CHƯƠNG 3: DỰ BÁO TÁC ĐỘNG XẤU ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG CÓ THỂ XẢY RA KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN
3.5. Đánh giá sự phù hợp giữa quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và
3.5.1. Sự phù hợp giữa quan điểm, mục tiêu phát triển với quan điểm, mục tiêu bảo vệ môi trường
Huyện Yên Thành đưa ra quan điểm trong việc sử dụng đất nhằm kết hợp giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu bảo vệ môi trường như sau:
- Khai thác sử dụng đất theo hướng giải phóng được năng lực sản xuất của các ngành kinh tế - xã hội nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ưu tiên phân bổ đất đai cho các ngành, kinh tế mũi nhọn, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn.
- Khai thác triệt để, sử dụng tối đa quỹ đất đai cho các mục đích sử dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch theo quy hoạch và kế hoạch.
- Từng bước phân bổ quỹ đất phù hợp đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội qua các thời kỳ của huyện, tạo cơ sở vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Duy trì, bảo vệ nghiêm ngặt trạng thái rừng hiện có. Khoanh nuôi trồng rừng kết hợp trồng cây lâu năm để đạt tỷ lệ tán che cao nhất.
- Trong sử dụng đất nông nghiệp: Duy trì đất sản xuất lương thực đủ để đảm bảo an toàn lương thực ở mức tối thiểu, đó là đất lúa nước thuận lợi cho đầu tư thâm canh, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích đất trồng các vùng cây nguyên liệu, trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
- Trong cơ cấu sử dụng đất chung, dành một tỷ lệ thích đáng và hợp lý cho các mục đích chuyên dùng, ưu tiên phát triển tiểu thủ công nghiệp, hình thành các cụm tiểu thủ công nghiệp để thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng cường cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành, các lĩnh vực hiệu quả và ổn định.
- Sử dụng đất chuyên dùng, đất ở cần triệt để tiết kiệm, sử dụng các loại đất này vừa là căn cứ vào điều kiện thực tế và các yêu cầu trước mắt vừa phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển về lâu dài theo xu hướng tăng dần các tiêu chuẩn về chất lượng môi trường và nâng cao mức sống của nhân dân.
- Gắn khai thác sử dụng với nhiệm vụ tái tạo làm tăng độ phì cho đất, chống suy thoái đất, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường đảm bảo sử dụng đất bền vững lâu dài..
Ngoài ra việc khai thác sử dụng đất phải đảm bảo vấn đề quốc phòng an ninh, quán triệt phương châm phát triển kinh tế với quốc phòng, tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
3.5.2. Các mục tiêu môi trường và các giải pháp thực hiện phù hợp với các quy định pháp luật của Nhà nước, phù hợp với chiến lược và kế hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
a. Các định hướng và mục tiêu về môi trường
- Bảo vệ chất lượng nước, không khí, đất; bảo vệ môi trường khu du lịch;
bảo vệ môi trường đô thị.
- Phủ xanh cơ bản đất trống, đồi núi trọc; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và chất lượng của độ che phủ.
- Đảm bảo môi trường sạch cho cả khu vực đô thị và nông thôn: 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 80% rác thải được thu gom, xử lý trong giai đoạn đến năm 2010 và nâng tỷ lệ này lên 95-100% vào năm 2020.
b. Định hướng về các nội dung thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tổng thể
+ Tăng cường thanh tra, giám sát các nguồn thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, du lịch, thực hiện kiểm toán môi trường đối với các dự án đã hoạt động để đánh giá hiệu quả công nghệ sản xuất, hiệu quả của hệ thống xử lý chất thải. Đẩy mạnh việc giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường.
+ Áp dụng thu phí bảo vệ môi trường và các biện pháp hành chính khác đối với các nhà máy thải ra môi trường khối lượng lớn khí thải, nước thải, chất thải rắn.
+ Thực hiện việc phân vùng môi trường để có những biện pháp quản lý và sử dụng phù hợp.
+ Xây dựng kế hoạch dự phòng, xử lý khi có sự cố môi trường.
Các nội dung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường được đề ra ở trên cũng đã phản ánh sự phù hợp với:
- Nội dung và nhiệm vụ cơ bản về bảo vệ môi trường được đề ra trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia với các hướng như sau:
+ Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm;
+ Khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường nghiêm trọng;
+ Bảo vệ và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên + Bảo vệ và cải thiện môi trường các khu vực trọng điểm
+ Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
- Nội dung của quyết định số 64/2003/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, lập kế hoạch xử lý triệt để hoặc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
- Nội dung của Nghị định số 67/2003/ NĐ- CP về việc quy định thu phí nước thải cơ sở sản xuất
3.5.3. Dự báo những tác động của các quan điểm, mục tiêu quy hoạch đến quan điểm, mục tiêu bảo vệ môi trường
Quan điểm, mục tiêu của quy hoạch tổng thể là đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đồng thời đảm bảo các mục tiêu bảo vệ môi trường.
- Tác động do tăng trưởng kinh tế
Một trong những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hôi của huyện Yên Thành là giảm tỷ trọng phát triển nông nghiệp, tăng tỷ trọng phát triển dịch vụ, công nghiệp thương mại
Thực tế trong 5 năm gần đây tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 65% xuống còn 58,8%; Công nghiệp Xây dựng – Dịch vụ – Thương mại tăng 35 % lên 41,2%.
Như vậy, mục tiêu phát triển có thể có những tác động đến khu vực nông- lâm- ngư, đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu để tổ chức sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, việc phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông – lâm – ngư ngiệp sẽ gây nhiều tác động lớn đến môi trường do chất thải với quy mô và phạm vi lớn hơn.
Do nhu cầu lực lượng lao động thuộc lĩnh vực nông – lâm – thuỷ sản giảm mạnh nên sẽ có một lực lượng lớn lao động nông thôn cần phải đào tạo, dạy nghề, đảm bảo chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ trong các ngành công nghiệp, dịch vụ. Như vậy, trong quy hoạch phát triển KTXH cần cụ thể hoá vấn đề phân bổ lực lượng lao động, đề xuất những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cụ thể.
- Tác động do phát triển công nghiệp
Hiện nay, việc phát triển công nghiệp của huyện Yên Thành chưa mang tính tổng thể, việc đầu tư còn manh mún và không đồng bộ. Các doanh nghiệp đầu tư tại đây phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nguồn vốn hạn hẹp nên phần kinh phí dành cho xử lý môi trường là hết sức hạn chế. Trong các giải pháp thực hiện Quy hoạch được đề ra vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tuy có được đề cập, nhưng chưa cụ thể, thiếu những tiêu chí cho các giải pháp, vì vậy vấn đề xử lý ô nhiễm cũng chỉ mang tính chung chung, hình thức. Khâu quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm của các cơ sở công nghiệp là xử lý ngay tại nguồn.
Cần có các chính sách, ưu tiên cho sự phát triển các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, cụ thể: xử phạt các doanh nghiệp không đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có hệ thống xử lý chất thải; đối với các doanh nghiệp sản xuất không tuân thủ theo luật môi trường hoặc có lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường lớn thì cần phải có biện pháp cưỡng chế hoặc đình chỉ hoạt động.
Để hạn chế các tác động xấu về môi trường cần lựa chọn các công nghệ tiên tiến khi đầu tư sản xuất công nghiệp, đồng thời lựa chọn các loại hình sản xuất phù hợp để đầu tư.
Đối với vấn đề khí thải tốt nhất là phải xử lý ngay tại nguồn thải trước khi thải ra môi trường bằng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đảm bảo được tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường.
Chiến lược phát triển các khu công nghiệp tập trung, các khu đô thị cần có mối liên kết chặt chẽ với hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thu gom, xử lý chất thải.
Tránh tình trạng đô thị phát triển quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng được xây dựng quá yếu kém, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường . Cần có chính sách cụ thể phát triển ưu tiên các công nghệ sạch và các cơ sở sản xuất có đi kèm với việc xử lý chất thải.
Đối với môi trường đô thị, vấn đề ô nhiễm do bụi giao thông cũng cần phải được đặt ra trong các phương án bảo vệ môi trường như: cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, dùng các nhiên liệu ít ô nhiễm môi trường.
Tác động do nhận thức của các cấp, các ngành về môi trường còn nhiều bất cập;thiếu đồng bộ giữa mục tiêu phát triển và năng lực quản lý
Nhận thức về bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập đặc biệt là trước khi có luật bảo vệ môi trường ra đời (năm 1993). Hầu hết các hoạt động phát triển, các quy hoạch đều không tính đến yếu tố môi trường mà chỉ tính đến lợi ích về kinh tế.
Từ năm 1993 đến năm 2005, mặc dù nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành có cải thiện nhưng nhìn chung vẫn chưa đồng bộ và đáp ứng được yêu cầu thực tế về bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, một số nhà máy xí nghiệp như Nhà máy sản xuất tinh bột sắn, Nhà máy đường... đã được bố trí không hợp lý, gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường mới được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sau khi luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 có hiệu lực. Không chỉ các nhà quản lý mà cả những người dân đều nhận thấy rằng bảo vệ môi trường sống là vấn đề quan trọng.
Mặc dù vậy, mục tiêu phát triển và năng lực quản lý vẫn còn thiếu đồng bộ. Hiện nay, biên chế về quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Yên Thành còn chưa có. Các cán bộ phụ trách về lĩnh vực đất đai còn kiêm nhiệm trong quản lý về bảo vệ môi trường. Cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường không có chuyên môn về bảo vệ môi trường trong khi đó, nhiệm vụ được giao theo luật Bảo vệ Môi trường đối với cấp huyện là rất lớn. Năng lực quản lý về bảo vệ môi trường tại huyện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Vì vậy, nhất thiết phải đầu tư, tuyển dụng các cán bộ có trình độ chuyên môn về bảo vệ môi trường làm việc tại huyện và các xã của huyện.