CHƯƠNG 2: MÔ TẢ TỔNG QUAN ĐIỀU KIỆN TỰ, KINH TẾ XÃ HỘI CÓ LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN
2.5. Thực trạng phát triển kinh tế – xã hội
2.5.1. Tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế của huyện những năm gần đây đã có bước chuyển biến đáng kể. Nhịp độ tăng trưởng 5 năm 2000-2005 đạt 10,2%.
Tổng giá trị sản xuất (GDP) năm 2005 đạt 382,4 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2000.
Trong đó: + Nông nghiệp tăng 8,45 %.
+ Công nghiệp – TT công nghiệp- Xây dựng tăng 19,15%.
+ Thương mại – Dịch vụ tăng 7,8%
Tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 65% năm 2000 xuống còn 58,8%; Công nghiệp Xây dựng – Dịch vụ – Thương mại tăng 35 % năm 2000 lên 41,2%.
2.5.2. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Cơ cấu kinh tế của huyện trong những năm qua có bước chuyển dịch đúng hướng và tăng đáng kể trong cơ cấu ngành. Trong nội bộ ngành nông nghiệp có bước chuyển mạnh, tăng tỷ trọng ngành lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt nông nghiệp.
Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2000-2005: Đơn vị tính: %
Ngành Năm 2000 Năm 2005
Tổng số 100 100
1. Nông – Lâm – Ngư 61,7 53,3
2. CN – Xây dựng 8,4 11,1
3. Dịch vụ 29,9 35,6 2.5.3. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế.
2.5.3.1. Nông – Lâm – Ngư nghiệp:
a) Nông nghiệp:
Đã tiến hành tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chủ động xây dựng các chương trình, đề án sản xuất; chú trọng công tác thủy lợi, khuyến nông, khuyến lâm, đẩy mạnh thâm canh, xen canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất các loại giống cây trồng đều tăng, cụ thể như : lúa đạt 54 tạ/ha, ngô đạt 33,8 tạ/ha, lạc đạt 18,1 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 150000 tấn.
Bố trí cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng cây nguyên liệu như dứa đạt 767 ha, mía đạt 164 ha, sắn đạt 1313 ha, cây
nguyên liệu giấy đạt 987 ha. Khuyến khích dồn điền, đổi thửa để phát triển theo mô hình tập trung.
Việc đưa vụ đông vào sản xuất chính với diện tích sử dụng là 5445 ha đã tăng hệ số sử dụng đất từ 2,4 lần (năm 2000) lên 2,8 lần (năm 2005). Khai hoang mở rộng diện tích, sử dụng 510 ha đất hoang hóa để trồng cây nguyên liệu. Thành lập tổng đội TNXP6, khai thác có hiệu quả kinh tế vùng đồi phía bắc.
Giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích tăng từ 19 triệu đồng/ha (năm 2000) lên 27 triệu đồng/ha (năm 2005). Toàn huyện hiện có 24/37 xã có mô hình cánh đồng 50 triệu đồng/ha với tổng diện tích 70 ha.
b) Lâm nghiệp.
Thực hiện chính sách giao đất khoán rừng đến từng hộ gia đình, khiến nhân dân yên tâm sản xuất nên việc khoanh nuôi, bảo vệ, khai thác, trồng mới rừng đạt kết quả khá. Hình thành các mô hình vườn đồi, trang trại, kết hợp trồng rừng và chăn nuôi có hiệu quả. Tỷ trọng sản xuất ngành lâm nghiệp chiếm 4,67% giá trị sản xuất nông nghiệp.
c) Chăn nuôi.
Chăn nuôi phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tốc độ tăng trường khá. Xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung có hiệu quả trong đó có phong trào nuôi bò thịt, nuôi lợn bán công nghiệp phát triển mạnh.
Đến nay toàn huyện có đàn trâu 22278 con, đàn bò 23285 con, đàn lợn 165710 con và 1117920 con gia cầm
d) Thủy sản:
Nuôi trồng thủy sản phát triển nhanh (chủ yếu nuôi ở các khu vực mặt nước chuyên dùng) . Diện tích đạt 1678,4 ha năm 2006 (trong đó cá lúa đạt 619 ha) với sản lượng cá đạt 1500 tấn. Tỷ trọng thủy sản chiếm 2,36% giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
2.5.3.2. Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Từng bước đã có sự chuyển biến tích cực và đúng hướng. Phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng, cơ khí, sửa chữa. Khuyến khích phát triển các công ty TNHH khai thác gắn với chế biến. Đã mở thêm một số ngành nghề mới có tính xuất khẩu sản phẩm như mây tre đan, thêu ren; xây dựng 14 làng nghề, trong đó được tỉnh công nhận 2 làng nghề. Đầu tư xây nhà máy để chế biến sản phẩm nông nghiệp tại chỗ như Nhà máy đường ở xã Tăng Thành.
Phát huy nội lực, tranh thủ nguồn đầu tư từ bên ngoài để xây dựng các công trình phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội. Giá trị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đạt 648 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 364 tỷ đồng.
Phong trào giao thông nông thôn đứng vào tốp đầu của tỉnh. Tỷ lệ nhựa hóa đường huyện, đường xã, đường xóm đạt 32%, bê tông hóa kênh mương đạt 70,35%. Xây dựng mới 47 trường học cao tầng, nâng cấp trung tâm y tế, trạm xá các xã, 20 trụ sở làm việc; nâng cấp một số chợ nông thôn.
Giá trị sản xuất CN – TTCN- XD đạt 308,7 tỷ đồng.
2.5.3.3. Thương mại – Dịch vụ.
Thương mại – Dịch vụ đang từng bước phát triển. Yên Thành là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh sớm thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi HTX nông nghiệp. Các HTX sau khi chuyển đổi, thành lập đều hoạt động có hiệu quả. Trên địa bàn huyện hiện có hơn 3000 hộ kinh doanh buôn bán, trong đó có 60 hộ kinh doanh lớn. Tổng mức bán lẻ và dịch vụ xã hội tăng bình quân 10,9%. Bước đầu có sản phẩm tham gia xuất khẩu nông nghiệp như tinh bột sắn, lạc… Các hoạt động dịch vụ vận tải tăng khá, hàng hóa luân chuyển tăng bình quân 12%/năm. Dịch vụ bưu chính viễn thông tăng bình quân 30%, số máy điện thoại đạt 3 máy/100 dân.
2.5.4. Dân số, lao động , việc làm và thu nhập.
Đến năm 2006 dân số toàn huyện có 272426 người, tương đương 61029 hộ. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 1,04%/ năm. Quy mô hộ khoảng 4,5 người/hộ. Dân cư phân bố không đều giữa các xã.
- Xã có mật độ dân số cao là Thị Trấn 1665 người/km 2, xã Hoa Thành 1562 người/km2 , xã Hợp Thành 1355 người/km2
- Xã có mật độ dân số thấp là Lăng Thành 148 người/km2, xã Kim Thành 158 người/km2 , xã Thịnh Thành 205 người/km2 .
Nhìn chung dân số của huyện tập trung chủ yếu ở các xã dọc theo quốc lộ 7 và tỉnh lộ 538.
Phân bố dân cư huyện Yên Thành năm 2006
Tên xã Dân số (người) Mật độ dân số( người/km2)
Toàn huyện 272426 497
Thị trấn 4372 1665
Hoa Thành 4710 1355
Hợp Thành 6692 1562
Hồng Thành 6118 1212
Khánh Thành 6515 1187
Nam Thành 6366 974
Phú Thành 7230 1080
Liên Thành 7225 930
Trung Thành 5742 727
Thọ Thành 8338 1045
Đại Thành 3153 391
Lý Thành 3730 460
Tăng Thành 6158 747
Viên Thành 7066 809
Bảo Thành 7007 764
Nhân Thành 8442 893
Long Thành 9129 946
Văn Thành 8958 899
Đô Thành 13746 1306
Bắc Thành 5968 547
Vĩnh Thành 7665 936
Công Thành 10993 887
Xuân Thành 7774 596
Đức Thành 8435 586
Sơn Thành 7274 482
Mỹ Thành 8371 537
Phúc Thành 10108 634
Tây Thành 6646 334
Quang Thành 6849 314
Hậu Thành 10589 455
Kim Thành 3723 156
Minh Thành 5313 218
Tân Thành 8895 348
Thịnh Thành 5912 205
Đồng Thành 7794 253
Lăng Thành 7300 148
Mã Thành 12120 234
Hiện có 25/37 xã có số dân theo đạo Thiên chúa, chiếm khoảng 12,80%
dân số của huyện. Lực lượng lao động trong độ tuổi là 124869 người (chiếm 45,84 % dân số), trong đó:
+ Lao động Nông - Lâm - Ngư nghiệp chiếm 71,95%.
+ Lao động Công nghiệp - Xây dựng chiếm 9,7%.
+ Lao động Dịch vụ - Thương mại chiếm 10,35 %
Công tác giải quyết việc làm cho người lao động trong thời gian qua cũng đã thu hút được lực lượng khoảng 9000 lao động cho các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, 25000 người đi lao động ở các địa phương khác và đi xuất khẩu lao động nước ở ngoài
Thu nhập bình quân đầu người năm 2006 đạt 4,5 triệu đồng/năm.
2.5.5. Thực trạng phát triển đô thị và các khu dân cư nông thôn.
2.5.5.1. Thực trạng phát triển Thị trấn Yên Thành.
Thị trấn Yên Thành được thành lập từ năm 1986 trên cơ sở chia tách và sát nhập hai vùng dân cư và đất sản xuất nông nghiệp của hai xã Hoa Thành và Tăng Thành. Nằm trong khu được bao quanh bởi hệ thống kênh chính, kênh N8 và sông Dinh đồng thời có trục đường 538 nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 7 chạy qua địa bàn. Có điều kiện thuận lợi về thủy văn, ít bị lũ lụt, địa chất phù hợp cho các công trình xây dựng cao tầng
Thị trấn có quy mô diện tích tự nhiên 262,55 ha, trong đó đất nông nghiệp là 118,94 ha (chiếm 45,30% tổng diện tích), đất phi nông nghiệp là 140,41 ha (chiếm 53,48%). Dân số thị trấn hiện có 4372 người với mật độ 1665 người/km2, phân bố chủ yếu về phía bắc và dọc đường 538.
Tỷ trọng các ngành kinh tế như sau: Nông nghiệp - Thủy sản: 33%;
TTCN-XD: 23,7%; Thương mại- dịch vụ: 43,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5,1 triệu đồng/năm.
Có vị trí địa lý tương đối bằng phẳng, thuận tiện cho việc bố trí các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế theo hướng dịch vụ thương mại. Tuy nhiên so với các thị trấn của các huyện trong khu vực như Thị trấn Diễn Châu, Thị trấn Đô Lương và Thị trấn Quỳnh Lưu còn có nhiều hạn chế cả về mặt quy mô diện tích cũng như khả năng phát triển kinh tế.
2.5.5.2. Thực trạng phát triển các khu dân cư nông thôn
Đối với các xã vùng đồng bằng dân cư bố trí chủ yếu theo các tuyến giao thông và khu vực địa thế tương đối cao so với đất sản xuất nông nghiệp, thuận tiện cho việc làm nhà và sinh hoạt. Đối với các xã vùng bán sơn địa dân cư bố trí chủ yếu ở các vùng vàn bằng dưới chân núi và các tuyến giao thông.
Các công trình giao thông liên xã, liên xóm chủ yếu là đường đất, số tuyến được bê tông hóa ít, mặt đường hẹp. Hệ thống kênh tưới tiêu cơ bản đã được bê tông hóa và đảm bảo cho sản xuất. Các công trình công cộng khác phục vụ cho việc sinh hoạt cộng đồng nhiều nơi vẫn chưa được đầu tư xây dựng.
Cho đến nay cơ bản các xã đều có mô hình sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ.. Tuy nhiên sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn mang tính chất của các hộ gia đình, chưa có tính tập trung, quy mô lớn tạo nên thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm. Một số cụm dân cư phát triển theo mô hình thị tứ.
Những năm gần đây nhờ đầu tư thâm canh tăng vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng lương thực đạt hiệu quả cao, đồng thời thu nhập của lực lượng lao động ở các tỉnh ngoài và xuất khẩu lao động đầu tư về gia đình nên đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện đáng kể.
2.5.6. Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội
2.5.6.1. Giao thông
Mạng lưới giao thông của huyện chủ yếu là giao thông đường bộ. Các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn huyện đã được nâng cấp và mở rộng. Trên địa bàn huyện có 01 tuyến quốc lộ và 02 tỉnh lộ dài 39 km, đường huyện có 14 tuyến với tổng chiều dài 228 km, đường xã có 266 tuyến với tổng chiều dài 581 km và đường thôn xóm dài 597 km.
Với phong trào nhà nước và nhân dân cùng làm, số km đường được bê tông hóa hàng năm ngày càng tăng, là huyện có phong trào làm giao thông nông thôn khá của tỉnh. Trong tổng số 1612 km có 515,84 km đường nhựa, bê tông, cấp phối và 1096,16 km là đường đất. Cơ bản các tuyến giao thông đã đảm bảo cho ô tô vào đến tận trung tâm xóm. Tuy nhiên nền đường còn hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển cho hiện tại cũng như tương lai.
2.5.6.2. Thủy lợi.
Hệ thống kênh mương tưới, tiêu cũng như hồ, đập của huyện đến nay đã có hơn 70% cơ bản đã được bê tông hóa đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Trong những năm gần đây hệ thống thủy nông Bắc được Nhà nước đầu tư phục vụ tưới cho 23 xã. Toàn huyện hiện có 6 hồ đập trung và 202 hồ đập nhỏ có khả năng tưới cho trên 3000 ha, có 28 trạm bơm có khả năng tưới cho 600 ha. Tổng diện tích chủ động tưới khoảng 12000 ha.
Tuy nhiên vùng bán sơn địa nguồn nước chủ yếu từ các khe suối nhỏ chảy từ vùng núi phía giáp Tân Kỳ và Quỳnh Lưu nhưng thường không giữ được nước, mùa mưa tràn về dễ gây lũ lụt, mùa khô thường bị khô hạn.
2.5.6.3. Giáo dục - đào tạo.
Mạng lưới giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập, mở rộng quy mô và đa dạng hóa các loại hình trường lớp. Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý được tăng cường chuẩn hóa, chú trọng chất lượng giáo dục thực chất. Phổ cập tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2002, phổ cập THCS vào năm 2004. Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT đạt 72%, thành lập thêm 1 phân hiệu và 2 trường THPT. Tỷ lệ học sinh giỏi và giáo viên dạy giỏi năm sau cao hơn năm trước. Toàn huyện có 31 trường đạt chuẩn quốc gia, toàn huyện có 5 trung tâm học tập cộng đồng.
2.5.6.4. Y tế:
Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân từng bước được quan tâm . Các chương trình y tế Quốc gia, các dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục được triển khai và phát huy có hiệu quả. Tỷ lệ giường bệnh và tỷ lệ y, bác sỹ ngày càng đươc nâng lên. Các cơ sở hạ tầng từ trung tâm y tế đến phòng khám đa khoa khu vực và một sô trạm y tế tiếp tục được xây dựng, duy tu bảo dưỡng nâng cấp. Bệnh viện đa khoa hiện có cơ sở hạ tầng tương đối khang trang, 30%
trạm y tế có cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc gia. Tổng số giường bệnh tại bệnh viện đa khoa và phòng khám khu vực là 150 giường. Công tác đào tạo cán bộ để nâng cao chất lượng chuyên môn ngày càng quan tâm, cho đến nay huyện có 11 cán bộ có trình độ chuyên môn sau đại học, 64 cán bộ có trình độ đại học và gần 300 cán bộ y tá , hộ lý
2.5.6.5. Văn hóa, thể dục, thể thao.
Công tác văn hóa thông tin thể dục thể thao thường xuyên được quan tâm đầu tư trên hầu hết các mặt đời sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, trường học và 100% xã, thị trấn.
Phong trào xây dựng làng, cơ quan, đơn vị, gia đình văn hóa được mọi tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện với kết quả toàn huyện có 82% gia đình, 22,7% làng, 40,5% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Thực hiện tốt việc bảo tồn, khai thác giá trị của các di tích lịch sử văn hóa. Công tác thông tin tuyên truyền cũng được phát triển và chú trọng, thường xuyên cập nhật những thông tin mới. 35/37 xã có bưu điện văn hóa, 27/37 xã có hệ thống truyền thanh. Có 448/448 xóm xây dựng được hương ước làng và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Có 24 % dân số thường xuyên luyện tập thể dục thể thao. Là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh triển khai thực hiện đề án thiết chế văn hóa thể dục thể thao thông tin đồng bộ.
2.5.7. Đánh giá chung về thực trạng phát triển kinh tế xã hội.
Huyện có tiềm năng đất đai phù hợp với phát triển cây lương thực, cây công nghiệp, cây nguyên liệu. Những năm gần đây việc đầu tư phát triển các vùng cây nguyên liệu mía, dứa, sắn và đưa các mô hình chăn nuôi như nuôi cá rô phi, cá chép lai, bò lai sin theo hướng hàng hóa góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của huyện. Bước đầu đã tạo đà chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, vượt lên mọi khó khăn về điều kiện kinh tế xã hội của một huyện thuần nông đồng thời áp dụng kịp thời một số thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhất là về giống cây trồng, vật nuôi. Cùng với phát triển kinh tế đầu tư phát triển cơ hạ tầng cũng tăng nhanh như hệ thống giao thông, các công trình thủy lợi, cơ sở giáo dục, y tế , từng bước xây dựng hoàn thiện đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho đại bộ phận nhân dân trên địa bàn. Đời sống văn hóa xã hội cũng được nâng lên và có nhiều tiến bộ, chất lượng cao hơn trước, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Quốc phòng an ninh được giữ vững.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế:
- Kinh tế phát triển chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa xứng với tiềm năng,tăng trưởng kinh tế còn thấp so với các huyện trong vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, nền kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu
- Phát triển các vùng nguyên liệu còn manh mún, tốc độ chậm so với tiềm năng và thị trường tiêu thụ. Việc khai thác kinh tế vùng đồi, bán sơn địa phía tây chưa có hiệu quả.
- Là huyện đồng bằng bán sơn địa, nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, xuất phát điểm về kinh tế, cơ sở hạ tầng, dân trí thấp. Không có cơ sở công nghiệp quy mô và giá trị sản xuất hàng hóa lớn trên địa bàn, thị trường nông sản có lúc bế tắc. Cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu. Mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp
- Chất lượng giáo dục toàn diện chưa cao, chưa quan tâm đến hướng nghiệp đào tạo nghề. Cơ cấu lao động chưa có bước chuyển dịch đáng kể, tay nghề của người lao động còn thấp, lao động thiếu việc làm thường xuyên còn nhiều.
- Giao thông nội huyện chất lượng thấp, hệ thống điện chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Hồ đập chưa đựơc tu bổ thường xuyên, hệ thống tiêu thiếu đồng bộ còn gây ngập úng trên diện rộng. Các công trình văn hóa chưa được đầu tư tương xứng.