CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CHO VAY DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA VÀ PHÁT TRIỂN CHO VAY DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.4. Kinh nghiệm phát triển cho vay DNNVV của một số Ngân hàng thương mại tiêu biểu và bài học cho Ngân hàng TMCP Á Châu - Chi nhánh Hà Nội
1.4.1.1. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Tại VPBank khối SME đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ giải pháp mang tính đột phá “số hóa ngân hàng” như giải ngân online, cấp thấu chi online, cho vay Auto online, mở tài khoản online qua eKYC...Bên cạnh tiên phong áp dụng các giải pháp số hóa, ngân hàng cũng đồng hành với các tổ chức tín dụng khác thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khách hàng SME đã rất hài lòng với sự hỗ trợ kịp thời của VPBank. Từ đó, VPBank có gần 6000 tỷ đồng được giải ngân cho khoảng 2200 DNNVV. Tăng trưởng dư nợ đạt 29%, lượng khách hàng tìm đến VPBank tăng gần 8%, phục vụ 13% thị phần trên tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
VPBank thường xuyên có những sản phẩm dịch vụ và chương trình ưu đãi dành cho DNNVV như ra mắt VPBank NEOBiz phát triển tính năng mở tài khoản từ xa qua công nghệ định danh trực tuyến (eKYC) và giải pháp thanh toán EcomPay – Simplify hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập thương mại điện tử hay chương trình “Tri ân khách hàng nhân nhịp VPBank kỷ niệm 25 năm thành lập” các SME có khoản chi lương nhân viên từ 250 triệu đồng mỗi tháng sẽ được miễn phí dịch vụ chi lương trong 2 năm đầu…
Bên cạnh đó, cho vay DNNVV cũng theo đúng quy trình và chặt chẽ, công tác giám sát và thu hồi nợ được thường xuyên thực hiện. Hàng tháng, cán bộ quản lý đều theo dõi thu nợ gốc và lãi để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở khách hàng, phát hiện những dấu hiệu rủi ro tiềm ẩn để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ cho khách hàng, tăng cường công tác rà soát đánh giá khách hàng.
Ngoài ra, VPBank luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách toàn diện, thông qua các chương trình đào tạo tập trung với nội dung đào tạo đa dạng (trên 85% học viên đánh giá nội dung đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế).
1.4.1.2. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
BIDV đã thành lập đơn vị độc lập chuyên trách quản lý khối khách hàng DNNVV với tiêu chí “Đồng hành với SME”. Cuối năm 2020, nền khách hàng DNNVV của BIDV vượt mốc 311.000 khách hàng, dẫn đầu thị phần DNNVV của Việt Nam. Dư nợ DNNVV đạt 320.000 tỷ đồng tăng trưởng 16% so với năm 2019, chiếm 27% tổng dư nợ tín dụng, tăng 1,8% so với năm 2019. Do đặc điểm của DNNVV nên hiện nay phân khúc khách hàng này vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, nhận rõ những khó khăn của DNNVV, BIDV đã nhanh chóng đưa ra các chính sách khơi thông dòng vốn và đồng hành cùng với DNNVV trong hoạt động SXKD.
BIDV thực hiện cho vay DNNVV theo đúng quy trình, đặc biệt là công tác giám sát, thu hồi nợ vay. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cho vay an toàn: Tăng tỷ trọng cho vay cá nhân, tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn thấp và nợ xấu ở mức 0,56%. Chủ động đưa ra các cơ chế cho vay linh hoạt theo chiều hướng đa dạng phù hợp với nhu cầu của DNNVV.
BIDV hợp tác với Quỹ phát triển DNNVV của Chính phủ, các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ phát triển DNNVV thông qua BIDV với lãi suất hấp dẫn.
Cụ thể, lãi suất các khoản vay trung và dài hạn chỉ từ 6%/năm cố định trong suốt thời gian vay, tối đa lên đến 07 năm. Từ khi BIDV được lựa chọn là ngân hàng đầu tiên triển khai chương trình cho vay, đã giải ngân số tiền chiếm đến 55% tổng số vốn đã giải ngân của Quỹ. Các khoản vay do BIDV giải ngân đều có chất lượng tín dụng tốt, được cộng đồng DNNVV đánh giá cao, tạo đà phát triển cho DNNVV.
Trong tình hình đại dịch COVID-19, BIDV đã thực hiên các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV duy trì sản xuất, mở rộng SXKD như cơ cấu lại
nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ…Đặc biệt, BIDV còn triển khai đơn giản hóa hồ sơ thủ tục xét duyệt tín dụng, giải ngân, áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi theo chỉ đạo của NHNN và Chính phủ.
Ra mắt các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi theo từng kỳ hạn như sau 3T từ 3,8%/năm đến tối đa 5,5%/năm; Trên 3T đến 6T từ 4,0%/năm đến tối đa 6,0%/năm.
Bên cạnh đó, BIDV triển khai các dịch vụ như dịch vụ tư vấn, cung cấp các thông tin về tiềm năng và cơ hội phát triển các ngành nghề DNNVV. Cung cấp công cụ hỗ trợ các DNNVV lập báo cáo tài chính theo đúng chuẩn mực...
Quy trình cho vay DNNVV tại BIDV, phân chia 03 phòng ban chính tách biệt rõ ràng các chức năng, giúp hoạt động cho vay thống nhất và khoa học. Tuy nhiên, khi áp dụng quy trình vào thực tế đôi khi còn phức tạp, tốn thời gian và chi phí cho khách hàng.
1.4.2. Bài học kinh nghiệm phát triển cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Ngân hàng TMCP Á Châu – Chi nhánh Hà Nội
Từ những kinh nghiệm quý báu của một số NHTM tiêu biểu về phát triển cho vay DNNVV, có thể đưa ra một số gợi ý cho ACB CN Hà Nội như sau:
Thứ nhất, thành lập phòng chuyên trách phụ trách đối tượng khách hàng DNNVV, quan tâm tới chất lượng đội ngũ nhân sự, triển khai dịch vụ tư vấn và xây dựng bộ công cụ hỗ trợ DNNVV trong việc lập báo cáo tài chính, xây dựng các phương án kinh doanh. Tham gia vào quỹ phát triển DNNVV, đẩy mạnh cho vay nguồn vốn của các quỹ.
Thứ hai, đưa ra lãi suất cho vay ưu đãi theo chỉ đạo chung của Chính phủ, đồng thời thực hiện các giải pháp như cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất các khoản vay cũ.
Thứ ba, đơn giản hóa thủ tục cấp khoản cho vay, cải tiến quy trình, rút ngắn thời gian xét duyệt, giảm bớt những thủ tục không cần thiết đảm bảo theo quy định của NHNN. Chú trọng trong công tác giám sát thu hồi nợ, phát hiện rủi ro tiềm ẩn để đảm bảo chất lượng các khoản cho vay DNNVV.
Thứ tư, triển khai các sản phẩm đặc thù, áp dụng các giải pháp số hóa vào phát triển các sản phẩm dịch vụ dành cho DNNVV. Thường xuyên đồng hành, hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn, qua đó sẽ thu hút được lượng khách hàng DNNVV trung thành với ngân hàng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1, luận văn đã làm rõ cơ sở lý luận về phát triển cho vay DNNVV qua việc phân tích các nội dung sau:
Thứ nhất, luận văn đã nêu được tổng quan về DNNVV và cho vay DNNVV để từ đó có cái nhìn tổng quát, nêu lên được đặc điểm, phân loại và vai trò của cho vay DNNVV.
Thứ hai, luận văn đã làm rõ quan điểm về phát triển cho vay DNNVV, sự cần thiết phải phát triển cho vay DNNVV. Để từ đó đưa ra các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển cho vay DNNVV. Cuối cùng là chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển cho vay DNNVV.
Thứ ba, tìm hiểu được những kinh nghiệm trong phát triển cho vay DNNVV tại các NHTM tại Việt Nam và từ đó rút ra được những bài học và kinh nghiệm cho Ngân hàng TMCP Á Châu - Chi nhánh Hà Nội về việc phát triển cho vay DNNVV.
Những nội dung về cơ sở lý luận phát triển cho vay DNNVV và kinh nghiệm cho vay từ các NHTM là căn cứ để phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay DNNVV tại ngân hàng TMCP Á Châu - Chi nhánh Hà Nội trong chương 2.