CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CHO VAY DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TẠI NGÂN HÀNG TMCP Á CHÂU - CHI NHÁNH HÀ NỘI
2.3. Đánh giá thực trạng phát triển cho vay DNNVV tại Ngân hàng TMCP Á Châu - Chi nhánh Hà Nội
2.3.3. Nguyên nhân của hạn chế
Môi trường kinh tế vĩ mô: Đại dịch Covid 19, chính sách giãn cách xã hội của chính phủ, yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh…tác động tiêu cực tới DNNVV. Khiến hoạt động SXKD đi xuống, thua lỗ, không còn hiệu quả như trước dẫn đến thu nhập giảm sút, và tất nhiên nghĩa vụ và khả năng trả nợ của DNNVV cũng bị ảnh hưởng thậm chí còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Làm gián đoạn chuỗi cung ứng nền kinh tế toàn cầu, tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu do chính sách đóng cửa của một số quốc gia có thị trường tiêu thụ trọng yếu như Trung quốc, Mỹ...;
Biến động tỷ giá hối đoái; Diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán; Thất nghiệp…Tất cả điều này làm chi nhánh e dè trong phát triển cho vay.
Môi trường pháp lý: Tuy Chính phủ cùng các ban ngành liên quan liên tục cập nhật và sửa đổi các nghị định liên quan đến hoạt động tín dụng hay hệ thống văn bản pháp luật nhưng chưa hoàn toàn đồng bộ, thích hợp với môi trường cạnh tranh ngày nay. Các nghị định, chính sách thường xuyên sửa đổi bổ sung và có phần chồng chéo mâu thuẫn với nhau dẫn đến các ngân hàng cũng như DNNVV chưa kịp thích nghi
và lúng túng khi áp dụng. Ngoài ra, trong các quy định về cho vay DNNVV đề ra cho ngân hàng áp dụng nhiều khi còn phức tạp khiến chi nhánh phải từ chối nhiều khoản vay.
Đối thủ cạnh tranh: Mạng lưới ngân hàng ngày càng được mở rộng, các chi nhánh/phòng giao dịch cạnh tranh với nhau ngày càng gay gắt, luôn cố gắng đa dạng sản phẩm và cải thiện chất lượng dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu ngày một cao của khách hàng. Thêm vào đó, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay, số DNNVV hoạt động SXKD có hiệu quả không nhiều, thu hẹp phạm vi khai thác của các ngân hàng do vậy các chi nhánh/PGD luôn tìm cách chạy đua để tiếp cận khách hàng tốt này, thông qua đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, hay thậm chí còn chấp nhận hòa vốn để lôi kéo mở rộng mối quan hệ với khách hàng. Trong tình trạng như vậy nếu ACB CN Hà Nội không có có hành động cụ thể, không đầu tư đổi mới, tạo sự khác biệt với các chi nhánh khác thì khó có thể tăng thị phần, tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực cho vay DNNVV.
Môi trường công nghệ: Ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp việc tra cứu thông tin doanh nghiệp chính xác, khách quan, thời gian xử lý hồ sơ về cơ bản được rút ngắn và nhanh chóng mang lại rất nhiều sự thuận tiện cho khách hàng. Cùng với đó, khi cơ sở hạ tầng đất nước phát triển, các chi nhánh/phòng giao dịch chú trọng đầu tư một cách đồng bộ trang thiết bị cơ sở vật chất để đáp ứng tốt yêu cầu khách hàng, phát triển cho vay DNNVV, nếu không đáp ứng được sẽ trở nên lạc hậu không có khả năng cạnh tranh.
Nguyên nhân từ phía khách hàng
Một là DNNVV thiếu chuyên nghiệp trong cách làm việc, hoạt động: Do đặc điểm quy mô nhỏ, năng lực quản trị chưa cao, năng lực tài chính còn yếu kém, thiếu minh bạch thông tin, gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu vay vốn.
Thực tế, có nhiều DNNVV vì muốn vay vốn nên không trung thực trong hợp tác với chi nhánh như giấu giếm tình hình kinh doanh, thông tin cung cấp sai lệch, làm giả báo cáo tài chính, không có thiện chí trong việc trả nợ gốc và lãi đến hạn, dùng vốn vay sai mục đích…Những điều này tăng sự khó khăn khi thu thập, thẩm định, xem xét hồ sơ.
Hai là chưa có phương án/dự án sản xuất kinh doanh khả thi, thiếu tính thực tế. Phương án/dự án kinh doanh sơ sài, không theo đúng yêu cầu của chi nhánh. Thể hiện, doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc phải vay bao nhiêu vốn từ chi nhánh chứ không chú trọng đến việc lập phương án/dự án vay vốn làm sao để tương xứng với điều kiện SXKD. Hay đơn giản là xác định được tổng giá trị nhu cầu vay nhưng không biết cách tính số vòng quay vốn hợp lý sao cho phù hợp với điều kiện SXKD. Điều này là trở ngại của DNNVV khi ngân hàng xem xét đánh giá, do dự khi cho vay.
Ba là một số DNNVV có tỷ lệ nợ khá cao. Một phần do năng lực tài chính kém. Một phần do không biết sử dụng hợp lý, lạm dụng đòn bẩy tài chính ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ cho chi nhánh. Một khi khả năng trả nợ kém, bắt đầu có dấu hiệu chuyển nhóm nợ thì khi chi nhánh thực hiện đánh giá sẽ khiến uy tín và xếp hạng tín dụng lúc này của doanh nghiệp không cao. Do vậy chi nhánh sẽ hạn chế cho vay các đối tượng DNNVV này.
Bốn là không đáp ứng được điều kiện về tài sản thế chấp. Ngoài yêu cầu về phương án/dự án kinh doanh khả thi, báo cáo tài chính theo chuẩn mực thì phải có cả tài sản thế chấp kèm theo. Những món vay có giá trị càng lớn thì mức rủi ro càng cao.
Do đó, yêu cầu DNNVV phải có tài sản thế chấp để dự phòng rủi ro. Mà DNNVV quy mô còn hạn chế, năng lực tài chính kém, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mới thành lập, TSBĐ của DNNVV thường có giá trị thấp, tính phát mại không cao hoặc tài sản có tính pháp lý không rõ ràng, không đáp ứng theo quy định chi nhánh đưa ra.
2.3.3.2. Nguyên nhân chủ quan
Một là hiệu quả quy trình cho vay chưa cao, nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp, công tác thẩm định xử lý tốn nhiều thời gian từ khâu lập hồ sơ đến khi giải ngân khoản vay và đòi hỏi nhiều tiêu chí. Điều này làm các DNNVV cảm thấy phúc tạp, phiền toái, ngân hàng tốn kém chi phí dẫn đến việc gặp hạn chế trong phát triển cho vay DNNVV.
Hai là yêu cầu về TSBĐ còn khắt khe và chưa linh hoạt. ACB CN Hà Nội khi cho vay thường chấp nhận hình thức bảo đảm tiền vay là BĐS hay chính ô tô mua thế chấp, thể hiện hình thức đảm bảo tiền vay chưa đa dạng, đề cao vấn đề có TSBĐ.
Mục đích để hạn chế rủi ro phải đối mặt xuống mức thấp nhất khi khoản vay xảy ra
vấn đề và đảm bảo quyền lợi của chi nhánh. Tuy nhiên, điều này lại trở thành rào cản trong việc tiếp cận vốn của DNNVV. Nhiều DNNVV có phương án kinh doanh hợp lý, năng lực quản lý tốt, phương án sử dụng vốn khả thi, tình hình tài chính ổn định, có thiện chí trả nợ mà TSBĐ hiện có chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu nên không vay vốn được, điều này làm mất cơ hội cả DNNVV lẫn ngân hàng.
Ba là chất lượng đội ngũ nhân sự chưa mạnh: Hiện nay tại chi nhánh, đội ngũ CBNV đều tốt nghiệp từ những trường có tiếng, với trình độ cơ bản tốt, năng động, có trách nhiệm nghề nghiệp cao tuy nhiên đều là những người còn trẻ, kinh nghiệm ứng phó trong thực tế còn thiếu, lúng túng khi xử lý khoản vay phức tạp, các nghiệp vụ nhiều quy trình rắc rối. Vì vậy, những điểm trọng yếu từng khách hàng cụ thể nhiều khi thẩm định vẫn còn chưa sâu, chưa đánh giá được để đảm bảo chất lượng tín dụng, gây khó khăn trong vấn đề mở rộng cho vay. Trong đó, vẫn còn hiện hữu một số cán bộ nhân viên không vững nghiệp vụ, chuyên môn, thực hiện sai hay thậm chí không thực hiện theo hướng dẫn quy trình nghiệp vụ. Như việc người làm trước truyền lại cho người làm sau theo lối mòn chứ không cập nhập, tuân theo các bước chuẩn hóa trong quy định. Chưa chú tâm vào việc quản lý, nhắc nợ khách hàng khi đến hạn, dẫn đến một số khoản vay bị chuyển nhóm nợ, gây ảnh hưởng cho cả khách hàng và ngân hàng. Hay sau khi giải ngân, lơ là trong việc theo dõi thường xuyên, không kiểm tra mục đích dùng vốn, không đánh giá định kỳ tình hình hoạt động SXKD của DNNVV đến khi vỡ lở, xảy ra vấn đề mới phát hiện ra, điều này làm ngân hàng đối mặt với rủi ro, gây thất thoát. Bên cạnh đó, đến kỳ tái thẩm định TSBĐ, NV QHKH ngại đi thẩm định, lập lại tờ trình thẩm định theo theo tờ trình cũ, dẫn đến trường hợp không kiểm soát được khi TSBĐ có sự thay đổi, xấu nhất trong trường hợp TSBĐ có tranh chấp, phải đưa ra phát mại, điều này thực sự là rủi ro, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khoản vay.
Bốn là áp lực thực hiện chỉ tiêu kinh doanh (KPI), khiến NV QHKH tìm mọi cách, tận dụng mọi khả năng để hoàn thành chỉ tiêu hoặc vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, vì cái lợi trước mắt mà không tuân thủ quy định, thẩm định hời hợt hoặc bỏ qua thẩm định khách hàng để gây ra rủi ro khi cho vay.
Năm là các thủ tục liên quan đến TSBĐ, xử lý TSBĐ khi chuyển nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa có sự thống nhất và kết hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền. Dẫn đến thu hồi nợ xấu bị kéo dài thời gian.
Sáu là chi nhánh thực hiện chiến lược Marketing chưa mạnh. Có thể thấy chi nhánh luôn tìm cách đa dạng các sản phẩm dịch vụ với nhiều ưu đãi lớn tuy nhiên hoạt động tiếp thị các sản phẩm chưa hiệu quả, do chỉ tập trung thu hút các khách hàng ở gần chi nhánh, chưa tăng sự hiện diện của mình hay đưa sản phẩm đến các địa bàn/khu vực không có phòng giao dịch của ACB. Các kênh quảng cáo, tiếp thị, truyền thông qua mạng xã hội vẫn chưa được khai thác hiệu quả, tốc độ phủ sóng vẫn hạn chế. Các DNNVV còn chưa biết đến chi nhánh nhiều, chưa nắm bắt được ưu nhược cũng như điểm khác biệt sản phẩm dịch vụ chi nhánh so với các chi nhánh khác, NV QHKH thường chỉ tập trung tiếp thị sản phẩm truyền thống vì các sản phẩm này đơn giản, nắm bắt rõ ràng, được sử dụng nhiều nên quen thuộc dễ dàng trong việc thực hiện nên ngại tiếp thị các sản phẩm dịch vụ mới vì phải tốn nhiều thời gian nắm vững hiểu rõ sản phẩm, chưa được thực hiện nhiều…Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng marketing của CBNV còn chưa cao, các buổi đào tạo kỹ năng, kinh nghiệm hay triển khai sản phẩm cho đội ngũ kinh doanh chưa bài bản, thiếu sự chuyên nghiệp. Mặc dù số lượng, dư nợ cho vay DNNVV tăng trưởng đều qua từng năm nhưng thực tế với điều kiện và khả năng của mình, chi nhánh vẫn có thể khai thác, tận dụng hơn để phát triển cho vay DNNVV
Bảy là chi nhánh chưa có biện pháp quyết liệt và hiệu quả trong thu hồi nợ quá hạn và xử lý nợ xấu. Chưa tìm ra được giải pháp thực sự hữu hiệu có thể ứng dụng được để giải quyết trường hợp khách hàng có ý thức trả nợ kém.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Ở chương này, thực trạng phát triển cho vay DNNVV tại ACB CN Hà Nội giai đoạn 2019 - 2021 đã được tác giả phân tích rõ, cho thấy hoạt động chi nhánh đã đạt được những kết quả đáng khen ngợi, làm tốt vai trò hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn
vốn để mở rộng quy mô hoạt động, tăng chất lượng và phát triển SXKD, có dấu hiệu tích cực trong phát triển cho vay. Trong bài luận, tác giả kết hợp phương pháp thu thập số liệu và phương pháp phân tích để phân tích đánh giá các chỉ tiêu định tính và định lượng để có được cái nhìn tổng quan, đánh giá khách quan thực trạng phát triển cho vay DNNVV tại ACB CN Hà Nội. Đây là kết quả của việc chi nhánh đi đúng định hướng, chủ động trong xây dựng chính sách hướng tới mục tiêu cải thiện phát triển, tăng dư nợ đi đôi thu lợi nhuận từ cho vay DNNVV đảm bảo kiểm soát được nợ quá hạn, nợ xấu. Nhưng khi phát triển cho vay DNNVV vẫn còn nhiều bất cập và khó khăn, trong bài tác giả đã đưa ra và trình bày được nguyên nhân. Từ đây, tác giả xin phép được đưa ra giải pháp và khuyến nghị trong chương 3.