Những đề xuất, kiến nghị khác

Một phần của tài liệu Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài tại việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 69 - 74)

CHƯƠNG 3. THỰC TRẠNG KẾT HÔN GIỮA CÔNG DÂN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY

3.3. Đề xuất, kiến nghị

3.3.2. Những đề xuất, kiến nghị khác

Thứ nhất, giải pháp trước mắt là cần thiết phải ổn định, chuyên nghiệp hóa đội ngũ công chức thực hiện công tác hộ tịch thông qua việc xây dựng chức danh Hộ tịch viên. Việc xây dựng chức danh Hộ tịch viên sẽ đảm bảo tính chuyên nghiệp cho đội ngũ công chức này đồng thời là điều kiện cần thiết để UBND cấp xã nhận chuyển giao những công việc phức tạp từ Sở Tư pháp và UBND cấp huyện.

Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về kết hôn có yếu tố nước ngoài.

- Cải tiến biểu mẫu giấy tờ về hộ tịch, tránh làm giả, dễ sử dụng, khai thác (đặc biệt yêu cầu cấp bản sao);

- Gửi hồ sơ đăng ký kết hôn thuận tiện, nhanh chóng thông qua cơ sở dữ liệu điện tử.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nói chung, cơ sở dữ liệu về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng là một yêu cầu bức thiết hiện nay. Cơ sở dữ liệu điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý hộ tịch, đặc biệt là công tác thống kê, báo cáo số liệu đăng ký hộ tịch để phục vụ chính xác, kịp thời cho việc xâydựng, hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, và trong tra cứu thông tin biến động hộ tịch theo yêu cầu của người dân.

Hiện nay, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp đang nghiên cứu xây dựng Đề án dữ liệu điện tử về Hộ tịch. Cục đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm với Hungary, Pháp trao đổi những kinh nghiệm về việc xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.

Thứ ba, xử lý các hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp: Trong thời gian qua, cơ quan Công an các tỉnh, thành phố đã rất tích cực trong đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp. Tuy nhiên số vụ việc

môi giới kết hôn bất hợp pháp dường như ngày càng tăng, trắng trợn hơn, quy mô lớn hơn. Có vụ việc mà môi giới tập trung hàng trăm cô gái chỉ để cho vài người Hàn Quốc xem mặt chọn vợ (đã được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng). Tham gia hoạt động môi giới kết hôn gồm có các công ty trong và ngoài nước với đội ngũ “cộng tác viên” rất tích cực lùng sục khắp các thôn ấp các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. Có thể thấy, việc đấu tranh chống môi giới kết hôn bất hợp pháp tuy được tiến hành rất tích cực nhưng kết quả lại không được như mong muốn. Bởi nhiều lý do sau:

- Hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp đem lại lợi nhuận rất cao (bình quân mỗi vụ kết hôn, bọn môi giới bỏ túi 2000 đến 3000 USD);

- Nhu cầu tìm vợ của người Đài Loan và Hàn Quốc tại Việt Nam là rất lớn mà những người này không thể tự tìm được vợ ở Việt Nam, nếu không thông qua môi giới;

- Các nước láng giềng đều cho phép hoạt động môi giới kết hôn và thực tế có hàng trăm Công ty như vậy đang hoạt động, trong khi đó,Việt Nam lại đang nổi lên như là một “thị trường” hấp dẫn nhất đối với các Công ty này;

- Việc phát hiện và xử lý hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp trong thực tế là tương đối khó. Trong thời gian qua, cơ quan Công an các tỉnh, thành phố chủ yếu mới phát hiện và xử lý những vụ việc lớn (tụ tập hàng trăm phụ nữ trở lên tại một khách sạn, nhà hàng nào đó để cho người Đài Loan, Hàn Quốc chọn vợ mà chưa xử lý được những “chân rết” của hoạt động này là các cá nhân đang hoạt động tích cực, thậm chí “nằm vùng” ở các cơ sở.

Mặt khác, việc xử lý hành vi môi giới kết hôn hiện tại mới chỉ được quy định tại Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội với mức phạt tiền từ 1.000.000đ đến 2.000.000đ cho hành vi “Môi giới, dẫn dắt, tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh, trật tự”. Như vậy, biện pháp xử phạt như vậy là quá nhẹ, chưa đủ

mạnh để ngăn chặn những hành vi môi giới kết hôn bất hợp pháp, cần có những chế tài nghiêm khắc để giảm thiểu được những hành vi này.

Thứ tư, tăng cường biện pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của người dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức và chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể là việc tuyên truyền, giáo dục chỉ mới được tiến hành một cách tự phát theo từng địa phương, nơi làm, nơi không; thiếu sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương; Chương trình tuyên truyền, giáo dục chưa được chuẩn bị một cách chu đáo, bài bản mà làm có tính chất chắp vá, rời rạc.

Ví dụ: các phương tiện truyền thông, báo chí của ta chỉ thỉnh thoảng đưa tin về những vụ việc tiêu cực trong vấn đề hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài mỗi khi có vụ việc xảy ra mà chưa đi sâu vào phân tích bản chất của vấn đề để từ đó có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân. Trong khi đó, vấn đề tuyên truyền, giáo dục lại có ý nghĩa và vai trò rất to lớn không chỉ trước mắt mà cả lâu dài trong lĩnh vực này. Bởi vì: Kết hôn là việc hoàn toàn mang tính chất đời tư của mỗi cá nhân, sự can thiệp của luật pháp trong lĩnh vực này chỉ ở mức độ tối thiểu. Kết quả của cuộc hôn nhân tốt hay không tốt chủ yếu phụ thuộc vào khả năng nhận thức và ứng xử của cá nhân. Thực tế những năm qua đã chứng minh rằng trào lưu lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc chủ yếu xuất phát từ lý do kinh tế nhưng lý do trực tiếp là từ vấn đề tư tưởng, đạo đức và lối sống thực dụng của một bộ phận thanh niên lười lao động thích hưởng thụ.

Để thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề này, không có gì hiệu quả bằng việc tuyên truyển xây dựng ý thức pháp luật cho mỗi người dân. Nhận thức được các quy định pháp luật về điều kiện kết hôn, về việc cấm môi giới kết hôn, biết được những thông tin về tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài

của địa phương và tình hình chung của Việt Nam thì chính họ sẽ là người điều chỉnh “trào lưu” kết hôn với người ngoại quốc.

Xuất phát từ tình hình trên, để giải quyết vấn đề một cách cơ bản, tận gốc rễ cần có một chương trình tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các cô gái và các bậc phụ huynh trong vấn đề hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được sự chỉ đạo thống nhất của cấp uỷ với sự tham gia đông đảo của các tổ chức, đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phụ nữ, Thanh niên, Hội Cựu chiến binh và các cơ quan truyền thông, báo chí v.v.

Thứ năm, giải pháp về kinh tế. Một trong những mục đích quan trọng mà nhiều trường hợp kết hôn với người nước ngoài hướng tới, đó là mục đích kinh tế, là mong muốn được đổi đời, không chịu cuộc sống lao động vất vả, chân lấm tay bùn. Do đó, giải pháp kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng, giải quyết được gốc rễ của trào lưu lấy chồng ngoại.

Giải pháp về kinh tế đối với chính quyền địa phương là cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, tận dụng những thế mạnh của từng vùng để phát triển các ngành mũi nhọn, hoặc phát triển các ngành thủ công, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Thứ sáu, giải pháp giáo dục – truyền thông. Nguyên nhân dẫn đến trào lưu lấy chồng ngoại quốc và dẫn đến một số hậu quả xấu mà chị em phụ nữ phải gánh chịu là trình độ học vấn thấp và nhận thức quá đơn giản. Hầu hết phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài đều chỉ học hết cấp 2, một số ít học cấp 3, trình độ ngoại ngữ hầu như không có, khả năng tiếp thu chậm, điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin còn rất hạn chế. Do vậy, để giải quyết được gốc rễ của vấn đề thì không thể bỏ qua vai trò của giáo dục – truyền thông. Cần nâng cao chất lượng giáo dục để tạo nền nhận thức vững vàng cho học sinh, đặc biệt là các học sinh nữ, chú trọng về chương trình dạy ngoại ngữ. Vì khi học tốt ngoại ngữ, học sinh sẽ có khả năng tiếp thu các ngoại ngữ khác tốt hơn và nhanh hơn, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để học sinh tiếp tục

theo học, giúp đỡ trường hợp khó khăn để các em có thể theo học hết chương trình phổ thông.

Chính quyền địa phương cần tăng cường cập nhật thông tin về pháp luật, về tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tình hình kết hôn ở địa phương, về sự mất cân bằng giới tính, những trường hợp điển hình chịu hậu quả xấu khi kết hôn với người nước ngoài để thông tin đến người dân ở địa phương qua qua hệ thống loa truyền thanh, phối hợp với các ban, đoàn thể để có biện pháp nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Một phần của tài liệu Vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài tại việt nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)