CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN CHO VAY KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.1. Cơ sở lý luận về ngân hàng thương mại
1.1.2. Những hoạt động kinh doanh cơ bản của Ngân hàng thương mại
Hoạt động tạo nguồn vốn cho NHTM đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của NHTM. Hoạt động huy động vốn là hoạt động thường xuyên của NHTM. Một NHTM bất kì nào cũng bắt đầu hoạt động của mình bằng việc huy động nguồn vốn. Đối tượng huy động là nguồn tiền nhàn rỗi trong các tổ chức kinh tế, dân cư. Nguồn vốn quan trọng nhất và chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nguồn vốn của NHTM là tiền gửi của
khách hàng.
Các NHTM nhận tiền gửi của các cá nhân, các tổ chức kinh tế xã hội, thậm chí cả nguồn tiền của các ngân hàng khác.
Khi những người có tiền chưa sử dụng đến họ có thể đem ra đầu tư hoặc gửi ngân hàng để nhận tiền lãi, vì đây là cách đơn giản, ít tốn kém chi phí để tìm kiếm cơ hội đầu tư mà vẫn có lãi và đây là cách ít rủi ro nhất.
Ngoài ra người gửi tiền vào ngân hàng cũng mong muốn được sử dụng các dịch vụ của ngân hàng như chuyển tiền, thanh toán hộ các hoá đơn phát sinh, bảo quản các tài sản có giá trị lớn... Khi gửi tiền vào ngân hàng, người gửi tiền có thể vay ngân hàng một khoản tiền theo quy định mà không cần thế chấp vì họ đã có một số tiền gửi nhất định ở ngân hàng, coi như một khoản đảm bảo. Còn ngân hàng có thể muốn tìm kiếm thêm thu nhập từ lệ phí nhận tiền gửi, tuy nhiên lý do chính ngân hàng nhận tiền gửi để tạo nguồn cho vay, từ đó ngân hàng có thể đầu tư, kinh doanh tìm kiếm được những khoản thu nhập lớn hơn.
Hoạt động nhận tiền gửi có ý nghĩa to lớn với người gửi tiền, nền kinh tế, cũng như bản thân ngân hàng. Thông qua hoạt động này ngân hàng có thể tập hợp được các khoản tiền nhàn rỗi, nhỏ bé, phân tán tạm thời chưa sử dụng với các thời hạn hết sức khác nhau thành nguồn tiền lớn tài trợ cho nền kinh tế, hoặc cho các cá nhân có nhu cầu sử dụng. điều khó khăn nhất mà ngân hàng phải thực hiện là sử dụng các khoản tiền gửi có thời hạn rất khác nhau để cho vay những món có thời hạn xác định, vì thế mà ngân hàng phải quản lý tốt thời hạn của các nguồn vốn của mình thì mới duy trì được hoạt động có hiệu quả, tránh được những rủi ro về khả năng thanh toán. Việc tập hợp được những nguồn tiền nhàn rỗi trong dân chúng để đưa vào kinh doanh đã góp phần tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nền kinh tế. Ngoài ra hoạt động nhận tiền gửi của ngân hàng cũng góp phần tiết kiệm chi phí lưu
thông tiền tệ. Đặc biệt trong nền kinh tế phát triển nếu dân chúng có thói quen gửi tiền vào ngân hàng để sử dụng các dịch vụ của ngân hàng thì điều này sẽ góp phần giúp chính phủ quản lí được thu nhập của người dân.
Một trong những nguồn vốn không kém phần quan trọng, là nguồn vốn phát hành kì phiếu, trái phiếu. Việc phát hành kì phiếu hay trái phiếu phụ thuộc vào quy mô vốn cần huy động, thời gian huy động vốn, cơ cấu nợ và tài sản của ngân hàng. Các hoạt động huy động nguồn vốn trên đây hình thành nên tài sản nợ của ngân hàng và ngân hàng có trách nhiệm chi trả đối với tất cả các nguồn vốn huy động được theo yêu cầu của khách hàng. Quy mô, cơ cấu nguồn vốn quyết định đến hoạt động của ngân hàng. Do đó quản lý nguồn vốn phù hợp và sử dụng vốn hiệu quả là vấn đề mang tính chiến lược đối với mỗi ngân hàng.
1.1.2.2. Hoạt động sử dụng vốn
Khi đã huy động được vốn, nắm trong tay một số tiền nhất định thì các NHTM phải làm như thế nào để hiệu quả hoá nguồn vốn này, nghĩa là tìm cách để những khoản tiền đó được đầu tư đúng nơi, đúng chỗ, có hiệu quả, an toàn, đem lại nhiều lợi nhuận cho ngân hàng.
Lãi thu được từ hoạt động cho vay, NHTM sẽ dùng nó để trả lãi suất cho nguồn vốn đã huy động và đi vay, thanh toán những chi phí trong hoạt động, phần còn lại sẽ là lợi nhuận của ngân hàng. Cho vay là hoạt động kinh doanh chủ chốt của NHTM để tạo ra lợi nhuận, chỉ có lãi suất thu được từ cho vay mới bù nổi chi phí dự trữ, chi phí kinh doanh và quản lý, chi phí trôi nổi, chi phí thuế các loại và chi phí rủi ro đầu tư.
Kinh tế ngày càng phát triển, lượng cho vay của NHTM ngày càng tăng nhanh và loại hình cho vay cũng trở nên vô cùng phong phú và đa dạng. Tại hầu hết các nước công nghiệp trong nhóm những nước hàng đầu thế giới, cho vay của các NHTM đã chuyển dần từ cho vay ngắn hạn sang cho vay dài hạn.
Ngược lại, ở các nước đang phát triển, cho vay ngắn hạn vẫn chiếm bộ phận lớn hơn cho vay dài hạn, xuất phát từ chỗ thiếu an toàn cho các khoản đầu tư dài hạn (trong đó có các tác nhân chủ yếu như tình hình tăng trưởng, lạm phát,...).
So với hoạt động cho vay thì hoạt động đầu tư của ngân hàng có quy mô và tỷ trọng nhỏ hơn trong mục tài sản sinh lời của NHTM. Phải sang đến những năm đầu thế kỷ XIX các NHTM mới quan tâm mở rộng hoạt động của mình sang lĩnh vực đầu tư vào ngành công nghiệp. So với hoạt động cho vay thì hoạt động đầu tư đem lại thu nhập cao hơn nhưng rủi ro cao hơn do thu nhập từ hoạt động đầu tư không được xác định trước vì phải phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp mà ngân hàng đầu tư vào. Ngoài ra thì trong hoạt động đầu tư, ngân hàng được ra chọn doanh mục đầu tư có lợi nhất cho mình.
Bên cạnh hoạt động cho vay và đầu tư, ngân hàng có thể tham gia vào thị trường chứng khoán tuỳ quy định của từng quốc gia. NHTM có thể tham gia như một người cung cấp hàng hoá cho thị trường chứng khoán hay đóng vai trò là nhà đầu tư, mua bán chứng khoán vì mục tiêu kiểm lời cho chính ngân hàng. Hoặc thực hiện kinh doanh chứng khoán thông qua uỷ thác của khách hàng.
1.1.2.3. Hoạt động thực hiện các dịch vụ trung gian
Ngoài hai hoạt động cơ bản là hoạt động huy động vốn và hoạt động sử dụng vốn thì NHTM cũng thực hiện các dịch vụ trung gian cho khách hàng của mình. Các dịch vụ này được coi là hoạt động trung gian bởi vì khi thực hiện các hoạt động này ngân hàng không đứng vai trò là con nợ hay chủ nợ mà đứng ở vị trí trung gian để thoả mãn nhu cầu khách hàng về dịch vụ mà khách hàng cần.
Ngày nay, các dịch vụ của ngân hàng không ngừng phát triển cả về số
lượng và chất lượng, các dịch vụ ngày càng đa dạng. Hoạt động trung gian gồm rất nhiều loại dịch vụ khác nhau như: Dịch vụ thu hộ, chi hộ cho khách hàng có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, dịch vụ chuyển khoản từ tài khoản này đến tài khoản khác ở cùng một ngân hàng hay ở hai ngân hàng khác nhau; dịch vụ tư vấn cho khách hàng các vấn đề tài chính, dịch vụ giữ hộ các chứng từ, vật quý giá, dịch vụ chi lương cho các khối, cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu; dịch vụ khấu trừ tự động; cung cấp các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt...
Đây là những khoản chi thường xuyên trong tháng, nếu không có dịch vụ này khách hàng sẽ mất nhiều thời gian và phiền toái khi thanh toán.
Nền kinh tế càng phát triển, các dịch vụ ngân hàng theo đó cũng phát triển theo để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của xã hội... từ đó đem lại cho ngân hàng những khoản thu nhập quan trọng. Điều cần lưu ý là dịch vụ sẽ giúp ngân hàng phát triển toàn diện. Tại các nước phát triển, NHTM cạnh tranh với nhau bằng con đường “phi giá”, tức là luôn có những dịch vụ mới cung cấp tiện nghi cho khách hàng, không ngừng phát triển sản phẩm dịch vụ mới cho khách hàng. Dịch vụ ngân hàng càng phát triển, thể hiện xã hội càng văn minh, nền công nghiệp càng phát triển. Lợi nhuận các ngân hàng không chỉ ở nghiệp vụ cho vay, mà phân nửa từ các hoạt động dịch vụ mang lại, nhưng lại là lĩnh vực ít rủi ro.
Ba lĩnh vực hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay, thực hiện các dịch vụ trung gian là các hoạt động cơ bản của NHTM. Ba dịch vụ đó có quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ thúc đẩy nhau phát triển, tạo uy tín cho ngân hàng. Có huy động vốn thì mới có nghiệp vụ cho vay, cho vay có hiệu quả phát triển kinh tế thì mới có nguồn vốn để huy động vào, đồng thời muốn cho vay và huy động vốn tốt thì ngân hàng phải làm tốt vai trò trung gian, chính sự kết hợp đồng bộ đó tạo thành quy luật trong hoạt động của ngân hàng và tạo thành xu hướng kinh doanh tổng hợp đa năng của các NHTM.