CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
1.4. Bài tập thể chất trong huấn luyện sức bền
Để đạt hiệu quả của giáo dục thể chất người ta sử dụng nhiều phương tiện giáo dục thể chất. Các phương tiện này bao gồm các bài tập thể chất (còn gọi là bài tập TDTT), các yếu tố của tự nhiên, môi trường như nước, ánh nắng mặt trời, khí hậu, thời tiết, các yếu tố vệ sinh...
Trong đó bài tập thể chất được coi là phương tiện chủ yếu và chuyên biệt của giáo dục thể chất.
Bài tập thể chất là hành động vận động được lựa chọn nhằm giải quyết các nhiệm vụ giáo dục thể chất. [11, 17, 35, 36]
Là phương tiện giáo dục thể chất, bài tập thể chất được thực hiện bằng sự vận động cơ bắp một cách tích cực. Nói cách khác, bài tập thể chất là sự vận động tích cực của cơ thể con người, phù hợp với qui luật giáo dục thể chất.
1.4.2. Bài tập thể chất phát triển tố chất thể lực
Bài tập thể chất là phương tiện huấn luyện chủ yếu trong các môn thể thao. Tuỳ thuộc vào các môn thể thao khác nhau mà các bài tập đó được
chuyên môn hoá cho phù hợp với yêu cầu tập luyện của môn thể thao chuyên sâu.
Bài tập thể chất là phương tiện chủ yếu để huấn luyện thể lực. Các bài tập được thực hiện lặp lại nhiều lần mới có thể phát triển toàn diện các tố chất thể lực chung và phát triển tố chất thể lực chuyên môn cho từng môn thể thao. Căn cứ vào nội dung huấn luyện thể lực, phương thức của bài tập thể chất có thể phân chia thành bài tập phát triển thể lực toàn diện (bao gồm các bài tập với dụng cụ, không có dụng cụ, các bài tập khác) bài tập mang tính chuyên môn để phát triển thể lực cho môn chuyên sâu. Phương pháp thực hiện các bài tập thể lực cũng rất đa dạng, tác dụng tới một tố chất thể lực đơn lẻ hoặc nhiều tố chất thể lực, tuỳ theo mục đích sử dụng của HLV.
[34, 35, 36, 40, 43]
1.4.3. Bài tập thể chất phát triển sức bền trong Taekwondo
Một trong những đặc điểm quan trọng của phương pháp huấn luyện hiện đại là huấn luyện với lượng vận động lớn. Huấn luyện với lượng vận động lớn là cơ sở để đạt được thành tích xuất sắc của các môn thể thao.
Song tiến hành huấn luyện với lượng vận động lớn phải dựa trên cơ sở trình độ thể lực nhất định. Trình độ thể lực càng cao, thì tố chất thể lực chuyên môn càng phát triển tốt, có lợi cho việc nắm vững kỹ thuật các môn thể thao, thúc đẩy sự phát triển và duy trì trạng thái thi đấu tốt cho VĐV trong những cuộc thi đấu lớn. Sức bền là một trong những yếu tố cơ bản của năng lực thể thao trong thi đấu và cũng được coi là một thành phần quan trọng của sức khoẻ con người.
Bài tập phát triển sức bền cho VĐV Taekwondo bao gồm:
- Bài tập sức bền chung là quá trình sử dụng hợp lý các phương tiện (bài tập thể chất) để phát triển khả năng chịu đựng lượng vận động của cơ thể.
- Bài tập sức bền chuyên môn là quá trình tập luyện được tiến hành một cách chặt chẽ, phù hợp với đặc điểm kỹ - chiến thuật chuyên môn của
Taekwondo.
- Bài tập kỹ thuật là những bài tập với mục đích xây dựng kỹ thuật cơ bản, bước đầu xây dựng lối đánh của từng cá nhân và duy trì kỹ thuật trong quá trình tập luyện, thi đấu.
Tổng quan các tài liệu liên quan tới các bài tập phát triển sức bền cho VĐV Taekwondo, chưa tìm thấy những số liệu, tài liệu, dẫn chứng nào đề cập tới lượng vận động sinh lý khi thực hiện bài tập. Điều đó chứng tỏ, các công trình nghiên cứu về các bài tập phát triển sức bền trong môn Taekwondo còn hạn chế.
Trong huấn luyện Taekwondo, tập luyện là một quá trình diễn ra theo từng giai đoạn, từng năm, mà còn diễn ra hàng ngày. Mỗi ngày không chỉ thực hiện một bài tập, mà phải sử dụng nhiều bài tập. Do đó, tập luyện đã trở thành quá trình luân phiên liên tục. Trong từng thời kỳ khác nhau, tính chất và yêu cầu của bài tập cũng mang ý nghĩa khác nhau.
Các bài tập phát triển sức bền nhằm chuẩn bị thể lực cho VĐV, cũng là cơ sở để phát triển thể lực chuyên môn. Trong các bài tập huấn luyện sức bền có thể trùng hợp hoặc không trùng hợp với bài tập huấn luyện chuyên môn.
Khi lựa chọn các bài tập huấn luyện sức bền cho VĐV Taekwondo cần chú ý:
- Phải sử dụng các phương tiện giáo dục các tố chất một cách toàn diện.
- Quá trình huấn luyện cho VĐV phải phản ánh được đặc điểm của các tố chất đặc thù trong Taekwondo. Các phương tiện huấn luyện sức bền chung, cần phải gắn chặt với yêu cầu về tố chất sức bền chuyên môn.
Khi bố trí sắp xếp các bài tập sức bền cho VĐV Taekwondo thiếu niên cần chú ý đảm bảo sự phát triển đồng bộ các kỹ năng, kỹ xảo vận động, hỗ trợ tích cực cho các kỹ thuật Taekwondo và thúc đẩy nhanh sự hồi phục.
Bài tập huấn luyện sức bền chuyên môn thường là tổ hợp các động tác dùng để thi đấu, mang những nét đặc trưng gần giống hoặc giống yêu cầu
thi đấu.
Ưu thế của các bài tập phát triển sức bền chuyên môn trong Taekwondo là thông qua việc thay đổi các đặc điểm của lượng vận động tập luyện, so với đặc điểm của lượng vận động thi đấu, nó sẽ tác động có trọng điểm vào từng năng lực riêng biệt.
Các bài tập huấn luyện bao gồm cả các cuộc kiểm tra, thi đấu tập, thi đấu nội bộ, thi đấu giao hữu... Thí dụ: huấn luyện viên Taekwondo có thể cho VĐV thi đấu với các đấu thủ có trình độ cao hơn, thời gian kéo dài hơn, hoặc rút ngắn hơn. Các cuộc thi đấu này, ngoài việc phát triển thể lực chuyên môn còn giúp cho VĐV bồi dưỡng có trọng điểm về tâm lý, ý chí.