Chương 2. Thực trạng phát triển dịch vụ ngân hàng đầu tư tại các công ty chứng khoán Việt Nam
2.1. Bối cảnh kinh tế - xã hội
2.1.1. Sự phát triển của thị trường chứng khoán
Vốn hóa TTCK so với GDP liên tục tăng trong giai đoạn dịch bệnh covid-19 Một trong những tiêu chí thể hiện rõ nét sự phát triển TTCK là tỷ lệ vốn hoá thị trường tính trên GDP. Hình 2.1 minh hoạ tăng trưởng tỷ lệ vốn hoá của TTCK Việt Nam so với GDP. Bất chấp dịch bệnh kéo dài và diễn biến khó lường, TTCK liên tục lập đỉnh mới với giá trị thanh khoản và lượng cổ phiếu giao dịch tăng trưởng mạnh. Đỉnh điểm, cuối năm 2021, vốn hoá thị trường đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng tương đương gần 92,8% GDP năm 2020 tính theo giá hiện hành, tăng 43,06% so với cuối năm 2020.
Hình 2.1: Vốn hóa TTCK trên/GDP Việt Nam 2018 – 2021 (%)
Nguồn: World Bank, Bộ Tài chính, tác giả tổng hợp
41
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021, các chỉ số chính trên HOSE đều tăng cao so với đầu năm, cụ thể, chỉ số VN Index đạt 1498,28 điểm, tăng 35,73%; VNAllshare đạt 1561,33 điểm, tăng 51,23%; và chỉ số VN30 đạt 1535,71 điểm, tăng 43,42%. Chỉ số VN Index đạt đỉnh mới 1536.81 điểm vào ngày 10/1/2022, cao nhất trong 21 năm hoạt động.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu lần lượt đạt khoảng 5,39 triệu tỷ đồng và 184,32 tỷ cổ phiếu, tăng lần lượt 244,51% về giá trị và tăng 118,68% về khối lượng so với năm 2020 (Thu Trang, 2022).
Thị trường chứng khoán sôi động với thanh khoản liên tục thiết lập nền mới cao kỷ lục trong năm 2021. Điều này chủ yếu được hỗ trợ bởi dòng tiền vào ròng của nhà đầu tư cá nhân (chỉ tính khớp lệnh trên HOSE) tăng 7 lần so với năm 2020. Cùng với việc cải thiện mặt bằng định giá cổ phiếu, đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp thực hiện huy động vốn qua kênh TTCK.
Top 3 nhóm ngành huy động vốn thứ cấp nhiều nhất như ở trên đề cập là ngành Bất động sản, Chứng khoán và Ngân hàng. Với ngành Bất động sản, nhu cầu vốn luôn luôn lớn trong nhiều năm trở lại đây nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chủ trương siết tín dụng bất động sản và gần nhất là cả trái phiếu bất động sản. Do đó, huy động qua TTCK đã chứng minh được vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả.
Chính sách tiền tệ đối với TTCK Việt Nam 2019 – 2022
Kể từ 2011, NHNN đã thực hiện chính sách tiền tệ dựa trên 3 công cụ chính là lãi suất Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá và cung tiền M2. Hình 2.2 cho biết diễn biến lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam từ 2007 đến nay. Dễ thấy, lãi suất điều hành có xu hướng giảm liên tục và cho tới thời điểm hiện tại (4/2022), lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nếu so sánh giai đoạn covid-19 tính từ 2020, lãi suất điều hành luôn thấp hơn giai đoạn liền trước, thể hiện chính sách tiền tệ mở rộng tiếp tục được duy trì.
42
Hình 2.2: Lãi suất điều hành NHNN Việt Nam từ 2007 đến 2022
Nguồn: SBV Cùng với lãi suất điều hành trung tâm, cung tiền chính phủ được duy trì tăng đảm bảo khả năng thanh toán trong các tổ chức tín dụng và dân cư. Đáng chú ý, tốc độ tăng cung tiền M2 năm 2021 giảm nhẹ so với cùng kỳ các tháng của năm 2019 và 2020 (hình 2.3).
Hình 2.3: Tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 theo tháng giai đoạn 2017-2022 (%)
Nguồn: vietstock.vn Cung tiền của nền kinh tế là một chỉ số tiền tệ quan trọng để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ. Được hình thành từ tiền mặt trong lưu thông và tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp trong hệ thống tổ chức tín dụng.
43
Sự hình thành M2 như vậy, cùng với các diễn biến của thị trường tiền tệ trong 4 tháng đầu năm 2021, nhìn nhận thấy sự gia tăng M2 có thể chịu tác động bởi sự gia tăng kiều hối, đầu tư nước ngoài. Cho vay chính phủ ròng dường như ít biến động nên tác động vào M2 là không đáng kể (TBNH, 2021).
Hình 2.4: Tăng trưởng tín dụng 2017-2022
Nguồn: vietstock.vn Hình 2.4 gợi ý rằng trong giai đoạn giãn cách xã hội đối phó với dịch covid-19, Chính phủ tiếp tục nới lỏng M2 qua kênh tăng trưởng tín dụng, khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay, từ đó tạo điều kiện cho vốn chảy vào lưu thông, kích thích tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN đồng thời luôn đảm bảo tỷ giá hối đoái USD/VND duy trì ở mức ổn định (Hình 2.5).
Từ tháng 11/2019, sau sáu lần điều chỉnh, NHNN đã giảm giá mua vào USD tổng cộng 450 đồng, đi ngược với các năm trước đó khi VND thường xuyên trượt giá so USD.
Mức độ cắt giảm cho đến nay (10/2021) được đánh giá là lớn hơn và sớm hơn dự kiến, thể hiện chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động của NHNN.
Sau kỳ điều chỉnh hạ giá mua vào USD của NHNN Việt Nam xuống mức 22.750 đồng/USD có hiệu lực từ ngày 11/8, tỷ giá tiếp tục vận động theo xu hướng giảm cho đến 10/2021. Tại thời điểm đầu tháng 9/2021, tỷ giá giao dịch quanh mốc 22.760 - 22.770 VND/USD, là mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây.
44
Hình 2.5: Diễn biến tỷ giá trung tâm VND/USD giai đoạn 2017 – 4/2022
Nguồn: stockbiz.vn Như vậy, các số liệu về diễn biến tỷ giá trung tâm, lãi suất điều hành và cung tiền M2 đều cho thấy chính sách tiền tệ của NHNN giai đoạn Covid-19 mang tính nới lỏng, phù hợp mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chống đỡ các tác động tiêu cực của dịch bệnh tới tình hình hoạt động kinh doanh thời gian qua.
Hiệu quả đầu tư trên TTCK Việt Nam
Tháng 3/2020 là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu có những ca mắc đầu tiên tại Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách giãn cách xã hội nhằm hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh. Nhưng chính sách này có lợi về mặt y tế lại không có lợi về mặt kinh tế do hầu hết ngành nghề sản xuất kinh doanh đều ít nhiều bị ảnh hưởng tiêu cực.
Sử dụng số liệu về giá trị giao dịch theo tháng của TTCK Việt Nam 2016 – 3/2022 từ website UBCK Nhà nước, bài viết kiểm định t-test cho hai trung bình của hai mẫu trước và sau 3/2020.
Với mức ý nghĩa 1%, có cơ sở thống kê để kết luận rằng giá trị giao dịch trong giai đoạn sau 3/2020 tăng lên so với giai đoạn trước. Thể hiện qua giá trị giao dịch bình quân tháng từ 4/2020 đến 3/2022 tăng gấp 4 lần so với bình quân của giai đoạn từ 2016- 3/2020. Chứng tỏ rằng, Covid-19 và giãn cách xã hội không những không ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK mà còn làm cho TTCK tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút lượng vốn lớn của nhà đầu tư cá nhân, tổ chức.
45
Xét về hiệu quả đầu tư, theo kiểm định t-test đối với trung bình tỷ lệ sinh lời của VNIndex giai đoạn 27 tháng trước 31/3/2020 và sau 31/3/2020, có bằng chứng thống kê cho thấy hiệu quả đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam (sàn HoSE) cao hơn trong giai đoạn giãn cách so với giai đoạn trước giãn cách. Điều này có thể giải thích bằng việc dòng vốn trong thời gian giãn cách xã hội bị hạn chế cơ hội sinh lời và đã chảy vào TTCK để tìm kiếm lợi nhuận, khiến cho cả giá trị giao dịch lẫn hiệu quả lợi nhuận tăng lên (Hà L.M và Anh V.T.Y, 2022).
Ngoài ra, việc nhà đầu tư tin tưởng vào khả năng phòng chống dịch của Chính phủ và các Bộ, ngành cũng có thể là một nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển của thị trường (Anh, D. L. T., & Gan, C. (2020).).
Những kết quả này tương đồng với nhận định của Võ Xuân Vinh (2017) và (Anh, D. L.
T., & Gan, C. (2020).) về ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng lên hiệu quả đầu tư chứng khoán tại Việt Nam. Dù thời gian và phương pháp nghiên cứu có sự khác biệt nhưng các tác giả đều khẳng định TTCK Việt Nam đã đem đến những kết quả tích cực cho nhà đầu tư trong giai đoạn nghiên cứu.