Chương 3: YÊU CẦU VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH TẠI VIỆT NAM
3.1. Yêu cầu hoàn thiện pháp luật về điều kiện kinh doanh
Để quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh thực sự phát huy hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa quyền tự do kinh doanh của người dân và các yêu cầu quản lý của nhà nước, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, việc hoàn thiện pháp luật về điều kiện kinh doanh là cần thiết và phải đáp ứng được những yêu cầu sau:
Thứ nhất, pháp luật về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm tính toàn diện và đồng bộ
Tính toàn diện và đồng bộ của các quy định pháp luật thể hiện ở khả năng đáp ứng được đầy đủ nhu cầu điều chỉnh pháp luật trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội, nghĩa là các quy định này phải có khả năng bao quát toàn bộ các quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội. Theo đó, pháp luật về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm bao quát điều chỉnh đầy đủ các mối quan hệ phát sinh giữa nhà nước và chủ thể kinh doanh trong quá trình quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Một là, kịp thời điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh: các ngành nghề có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, trật tự xã hội và lợi ích người tiêu dùng. Ví dụ, hiện nay đã xuất hiện một số ngành nghề mới có khả năng ảnh hưởng lớn trong thị trường nhưng chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh để điều chỉnh như: kinh doanh dịch vụ định mức tín nhiệm, kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược…
Hai là, pháp luật về điều kiện kinh doanh bao gồm nhiều nội dung và có thể chia làm nhiều loại điều kiện kinh doanh khác nhau, do đó, đặt ra yêu cầu pháp luật phải có đầy đủ các quy định bảo đảm cho việc thực thi được diễn ra hài hòa. Ngoài ra, mỗi loại điều kiện kinh doanh cần được quy định phù hợp, đồng bộ: ví dụ, hiện nay đa số quy định về điều kiện kinh doanh dưới hình
thức giấy phép đã có các quy định khá cụ thể về trình tự, thủ tục song đối với quy định về điều kiện kinh doanh khác khá chung chung, mập mờ dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Hay việc pháp luật thiếu quy định về cơ quan có thẩm quyền hay quy định không đầy đủ có thể dẫn đến sự thiếu trách nhiệm hoặc sự chồng lấn về thẩm quyền giữa các cơ quan.
Thứ hai, pháp luật về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm thống nhất Yêu cầu về tính thống nhất thể hiện ở chỗ giữa các quy định không có các hiện tượng trùng lặp, chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau trong mỗi bộ phận và trong các bộ phận khác nhau của hệ thống pháp luật. Nội dung của văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn phải phù hợp và không được trái với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Theo đó, pháp luật về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc đã được quy định trong Luật DN về chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản (Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ), các văn bản khác ban hành không đúng thẩm quyền đều không có hiệu lực pháp luật.
Đồng thời, thực trạng cho thấy đa số các điều kiện kinh doanh đều được quy định ít nhất từ hai văn bản trở lên, gồm văn bản gốc và văn bản hướng dẫn. Để bảo đảm tính thống nhất, các văn bản hướng dẫn về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm hướng dẫn trong khung mà văn bản gốc quy định, không vượt quá nội dung được hướng dẫn. Ví dụ trong các điều kiện về cấp phép, chỉ được hướng dẫn về các tiêu chuẩn, định mức đối với từng tiêu chí cấp phép, không được đặt thêm các tiêu chí khác. Hay đối với việc hướng dẫn các điều kiện kinh doanh có điều kiện phải hướng dẫn cụ thể, rõ ràng tránh việc đặt thêm các yêu cầu khác phải xác minh, chấp thuận của cơ quan nhà nước trong khi văn bản gốc không quy định nội dung này.
Thứ ba, pháp luật về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm phù hợp, ổn định với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể
Tính phù hợp của hệ thống pháp luật thể hiện ở nội dung của pháp luật luôn có sự tương quan với trình độ phat triển kinh tế - xã hội của đất nước,
phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế xã hội, pháp luật không thể cao hơn hoặc quá thấp so với trình độ phát triển đó. Theo đó, quy định về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm phù hợp với chế độ kinh tế hiện tại của nước ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; với quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh doanh; với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Thứ tư, pháp luật về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm tính khả thi Một hệ thống pháp luật có chất lượng phải bảo đảm tính khả thi, nghĩa là các quy định pháp luật phải có khả năng thực hiện được trong những điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội hiện tại của đất nước. Điều này đỏi hỏi các quy định về điều kiện kinh doanh không chỉ nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước mà còn phải bảo đảm phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể. Theo đó, khi ban hành quy định về điều kiện kinh doanh phải xem xét tới điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước cho phép thực hiện được quy định hoặc văn bản pháp luật đó hay không, đồng thời phải tính đến các điều kiện khác như tổ chức bộ máy nhà nước, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức có cho phép thực hiện được không, dư luận xã hội trong việc tiếp nhận quy định về điều kiện đó. Ví dụ, quy định việc phân cấp cấp phép hay quản lý giữa Trung ương và địa phương đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần bảo đảm tương xứng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của mỗi cấp, cũng như tương xứng với tính chất, mức độ, ảnh hưởng của đối tượng xin cấp phép.
Thứ năm, pháp luật về điều kiện kinh doanh phải bảo đảm minh bạch Yêu cầu này đòi hỏi hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh phải được công bố, được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, bảo đảm chủ thể kinh doanh có thể dễ dàng xác định ngành nghề kinh doanh nào có điều kiện kinh doanh và nội dung điều kiện đó. Đồng thời nội dung các
quy định pháp luật bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo tính cô đọng, logic, một nghĩa và dễ thực hiện.