Giải quyết xung đột về nghi thức kết hôn

Một phần của tài liệu Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài tại việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 43 - 47)

CHƯƠNG 2. VẤN ĐỀ KẾT HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

2.1. Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam 1. Quá trình phát triển chế định kết hôn có yếu tố nước ngoài

2.1.2. Giải quyết xung đột pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài

2.1.2.2. Giải quyết xung đột về nghi thức kết hôn

Nghi thức kết hôn là trình tự tiến hành chính thức theo quy định pháp luật để công nhận quan hệ vợ chồng một cách hợp pháp giữa hai bên chủ thể có đủ các điều kiện kết hôn. Hiện nay, trên thế giới tồn tại một số hình thức kết hôn phổ biển: kết hôn theo nghi thức dân sự, kết hôn theo nghi thức tôn giáo, kết hôn theo nghi thức dân sự và nghi thức tôn giáo18.

Pháp luật hầu hết các nước trên thế giới đều quy định việc tiến hành kết hôn theo nghi thức dân sự. Theo nghi thức này, hai bên nam – nữ muốn kết hôn với nhau sẽ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin đăng ký kết hôn. Sau khi xem xét các điều kiện kết hôn của hai bên, nếu hai bên có đủ điều kiện kết

18 Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Tư pháp quốc tế, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008.

hôn và không vi phạm điều cấm kết hôn theo quy định của pháp luật thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ghi vào sổ đăng ký kết hôn và cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho đôi nam – nữ. Nghi thức kết hôn theo tôn giáo được áp dụng phổ biến ở các nước theo đạo giáo như Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Ở các nước này, nghi thức kết hôn được tiến hành theo quy định của đạo giáo.

Nghi thức kết hôn kết hợp giữa nghi thức dân sự và nghi thức tôn giáo là nghi thức kết hôn mà hai bên nam – nữ sau khi tiến hành đăng ký kết hôn theo nghi thức dân sự trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kết hôn trước sự chứng kiến của những người có thẩm quyền trong đạo giáo theo quy định của đạo giáo.

Do có sự quy định khác nhau của pháp luật giữa các nước về nghi thức kết hôn nên có sự xung đột pháp luật về nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài. Trong thực tiễn quốc tế, để giải quyết sự xung đột này thì các nước thường áp dụng luật nới tiến hành kết hôn nhằm xác định tính hợp pháp về nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài. Theo nội dung này thì nghi thức kết hôn được tiến hành ở đâu thì pháp luật nơi đó sẽ quy định tính hợp pháp về mặt hình thức của cuộc hôn nhân. Ví dụ: theo pháp luật Pháp quy định công dân Pháp kết hôn ở nước ngoài thì bên cạnh việc tuân thủ quy định của pháp luật nơi tiến hành kết kết hôn, công dân Pháp phải thông báo việc kết hôn này về nước cho cơ quan có thẩm quyền. Tư pháp quốc tế Đức quy định một cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài nếu không phù hợp với pháp luật nước nơi tiến hành kết hôn, nhưng phù hợ với pháp luật quốc tịch của đương sự thì cuộc hôn nhân đó vẫn được coi là hợp pháp về mặt hình thức19.

Theo pháp luật Việt Nam, luật Hôn nhân và gia đình chưa có quy phạm cụ thể việc chọn luật áp dụng để điều chỉnh nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, quy định liên quan đến nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài được đề cập tại Khoản 1, Điều 16 Nghị định 24/2013/NĐ-CP: “Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải

19 TS. Nông Quốc Bình, TS. Nguyễn Hồng Bắc, Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Tư pháp, 2011, tr. 197.

quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, phù hợp với pháp luật của nước đó thì được công nhận tại Việt Nam, nếu vào thời điểm kết hôn, công dân Việt Nam không vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn”. Theo nội dung này, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài “phù hợp với pháp luật của nước đó” thì được công nhận tại Việt Nam. Do đó, quy định này đã được hiểu là việc kết hôn trước cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài vừa phù hợp về điều kiện kết hôn vừa phù hợp về nghi thức kết hôn theo quy định của pháp luật nước đó. Có thể thấy, pháp luật Việt Nam gián tiếp quy định về nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài, nó phù hợp với quy định pháp luật của nhiều nước và phù hợp với công ước Lahaye 1902. Tuy nhiên, nội dung của Khoản 1, Điều 16 Nghị định 24/2013/NĐ-CP không thể coi là quy định về chọn luật áp dụng giải quyết xung đột nghi thức kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Theo pháp luật Việt Nam, nghi thức kết hôn hợp pháp là nghi thức kết hôn dân sự. Tại Nghị định 24/2013/NĐ-CP quy định các bước tổ chức nghi lễ đăng ký kết hôn tại Sở Tư pháp (nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam), tại cơ quan đại diện Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam (nếu đăng ký tại cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự ở nước ngoài) cũng trên tinh thần nghi thức tại Điều 11 và Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 đều yêu cầu phải tổ chức trang trọng, có mặt hai bên đương sự, các bên đương sự đều khẳng định lần cuối ý định tự nguyện kết hôn rồi mới tiến hành trao Giấy chứng nhận kết hôn. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định của pháp luật đều không có giá trị pháp lý. Nam nữ không đăng ký kết hôn thì dù có chung sống với nhau trong thời gian dài, có con cái và tài sản chung thì cũng không được công nhận là vợ chồng hợp pháp và do đó sẽ không được đảm bảo về quyền và lợi ích.

Như vậy, pháp luật Việt Nam quy định nghi thức kết hôn là nghi thức kết hôn dân sự và việc tiến hành theo nghi thức này là điều kiện bắt buộc để công nhận tính hợp pháp của quan hệ vợ chồng.

* Nghi thức kết hôn tiến hành trước cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam và trước cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2000, Nghị định 24/2013/NĐ-CP thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài không có thay đổi so với quy định trước đây của Luật Hôn nhân và gia đình 1986, Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài 1993. Tại khoản 1 Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 và khoản 1, khoản 2, Điều 6 Nghị định 24/2013/NĐ-CP quy định cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương nơi công dân Việt Nam cư trú (trường hợp kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tại Việt Nam); nơi một trong hai người thường trú (trường hợp kết hôn giữa người nước ngoài thường trú ở Việt Nam với nhau.

Khoản 2, Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 và khoản 3, Điều 6 Nghị định 24/2013/NĐ-CP quy định cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam cứ trú ở nước ngoài với người nước ngoài. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở cơ quan đại diện và phải có mặt hai bên nam, nữ.

Cơ quan đại diện chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn.

Có thể thấy, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm và cách thức giải quyết việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài theo Nghị định 24/2013/NĐ- CP rất rõ ràng, sát với thực tế, có tính khả thi và thuận tiện cho cơ quan nhà nước trong việc triển khai thực hiện. Đặc biệt Nghị định đã có quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoài giao, lãnh sự, Sở Tư pháp trong việc phỏng vấn, trao đổi thông tin để xác minh làm rõ yêu cầu đăng ký kết hôn, giúp công tác quản lý nhà nước về vấn đề này chặt chẽ hơn và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam kết hôn với người ngoại quốc.

* Thẩm quyền của UBND vùng biên giới

Xuất phát từ đặc trưng địa lý giữa Việt Nam và các nước láng giềng và thực tế quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam ở khu vực biên giới với công dân các nước láng giềng đã và đang phát triển mạnh mẽ. Khi muốn đăng ký kết hôn thì việc đi lại không hề thuận tiện, đời sống kinh tế và nhận thức của người dân ở khu vực này nhìn chung là thấp. Nếu áp dụng các quy định chung của pháp luật Hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đối với các đối tượng ở khu vực biên giới là không phù hợp và không khả thi. Khoản 1, Điều 102 Luật Hôn nhân và gia đình quy định “Việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi, giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam do Chính phủ quy định”.

Trong Nghị định 24/2013/NĐ-CP dành hẳn Chương IV quy định về vấn đề này.

Như vậy, thẩm quyền giải quyết về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới và công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền của UBND xã nơi thường trú của công dân Việt Nam. Quy định này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc đăng ký kết hôn với công dân của nước láng giềng.

Một phần của tài liệu Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài tại việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 43 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)