CHƯƠNG 1- CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG BÁN LẺ TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.3. KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ NGÂN HÀNG BÁN LẺ CỦA MỘT SỐ NGÂN HÀNG TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
1.3.2. Bài học kinh nghiệm cho các Ngân hàng thương mại Việt Nam
Từ kinh nghiệm phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng Citibank và ngân hàng Bangkok, có thể tổng hợp và rút ra một số bài học cho các NHTM Việt Nam nói chung và Vietcombank chi nhánh Sở Giao Dịch nói riêng như sau:
Một là, phải có chiến lược dài hạn trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng
bán lẻ và vận dụng linh hoạt chiến lược trong từng trường hợp cụ thể .
Cần phân tích rõ thị trường và khả năng cạnh tranh để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Chiến lược cần mang tầm dài hạn, và xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn của chiến lược. Cần phải xác định rõ phân khúc thị trường và đối tượng khách hàng mục tiêu để có chiến lược cạnh tranh hợp lý cho từng phân khúc thị trường.
Hai là, việc nghiên cứu và phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ cần phải xuất phát từ nhu cầu khách hàng.
Chỉ khi ngân hàng nắm bắt được nhu cầu khách hàng mới tạo ra được sản phẩm dịch vụ phù hợp và được khách hàng đón nhận. Khi đó mới có thể phát triển mạnh dịch vụ.
Ba là, chính sách chăm sóc khách hàng rất quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến việc giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới.
Việc chăm sóc khách hàng với phong cách phục vụ chuyên nghiệp và chất lượng phục vụ tốt sẽ tạo nên uy tín cho ngân hàng đối với khách hàng. Việc xây dựng mối quan hệ đặc biệt lâu dài với khách hàng cũng góp phần quan trọng trong việc củng cố lòng trung thành của khách hàng với ngân hàng.
Bốn là, mở rộng và đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối
Như đã phân tích ở trên, một trong những nhân tố có tính quyết định đến hoạt động kinh doanh bán lẻ của NHTM là hệ thống kênh phân phối. Mở rộng mạng lưới hoạt động là một giải pháp hữu hiệu để ngân hàng chiếm lĩnh thị trường và nâng cao hình ảnh, uy tín. Tuy nhiên việc phát triển mạng lưới hoạt động còn phụ thuộc vào năng lực tài chính, quản trị, nền tảng công nghệ, cân đối giữa hiệu quả và chi phí cũng như các quy định liên quan của cơ quan quản lý. Các NHTM nên kết hợp giải quyết vấn đề này thông qua tăng cường đầu tư các kênh phân phối điện tử, hợp tác kinh doanh để mở rộng mạng lưới.
Năm là, đa dạng hóa và cung ứng dịch vụ theo đối tượng khách hàng
Muốn đứng vững và phát triển trong thị trường cạnh tranh, các NHTM cần có chiến lược phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ trong lĩnh vực bán
lẻ, ngân hàng cần liên tục đưa ra các dịch vụ mới bên cạnh các dịch vụ đã cung ứng.
Bên cạnh đó, dịch vụ tư vấn tài chính cần được đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, điều kiện mở rộng dịch vụ tư vấn tài chính đang hình thành, kinh nghiệm của các NHTM lớn trên thế giới cho thấy đây là nền tảng cho việc thu hút khách hàng tiềm năng thông qua việc nâng cao hiểu biết của khách hàng về cách quản lý và sử dụng vốn.
Ngoài ra, việc thiết kế các dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng sẽ giúp các NHTM Việt Nam nói chung và VCB nói riêng mở rộng được quy mô thị trường. Ví dụ, có thể nghiên cứu và thiết kế các dịch vụ phù hợp cho nhóm khách hàng cá nhân theo từng độ tuổi, vùng miền, nghề nghiệp hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo từng quy mô, ngành nghề kinh doanh, địa bàn,…..
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Chương 1 của luận văn đã trình bày toàn bộ các vấn đề chung nhất về phát triển dịch vụ NHBL bao gồm: khái quát về dịch vụ NHBL; phân tích các đặc trưng, vai trò, các chỉ tiêu đánh giá và các nhân tố ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ bán lẻ. Bên cạnh đó luận văn cũng đưa ra kinh nghiệm của các ngân hàng trên thế giới đã phát triển thành công các dịch vụ NHBL và từ đó nêu ra các bài học kinh nghiệm cho các NHTM Việt Nam. Những lý luận cơ bản về hoạt động của NHTM nói chung và hoạt động bán lẻ nói riêng là nền tảng quan trọng để phân tích, đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ NHBL tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Sở Giao Dịch trong các chương tiếp theo của luận văn.
CHƯƠNG 2