Giải quyết xung đột pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật một số nước

Một phần của tài liệu Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài tại việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 22 - 27)

CHƯƠNG 1. LÝ LUẬN CHUNG VỀ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI VÀ GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VỀ VẤN ĐỀ NÀY

1.2.2. Giải quyết xung đột pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật một số nước

1.2.2.1. Pháp luật các nước Civil Law và các nước Common Law Xét dưới khía cạnh lý luận về giải quyết xung đột pháp luật, thì luật nhân thân (lex personalis) đối với các nước theo Civil Law thường được hiểu là pháp luật của nước mà đương sự có quốc tịch (lex nationalis), còn đối với các nước theo Common Law thì hiểu là pháp luật của nước nơi đương sự thường trú (lex domicili). Nhưng về nguyên nhân của sự khác nhau này (giữa hệ thuộc luật quốc tịch và hệ thuộc luật nơi cư trú), thì rất khó để có câu trả lời thoả đáng.

Qua nghiên cứu pháp luật cũng như thực tiễn của các nước, nhận thấy các nước trong hệ thống pháp luật Common Law hiện nay, nhất là những nước liên bang (như Hoa Kỳ, Canada, Australia...) là nơi có nhiều người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống, cũng như Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay cũng vậy, thường nhấn mạnh hệ thuộc luật nơi cư trú khi nói đến lex personalis. Thực tế cho thấy, chỉ có người nước ngoài (thuộc các quốc tịch khác nhau) đến định cư sinh sống tại các nước này, chứ công dân của những nước này không có xu hướng định cư ở nước ngoài. Hiện tượng đó được giải thích bởi các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của những nước này cao hơn các nước khác, nên đã thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài đến làm ăn sinh sống. Do đó, năm 1927, Pháp đã ủng hộ quan điểm coi lex domicili (trên cơ sở thuyết địa tính trước kia11) là căn cứ để xác định pháp luật nhân thân trong quan hệ hôn nhân và gia đình.

11 học thuyết địa tính (thuyết lãnh thổ) do Dumoulin và D' Argentre khởi xướng ở Pháp từ thế kỷ XVI.

Bản chất của vấn đề ở đây chính là sự bành trướng áp dụng pháp luật nước mình, thay vì phải áp dụng pháp luật nước ngoài (nếu theo nguyên tắc lex nationalis). Mặt khác, dưới khía cạnh luật quốc tịch còn cho thấy, chính các nước này cũng không yêu cầu công dân nước ngoài phải từ bỏ quốc tịch của mình khi nhập quốc tịch của họ (Anh, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Australia…). Chỉ vấn đề này thôi cũng đã thấy ý đồ của họ trong việc ủng hộ lex domicili, thực chất là bành trướng pháp luật nước mình và cuối cùng dẫn tới chỗ tránh phải áp dụng pháp luật nước ngoài (theo lex nationalis).

Như vậy, xét về bản chất của sự việc, thì yếu tố quốc tịch vẫn là điểm mấu chốt, cốt lõi trong tư tưởng lựa chọn hệ thuộc luật nhân thân, chứ không phải là yếu tố định cư. Mancini12 cực kỳ có lý khi đưa ra học thuyết đối nhân, mà căn cứ vào đó người ta có thể phân biệt công dân nước này với công dân nước kia dựa trên yếu tố nhân thân căn bản nhất của con người là quốc tịch.

1.2.2.2. Pháp luật một số nước cụ thể

Từ sau năm 1927, cùng với việc cho phép ngoại kiều được cư trú trên lãnh thổ Pháp, đã diễn ra những thay đổi căn bản trong thực tiễn tư pháp quốc tế ở Pháp. Với chủ trương áp dụng pháp luật Pháp cho những ngoại kiều cư trú ở đó, Pháp lại đề cao học thuyết địa tính, nhằm áp dụng luật nơi cư trú (lex domicilii) thay vì luật bản quốc của người nước ngoài. Bên cạnh đó, tại Điều 163 và Điều 170 Bộ luật dân sự Pháp có quy định nguyên tắc điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài theo luật của nước có Tòa án, cơ quan có thẩm quyền (Lex fori) đối với các vấn đề phát sinh.

Bộ luật dân sự của Brazil 1942 lấy nguyên tắc luật nơi cư trú làm cơ sở cho việc xác định pháp luật áp dụng đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, quan hệ giữa vợ và chồng nói riêng.

Điều 13 Bộ luật dân sự Đức quy định nguyên tắc luật quốc tịch của đương sự (Lex patriae) điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài.

12 Nhà hoạt động chính trị Italia Mancini (1817-1888) đã đưa ra học thuyết đối nhân nổi tiếng, nhằm ủng hộ cho việc thống nhất Italia.

Theo pháp luật Trung Quốc, tại Điều 147 những nguyên tắc chung về pháp luật dân sự của nước CHDCND Trung Hoa quy định: “những người nước ngoài đăng ký kết hôn tại Trung Quốc phải tuân theo pháp luật Trung Quốc cả về điều kiện kết hôn và nghi thức kết hôn. Kể cả trường hợp người nước ngoài đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước mà họ là công dân nhưng theo pháp luật Trung Quốc chưa đủ điều kiện kết hôn cũng không được đăng ký kết hôn”.

Do đó, pháp luật Trung Quốc áp dụng luật nơi thực hiện hiện hành vi để điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, cụ thể là áp dụng hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi để giải quyết xung đột pháp luật về điều kiện kết hôn.

1.2.2.3. Điều ƣớc quốc tế

Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước là loại điều ước có nhiều quy phạm điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình nói chung, quan hệ giữa vợ và chồng nói riêng, theo phương pháp xung đột. Đây là loại nguồn quan trọng điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở nước ta hiện nay. Trong các Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước, quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh trong các Hiệp định như sau:

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Liên xô (cũ) (ký ngày 10.12.1981, hiện nay LB Nga kế thừa);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Tiệp khắc (cũ) (ký ngày 12.10.1982, hiện nay CH Séc và CH Xlôvalia là hai nước kế thừa);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Cu Ba (ký ngày 30.11.1984);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Hungary(ký ngày 18.01.1985);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Bungary(ký ngày 03.10.1986);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Ba Lan (ký ngày 22.3.1993);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Liên bang Nga (ký ngày 25/8/1998, Việt Nam đã phê chuẩn, hiện chưa có hiệu lực);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Lào (ký ngày 6/7/1998);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Ucraina (ký ngày 6/4/2000);

- Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam - Mông Cổ (ký ngày 17/4/2000)

Trong việc điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, các Hiệp định tương trợ tư pháp trên đây đều đi theo hướng áp dụng hệ thuộc luật nhân thân (lex personalis). Tuy nhiên, sự lựa chọn hệ thuộc luật quốc tịch (lex nationalis) hoặc luật nơi cư trú (lex domicili) lại không có sự giống nhau trong các Hiệp định. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nếu vợ chồng đều là công dân của Nước ký kết này nhưng cùng thường trú trên lãnh thổ Nước ký kết kia, thì quan hệ nhân thân được xác định theo pháp luật của Nước ký kết mà họ là công dân (các Hiệp định với Tiệp khắc, Cuba, Bungary, Balan); còn Hiệp định với Liên xô, Hungary, Liên bang Nga, Lào - thì theo nơi thường trú.

Thứ hai, nếu vợ chồng đều là công dân của Nước ký kết này nhưng vợ thường trú trên lãnh thổ Nước ký kết này, chồng thường trú trên lãnh thổ Nước ký kết kia, thì quan hệ nhân thân được xác định theo pháp luật của Nước ký kết mà họ là công dân (tất cả các Hiệp định).

Thứ ba, trong trường hợp vợ chồng khác quốc tịch nhưng cùng thường trú trên lãnh thổ của một Nước ký kết, thì theo tất cả các Hiệp định, quan hệ nhân thân được xác định theo pháp luật của Nước ký kết mà họ cùng thường trú; nếu họ không cùng thường trú, thì theo nơi thường trú cuối cùng hoặc theo nguyên tắc luật Toà án (lex fori).

Như vậy, theo các Hiệp định tương trợ tư pháp, quan hệ kết hôn chủ yếu được điều chỉnh bằng hệ thuộc luật nhân thân và được điều chỉnh chủ yếu bằng các quy phạm xung đột dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà họ có quốc tịch hoặc có nơi cư trú chung). Đây là cách thức phổ biến, phù hợp với thực tiễn tư pháp quốc tế được nhiều nước áp dụng hiện nay.

Đối với các Công ước của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế như:

(1)Quy chế của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế; (2)Công ước ngày 15/6/1955 về giải quyết xung đột giữa luật theo quốc tịch và luật nơi cư trú;

(3)Công ước ngày 14/3/1978 về Công nhận hiệu lực hôn nhân cũng được áp dụng theo hệ thuộc luật nơi cư trú để điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Có thể thấy, điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và điều chỉnh quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng bằng phương pháp xung đột, với việc áp dụng hệ thuộc luật nhân thân, là quan điểm đúng đắn đã được hầu hết các nước thừa nhận. Điều đó đã phản ánh tính lịch sử, tính chọn lọc, kế thừa và phát triển đúng đắn những quan điểm lý luận khoa học quan trọng trong cơ chế điều chỉnh pháp luật các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, được nhiều nước thử nghiệm, vận dụng và đã thành công hàng trăm năm nay.

Một phần của tài liệu Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài tại việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 22 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)