công của tiến trình trợ giúp đối với người cai nghiện ma túy.
1.2.3. Nhiệm vụ quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy
Quản lý trường hợp là một trong các phương pháp can thiệp của công tác xã hội, có thể hiểu như là một tiến trình của công tác xã hội, một cách thức giúp thân chủ tiếp cận các dịch vụ trợ giúp xã hội. Đây là một quá trình quản lý từ đầu cho đến khi kết thúc, chuyển giao đối tượng trợ giúp.
Trong phạm vi đề tài này tác giả đi sâu phân tích một số nhiệm vụ của nhân viên quản lý trường hợp trong vấn đề cai nghiện cho người nghiện ma túy, bao gồm những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
1.2.3.1. Thu thập thông tin về người cai nghiện ma túy
Thu thập thông tin là việc nhân viên quản lý trường hợp phối hợp với chính quyền, các đơn vị, cá nhân có liên quan và thông qua hồ sơ học viên đang quản lý tại trung tâm để có được những thông tin ban đầu, tiếp tục bổ sung những thông tin cá nhân khác để đưa ra được nhu cầu thực tế của thân chủ, cụ thể hoạt động thu thập thông tin vê người cai
nghiện bao gồm xác định nguồn thông tin, nội dung thông tin và tình hình thu thập thông tin.
- Nguồn thông tin gồm bản thân người cai nghiện cung cấp, bố mẹ vợ con họ, thông qua hồ sơ lưu trữ và các nguồn khác tại cộng đồng thân chủ sinh sống.
- Nội dung thông tin: Thông tin cụ thể về đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, về môi trường xã hội liên quan trực tiếp đến người cai nghiện (thân chủ).
- Hình thức thu thập thông tin: Khảo sát, phỏng vấn trực tiếp người cai nghiện, gia đình thân chủ, chính quyền cơ sở, cở sở cai nghiện.
1.2.3.2. Đánh giá nhu cầu trợ giúp người cai nghiện ma túy
Đây là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết, nội dung này nhân viên QLTH phải xem xét, xác định, đánh giá nhu cầu của người cai nghiện tại trung tâm dựa trên yếu tố nào?
Trong quá trình đánh giá sẽ gặp trở ngại gì và giải quyết ra sao, với một số yêu cầu đánh giá nhu cầu tập trung vào nội dung sau:
- Đánh giá yếu tố cá nhân của người cai nghiện (sau đây gọi là học viên) gồm sức khỏe, thể chất, tâm thần, mối quan hệ xã hội, khả năng kiểm soát và chăm sóc bản thân, khả năng tìm kiếm nguồn lực, dịch vụ chính của học viên.
- Đánh giá các yếu tố liên quan đến hoàn cảnh sử dụng và nghiện ma túy của học viên như loại ma túy sử dụng, cách dùng, liều dùng, nguyên nhân nghiện, những tổn thương, tác hại do nghiện ma túy gây ra cho học viên, vấn đề tài chính khi sử dụng ma túy,… từ đây xác định nhu cầu để ngăn ngừa bảo vệ người cai nghiện trong tiến trình cai nghiện của học viên.
- Đánh giá các yếu tố tác động như nguồn lực bản thân, gia đình, dòng họ, người thân, họ hàng, khả năng kinh tế; sự quan tâm của chính quyền địa phương, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp có thể trợ giúp người cai nghiện.
Để đánh giá xác định lựa chọn nhu cầu ưu tiên đối với người cai nghiện, nhân viên QLTH cần lưu ý tính lâu dài và an toàn cho người cai nghiện ma túy và đòi hỏi tính xác thực cao, kết hợp nhiều phía, nhiều chuyên môn khác nhau như y tế, quản lý nhà nước, đoàn thể tại địa phương, công an cơ sở, đặc biệt quá trình tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ, gần gũi sẽ giúp cho được thông tin đầy đủ, chính xác từ đó nhu cầu của người cai nghiện mới bộc lộ rõ (sự e ngại và tự kỳ thị của người cai nghiện là một đặc điểm xã hội, hết sức lưu ý trong quá trình xác định nhu cầu).
1.2.3.3. Xây dựng kế hoạch can thiệp
Xây dựng kế hoạch can thiệp trong trợ giúp người cai nghiện ma túy tại trung tâm nhân viên QLTH sẽ cùng với bản thân người cai nghiện, gia đình họ và các bộ phận liên quan trong trung tâm và ngoài cộng đồng cùng thảo luận đưa ra những mục tiêu, nội dung cần can thiệp để đáp ứng nhu cầu giải quyết vấn đề cai nghiện phục hồi cho thân chủ.
Trong xây dựng kế hoạch cần lưu ý đến yếu tố những khó khăn gặp phải trong huy động nguồn lực, vấn đề phối hợp của gia đình, của địa phương và các dịch vụ bên ngoài có thể đáp ứng đến đâu, đáp ứng thế nào để đạt hiệu quả mong muốn ở thân chủ và nhân viên QLTH.
Trong quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy thì lưu ý các hoạt động đáp ứng nhu cầu về vật chất, về y tế, về hỗ trợ tâm lý và vấn đề việc làm sau cai nghiện.
Nguồn lực trong thực tế phải tính đến chính từ gia đình, họ hàng người cai nghiện và một số cơ chế, chính sách hiện có của thành phố cho công tác cai nghiện ma túy hiện nay.
1.2.3.4. Triển khai các hoạt động trợ giúp
Trong nội dung này nhân viên QLTH sẽ cùng các thành viên liên quan thực hiện nội dung kế hoạch trợ giúp người cai nghiện ma túy theo kế hoạch đã thống nhất. Vai trò của nhân viên quản lý trường hợp ở đây là điều phối và thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
Các nhiệm vụ cụ thể ở đây sẽ là các hoạt động cụ thể như hỗ trợ cắt cơn nghiện, tư vấn, tham vấn, giáo dục sửa đổi hành vi, giáo dục giá trị sống, giáo dục kiến thức pháp luật, giáo dục phòng chống tái nghiện, hướng nghiệp nghề, dạy nghề, tạo việc làm, kết nối chuyển gửi về cộng đồng cho địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức, dịch vụ hỗ trợ sau cai (bao gồm từ can thiệp dự phòng, can thiệp chuyên sâu, can thiệp giảm tác hại, tư vấn điều trị nghiện cho người nghiện ma túy).
Trong nội dung này nhân viên quản lý trường hợp cần linh hoạt và sử dụng các kỹ năng làm việc của mình để bám sát kịp thời điều phối, vận động các nguồn lực kịp thời, liên tục, đề xuất điều chỉnh, bổ sung kế hoạch can thiệp cho phù hợp với nhu cầu của người cai nghiện. Trong quá trình triển khai cần tạo sự vào cuộc, thay đổi tích cực từ thân chủ, môi trường xã hội và các bên liên quan, luôn lấy thân chủ là trung tâm để đáp ứng các nhu cầu, giải quyết vấn đề.
1.2.3.5. Lượng giá
Đây là hoạt động đánh giá toàn diện tiến trình hỗ trợ người cai nghiện. Đánh giá kết quả so với mục tiêu ban đầu đặt ra trong trợ giúp đạt ở mức nào? Vấn đề của người cai nghiện đã đạt được chưa? Hiệu quả cai nghiện đến đâu?
Nhân viên QLTH lượng giá đưa ra nhận xét về đáp ứng nhu cầu, giải quyết vấn đề trọng tâm của thân chủ mà mình đã nêu trong kế hoạch trợ giúp. Phân tích cụ thể nguyên nhân thành công và tồn tại chưa đạt được, rút ra bài học cụ thể ở mỗi trường hợp. Thông qua lượng giá để đưa ra kết quả cuối cùng là kết thúc trường hợp hay đánh giá cần phải tiếp tục trợ giúp, để lại lập kế hoạch trợ giúp. Khi tiến hành lượng giá nhân viên quản lý trường hợp đánh giá theo các tiêu chí về: sự thay đổi tích cực của người nghiện; sự thay đổi từ môi trường gia đình, cộng đồng; sự tham gia của bản thân người nghiện, gia đình họ và các bên liên quan và lượng giá các hoạt động của nhân viên trợ giúp.
1.2.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy
1.2.4.1. Yếu tố thuộc từ đặc điểm đối tượng
Người nghiện ma túy là một đối tượng công tác xã hội đặc biệt, khi sử dụng và nghiện ma túy, người nghiện ma túy có sự biến đổi về hành vi, nhân cách và thường bị lệ thuộc ma túy cả thể chất và tâm thần. Khi thiếu ma túy thì cơ thể người nghiện xuất hiện hội chứng cai, đau đớn về thể xác, rối loạn tâm thần, khi dùng thuốc họ tăng khoái cảm song giảm hứng thú, thu hẹp nhân cách, đặc biệt với những trường hợp sử dụng ma túy dạng đá họ có những hành vi mất kiểm soát bản thân, tâm thần bị kích động, gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Nghiên cứu về yếu tố ảnh hưởng từ đặc điểm người nghiện ma túy, tác giả nhận thấy cần chú ý một số vấn đề sau:
Đặc điểm thể chất: Hầu hết người nghiện sau thời gian dài sử dụng ma túy khi tìm đến trung tâm cai nghiện thì sức khỏe đều đến mức rất giảm sút, cơ thể người cai nghiện mức độ chống nhiễm khuẩn kém, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh về gan, phổi và thần kinh.
Nhiều trường hợp vào trung tâm cai nghiện thì đồng thời đã mắc hoặc nhiễm bệnh khá nặng, đặc biệt người có HIV sức khỏe rất kém. Do vậy, khả năng can thiệp điều trị y học và tâm lý gây rất nhiều khó khăn trong quá trình cai nghiện.
Đặc điểm tâm lý: Phần đông người cai nghiện luôn trong tâm trạng bất an, mặc cảm, tội lỗi thậm chí chuyển sang bất cần. Trường hợp bất đắc dĩ họ tìm đến cai nghiện, hoặc đi cai vì