Chương 3 ỨNG DỤNG TIẾN TRÌNH QUẢN LÝ TRƯỜNG HỢP VÀ ĐỀ XUẤT
3.2 Tiến trình ứng dụng quản lý trường hợp đối với người cai nghiện ma túy
Hoàn cảnh thân chủ:
Trần văn T, 25 tuổi là một Học viên cai nghiện ma túy mới được tiếp nhận vào Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động Xã hội số V, Thành phố Hà Nội. Trước khi
vào cai nghiện ma túy, T sống với mẹ là bà Ngô Thị H. tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội (Bố của T, mất từ năm T 15 tuổi). T đã có bằng Đại học Tài Chính và làm kiểm toán cho một công ty tư nhân tại quận Đống Đa, mức thu nhập tương đối cao. T còn một anh trai là Trần Văn Q đã có gia đình riêng và làm chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Anh của T có máu cờ bạc nên năm 2015 đã cầm sổ đỏ của mẹ đẻ để đi vay, lấy tiền trả nợ do thua bạc, gần đây bị thúc ép nợ nên xung đột với bà H và T rất căng thẳng, Anh trai T cho rằng tài sản đó là trước đây bố mẹ hứa cho mình, do vậy giữa T và anh trai trước đây đã thường hục hặc với nhau, nay căn nhà trên mẹ T muốn để dành cho T sau này lấy vợ sinh sống, bị anh trai cầm cố nên mâu thuẫn lại càng căng thẳng. Trong gia đình mẹ T luôn thương và yêu quý T hơn và ngược lại T cũng rất thương và quý mẹ nhưng T cũng hay mải chơi và thích tụ tập bạn bè. Thời gian cuối năm 2014, T hay cùng nhóm bạn đi ăn nhậu và tìm quán hát, có nhiều hôm đi chơi thâu đêm. Quá trình đó T có quen và yêu một cô gái làm nhân viên quán Karaoke trên phố D, quận Hai Bà Trưng, cô gái khá xinh và hấp dẫn khách hát. Điều đáng nói là cô gái này đã sử dụng ma túy. Lúc đầu thì T không biết điều này, nhưng sau đó thì T mới biết chuyện, do đã quá mê mẩn nên T chấp nhận và tính sẽ dần khuyên bạn gái bỏ ma túy. Tuy nhiên đôi lần bạn gái mời T dùng thử để có hưng phấn mạnh mẽ khi quan hệ tình dục, nên T đã sử dụng heroin và quan hệ tình dục với bạn gái. T nói là lúc đầu thì rất thích, làm cho anh có cảm giác khoan khoái, mạnh mẽ trong quan hệ tình dục nên dùng khá liên tục, nhưng sau một thời gian dùng ma túy thì T cảm thấy mọi việc như tồi tệ hơn, công việc tại công ty chậm trễ, liên tục bị nhắc nhở bị sếp dọa cho nghỉ việc, cộng thêm chuyện mâu thuẫn với anh trai về cầm cố tài sản, khó có cơ hội lấy lại, T dường như càng bị lệ thuộc vào sử dụng ma túy, coi ma túy và tình dục là thỏa mãn cho cuộc sống. T quan hệ tình dục với bạn gái khá nhiều và có dùng bao cao su, nhưng đôi khi khi quan hệ trong những lần phê say ma túy thì T không nhớ có kiểm soát được hay không việc sử dụng bao cao su.
Khoảng đầu năm 2015, trong một lần sử dụng ma túy tại nhà nghỉ cùng bạn gái bị Công an phường phát hiện đã mời gia đình T lên phường làm việc. Lúc này cả gia đình T mới bàng hoàng nhưng vẫn cố giấu với mọi người xung quanh và công ty của T, tuy nhiên không khí trong gia đình T càng trở nên căng thẳng, xung đột. Mẹ của T đã rất đau khổ và muốn T từ bỏ ma túy. T do thương mẹ nên cũng muốn từ bỏ nhưng lúc này không dễ
dàng vì gần đây do sử dụng nhiều và liên tục (ngày cao nhất có tiền T dùng đến gần 1 triệu đồng để mua ma túy). Những lúc thèm thuốc, anh luôn cảm thấy nổi da gà, đổ mồ hôi, tay chân run rẩy, buồn nôn và có cảm giác như có “dòi bò trong xương”, trong khi đó bạn gái lại khuyến khích và cung cấp thuốc cho T tiêm chích để có độ phê cao và nhanh hơn.
Mẹ T đã mời thầy thuốc về nhà cai nghiện cho T hai lần nhưng liền ngay sau đợt cai tại nhà T lại dùng ma túy nhanh hơn, thậm chí nhiều hơn. Thâm tâm bà H muốn đưa T vào trung tâm để cai nghiện cho có thời gian dài và kết hợp nhiều biện pháp khác nhưng T không muốn vào trại cai nghiện vì nếu như vậy thì anh nghe bạn nghiện kể rất sợ về trung tâm cai nghiện. Mặc dù nhận thức được những hậu quả của việc sử dụng ma túy nhưng anh lại không thể từ bỏ nó. Anh rất thương mẹ và có ý định từ bỏ ma túy nhưng không biết phải làm như thế nào? Biết hoàn cảnh của bà H, gần đây anh A là Cảnh sát khu vực đã vào nhà động viên và giới thiệu với gia đình về mô hình cai nghiện tự nguyện mới, rất khoa học có áp dụng CTXH mà cụ thể là tiến trình quản lý trường hợp cho người cai nghiện, đồng thời được hỗ trợ kinh phí của Thành phố tại Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động Xã hội số V, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội (Sau đây gọi là Trung tâm số V) . Mẹ T đã gọi điện thoại trao đổi về vấn đề của T với cán bộ QLTH của Trung tâm. Sau đó mẹ đã thuyết phục T vào trung tâm gặp Nhân viên QLTH và T đã đồng ý. Sau khi liên hệ để sắp xếp gia đình, ngày 15/9/2016 mẹ đã cùng T đến đưa T vào trung tâm cai nghiện tự nguyện thời gian 3 tháng.
Bước 1: Xây dựng mối quan hệ và đánh giá nhu cầu thân chủ 1. Xây dựng mối quan hệ
Bản thân T chưa thật sự muốn và chưa tin hoàn toàn vào môi trường cai nghiện tại Trung tâm nên thái độ khá dè dặt, Nhân viên QLTH ban đầu khai thác chưa nhiều thông tin từ T, nhưng đã được mẹ T cung cấp khá đầy đủ những thông tin liên quan đến T như đặc điểm tính cách, tình trạng cuộc sống, tình trạng sử dụng ma túy cũng như các mối quan hệ và mối quan tâm của T hiện nay, do đó nhân viên QLTH đã phần nào có cái nhìn khái quát về thân chủ của mình. (Trong bước xây dựng mối quan hệ này thì nhân viên QLTH đã xem xét đến một số lưu ý rằng do T chưa muốn vào trung tâm nên sẽ có thái độ không hợp tác và tránh né khi đề cập đến việc này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng T do thương mẹ nên cũng muốn cai nghiện đây cũng là điểm tích cực mà nhân viên quản lý trường hợp có thể khai thác trong việc tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với T). Trong bước xây dựng mối quan hệ với T thì nhân viên QLTH luôn chủ động tiếp cận T với một thái độ hòa nhã, cởi mở và không phán xét về những hành vi T đi chơi với bạn gái và sử dụng ma túy. Nói chuyện, tâm sự với T về những mối quan hệ trong gia đình, cần đề cập
đến tình cảm giữa T và mẹ để thể hiện sự thấu hiểu với những cảm xúc của T. Cũng cần lắng nghe những chia sẻ của T, các lo lắng và quan điểm của T để T hiểu rằng đang được lắng nghe và tin tưởng. Tuy nhiên, nhân viên quản lý trường hợp cũng cần nhấn mạnh nguyên tắc bảo mật với T cũng như những lợi thế từ mô hình cai nghiện “Mở” đang được áp dụng tại Trung tâm số V. Như vậy nhân viên QLTH đã tạo lập được mối quan hệ vững chắc với T.
2. Đánh giá thân chủ
* Các yếu tố về nhân thân - môi trường xã hội
T năm nay 25 tuổi trước khi vào trung tâm đã có việc làm và có thu nhập tương đối ổn định, gia đình cũng có kinh tế khá, xét về khía cạnh tài chính thì đây có thể coi là một điểm mạnh khi cần tiếp cận các dịch vụ sau này. Đồng thời, T cũng là người có trình độ học vấn (T đã tốt nghiệp đại học) nên cũng là người có nhận thức và hiểu biết nhất định.
T có mối quan hệ không tốt với vợ chồng anh trai. Mẹ T có ảnh hưởng tích cực tới T do đó nhân viên QLTH có thể tác động tới mẹ của T để có thêm sự hỗ trợ. Đây sẽ là nguồn lực rất tốt cho các hoạt động can thiệp sau này. Một điểm cần lưu ý là đến nay T vẫn đang có mối liên hệ của bạn gái và chính là người lôi kéo T vào con đường nghiện ma túy và chuyện lo lắng bị mất nhà do anh trai cầm cố sổ đỏ làm T rất bức xúc lo lắng cho sự tồn tại về nơi ở của cả nhà. Do vậy trong quá trình trợ giúp cho T cần lưu ý điểm này để có kế hoạch can thiệp một cách hợp lý.
Sau khi thiết lập được mối quan hệ và thống nhất được phương pháp can thiệp với T, nhân viên QLTH lúc này sẽ hướng tới can thiệp sâu hơn để giải quyết mối quan hệ bất lợi của T với cô bạn gái và xích mích căng thẳng với anh trai, mong muốn tạo ra một môi trường an toàn và bền vững giúp T yên tâm cai nghiện và thuận lợi khi hòa nhập cộng đồng.
* Điều kiện sức khỏe thể chất và tinh thần
Thể chất: T năm nay mới 25 tuổi, cao 1m 72, nặng 59 kg, sức khỏe của T chưa có vấn đề nghiêm trọng. Những biểu hiện của anh như “mệt mỏi, uể oải, người bồn chồn, bứt rứt, đau nhức cơ và rất hay mất ngủ” hay “nổi da gà, đổ mồ hôi, tay chân run rẩy, buồn nôn và có cảm giác như có dòi bò trong xương” chỉ là những triệu chứng của hội chứng cai, do đó sẽ cần có những can thiệp về cắt cơn giải độc.
Đánh giá về khía cạnh tinh thần: Đối với khía cạnh tinh thần thì T dường như đang gặp phải nhiều vấn đề hơn là đối với khía cạnh sức khỏe thể chất. Theo như mô tả trong ca này thì hiện tại T đang căng thẳng với mối quan hệ với anh trai về tranh chấp tài sản và sự lôi kéo mời gọi hấp dẫn về tình dục và ma túy từ bạn gái, khiến T thường cảm thấy khó khăn khi cai nghiện và lo lắng khi trở về gia đình, mẹ của T thì không có được nhiều tác
động đối với việc xung đột này nên khiến cho tình trạng này luôn tồn tại và làm T thấy mệt mỏi và chán nản lo lắng (cần lưu ý rằng đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc T sử dụng ma túy).
*Tiền sử và quá trình sử dụng, điều trị nghiện ma túy: Thời gian sử dụng ma túy gần 2 năm và do bị bạn gái lôi kéo chứ T không chủ động làm điều này. Hiện nay, liều sử dụng Heroin là 2-3 liều/ngày và bằng đường hít, một vài lần đã chuyển sang chính ma túy. Do những xung đột với anh trai và sự tác động của bạn gái nên có khả năng T sẽ dính đến việc tái sử dụng ma túy. Đây là một yếu tố nguy cơ cao tái sử dụng ma túy, nhân viên QLTH cần nắm bắt được yếu tố này để đưa ra những giải pháp kịp thời, can thiệp hỗ trợ T không tái sử dụng lại ma túy khi về cộng đồng.
* Hành vi tình dục: T chia sẻ có quan hệ tình dục với bạn gái, thông thường thì 2 người vẫn sử dụng bao cao su khi quan hệ tuy nhiên trong những lần phê say thì T cũng không dám chắc là có sử dụng hay không, như vậy là T đã có ý thức về những hành vi an toàn trong tình dục. Tuy nhiên vấn đề vẫn là do ảnh hưởng bởi ma túy nên nhiều lúc không kiểm soát được bản thân. Trong lúc này nhân viên QLTH đã tiến hành tư vấn, can thiệp tâm lý và trang bị thêm cho T kỹ năng đối phó với các tình huống không an toàn trong quan hệ tình dục. Đồng thời nhân viên QLTH cũng cần khuyến khích T đi xét nghiệm HIV, do quan hệ với bạn gái là tiếp viên nhà hàng có nhiều mối quan hệ phức tạp lại đã từng tiêm chích Hêrôin, nên nguy cơ và lo lắng là căn cứ.
* Vấn đề hiện tại của thân chủ
- T đang sử dụng ma túy mức độ khá nặng và có nguy cơ tái nghiện cao ngay khi T hết thời gian cai nghiện tự nguyện trở về gia đình
- T lo lắng và có thể có những nguy cơ đối với việc quan hệ tình dục không an toàn.
- T có mối quan hệ bất hòa và thêm xung đột với vợ chồng anh trai về sở hữu tài sản - T chưa thật sự tự nguyện khi tiếp cận mô hình điều trị cai nghiện tự nguyện “mở”
tại Trung tâm số V.
3. Đánh giá xem thân chủ trong giai đoạn thay đổi hành vi nào
Giai đoạn này T cũng đã muốn từ bỏ việc sử dụng ma túy nhưng còn ngần ngại trước những trạng thái tiêu cực về mặt thể chất, tâm lý. Đồng thời việc T đồng ý với mẹ gặp cán bộ trung tâm, dựa vào những phân vân, mâu thuẫn trong suy nghĩ và hành vi của T, nhân viên QLTH có thể xác định T đang ở trong Giai đoạn dự định. Những công việc mà nhân viên QLTH đã làm ở trong giai đoạn này là tiếp cận T với một thái độ chấp nhận, không phán xét. Nhân viên quản lý trường hợp đã sử dụng việc phỏng vấn tạo động lực để củng cố thêm quyết tâm của T.
Trong giai đoạn này nhân viên QLTH rất lắng nghe những suy nghĩ, tâm tư của T.
Sử dụng linh hoạt các biện pháp khơi gợi để T có thể chia sẻ hết những mối quan tâm để có thể hiểu xem những suy nghĩ của T về các mối quan hệ trong gia đình, khả năng khắc phục tài sản thế chấp của vợ chồng anh trai T, suy nghĩ của T về cô bạn gái, về việc sử dụng ma túy như thế nào, nhấn mạnh và chia sẻ với T về những mối quan tâm và lo lắng của T, của mẹ T để hiểu và từ đó thể hiện sự thấu cảm với T, giúp T hình thành những quyết tâm, động cơ từ chính bên trong bản thân, suy nghĩ của T.
Kết luận bước 1: Kết thúc bước 1, với sự thấu cảm dựa trên nguyên tắc tôn trọng, lắng nghe và bảo mật, cùng với cán bộ, nhân viên CTXH của Trung tâm ngay từ tuần đầu (cuối tháng 9/2016) nhân viên QLTH đã có thể tiếp cận và tạo lập được mối quan hệ tin tưởng với T. Thông qua đó, nhân viên QLTH đã đánh giá được tiền sử sử dụng ma túy, những vấn đề về tâm lý - xã hội và đặc biệt là đã xác định được những vấn đề đang quan tâm, lo lắng của T. Nhân viên QLTH cũng đã nhận diện được T đang trong giai đoạn Dự định và có mong muốn từ bỏ ma túy để có trợ giúp can thiệp phù hợp.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch cùng thân chủ
Kết thúc bước 1, nhân viên QLTH đã xác định được những vấn đề quan tâm của T hiện tại. Dựa trên những vấn đề đã xác định được, nhân viên QLTH cùng với T phân tích và cung cấp thêm những thông tin cho T để có thể lựa chọn vấn đề ưu tiên và cùng xây dựng kế hoạch thực hiện giải quyết các vấn đề khó khăn của mình.
Trên cơ sở cùng trao đổi, nhân viên QLTH và T đã xác định được các mục tiêu nhằm hướng tới giải quyết vấn đề của T như sau:
* Xác định các mục tiêu của thân chủ:
- T sẽ tham gia điều trị cắt cơn nghiện và trị liệu tâm lý, phục hồi sức khỏe ngay tại Trung tâm.
- Loại bỏ những nguy cơ khiến T muốn sử dụng lại ma túy sau khi hết thời gian cai nghiện tự nguyện tại trung tâm trở về gia đình.
- Loại bỏ những lo lắng và nguy cơ về vấn đề quan hệ tình dục không an toàn.
- T sẽ cải thiện mối quan hệ với anh trai, phối hợp giải quyết về tài sản gia đình T và ngăn chặn việc tiếp xúc, sử dụng ma túy của cô bạn gái T cũng như tìm cách giúp bạn gái T tham gia cai nghiện để từ bỏ việc ma túy.
* Xác định mục tiêu ưu tiên của thân chủ: Do thời gian cai nghiện của T theo hợp đồng cai nghiện tự nguyện tại trung tâm chỉ kéo dài trong thời gian 3 tháng (theo Hợp đồng cai nghiện tự nguyện tại trung tâm), trên cơ sở các vấn đề đã nhận diện được nên T đã lựa chọn một mục tiêu ưu tiên giải quyết trước nhất đó là: “Can thiệp điều trị cắt cơn
và hỗ trợ tâm lý, rèn luyện nâng cao thể lực, nâng cao nhận thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng phòng chống ma túy, kiểm soát bản thân nhằm nâng cao khả năng phòng ngừa tái sử dụng ma túy khi trở về cộng đồng”. Để hỗ trợ cho T thực hiện được thành công mục tiêu ưu tiên, các mục tiêu tiếp theo cũng sẽ được triển khai song song gồm: Đảm bảo nguồn lực hỗ trợ T tham gia đầy đủ các dịch vụ; Giải tỏa tâm lý căng thẳng trong gia đình T, đặc biệt là bức xúc giữa T với vợ chồng người anh trai; Tư vấn hỗ trợ pháp lý giải quyết tháo gỡ vấn đề tài sản của gia đình liên quan đến quyền lợi của T; Trấn an tâm lý giúp T loại bỏ những nguy cơ về vấn đề quan hệ tình dục không an toàn (lo lắng của T về nhiễm HIV/AIDS).
* Lựa chọn dịch vụ chuyển gửi:
Xác định các dịch vụ và dịch vụ cần thiết sẵn có: Trong bước này nhân viên quản lý trường hợp đã liệt kê các cơ sở dịch vụ mà T có thể tiếp cận để có thể chuyển gửi, đặc biệt là những dịch vụ đáp ứng được mục tiêu ưu tiên. Các dịch vụ phù hợp với nhu cầu của T được kể đến ở đây có thể là:
- Trung tâm tham vấn, tư vấn tình cảm A, quận Cầu giấy, Hà Nội;
- Trung tâm chăm sóc và hỗ trợ người sử dụng ma túy B quận Ba Đình;
- Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội;
- Bệnh viện Y học Cổ truyền, Trần Bình, phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội;
- Văn phòng Luật sư Đông Nam Á, 27/5 Cù Chính Lan, Thanh xuân, Hà Nội;
- Trung tâm y tế dự phòng quận Nam Từ Liêm;
- Dịch vụ điều trị cắt cơn, tư vấn giáo dục phòng chống tái nghiện và dịch vụ tập luyện nâng cao sức khỏe cho học viên tại Trung tâm số V, Hà Nội;
- Cơ sở điều trị Methadone tại Trung tâm số V, Hà Nội;
- Viện nghiên cứu Tâm lý người nghiện ma túy (PSD) của Lê Trung tuấn.
* Hỗ trợ thân chủ lực chọn dịch vụ để chuyển gửi
Trên cơ sở danh sách các dịch vụ được liệt kê ở trên và các thông tin chi tiết về các dịch vụ này được nhân viên quản lý trường hợp cung cấp, T đã lựa chọn được những dịch vụ phù hợp với bản thân gồm:
- Cắt cơn điều trị nghiện hồi sức khỏe và tư vấn giáo dục thay đổi hành vi, rèn luyện sức khỏe tại Trung tâm số V.
- Dịch vụ tham vấn gia đình của trung tâm A, nhằm giúp T giải tỏa những căng thẳng trong quan hệ gia đình.