Các nghiên cứu cho trường hợp Việt Nam

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của cú sốc chính sách tiền tệ đến các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế việt nam (Trang 50 - 55)

CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN KHUÔN KHỔ LÝ THUYẾT VÀ CÁC NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM

2.5 Các nghiên cứu thực nghiệm về cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ

2.5.2 Các nghiên cứu cho trường hợp Việt Nam

Phạm Thế Anh (2008) nghiên cứu chính sách tiền tệ và ảnh hưởng của chính sách tiền tệ đối với lạm phát, sản lượng và các biến kinh tế vĩ mô khác. Sử dụng mô hình SVAR 4 biến (Sản lượng công nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng, cung tiền và lãi suất). Nhà nghiên cứu tìm thấy khi lãi suất tăng làm giảm sản lượng và chỉ số giá tiêu dùng. Sự phản ứng của chỉ số giá tiêu dùng là tương đối chậm hơn sản lượng. Chỉ số giá tiêu dùng chỉ bắt đầu giảm sau thời gian khoảng 2-3 tháng. Sự gia tăng lãi suất cũng đồng thời kéo sự giảm cung tiền M2. Ngoài ra, nhà nghiên cứu còn tìm thấy sự biến động của tốc độ tăng trưởng và lạm phát là do tác động của chính nó, sau 12 tháng ảnh hưởng cú sốc. Cú sốc của M2 và lãi suất đóng góp rất nhỏ vào sự biến động của tăng trưởng và lạm phát.

Lê Việt Hùng và Wade D.Pfau (2008) phân tích sự truyền dẫn của chính sách tiền tệ ở Việt Nam, sử dụng mô hinh VAR để kiểm tra mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ, sản lượng thực, giá, lãi suất thực, tỷ giá hối đoái thực và tín dụng. Sử dụng công cụ cung tiền như một công cụ trực tiếp thực hiện chính sách tiền tệ và lãi suất như là công cụ trung gian truyền dẫn từ cung tiền đến các biến vĩ mô. Nghiên cứu cho thấy rằng chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến sản lượng và giá cả. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa chính sách tiền tệ và lạm phát lại khá yếu. Nghiên cứu cũng cho thấy kênh truyền dẫn lãi suất kém quan trọng hơn kênh tín dụng và tỷ giá hối đoái. Tác động của cú sốc chính sách tiền tệ đối với sản lượng kéo dài từ quý 1 đến quý 2 nhưng tác động đối với giá cả thì kéo dài từ 3 đến 8 quý. Sự thay đổi của sản lượng phụ thuộc phần lớn vào cú sốc của chính sách tiền.

Trần Ngọc Thơ và Nguyễn Hữu Tuân (2013) dùng mô hình SVAR để phân tích cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu trên các biến:

giá dầu, lãi suất cơ bản của Mỹ là các đại diện biến nước ngoài; sản lượng công nghiệp, lạm phát, cầu tiền, lãi suất, tỷ giá hối đoái danh nghĩa đa phương đại diện cho nền kinh tế Việt Nam. Để nhận diện tác động của điểm gãy cấu trúc, đề tài đã chia tập dữ liệu nghiên cứu thành hai giai đoạn trước và sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Bằng chứng thực nghiệm cho thấy lạm phát Việt Nam nhạy cảm với yếu tố giá dầu và tỷ giá. Về các cú sốc bên ngoài và tỷ giá có tác động đáng kể đến thay đổi của lãi suất. Về tỷ giá hối đoái danh nghĩa đa phương chịu sự tác động mạnh của lạm phát và sự thay đổi của lãi suất cơ bản của Mỹ.

Nguyễn Khắc Quốc Bảo (2013) sử dụng phương pháp VECM để phân tích các kênh truyền dẫn chính sách tiền tệ ở Việt Nam tác động như thế nào đến hoạt động kinh tế và giá cả, dữ liệu khảo sát từ tháng 1 năm 2001 đến tháng 7 năm 2012. Kết quả nghiên cứu có bằng chứng cho thấy thắt chặt chính sách tiền tệ bằng công cụ lãi suất sẽ làm giảm sản lượng nhưng lại làm tăng lạm phát (The price puzzle), trong khi mở rộng cung tiền và tăng tỷ giá làm sản lượng tăng và lạm phát giảm. Ngoài ra có bằng chứng cú sốc từ giá chứng khoán tác động rất ít đến sản lượng và giá cả.

Đinh Thị Thu Hồng và Phan Đình Mạnh (2013) phân tích về cơ chế truyền dẫn lãi suất từ lãi suất chính sách qua lãi suất thị trường đến lãi suất bán lẻ ở Việt Nam và một số nền kinh tế mới nổi khác ở Châu Á thông qua kiểm tra tính đối xứng và tính bất đối xứng trong truyền dẫn lãi suất bằng mô hình ECM theo Scholnick(1996); kiểm tra tác động của độ bất ổn lãi suất, tính cứng nhắc trong quá trình điều chỉnh và hiệu ứng đòn bẩy lên truyền dẫn bằng mô hình ECM- EGARCH(1,1)-M dựa theo nghiên cứu của Wang và Lee (2009). Các kết quả thực nghiệm của bài báo cho thấy mức độ truyền dẫn từ lãi suất thị trường sang lãi suất bán lẻ là không hoàn toàn, với cơ chế truyền dẫn đối xứng hoặc bất đối xứng. Trong một số trường hợp, độ biến động lãi suất làm tăng biên độ truyền dẫn, nhưng cũng có một số trường hợp cho thấy kết quả ngược lại.

Nguyễn Phúc Cảnh (2014) nghiên cứu chính sách tiền tệ và thị trường cổ phiếu giai đoạn 2000 đến 2013 nhằm tìm hiểu truyền dẫn chính sách tiền tệ qua kênh tài sản. Nghiên cứu thực hiện bằng mô hình SVAR, có kết luận chính sách tiền tệ có truyền dẫn mạnh qua thị trường chứng khoán thông qua cung tiền, trong khi lãi suất không có tác động lớn đến thị trường chứng khoán ở cả hai chỉ số Vn-Index, HNX- index và không làm giá cả thay đổi.

Trầm Thị Xuân Hương, Võ Xuân Vinh & Nguyễn Phúc Cảnh (2014), nhóm nhà nghiên cứu sử dụng mô hình VAR nghiên cứu tác động của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế Việt Nam thông qua kênh truyền dẫn lãi suất. Các quan sát tiến hành theo tháng, từ tháng 1/2000 đến tháng 7/2013, để đánh giá mức độ truyên dẫn tác giả đã chia ra hai giai đoạn trước và sau 2008. Kết quả nghiên cứu cho thấy ở Việt Nam giai đoạn trước khủng hoảng tài chính năm 2008, kênh lãi suất tồn tại đúng với lý thuyết kinh tế vĩ mô. Nhưng, trong giai đoạn khủng hoảng khi lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước tăng dẫn đến tăng lạm phát, điều này cho thấy tồn tại kênh chi phí trong truyền dẫn của chính sách tiền tệ tại Việt Nam tại thời gian này.

Huỳnh Thị Cẩm Hà, Lê Thi Lanh, Lê Thị Hồng Minh & Hoàng Thị Phương Anh (2014) phân tích tác động của các biến số vĩ mô bao gồm cung tiền (MS), lãi suất cho vay (ITR), chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tỷ giá hối đoái (EXR) và giá trị sản lượng công nghiệp (IP) đến thị trường chứng khoán Việt Nam (Vn-Index) trong giai đoạn từ 2001 đến 2013. Vì giữa các biến tồn tại đồng liên kết nên nghiên cứu sử dụng mô hình ECM để xác định mối quan hệ giữa các biến trong ngắn hạn và VECM nhằm kiểm tra mối quan hệ cân bằng dài hạn. Kết quả cho thấy trong dài hạn, MS và IP có mối quan hệ cùng chiều với Vn-Index, ITR và CPI có mối quan hệ ngược chiều với Vn-index. Trường hợp xảy ra các cú sốc của những biến số vĩ mô thì quá trình Vn- index điều chỉnh về mức cân bằng là khá chậm.

Cao Thị Ý Nhi và Lê Thu Giang (2015) nghiên cứu kênh truyền dẫn tiền tệ ở Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2014 bằng mô hình SVAR. Mô hình nghiên cứu được ước lượng với dữ liệu theo quý, gồm 11 biến và được chia làm 2 khu vực: khu vực quốc tế và khu vực trong nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi

cung tiền thay đổi sẽ tác động tới lãi suất, tín dụng và tỷ giá, từ đó ảnh hưởng lên hai biến mục tiêu là sản lượng và lạm phát của nền kinh tế. Tuy nhiên cung tiền chỉ có tác động tới các kênh truyền dẫn trong thời gian ngắn. Cung tiền có tác động dương đến sản lượng và có tác động âm đến chỉ số giá nhưng đều giảm dần sau 6 quý. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy các kênh lãi suất, kênh tỷ giá và kênh tín dụng đều có tác động đến sản lượng và lạm phát trong ngắn hạn, không kéo dài trong dài hạn.

Nguyễn Đức Trung (2016) sử dụng mô hình cân bằng động ngẫu nhiên tổng quát – DSGE mô phỏng mối quan hệ giữa các biến kinh tế vĩ mô chính của Việt Nam từ đó ứng dụng để phân tích tổng cầu tại Việt Nam. Mô hình DSGE mà nhà nghiên cứu xây dựng dựa trên nền tảng của mô hình cơ bản nhất thuộc trường phái New Keynes, gồm 3 phương trình: phương trình đường IS mô tả mối quan hệ giữa lãi suất thực và tiêu dùng, phương trình đường Philips thể hiện sự đánh đổi giữa lạm phát và sản lượng, phương trình quy tắc lãi suất cho biết phản ứng trước thay đổi của lạm phát và sản lượng; mẫu dữ liệu được thu thập từ quý 1/2000 đến quý 4/2015. Tuy nhiên trong mô hình DSGE của mình, nhà nghiên cứu bỏ qua yếu tố kỳ vọng, tức không xem xét tới vai trò của yếu tố kỳ vọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất, tiền nhàn rỗi được huy động vào trong hệ thống ngân hàng làm giảm động lực tiêu dùng; đồng thời chi phí vay vốn tăng khiến các hoạt động đầu tư cũng giảm. Do đó, chênh lệch sản lượng đi xuống. Định lượng tác động của cú sốc về tiền tệ đến sản lượng là giảm xấp xỉ 0.13%/ năm trong quý hiện tại và tiếp tục giảm ở 0.25%/năm ở hai quý tiếp theo.

Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, sự hiểu biết sâu rộng về chính sách tiền tệ luôn là niềm mong mỏi của các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu kinh tế tài chính ở Việt Nam. Bởi vậy mà số lượng công trình nghiên cứu cho chủ đề về sự tác động của chính sách tiền tệ đến các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam đã không ngừng được gia tăng. Các nghiên cứu kể trên đã phần nào phản ánh được thành tựu nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu Việt Nam đạt được, có những nghiên cứu chỉ tập trung vào vai trò của một kênh truyền dẫn, cũng có những nghiên cứu cố gắng khái quát cơ chế hoạt động ở nhiều kênh truyền dẫn khác nhau. Có những

nghiên cứu chỉ nghiên cứu cho một giai đoạn của nền kinh tế, cũng có những nghiên cứu thực hiện chia tách hai giai đoạn để có sự so sánh. Tất cả đã góp phần làm đa dạng thêm về phương pháp nghiên cứu cho chủ đề chính sách tiền tệ, tuy nhiên thực tế hiện nay hầu hết các công trình nghiên cứu ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở việc phân tích sự tác động của chính sách tiền tệ trên giác độ vĩ mô mà thiếu đi sự hiện diện của nền tảng vi mô, bỏ qua tầm ảnh hưởng của các bất hoàn hảo thị trường, đặc biệt là yếu tố kỳ vọng. Trong khi đó, kỳ vọng cũng được xem là một kênh truyền dẫn của chính sách tiền tệ đến nền kinh tế. Cùng với sự phát triển của lý thuyết kỳ vọng hợp lý, kinh tế học hiện đại nhận thấy rằng các kênh truyền dẫn truyền thống (kênh lãi suất, kênh tỷ giá hối đoái, kênh tính dụng, kênh thị trường tài sản) không chỉ hoạt động riêng rẽ mà nó còn chịu tác động lớn từ yếu tố kỳ vọng. Thay đổi trong lập trường chính sách tiền tệ sẽ tác động đến kỳ vọng của công chúng về lạm phát, việc làm, tăng trưởng, thu nhập trong tương lai, lợi nhuận hay thua lỗ. Những thay đổi trong kỳ vọng này đến lượt nó sẽ quyết định đến hoạt động kinh tế của từng cá thể và tác động đến nền kinh tế thông qua các kênh truyền dẫn khác. Thời gian gần đây, ở Việt Nam bắt đầu đã có những công trình nghiên cứu xem xét chính sách tiền tệ trong mô hình tổng thể, bao gồm mối quan hệ giữa các yếu tố vĩ mô trên nền tảng vi mô, quan tâm tới sự hiện diện của những bất hoàn hảo thị trường; những nghiên cứu này chủ yếu dựa trên mô hình nền kinh tế nhỏ mở của trường phái New Keynes. Tuy nhiên số lượng nghiên cứu như vậy còn rất hạn chế, đối với Việt Nam hướng tiếp cận này còn khá mới. Chính vì thế, đề tài mà tác giả thực hiện với khung lý thuyết New Keynesian, xây dựng mô hình với sự góp mặt của yếu tố kỳ vọng và tính cứng nhắc trong giá cả của thị trường là một nghiên cứu cần thiết, làm đa dạng hơn phương pháp nghiên cứu cho trường hợp nền kinh tế Việt Nam.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của cú sốc chính sách tiền tệ đến các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế việt nam (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)