CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN KHUÔN KHỔ LÝ THUYẾT VÀ CÁC NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM
2.5 Các nghiên cứu thực nghiệm về cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ
2.5.1 Các nghiên cứu nước ngoài
Mala Raghavan và Param Silvapulle (2008) sử dụng mô hình SVAR để nghiên cứu các khuôn khổ chính sách tiền tệ của một nền kinh tế nhỏ mở Malaysia.
Nghiên cứu quan tâm đến phản ứng của nền kinh tế năng động đối với cung tiền, lãi suất, tỷ giá và các cú sốc nước ngoài. Sau cuộc khủng hoảng tài chính vào tháng 7/1997, Malaysia đã áp dụng chế độ tỷ giá cố định vào tháng 9/1998. Nghiên cứu tìm hiểu cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ ở Malaysia đã thay đổi trong thời kỳ hậu khủng hoảng bằng cách phân tích cường độ các phản ứng của các biến trong nước đối với những cú sốc tiền tệ khác nhau. Các kết quả thực nghiệm cho thấy sự khác biệt đáng chú ý: (1) Trong kỳ trước khủng hoảng cú sốc chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng, giá cả, lãi suất và tỷ giá hối đoái; và (2) Trong thời kỳ hậu khủng hoảng chỉ có những cú sốc tiên tệ có ảnh hưởng mạnh hơn đến sản lượng. Hơn nữa, chính sách tiền tệ trong nước dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc nước ngoài đặc biệt là các cú sốc giá hàng hoá thế giới và sốc sản lượng trong giai đoạn hậu khủng hoảng. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra cuộc khủng hoảng đã thay đổi vài trò của các kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ ở Malaysia.
Pagan, Catão và Laxton (2008) xây dựng một mô hình cấu trúc kết hợp các tính năng quan trọng của sự truyền dẫn tiền tệ trong nền kinh tế thị trường mới nổi điển hình, bao gồm một kênh ngân hàng-tín dụng và vai trò của sự tích lũy nợ nước ngoài trên phí bảo hiểm rủi ro quốc gia, cùng với tính động của tỷ giá hối đoái. Pagan, Catão và Laxton sử dụng mô hình SVAR để nghiên cứu sự truyền dẫn chính sách tiền tệ ở Brazil. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng sự thay đổi lãi suất có tác động đến sản lượng và lạm phát ở Brazil mau lẹ hơn so với các nền kinh tế tiên tiến, đồng thời tính động của tỷ giá hối đoái đóng một vai trò quan trọng trong sự kết nối này. Quan trọng hơn, phản ứng của lạm phát đối với cú sốc trong chính sách tiền tệ đã phát triển mạnh mẽ hơn và sự cân bằng giữa sản lượng - lạm phát được cải thiện kể từ khi lạm phát mục tiêu được thiết lập.
Ncube và Ndou (2011) nghiên cứu sự ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đến các biến số thực qua các kênh gián tiếp, tập trung vào sự truyền dẫn của chính sách
tới tiêu dùng. Nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của yếu tố lãi suất thông qua kênh tài sản nhà và kênh tín dụng tác động lên chi tiêu thực. Trước một chính sách tiền tệ thắt chặt, khi mà lãi suất gia tăng thì tiêu dùng nhà ở suy giảm, nhất là đối với nhà ở có diện tích lớn. Như vậy, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể làm suy yếu áp lực lạm phát phát sinh từ tiêu dùng quá mức thông qua kênh tài sản nhà và kênh tín dụng.
Acosta-Ormaechea và Coble (2011) thực hiện nghiên cứu so sánh sự truyền dẫn chính sách tiền tệ trong các nền kinh tế có hiện tượng đô la hóa (Peru và Uruguay) và các nền kinh tế không có hiện tượng đô la hóa (Chile và New Zealand). Kết quả cho thấy kênh lãi suất truyền thống đóng vai trò quan trọng ở Chile và New Zealand, trong khi kênh tỷ giá hối đoái lại giữ vị trí trọng yếu hơn trong việc kiểm soát lạm phát ở Peru và Uruguay. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quá trình làm giảm sự lệ thuộc vào đồng đô la ở Peru và Uruguay làm mạnh dần sự truyền dẫn chính sách tiền tệ qua kênh lãi suất.
Leu (2011) xây dựng mô hình SVAR theo hướng tiếp cận của trường phái New Keynes cho nền kinh tế Úc giai đoạn từ năm 1984 đến năm 2009, nhằm phân tích tác động của chính sách tiền tệ đến các biến số vĩ mô trong mối quan hệ tổng thể của nền kinh tế. Bên cạnh việc nghiên cứu sự ảnh hường của cú sốc trong chính sách tiền tệ thông qua lãi suất, Leu còn xem xét tới các cú sốc khác. Đó là cú sốc tổng cầu dựa vào mô hình tối đa hóa hữu dụng của chủ thể tư nhân; cú sốc tổng cung dựa vào đường cong Keynes Phillips mới; cú sốc tỷ giá theo điều kiện cân bằng lãi suất theo tỷ giá kỳ vọng. Cấu trúc đồng thời của mô hình SVAR mà Leu xây dựng được hình thành dựa trên mô hình nền kinh tế nhỏ mở, nơi mà các chủ thể kinh tế có kỳ vọng hợp lý và hướng tới tối ưu hóa hữu dụng kỳ vọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Một cú sốc chính sách tiền tệ dương có tác động thu hẹp đáng kể sản lượng và lạm phát. Lãi suất trong nước tương đối cao gây ra tác động gia tăng tỷ giá hối đoái.
Trong trường hợp có một cú sốc dương trong phần bù rủi ro lên việc nắm giữ đồng nội tệ, tỷ giá hối đoái giảm và ngân hàng trung ương gia tăng lãi suất nhằm phản ứng với sản lượng và lạm phát cao hơn. Mặc dù tỷ giá hối đoái
danh nghĩa không được cân nhắc rõ ràng trong quy tắc chính sách tiền tệ, nhưng sự biến động tỷ giá hối đoái lớn có thể gây tác động xấu gián tiếp lên sản lượng thực.
Trước một cú sốc dương trong tổng cầu, sản lượng và lạm phát gia tăng, ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách cho phù hợp. Điểm thú vị là, tỷ giá hối đoái gia tăng, điều này cho thấy cú sốc trong tổng cầu gắn liền với sự gia tăng trong lượng cầu từ nước ngoài đối với hàng hóa Úc.
Một cú sốc ngược chiều trong tổng cung thể hiện một tình huống tiến thoái lưỡng nan cho các ngân hàng trung ương khi nền kinh tế trải qua tình trạng lạm phát. Phân tích hàm phản ứng xung cho thấy ngân hàng trung ương không vội vàng trong hành động chính sách ở giai đoạn đầu của cú sốc. Ngân hàng trung ương dần dần thực hiện tăng lãi suất danh nghĩa để chống lại áp lực lạm phát, nhưng cho phép các mức lãi suất thực giảm nhằm khắc phục lỗ hổng sản lượng bị âm.
Đây là bài nghiên cứu gốc mà tác giả áp dụng (phương pháp nghiên cứu) cho đề tài luận văn của mình.
Bjornland (2011) phân tích cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ trong nền kinh tế nhỏ mở Na Uy thông qua mô hình VAR. Nhà nghiên cứu cho rằng một sự hiểu biết về cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ là bắt buộc để thực hiện một chiến lược chính sách tiền tệ hiệu quả. Đối với một nền kinh tế nhỏ mở, tỷ giá đóng một vai trò trung tâm trong mối quan hệ chính sách tiền tệ. Nhiều nước khi theo đuổi lạm phát mục tiêu đã phải bỏ chế độ tỷ giá cố định và chuyển sang tỷ giá thả nổi. Kết quả của Na Uy cho thấy sự phụ thuộc lẫn nhau đáng kể giữa chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.
Đặc biệt, sau một cú sốc chính sách tiền tệ thắt chặt, tỷ giá hối đoái thực ngay lập tức tăng cao, sau đó dần dần giảm trở lại đường cơ sở. Các kết quả tìm thấy được cho là phù hợp với các lý thuyết trước đó. Đối với các biến khác, cú sốc chính sách tiền tệ làm giảm sản lượng và có tác dụng chậm chạp nhưng tiêu cực đến lạm phát giá tiêu dùng. Khi so sánh với thời kỳ trước, sự biến động tỷ giá hối đoái đối với những cú sốc chính sách tiền tệ tăng lên trong giai đoạn lạm phát mục tiêu. Bên cạnh đó, bằng
cách bổ sung phân tích VAR cho giai đoạn lạm phát mục tiêu, nghiên cứu tìm thấy bằng chứng hỗ trợ thêm cho thực tế tỷ giá, cũng như giá cả tài sản khác, phản ứng ngay lập tức với tin tức tại thời điểm đó.
Mohanty (2012) nghiên cứu về kênh truyền dẫn lãi suất ở Ấn Độ. Bằng cách sử dụng mô hình SVAR và dữ liệu theo quý, nghiên cứu tìm thấy bằng chứng cho thấy chính sách tăng lãi suất có ảnh hưởng trái chiều đến tăng trưởng sản lượng với độ trễ 2 quý và tác động giảm nhẹ lạm phát với độ trễ 3 quý. Thời gian đạt trạng thái cân bằng kéo dài khoảng 8-10 quý. Kết quả này được xác định là có tính vững khi tác giả thay đổi nhiều thước đo khác nhau cho các biến số sản lượng, lạm phát và tính thanh khoản. Thêm vào đó, mối quan hệ nhân quả không trực tiếp có ý nghĩa thống kê được tìm thấy từ chính sách lãi suất tác động lên sản lượng, lạm phát và các thước đo khác nhau của tính thanh khoản, ngoại trừ lượng tiền rộng (M3); điều này cho thấy vai trò của lãi suất như là một công cụ chính sách tiền tệ hữu hiệu.
Bhuiyan (2012) xây dựng một mô hình BSVAR cho Bangladesh với mẫu hình một nền kinh tế nhỏ mở nhằm ước lượng sự ảnh hưởng của các cú sốc trong chính sách tiền tệ lên hàng loạt biến số vĩ mô. Để gia tăng độ chính xác của việc nhận dạng mô hình, Bhuiyan cho phép các biến số vĩ mô trong mô hình tương tác đồng thời với nhau. Kết quả của nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng thanh khoản và ảnh hưởng tỷ giá của cú sốc trong chính sách tiền tệ được nhận biết ngay lập tức, trong khi sản lượng công nghiệp phản ứng với độ trễ nửa năm, và lạm phát thì phản ứng với độ trễ hơn một năm. Bhuiyan cũng nhận thấy các cú sốc trong chính sách tiền tệ không phải là nguyên nhân chính tạo nên sự biến động trong sản lượng công nghiệp của Bangladesh.
Vinayagathasan (2013) cố gắng xác định các chỉ số chính sách tiền tệ nhằm tìm lời giải thích tốt hơn cho cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ ở Sri Lanka. Nghiên cứu này cũng ước lượng xem những cú sốc xuất phát từ chính sách tiền tệ nước ngoài và giá dầu ảnh hưởng như thế nào đến các biến kinh tế vĩ mô trong nước. Để thực hiện được điều đó, Vinayagathasan đã xây dựng một mô hình SVAR gồm 7 biến, từ dữ liệu chuỗi thời gian hàng tháng của Sri Lanka trong giai đoạn từ tháng 1 năm 1978
đến tháng 12 năm 2011. Hàm phản ứng đẩy và chức năng phân rã phương sai được nhà nghiên cứu sử dụng để mô tả mối quan hệ giữa các biến. Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng những cú sốc lãi suất đóng một vai trò quan trọng và giải thích sự chuyển động của các biến số kinh tế tốt hơn so với những cú sốc trong tổng lượng tiền hay các cú sốc trong tỷ giá hối đoái. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy khá rõ ràng rằng các cú sốc chính sách tiền tệ nước ngoài và các cú sốc giá dầu dường như không ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.
Kilinc và Tunc (2014) thực hiện nhận dạng các cú sốc trong chính sách tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong một giai đoạn có lạm phát mục tiêu rõ ràng, bắt đầu từ năm 2006, với hướng tiếp cận SVAR. Các nhà nghiên cứu đã mô hình hóa Thổ Nhĩ Kỳ như một nền kinh tế nhỏ mở, nơi mà các biến số nội địa bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nước ngoài như giá cả hàng hóa và lượng cầu thế giới, nhưng các biến số nội địa thì không tác động tới các biến số nước ngoài. Kilinc và Tunc phân tích sự ảnh hưởng của 4 cú sốc trong nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ; trong đó có 2 cú sốc nội địa là cú sốc trong lãi suất và cú sốc trong phần bù rủi ro, 2 cú sốc từ nước ngoài là cú sốc trong giá cả hàng hóa và cú sốc trong lượng cầu thế giới. Tất cả các cú sốc đều được nhận thấy là có tác động có ý nghĩa thống kê lên các biến số vĩ mô chính. Cú sốc dương trong lãi suất làm gia tăng giá trị của đồng nội tệ và làm giảm lạm phát, trong khi cú sốc dương trong phần bù rủi ro lại gây ra sự sụt giảm giá đồng nội tệ và gia tặng lạm phát. Cả 2 cú sốc này đều làm giảm hoạt động nội địa. Là một nền kinh tế mở và tham gia giao thương quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng của các cú sốc toàn cầu. Một sự thay đổi dương trong lượng cầu toàn cầu dẫn đến một sự gia tăng trong giá hàng hóa toàn cầu.
Một cú sốc dương trong giá cả hàng hóa cũng làm gia tăng lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Có thể dễ dàng nhận thấy việc nghiên cứu về chính sách tiền tệ nói chung và cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ nói riêng chưa bao giờ là vấn đề xưa cũ và cũng không phải là vấn đề của riêng một quốc gia nào, trái lại đó là một vấn đề luôn mang tính cập nhật thời sự trên toàn thế giới. Số lượng nghiên cứu không ngừng gia tăng theo thời gian và được đa dạng hoá về phương pháp nghiên cứu. Bên cạnh những nghiên cứu chỉ xem xét sự tác động của chính sách tiền tệ trên phương diện vĩ mô,
vắng mặt vai trò của nền tảng vi mô; đã có những nghiên cứu phân tích tầm ảnh hưởng của chính sách tiền tệ trong các mối quan hệ tổng hoà của nền kinh tế, cả vi mô và vĩ mô, quan tâm tới yếu tố kỳ vọng và các bất hoàn hảo của thị trường. Trong rất nhiều hướng tiếp cận thuộc về kinh tế lượng, hướng tiếp cận VAR, SVAR là sự lựa chọn khá phổ biến và được giới nghiên cứu trên thế giới tin dùng. Chính vì thế, trong đề tài này, tác giả cũng đi theo hướng tiếp cận SVAR để đạt mục tiêu nghiên cứu của đề tài.