CHƯƠNG 2. VẤN ĐỀ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
2.1. Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam 1. Quá trình phát triển chế định kết hôn có yếu tố nước ngoài
2.1.1.4. Giai đoạn năm 2000 đến nay
Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 tiếp tục kế thừa và phát triển các chế định của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, trong đó có các chế định hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Chương XI "Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài" gồm 7 điều (từ Điều 100 đến Điều 106), quy định theo hướng giải quyết xung đột pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là quan hệ kết hôn giữa công dân Việt Nam với công dân Trung Quốc (Đài Loan) và công dân Hàn Quốc; Thủ tướng đã ra Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25/02/2005; Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/07/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP theo hướng thắt chặt hơn về trình tự, thủ tục giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, cụ thể hơn và có tính khả thi hơn.
Tuy nhiên, phạm vi này là chưa bao quát hết các quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, chưa có quy định về việc chọn luật áp dụng đối với nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài. Đó là khiếm khuyết lớn nhất của chương XI Luật Hôn nhân và gia đình 2000, đã gây không ít khó khăn cho cơ quan chức
năng khi bắt tay giải quyết vụ việc, cũng như tạo ra khoảng trống trong công tác nghiên cứu và giảng dạy về hôn nhân và gia đình nói chung.
Vừa qua Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 15/5/2013) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định 24/2013/NĐ-CP), nhằm thay thế Nghị định số 68/2002/NĐ-CP, Nghị định số 69/2006/NĐ-CP để đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới. Nghị định quy định một số giải pháp quan trọng nhằm bảo đảm lợi ích của công dân Việt Nam khi kết hôn với người nước ngoài. Cụ thể:
Thứ nhất, Nghị định quy định việc công dân Việt Nam phải được tư vấn, hỗ trợ về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như một “tiêu chuẩn mềm”
trước khi làm thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Mặc dù công tác tư vấn về hôn nhân gia đình đã được các cấp Hội Phụ nữ quan tâm thực hiện (theo Nghị định 68/2002/NĐ-CP), nhưng thực tế chưa được tiến hành đồng bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; nhiều chị em chưa chủ động tiếp cận công tác tư vấn của Trung tâm hỗ trợ kết hôn; công tác tư vấn chưa làm thay đổi được nhận thức của nhiều người dân về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài (người dân với trình độ thấp, cuộc sống vật chất khó khăn nên chỉ coi kết hôn với người nước ngoài là giải pháp để thay đổi cuộc sống). Thực tế đã chứng minh rằng, những phụ nữ trước khi ra nước ngoài sinh sống cùng chồng mà trước đó không được tư vấn đầy đủ để có những hiểu biết cần thiết về pháp luật, văn hoá, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nước sở tại, thì gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với nhà chồng cũng như trong việc hòa nhập cộng đồng.
Ngược lại, những phụ nữ trước khi kết hôn mà được tư vấn đầy đủ (thông qua Trung tâm hỗ trợ kết hôn), được chuẩn bị tâm lý, kiến thức cơ bản ban đầu để tiến tới hôn nhân với người nước ngoài, thì sau này hòa nhập khá vững vàng ở nước ngoài. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trước khi ra nước ngoài, thì việc tư vấn, hỗ trợ để họ có sự hiểu biết cần thiết về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của nước người chồng, là công việc cần thiết và ở chừng mực nào đó, cần phải được xem như một “tiêu chuẩn mềm” trước khi đăng ký kết hôn.
Thứ hai, Nghị định quy định chặt chẽ hơn về quy trình cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài. Xuất phát từ sự xung đột pháp luật về nghi thức kết hôn giữa Việt Nam với các nước, trong đó có Hàn Quốc, quy định cho phép hai bên kết hôn không nhất thiết phải có mặt khi đăng ký kết hôn, nên nhiều phụ nữ Việt Nam đã thực hiện đăng ký kết hôn vắng mặt tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; sau đó đề nghị ở trong nước công nhận việc kết hôn. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hệ lụy của việc kết hôn vắng mặt, bảo đảm lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam khi kết hôn với người nước ngoài, Nghị định số 24/NĐ-CP quy định trước khi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, Ủy ban nhân dân cấp xã phải xin ý kiến Sở Tư pháp về mặt chuyên môn. Đồng thời, Nghị định còn cho phép căn cứ tình hình cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định bổ sung thủ tục phỏng vấn trước khi cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài. Quy định như vậy cũng là nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của công dân Việt Nam trong quan hệ hôn nhân với người nước ngoài.
Thứ ba, Nghị định đã củng cố căn bản về tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (Điều 36) theo hướng: (i) Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là đơn vị sự nghiệp của Trung ương Hội, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận; được thu thù lao khi thực hiện tư vấn, hỗ trợ theo quy định; (ii) Trung tâm thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, như: tư vấn, bồi dưỡng cho công dân Việt Nam về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật về hôn nhân và gia đình, về nhập cư của nước ngoài hữu quan; tư vấn, giúp đỡ người nước ngoài tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, pháp
luật về hôn nhân và gia đình của Việt Nam; giúp đỡ các bên tìm hiểu về hoàn cảnh cá nhân, gia đình, xã hội và các vấn đề khác liên quan mà các bên yêu cầu.